"Phu trầm" Vân Anh: Giữa đời ngậm ngải tìm trầm

Thứ Sáu, 23/10/2020, 15:27
Mãi miết lao động và sáng tạo, nhà thơ Vân Anh thực sự là nữ nhà thơ "trẻ mãi" khi bất chấp tuổi tác chị liên tục sáng tạo và cho ra những tác phẩm mới với vẹn nguyên cảm xúc nồng thắm.


Nhà thơ Vân Anh (Nguyễn Thị Vân Anh) là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chi hội phó Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An. Nhà thơ Thạch Quỳ từng có những đánh giá cao về thành công trong sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ Vân Anh. Mãi miết lao động và sáng tạo, nhà thơ Vân Anh thực sự là nữ nhà thơ "trẻ mãi" khi bất chấp tuổi tác chị liên tục sáng tạo và cho ra những tác phẩm mới với vẹn nguyên cảm xúc nồng thắm. Mới đây nhất chị vừa vừa xuất bản tập thơ “Tìm trầm”, NXB Nghệ An. Phóng viên Văn nghệ Công an đã có cuộc trao đổi cùng chị.

Nhà thơ Vân Anh.

- Thưa nhà thơ, được biết chị đến với thơ khá sớm và thơ chọn chị; chị có thể cho biết hành trình với thơ như thế nào?

+ Đúng là tôi làm thơ từ hồi còn ở Phuống, năm 1981 đã là Hội liên hiệp VHNT Nghệ An. Cho đến nay tôi đã xuất bản 11 tác phẩm thơ: “Hương thơm cỏ vắng”, (in chung, NXB Nghệ Tĩnh, 1987); “Trái muộn”, (NXB Thanh niên, 1991); “Quê với mẹ và anh”, (NXB Hội Nhà văn, 1996); “Thơ nữ Nghệ An”, (tập 1 và 2, chủ biên, NXB Nghệ An, 1999 và 2012); “Bình minh muộn” (NXB Nghệ An, 2002); “Vọng về xứ Phuống”, (NXB Hội Nhà văn, 2006); “Con sóng khát” (NXB Hội Nhà văn, 2009); “Mùi tuổi”, (NXB Nghệ An, 2015); “Tìm trầm” và “Vân Anh với 108 bài thơ tình”, (NXB Nghệ An, 2020). Ngoài ra, còn một số tác phẩm truyện ký phê bình và tiểu luận (Ước nguyện cuối cùng" (Truyện Ky ) - "Văn Nữ Nghệ An (Chủ biên) "Văn Chương và cảm nghĩ" (tập 1 & 2).

Trong quá trình sáng tác, tính đến hôm nay, tôi cũng đã được nhận nhiều giải thưởng văn chương ở địa phương: 9 giải (1 giải A - 4 giải B - 4 giải C. Và tôi cũng vinh dự được nhận 1 Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2006, tập thơ “Vọng về xứ Phuống”. Phuống, nơi chôn nhau của tôi.

 - Phuống, tên địa danh rất gợi tò mò. Chị có thể chia sẻ một chút về miền quê có tên gọi độc đáo này.

+ Đó là tên một vùng đất thuộc Thanh Chương, Nghệ An. Ý nghĩa của tên gọi xứ Phuống và nó có từ lúc nào hiện vẫn chưa ai lý giải một cách rõ ràng, thuyết phục, chỉ biết nó đã neo lại trên đất, trên bến và trong lòng người nơi đây. Không ai biết gốc tích, dẫu là trong huyền sử về Phuống. Ngay cả nghĩa đen của “Phuống” xuất phát từ tiếng Thái hay tiếng Việt; tuy nhiên, Phuống được phát hiện thật hay. Đó là nơi sông Lam “mỏi chân” nghỉ lại trước khi tiếp tục hành trình về biển, “chỗ ngồi” của Lam giang hóa bãi bồi mà thành làng.

