Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Người đàn ông của mùa thu

Thứ Sáu, 31/08/2018, 16:16
Cứ vào độ thu sang, "người đàn ông của mùa thu" Hồng Thanh Quang lại trình làng một sự kiện văn học nghệ thuật đậm chất thi sĩ, mãn nhãn người thưởng thức. Một đêm thơ nhạc mở đầu cho mùa thu, chào đón thu sang như một hạnh ngộ, một tri ân, một khấn nguyện, một niềm ơn cuộc đời đã cho thi sĩ được trọn vẹn với mối tình thiêng của mình.


Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ trước khi mở màn đêm thơ nhạc "Người đàn ông của mùa thu" diễn ra vào ngày 6-9 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhân dịp sinh nhật lần thứ 56 của anh.

- Thưa nhà thơ Hồng Thanh Quang, thường thì phụ nữ rất yêu mùa thu. Thu gợi cái gì đó nhẹ nhàng, tĩnh mịch, sâu lắng, thậm chí cô liêu. Mùa thu cũng là mùa của sầu muộn yêu đương... Làm một "người đàn ông của mùa thu "chắc là do định mệnh chọn? Hay nhà thơ còn là một lí do, niềm mê đắm khác?

+ Tôi sinh ngày 7-9-1962, tuổi Nhâm Dần, cung Xử Nữ. Mẹ tôi kể lại là sinh tôi ra vào lúc nửa đêm… Đó là những thứ mà tôi không được chọn lựa. Và sống ở trên cõi đời này đã gần 60 năm, tự nhiên bây giờ tôi mới ngộ ra được rằng mình đúng là “người đàn ông của mùa thu”, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng…

Và từ sự tự ngộ đó, tôi mới quyết định làm chương trình “Người đàn ông của mùa thu”, khi gặp nhà báo - nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, người cầm chịch ở nhóm Hát Xẩm Hà thành hồi giữa tháng 8 này, Long bảo: Lâu lắm rồi anh em mình không làm gì chung nhỉ? Em thích thơ anh lắm… Thế là tôi tặc lưỡi, thích thì làm thôi. Và chúng tôi đã cùng khởi sự cộng tác với nhau.

- Chương trình "Người đàn ông của mùa thu" lần này chủ đạo nghệ thuật là trình diễn thơ và nhạc. Một sự kết hợp không thể nào hợp lý hơn và thăng hoa hơn... nhưng thuần túy dành cho một cuộc chơi, một cách chơi, một sân chơi nhiều hơn là yếu tố kinh doanh nghệ thuật?

+ Số tôi chả bao giờ buôn bán được gì. Nếu có buôn thì cũng chỉ lỗ, mặc dù tôi sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Đào, Hà Nội. Đây đơn giản là một cuộc chơi nghệ thuật của những tâm hồn đồng điệu. Để chia sẻ buồn vui, để cùng nhau nhận thức lại những gì đã trải nghiệm, như một kiểu sạc lại năng lượng từ quá khứ để đi vào tương lai.

Tôi nhớ, nhà thơ Huy Cận trước đây trong một cuộc gặp, đã nói với tôi rằng, nghệ thuật như tiếng gọi bầy. Nhìn từ góc độ ấy, chương trình thơ nhạc “Người đàn ông của mùa thu” cũng là một tiếng gọi bầy, cho những tri âm tri kỷ, những “cùng một lứa bên trời lận đận” như câu thơ của Bạch Cư Dị trong bài “Tỳ bà hành”.

- Hồng Thanh Quang lãng tử, hay anh giàu có đến độ chơi thơ, hát thơ, hát nhạc mà không phải quan tâm đến giá cả thưởng thức đắt đỏ của thị trường nghệ thuật cho một cuộc chơi tử tế như anh đã từng?

+ Tôi chưa bao giờ có nhiều tiền cả, và có lẽ trong tương lai lại càng không thể có nhiều tiền. Nhưng ngay từ lúc còn là hạ sĩ thì tôi cũng đã sống xởi lởi với cuộc đời, với bạn bè rồi, dù chỉ có mức phụ cấp rất hữu hạn. Và cuộc đời, và bạn bè luôn đối xử tốt với tôi, một cách hào phóng. Gia đình tôi cũng luôn cố gắng chu toàn với tôi, lúc bé là mẹ, bây giờ là vợ, ai cũng lo cho tôi…

Có lẽ vì có tôi thì mọi người cũng cảm thấy vui hơn với công việc của họ… Việc của tôi là làm thơ và chơi thơ… Tất nhiên, tôi trong suốt đời mình lúc nào cũng cố gắng hoàn thành một cách tốt nhất những bổn phận gia đình và xã hội của mình.

