So dây văn học sử

Thứ Năm, 01/10/2020, 15:37
Đó là cuốn “Nghiên cứu Văn học sử với Hoa Bằng qua Tạp chí Tri Tân” của Tiến sĩ Nguyễn Phúc An vừa được Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ phát hành (2020).


Một nhà Hán học uy tín

Hoa Bằng - Hoàng Thúc Trâm (1902 – 1977) là một học giả uyên thâm. Điều này đã được các nhà nghiên cứu đương thời với ông khẳng định. Qua các trước tác của ông để lại càng chứng minh nhận định nêu trên hoàn toàn chính xác.

Nơi bút lực của Hoa Bằng thể hiện rõ nhất là trên mặt báo và tạp chí khoa học. Sau này, bạn đọc biết đến Hoa Bằng qua các tiểu luận trình bày trên Tập san “Văn Sử Địa” và Tạp chí “Nghiên cứu Lịch sử”. 

Tiến sĩ Nguyễn Phúc An.
Tiêu biểu như: “Khảo luận về truyện Thạch Sanh” (Văn Sử Địa, số 16, tháng 4-1956); “Lược khảo về đê điều qua các triều đại” (Văn Sử Địa, số 31, tháng 8-1958); “Vài nét sơ bộ nhận định về Việt sử thông giám cương mục” (Nghiên cứu Lịch sử, số 67, tháng 10-1964); “Nguyễn Hữu Cầu với cuộc khởi nghĩa nông dân giữa thế kỷ XVIII” (Nghiên cứu Lịch sử, số 75, tháng 6-1965); “Góp ý với ông bạn Trần Văn Giáp về bài Nguồn gốc của chữ Nôm” (Nghiên cứu Lịch sử, số 140, tháng 9-1971)…

Từ năm 1956, khi công tác ở Viện Sử học, rồi Ban Hán Nôm (nay là Viện Nghiên cứu Hán Nôm – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) ông tham gia biên soạn “Từ điển Tiếng Việt” (Văn Tân chủ biên), dịch và chú thích các bộ “Việt sử thông giám Cương mục”, “Lịch triều tạp kỷ”, “Lê quý kỷ sự”, “An Nam chí lược”, “Đại Nam thực lục”…

Còn trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Hoa Bằng viết rất nhiều cho tuần báo Tân văn, báo Thế giới Tân văn (Sài Gòn), Tạp chí Tri Tân và Tạp chí Thanh Nghị (Hà Nội). Có thể thấy, ngòi bút Hoa Bằng tung hoành trên mặt báo cả trong Nam lẫn ngoài Bắc.

Tạp chí Văn học số 2 năm 1977 viết: “Nhà nghiên cứu Hoa Bằng đã dịch, chú giải và hiệu đính nhiều tác phẩm cổ văn như: “Khảo luận truyện Thạch Sanh”, “Lê quý kỷ sự”, “Lịch triều tạp kỷ”… và cũng tham gia dịch các bộ “Việt sử thông giám Cương mục”, “Đại Nam thực lục”… là một nhà Hán học có uy tín, cụ đã công bố nhiều bản dịch đáng tin cậy, góp phần giới thiệu với bạn đọc vốn di sản văn học cổ truyền của dân tộc ta. Là một nhà văn bản học có phương pháp làm việc nghiêm túc, cụ đã phát hiện được nhiều tài liệu quý giá còn lẩn khuất đó đây, cũng như đã đính chính nhiều sai lầm trong công tác tư liệu văn học và sử học”.

Một đặc điểm quan trọng trong cuộc đời ông, đó là, với tầm hiểu biết của một nhà nghiên cứu lịch sử văn học, Hoa Bằng có nhiều bài đăng thường xuyên trên Tạp chí Tri Tân, nhưng hồi ấy ông không chú tâm sưu tập in thành sách.

Tạp chí Tri Tân tồn tại trong 6 năm, từ số 1 ra ngày 3/6/1941 đến số cuối cùng ra ngày 16/7/1946, tổng cộng 214 số, trong đó, loại cũ là 212 số và 2 số loại mới. Chủ nhiệm là Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng (1899 – 1973). Quản lý là Dương Tụ Quán (1901 – 1969) từ số 1 đến số 100. Sau đó, Nguyễn Tường Phượng kiêm luôn Quản lý cho đến số cuối cùng.

Nếu so với 17 năm tồn tại của Tạp chí Nam Phong (1917 – 1934) thì Tạp chí Tri Tân chỉ bằng 1/3 năm tháng. Nếu so với Tạp chí Nam Phong thì Tạp chí Tri Tân tư liệu bài vở không phong phú bằng. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhà nghiên cứu văn học sử Bằng Giang thì Tri Tân lại “có tính cách chuyên môn và có nhiều giá trị văn học, sử học đáng bảo tồn” (Bằng Giang: Những mảnh vụn văn học sử. Chân Lưu xuất bản, Sài Gòn, 1974, in lần thứ nhất, tr. 210).

So dây văn học sử

“Nghiên cứu Văn học sử với Hoa Bằng qua Tạp chí Tri Tân” của Tiến sĩ Nguyễn Phúc An đã đưa Hoa Bằng trở lại với bạn đọc hôm nay gương mặt của nhà nghiên cứu trên tư cách một tác gia nghiên cứu Văn học sử. Ban đầu không có đường, nhiều người đi thì sẽ thành đường. 

