Khi người làm văn học sử suy diễn về lịch sử

Thứ Sáu, 28/05/2010, 10:08

Văn Cao muốn "cái gì của César phải trả về cho César". Bà Thụy Khuê muốn "cái gì của César phải trả về cho César". Tôi cũng muốn "cái gì của César phải trả về cho César". Đó là lý do tôi viết bài báo này.

LTS: Sau khi Chuyên đề Văn nghệ Công an có đăng bài "Một cách lập luận đầy mâu thuẫn" của tác giả Trần Thiên Lương phản bác một số thông tin, nhận định của tác giả Thụy Khuê trong bài viết về nhạc sĩ Văn Cao tải trên trang web của RFI ngày 13/4/2010, chúng tôi đã định dừng vấn đề ở đây vì những sai lạc trong bài viết của tác giả Thụy Khuê là quá rõ. Tuy nhiên, sau khi số báo phát hành, chúng tôi đã nhận được bài viết của tác giả Kiều Văn Khải, cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, một cộng tác viên thân thiết của Báo CAND và một số cơ quan báo chí khác.

Ngoài những điều mà tác giả Trần Thiên Lương chỉ ra, bài viết của Kiều Văn Khải còn đưa thêm được những dẫn chứng xác đáng, cho thấy sự sai lạc của tác giả Thụy Khuê là trầm trọng. Cảm phục trước việc một tác giả tuổi đời còn rất trẻ (mới 26 tuổi) nhưng đã có vốn kiến thức lịch sử, văn hóa vững vàng, có cách nhìn nhận trung thực, đúng đắn, chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết này của Kiều Văn Khải và xin khép lại vấn đề ở đây.

Nghiên cứu, nhìn nhận và đánh giá lại một thời kỳ lịch sử văn học đã qua bằng con mắt khách quan, khoa học để nhận chân giá trị lịch sử là cực kỳ cần thiết đối với các nhà nghiên cứu văn học hiện nay. Tuy nhiên, đọc bài viết phần XIII trong "Hồ sơ Nhân văn Giai phẩm" của nhà nghiên cứu văn học - nhà báo Thụy Khuê đối với nhạc sĩ Văn Cao, tôi thấy cần thiết phải trao đổi lại với tác giả về một số thao tác không thể chấp nhận trong nghiên cứu và xử lý văn bản học đối với người nghiên cứu văn học sử. Sự tùy tiện không hề tra cứu đến ngọn nguồn văn bản của tác giả đã dẫn đến sự suy diễn làm méo mó lịch sử.

Bài của tác giả Thụy Khuê trên trang web của RFI.

1. "Làm báo Lao Động (bí mật). Văn Cao tự tay chép lời và nhạc Tiến quân ca vào đá (litho), in trên Lao Động số 1, tháng 11/1944" như tác giả Thụy Khuê viết là nói lấy được. Tờ báo mà "Văn Cao tự tay chép lời và nhạc Tiến quân ca vào đá (litho)" đó là tờ Độc lập - cơ quan ngôn luận của Đảng Dân chủ Việt Nam, số 1 ra tháng 11 năm 1944.

2. Tác giả Thụy Khuê viết: "Giữa tháng 9/1945, Vũ Quý bị chết trong một hoàn cảnh bí mật" cũng là suy diễn. Sự thực là, theo tài liệu của nhà nghiên cứu lịch sử Ngô Đăng Lợi, Vũ Quý hy sinh vào ngày 1 tháng 6 năm 1945, trước khi Cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra (đã có giấy chứng nhận của đồng chí Lê Đức Thọ - Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng và bằng Tổ quốc ghi công do Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký).

3. "Bài hồi ký tựa đề Bài tiến quân ca của Văn Cao trên Sông Hương năm 1987, được cắt ngắn, thành bài Tại sao tôi viết Tiến quân ca, (in trong Thiên thai, tuyển tập nhạc Văn Cao, Nxb Trẻ, 1988, in lại trong Văn Cao cuộc đời và tác phẩm, trang 86). Bản sau, đề ngày viết 7/7/76 để có vẻ như viết trước bản Sông Hương".

Không phải chỉ "có vẻ" mà chính xác là đã viết trước bản in trên Sông Hương tới 11 năm. Không tin, mời tác giả Thụy Khuê tìm lại bài "Tôi viết Tiến quân ca" của Văn Cao in trên Tạp chí Âm nhạc năm 1976 thử coi?

4. Viết "Đọc Văn Cao thì hiểu là khi lên Việt Bắc ông mới đưa tác phẩm   cho hai đồng chí Vũ Quý và Nguyễn Đình Thi" là thêm một lần suy diễn nữa. Các nhân chứng hiện nay còn sống (như cụ Phí Văn Bái, năm nay 97 tuổi, là người đưa Văn Cao sang Bát Tràng in "Tiến quân ca") cũng như tài liệu không có chỗ nào nói là "khi lên Việt Bắc ông mới đưa tác phẩm cho hai đồng chí Vũ Quý và Nguyễn Đình Thi". Trong đời Văn Cao, lên Việt Bắc lần đầu tiên đó là dịp Quốc dân Đại hội Tân Trào (8/1945), khi đó Vũ Quý đã mất, mà bản "Tiến quân ca" Văn Cao báo cáo với Vũ Quý từ tháng 10/1944 khi còn ở Hà Nội, để rồi in trên báo Độc lập số 1 tháng 11/1944 như tôi đã nói trên.

5. Nhà nghiên cứu văn học - nhà báo Thụy Khuê viết: "2/11/46 Hồ Chí Minh lập chính phủ mới, không còn tính cách liên hiệp" là một sự hồ đồ hay cố tình xuyên tạc, bóp méo?