Hồi tôi mới 10 tuổi, tôi có đọc một bài thơ của nhà thơ Nguyễn Hải Trừng, viết đâu đó cuối những năm 50 ở Hà Nội, trong đó có những câu (tôi đọc lại theo trí nhớ từ bé thôi): “Giá vàng trên thị trường bao nhiêu/ Người yêu anh không cần biết/ Mà chỉ cần biết/ Bao nhiêu thơ truyện đã ra đời…”.

Tôi luôn là người yêu của những người yêu tôi, và tôi cũng không bao giờ cần phải biết “giá vàng trên thị trường bao nhiêu”. Và nói thực, bây giờ thì tôi cũng không quan tâm tới việc “bao nhiêu thơ truyện đã ra đời”. Tôi chỉ cố gắng làm việc và sống sao cho tốt nhất, vì tôi biết qua những trải nghiệm chìm nổi, một người như tôi thì ít khi bị cuộc đời phụ bạc. Các cụ nói rồi, có đức mặc sức mà ăn.

- "Người đàn ông của mùa thu" năm 2018 có gì khác biệt hơn với những mùa thu trước? Cả về cuộc đời và quan điểm về nghệ thuật thi ca?

+ Tôi luôn luôn nhất quán trong quan điểm nhân sinh và nghệ thuật. Nghệ thuật vị nhân sinh, với sự thành thực cao nhất, hồn nhiên như nhiên. Có điều, ở mỗi giai đoạn sống thì nhận thức của tôi về mọi sự lại phát triển theo những cung bậc khác nhau.

“Người đàn ông của mùa thu” sau mọi sóng gió và hạnh phúc của đời mình tiến gần hơn tới sự bình tâm và khoan dung, đau không kêu to, vui không khoa trương, biết thương yêu và thấu hiểu xung quanh hơn. Quan trọng hơn là biết tha thứ, cho cuộc đời và cho cả chính mình. Mặc dù tôi vẫn như trước đây, vẫn hay tỉnh giấc giữa đêm và suy nghĩ vân vi…

- Cụ thể anh có thể chia sẻ những khác biệt trong đêm thơ nhạc lần này? Đặc biệt là những sáng tác mới nhất mà anh sẽ mang đến cho khán giả đêm tới? Tôi khá tò mò với một chi tiết trong kịch bản ở phần sau khi nghệ sĩ Quang Long kết thúc phần trình diễn của anh, sẽ nói một số điều về thi sĩ, về mối nhân duyên, về thơ có tính nhạc và về bài thơ lạ có tên “Người đời lộng giả thành chân”?

+  Bài thơ này nảy sinh một cách tình cờ, rất ngẫu hứng khi Nguyễn Quang Long trong lúc chuẩn bị cho một chương trình thơ với tôi, nói rằng, anh viết cho em một bài theo làn điệu ca trù. Và Long giải thích cho tôi, hát theo làn điệu ca trù là thế nào. Thế là tôi ngồi viết, tự dưng nhớ đến câu “chân thiện mỹ”. Nhưng tôi cũng nhớ đến trải nghiệm của mình, những lúc phải lì đòn để làm việc tốt.

Và tôi nảy ra ý: Chân, thiện, nhẫn. Rồi tôi viết. Bây giờ tôi lấy tên bài đó bằng câu đầu tiên: “Người đời lộng giả thành chân”. Trong chương trình “Người đàn ông của mùa thu”, các nghệ sĩ sẽ biểu diễn bài này không phải theo làn điệu ca trù mà theo làn điệu quan họ. Hy vọng là khán giả sẽ có thêm một trải nghiệm cảm xúc thú vị mới.

- Bài thơ này anh viết năm 2017. Có phải sắp ở ngưỡng lục thập hoa giáp, thi sĩ ngộ ra một điều rằng, trên đời này cái còn lại cuối cùng để tồn tại với nhân gian chỉ có thể là những giá trị đích thực chứa tính thiện vĩnh hằng, và con người cũng cần phải tĩnh tâm, cũng phải khổ học, khổ luyện mới mong đón nhận được những giá trị đẹp đẽ ấy. Không có gì tự dưng mà nên cả, đúng không nhà thơ?