Trong bài “Mùa tuổi” đề tặng “Dâng cha – mẹ và xứ Phuống”, tôi đã khắc họa trong thơ: “Sông Lam chạy từ thượng nguồn mỏi chân dừng nghỉ/ chỗ ngồi hóa bãi bồi làng Phuống”. Vâng, Phuống là quê hương, tôi sinh ra bên bến đò xứ Phuống, bên dòng sông Lam thuộc Thanh Giang, một miền quê thơ mộng, trên chợ dưới thuyền nơi tôi cất giấu "núm ruột thơm hương cây trái", nơi Cha "cõng tuổi thơ qua cát bỏng đời thường" , nơi "mẹ dắt con khỏa dòng Lam mát lành như sữa/ kỳ cọ bụi vô thường"... Nơi bến đò Phuống bao đời nay có "Con đò ví giặm đầy vơi/ Chở mai sau cập về nơi cội nguồn".

- So với các tác phẩm trước đây, “Tìm trầm” chị vừa ra mắt độc giả có gì khác biệt?

+ Tôi vẫn luôn tâm niệm tự làm mới để có thể phần nào đáp ứng được sứ mệnh của thi ca mà bạn đọc trao gửi. “Tìm trầm” tiếp tục đa dạng đề tài, thi pháp để có thể có tiếng nói đa thanh. “Tìm trầm” chỉ có 27 bài thơ, là sáng tác trong thời gian gần đây. Có lẽ bạn đọc yêu thơ Vân Anh vẫn nhận ra tôi trong “Tìm trầm” là tình yêu tha thiết nồng nàn và cả xa xót đối với đất nước, quê hương, nguồn cội. Là người Nghệ, tôi yêu xứ Nghệ, tự hào về Sông Lam – Ngàn Hống, vùng đất địa linh nhân kiệt, một vùng văn hóa hợp lưu giữa dân dã và bác học. Xứ Nghệ là nơi “hội tụ” linh khí trời đất. Sông Lam “đọng phù sa thái âm”, ngàn Hống “nén linh khí thái dương” mà thành. “Nếu có kiếp sau/ Ta lại về xứ Nghệ đầu thai”. Tôi yêu Nghệ nên đã “tuyên ngôn” như thế khi khép lại bài “Xứ Nghệ” mà tôi có dụng ý xếp đầu tiên tập thơ.

Tác phẩm mới của nhà thơ Vân Anh.

- Nhà thơ Thạch Quỳ, một nhà thơ tiêu biểu của xứ Nghệ đương đại từng nhận xét nhà thơ Vân Anh “là tác giả có dấu vân tay điểm chỉ vào giấy khai sinh tác phẩm. Vân tay không phải “hoa tay” theo quan điểm hình sự. Nhưng thơ, vân tay chính là hoa tay ghi đậm dấu ấn tâm hồn tác giả...”. Chị nghĩ thế nào về điều này?

+ Sự đánh giá của bạn đọc là tiêu chí quan trọng để xác định giá trị của tác phẩm. Sáng tác phải nằm trong lòng bạn đọc chứ không phải trên kệ sách. Nhà thơ chỉ có thể sống lâu trong lòng bạn đọc các thế hệ với tác phẩm của chính họ. Tôi đã suy ngẫm: "Chẳng dại dột nhận mình là thi sĩ của ngày mai/ Bởi xác tín điều này là... Độc giả tương lai". Tôi rất vui khi những nhà thơ đàn anh như cố nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Thạch Quỳ trân quý, đồng cảm và ghi nhận lao động sáng tạo của mình. Cũng xin nói thêm, hai nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Thạch Quỳ là những người cá tính trong đời sống, thông minh trong thẩm thơ, xúc cảm và nghiêm túc về nghề nghiệp.