Nguyễn Phúc An đã đặt viên đá đầu tiên trong việc nghiên cứu một tác gia riêng biệt trên Tạp chí Tri Tân qua trước tác của chính họ. Từ đây, sẽ mở ra những nghiên cứu khác trong tương lai. Còn giong buồm ra khơi xa hay ở trong vịnh, đi men theo ven bờ là tùy nội lực nghiên cứu của mỗi cá nhân…

Sách “Nghiên cứu Văn học sử với Hoa Bằng qua Tạp chí Tri Tân” của Tiến sĩ Nguyễn Phúc An.

Bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ “Nghiên cứu tác phẩm Ngự chế Việt sử tổng vịnh của vua Tự Đức” tại Đại học quốc lập Thành Công – Đài Loan (NCKU) năm 2019, Nguyễn Phúc An thông thạo chữ Hán cổ nên anh có nhiều thuận lợi trong việc nghiên cứu và hiệu đính các tài liệu về Văn học sử Việt Nam, nhất là những tác phẩm được Hoa Bằng - Hoàng Thúc Trâm viết trên Tri Tân trong “Thử viết Việt Nam văn học sử”.

Không chỉ vậy, Nguyễn Phúc An còn đính chính và bổ chú cho những nội dung thiếu sót và khiếm khuyết như tác giả bài thơ “Trời thu đất khách” là Hoa Đường (tức Phạm Quỳnh) chứ không phải Hoa Bằng như Hồng Nhuệ - Nguyễn Khắc Xuyên đã nhầm trong “Mục lục phân tích Tạp chí Tri Tân”. Nhất là, Hồng Nhuệ - Nguyễn Khắc Xuyên đã nhầm khi phân chia “Thử viết VIÊåT NAM VĂN HỌC SỬ” và “VIÊåT NAM VĂN HỌC SỬ”, kỳ thực đó chỉ là một: “Thử viết Việt Nam văn học sử”.

Hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Phúc An đang hoàn thành bản thảo cuốn sách thứ hai chia loại và phân tích 209 bài viết của Hoa Bằng trên Tạp chí Tri Tân. Bản thảo tập hợp 209 bài viết của Hoa Bằng từ số đầu tiên (ra ngày 3/6/1941) cho đến số 191 (ra ngày 14/6/1945). Đó là “Oán tình của Lý Bạch” và “Việt Nam đã đại thắng người Anh trong trận thủy chiến” (cùng số 1, Tạp chí Tri Tân, ra ngày 3/6/1941) đến “Nhà quê” (số 191). Cụ thể là 170 bài viết dùng bút danh Hoa Bằng và 39 bài viết mang bút danh Song Cối.

“Thử viết Việt Nam văn học sử” kéo dài 31 kỳ, với 6 chương, 45 tiết, dừng lại ở văn học đời nhà Trần – vua Trần Nhân Tông (1279 – 1293). Đây là một trong những tác phẩm đi tiên phong trong việc nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20. Tác giả đã sử dụng phương pháp giao thoa giữa phân kỳ lịch sử với phân kỳ văn học tuy chưa giới thuyết thật rõ ràng song cách làm của ông đã thể hiện khá rõ điều đó.

Qua “Thử viết Việt Nam văn học sử”, dường như Hoa Bằng muốn làm một đối sánh ngầm với Ngô Tất Tố khi “ông đầu xứ” cho ra đời hai tác phẩm “Văn học đời Lý” và “Văn học đời Trần” (Năm 2010 được người con rể cụ Ngô là ông Cao Đắc Điểm gộp in thành sách “Việt Nam văn học” – Nhà xuất bản Văn học & Trung tâm VHNN Đông Tây). 

Tất nhiên, Hoa Bằng - Hoàng Thúc Trâm vượt lên không chỉ giới thiệu các tác gia, tác phẩm văn học như Ngô Tất Tố, mà còn bàn về đặc điểm văn học Việt Nam, định nghĩa và thuyết minh về phong dao tục ngữ, bàn về tiếng Việt và về lai lịch chữ Hán cùng với những lối văn vần Trung Hoa thuộc trong phạm vi văn học Việt Nam. 

Cùng so dây với Hoa Bằng - Hoàng Thúc Trâm, trên Tạp chí Tri Tân, Ứng Hòe - Nguyễn Văn Tố cũng viết “Việt Nam văn học sử”. Mong rằng, tác phẩm này cũng sẽ có dịp sớm ra mắt bạn đọc.

Tiến sĩ Nguyễn Phúc An sinh năm 1984 tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Đại học quốc lập Thành Công – Đài Loan (NCKU) năm 2019, Nguyễn Phúc An thông thạo chữ Hán cổ nên anh có nhiều thuận lợi trong việc nghiên cứu và hiệu đính các tài liệu về Văn học sử Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Phúc An là tác giả của nhiều công trình khảo cứu đã xuất bản: Đờn ca tài tử Nam Bộ - Khảo & Luận; Cụ Phó bảng Minh Xuyên Hoàng Yến và tác phẩm Cầm học tầm nguyên; Văn học Trung đại Việt Nam nhìn từ thể loại tiểu thuyết truyền kỳ chữ Hán;…

Tạp chí Tri Tân (tên tiếng Pháp là: Revue Culturelle Hebdomadaire) là tạp chí văn hóa ra hàng tuần do những nhà trí thức Việt Nam yêu nước sáng lập. Tri Tân bao gồm số ra thường kì hàng tuần có 24 trang; và các số Chuyên san, Đặc san, số Xuân. Nội dung của Tạp chí Tri Tân chủ yếu là về lịch sử, văn hóa, xã hội và nhân văn; tên của Tạp chí Tri Tân được rút ra từ mệnh đề “ôn cố tri tân” (ôn lại cái cũ để biết cái mới).

Kiều Mai Sơn
.
.