+ Đúng thế ạ. Chỉ có sự tử tế còn lại thôi. Tôi vẫn hay nói với các phóng viên làm việc dưới quyền tôi rằng, ở đời, làm bất cứ một công việc gì cũng như tung ra một cái boomerang, dụng cụ săn bắn của thổ dân ở xứ chuột túi. Nếu ta làm việc tốt, thì hồi âm tốt đẹp sẽ vọng lại về ta. Nếu ta làm việc không tốt, hồi âm xấu cũng sẽ vọng về ta. Mà vọng về ta là còn may, chứ không, ác giả ác báo, cái không hay sẽ vọng về con cháu ta nữa, đời cha ăn mặn đời con khát nước, mọi sự sẽ tồi tệ hơn nhiều. Thành ra, có thể mình chưa thực tốt nhưng cũng cố mà làm việc không xấu, để khỏi phải chịu hậu họa xấu.

- Một câu hỏi cuối. Người đời nói: "Lựa chọn là mất mát". Có thể như vậy không? Và anh đã từng bao giờ cảm thấy mất mát vì đã lựa chọn chưa? Tỉ dụ như lựa chọn làm "Người đàn ông suốt đời của mùa thu" vậy?

+ Có câu: ta chọn người, người chọn ta, lắm khi được cái khác xa mong chờ. Nhìn lại đời mình, tôi, một nhà thơ, sống chủ yếu theo những sự lựa chọn của đời đối với mình. Nhưng tôi cũng không có gì phải ân hận. Sự tốt thì là tốt rồi. Sự không tốt cũng cho mình những kinh nghiệm tốt…

Hồng Thanh Quang

Người đời lộng giả thành chân

Người đời lộng giả thành chân,
Ta đây chỉ muốn thực thần thái nhau...
 Trăm năm vui ít, nhiều đau...,

Trăm năm vui ít, nhiều đau...,
 Luôn luôn ta mãi trước sau lụy tình.
 Xin em, đừng khổ một mình...

 Xin em, đừng khổ một mình,
San cho nhau ánh bình minh đoạn trường.
 Không yêu thì vẫn còn thương...

 Không yêu thì vẫn còn thương,
Gập ghềnh bao nẻo, con đường thiện tâm...
 Tiếc chi phút lỡ hôn lầm...

Tiếc chi phút lỡ hôn lầm...
Ta sau bao sự không nhầm cõi duyên.
 Bình tâm mặc gió xô thuyền...

 Bình tâm mặc gió xô thuyền...
 Xá chi những lúc kim tiền lấn nhân...
Tự ta tốt hoá thiên thần...

                                 (6-2-2017)

Khai mạc 20h ngày 6-9-2018 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đêm thơ nhạc "Người đàn ông của mùa thu" do chính nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang chỉ đạo nghệ thuật, nhạc sĩ - nhà báo Nguyễn Quang Long làm tổng đạo diễn. Nhà báo Phan Đăng dẫn chương trình.

Góp mặt trong đêm thơ nhạc lần này là những gương mặt nghệ sĩ quen thuộc, họ vừa là người hâm mộ vừa là những người bạn đã đồng hành cùng nhà thơ Hồng Thanh Quang trong suốt chặng đường nghệ thuật của anh. Đó là nhạc sĩ, NSND Phạm Ngọc Khôi;NSND Thanh Hoài; NSND Thúy Mùi; NSND Quốc Anh; NSƯT Minh Vượng; NSƯT Ngọc Khang; NSƯT Diệu Hương; NSƯT Ploong Thiết; ca sĩ Tuấn Hiệp; nhạc sĩ Đỗ An; Nghệ nhân hát văn Lương Trọng Quỳnh; Nghệ sĩ hát xẩm: Mai Tuyết Hoa, Nguyễn Quang Long, Xuân Hải; các nghệ sĩ: Đình Dũng (gõ xẩm, biên tập chương trình), Thanh Cường, Hữu Duy, Tuấn Long, Phạm Trang (đàn bầu - hát xẩm), Đình Ảnh (hát), Trúc Du, Hải Đăng (đàn nhị, sáo hát văn), Trần Hậu (sáo đệm ngâm thơ và gõ xẩm)…

Hy vọng, khán giả Hà Nội sẽ có một đêm mãn nhãn thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc biệt của nhà thơ Hồng Thanh Quang khởi đón mùa thu.
Như Bình (thực hiện)
.
.