Xin mời bà đọc "Lời Tuyên bố trước Quốc hội" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 31/10/1946, được đăng trên báo Cứu quốc, số 394, ra ngày 3/11/1946 như sau: "Lần này là lần thứ hai Quốc hội giao phó cho tôi phụ trách Chính phủ một lần nữa. Việt Nam chưa được độc lập, chưa được thống nhất thì bất kỳ Quốc hội ủy cho tôi hay cho ai cũng phải gắng mà làm. Tôi xin nhận… Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái".

Tác giả Thụy Khuê chắc chắn biết rõ, trong Chính phủ tháng 11/1946 vẫn có các ghế Bộ trưởng Bộ Cứu tế dành cho ông Chu Bá Phượng - đại biểu Việt Quốc, và Bộ trưởng không giữ bộ nào dành cho ông Bồ Xuân Luật - đại biểu Việt Cách? Hai vị cùng "dấn thân lên non theo kháng chiến" - mượn chữ dùng của nhà báo Hàm Châu. Ông Bồ Xuân Luật mãi đến năm 1994 mới mất.--PageBreak--

6. "Sau Nhân Văn, người ta vẫn không dám đối xử với tác giả Tiến quân ca như những thành viên khác của NVGP. Họ đành đưa Văn Cao vào bóng tối. Không nhắc tới. Không cho in. Không cho hát. Không cho vẽ. Trong ba mươi năm".

Thưa tác giả Thụy Khuê, vậy bà lý giải ra sao khi các ấn phẩm của báo Văn nghệ, báo Độc lập, báo Tổ quốc…, sách của các nhà xuất bản như Phụ nữ… đều có các tranh minh họa của Văn Cao?

Và tôi xin nói thêm rằng, Văn Cao vẫn viết nhạc với các ca khúc "Đường dây qua bản Mèo", "Hành khúc công nhân toa xe lửa" (còn một ca khúc viết về vùng trung du Bắc Bộ nhưng tôi không nhớ rõ).

7. Tôi đồng ý rằng: "Người viết hay nhất và đầy đủ nhất về Văn Cao là Phạm Duy", nhưng để khẳng định trong cuộc mít tinh ngày 17/8/1945 "Phạm Duy cướp micro hát Tiến quân ca lần đầu tiên và duy nhất tại Nhà Hát Lớn Hà Nội" thì e rằng quá áp đặt (mặc dù tác giả Thụy Khuê viết và dẫn "theo Văn Cao").

Vì sao tôi lại khẳng định như trên? Vì chính nhạc sĩ Phạm Duy từng đã viết: "Sau khi Nhật đầu hàng, quân đội Nhật ở Việt Nam trao trả phủ Toàn Quyền cho phủ Khâm Sai Bắc Bộ. Để tỏ ý chí bảo vệ đất nước, vào ngày 17-8, công chức Hà Nội được lệnh của vị Khâm Sai Phan Kế Toại đứng ra tổ chức một cuộc mít tinh ở trước Nhà hát Lớn Hà Nội. Cuộc mít tinh của các ông các bà công chức đang diễn tiến thì bỗng nhiên một lá cờ đỏ sao vàng rất lớn được thả từ bao lơn của Nhà hát xuống, rồi một người leo lên khán đài cướp micro để hô khẩu hiệu và hát bài Tiến quân ca của Văn Cao”. (Hồi Ký II, trang 30-31).

Nhạc sĩ Phạm Duy đã viết rất rõ ràng: "Một người leo lên khán đài cướp micro để hô khẩu hiệu và hát bài Tiến Quân Ca của Văn Cao" chứ không phải là tôi - Phạm Duy! Vậy mà tác giả Thụy Khuê cứ xưng xưng gán rằng đó là Phạm Duy.

Không dừng lại ở đấy, bà còn cố nèo thêm "Trong đoạn hồi ký trên, Phạm Duy viết ngắn và rất chi tiết, nhưng ông không hề nhắc đến vai trò của mình trong ngày 17/8/1945, chỉ ghi một người leo lên khán đài cướp micro để hô khẩu hiệu và hát bài Tiến quân ca của Văn Cao và trong cuốn hồi ký, ông cho biết những ngày ấy ông ở trong Nam. Điều đó dễ hiểu vì Phạm Duy không thể công khai nhìn nhận mình có "vai trò lịch sử trong những ngày Việt Minh cướp chính quyền".

Phạm Duy đã ở trong Nam thì làm sao biết được chuyện ngoài Hà Nội ngày 17/8/1945! Và tôi xin nhắc thêm rằng, người thả lá cờ đỏ sao vàng từ trên bao lơn Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 17/8/1945 xuống, ấy là ông Trần Lâm, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh Truyền hình, năm nay 90 tuổi. Còn người leo lên khán đài cướp micro diễn thuyết (rồi mới chuyển đến bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng) có tên là Ngô Quang Châu, Giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Văn nghệ Việt Nam (ông Châu đã mất năm 2003). Cuối cùng xin nói thêm, người hát "Tiến quân ca" đó là Phạm Đức - người đã cùng Văn Cao sang Bát Tràng cuối năm 1944 in "Tiến quân ca" lần đầu tiên trên báo Độc lập.

Văn Cao muốn "cái gì của César phải trả về cho César". Bà Thụy Khuê muốn "cái gì của César phải trả về cho César". Tôi cũng muốn "cái gì của César phải trả về cho César". Đó là lý do tôi viết bài báo này

Hà Nội, 1/5/2010

Kiều Văn Khải (Cử nhân Khoa Ngữ văn - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)
.
.