Thiết nghĩ, thời gian sống là mặc định - Chất lượng sống là do con người tạo ra. Người thơ nếu có thể để lại “dấu vân tay” vào tác phẩm là một cơ duyên may mắn cho một đời đèo bòng với thi ca. Phong cách, ngôn ngữ, thi ảnh... có dấu ấn cá nhân là điều nhà thơ nào cũng mong muốn. Cũng chính nhà thơ Thạch Quỳ từng nói: “Thơ nằm ngoài sự hiểu biết của con người về thơ”.

- Có người nhận xét, nhà thơ Vân Anh có 2 mặt tưởng như mâu thuẫn nhưng là thống nhất. Đó là: vừa yêu đến nồng nàn, vừa cá tính, gai góc. Chị nghĩ sao về nhận xét này?

 + Quả là trên đời tri âm dễ kiếm, tri kỷ khó tìm. Đại văn hào Vonte từng nói: "Không có nước nào trên trái đất này mà ái tình không khiến kẻ đang yêu trở thành thi sĩ". Vâng, tình yêu đôi lứa luôn là nguồn thi hứng vô tận. Thi sĩ muôn đời luôn tìm cách giải mã các cung bậc về tình yêu. Bản chất của tình yêu là dâng hiến. Và ngọn lửa dâng hiến luôn thắp sáng lên những điều mới mẻ trong nhau "Ta là đêm - Ngủ say trong tấm chăn quên lãng/ Người - Sứ giả bình minh/ thức dậy sự trinh nguyên". Sự dâng hiến của tình yêu không chỉ là tình yêu đôi lứa mà là bao trùm tình yêu cuộc sống, yêu quê hương đất nước, yêu nghệ thuật, yêu khoa học... là Tình Người... Tất cả đều có giá trị đánh thức tiềm năng sáng tạo... Và sự đánh thức giá trị cao đẹp tạo nên sự phồn thực của cuộc sống tình cảm của nhân loại.

Nghệ Tĩnh là đất Đồ Nghệ, nổi tiếng uyên bác, thâm nho, khí khái. Từ xưa đến nay, nói đến Đồ Nghệ, người ta hay nghĩ “ông đồ Nghệ”. Phải có cả “bà đồ Nghệ” chứ? - Tất nhiên, trong lịch sử phong kiến, do “trọng nam khinh nữ” nên chỉ có ông đồ thôi. Là đàn bà, tôi cũng mong manh, sương khói, yếu lòng, thích được chiều chuộng, chở che; cũng hờn, cũng tủi...; nhưng, cả cuộc sống và thơ Vân Anh đều có chất “ông đồ Nghệ”. Tôi đòi chất “đồ Nghệ” cho phụ nữ đấy, bình đẳng giới mà? (Cười)... Nhưng phải là sự bình đẳng đích thực mà khởi đầu là nhu cầu tự thân do phụ nữ xác tín về sự bức thiết bình đẳng chứ không phải là thứ bình đẳng mà đàn ông ban cho.

 - Xin hỏi nhà thơ Vân Anh, trong tập thơ không có bài “Tìm trầm”? Chị muốn gửi thông điệp gì?

+ Trong đề từ của tập thơ, có hai câu lục bát: “Bóc dần vỏ bọc thời gian/ Giữa đời ngậm ngải tìm trầm. Nghĩa nhân”. Đây chính là bỏ ngỏ thông điệp: Nhân nghĩa chính là “trầm” là giá trị sống của con người. Mà mỗi con người sống trên đời là một phu trầm - Mỗi Người Thơ là một phu trầm... Rất có thể đi trọn kiếp mà không tìm được trầm. Các bạn hãy đến với “Tìm trầm” để cùng chia sẻ cùng tôi trong hành trình nỗ lực "ngậm ngải tìm trầm" không có hồi kết. Và đó là niềm hạnh phúc người thơ mong ước!

- Xin cảm ơn nhà thơ Vân Anh. Chúc chị luôn trẻ trung, giàu năng lượng sáng tạo.

Khánh Vân (thực hiện)
.
.