Phạm Quang Long và "Ba chàng ngự lâm” Văn khoa

Thứ Năm, 11/04/2019, 10:08
Gần tròn nửa thế kỷ trước, năm 1970, cậu "Tú Long" - Phạm Quang Long từ quê lúa Thái Bình lên kinh đô rón rén bước vào cổng 19 Lê Thánh Tông, trường đại học hàng đầu, một "Lômônôxốp" của Việt Nam. Phạm Quang Long đam mê Văn chương, đỗ vào khoa Ngữ văn, bắt đầu khai tâm đón nhận thành tựu sáng tạo nhân văn mênh mông của nhân loại.


Một năm trước đó, từ tuyến lửa khu Bốn xa xôi, cũng có ba cậu tú vượt cả nghìn dặm đường lên kinh ứng thí và đỗ vào thánh đường Văn chương này. Gọi “Lên kinh ứng thí” là đúng nghĩa. Vì ngày ấy, mùa thi năm 1969, Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tuyển sinh bằng cách chọn học sinh giỏi văn ở các tỉnh, gọi lên Hà Nội thi (đúng theo cách làm thuở cha ông đã lều chõng lên kinh ứng thí). May mắn cho ba cậu tú nói trên, họ đã không phải trở về khu Bốn xa xôi hiểm trở như một số thí sinh khác đã không bước qua được những bậc cấp của số nhà 19 Lê Thánh Tông danh giá.

Nửa thế kỷ qua, bốn người bạn của chúng ta đã học hành ra sao, hành nghiệp thế nào, xin nói sau. Chỉ biết, một ngày cuối xuân đầu hè này, khi mà “Thiều quang chín chục (vừa tròn) sáu mươi”  tại bán đảo Bảo Ninh (Đồng Hới) họ đã tình cờ hội ngộ trong một trại sáng tác văn chương.  Ngỡ ngàng sau 48 năm, 4 chàng trai ngày xưa là Tường - Thắng - An - Long. Những sinh viên khóa 14 của Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội gặp lại nhau sau nửa thế kỷ mưu sinh, khi đã về vườn, để kích hoạt lại niềm đam mê cho công việc mà dân gian thường nói đùa là...  công việc “giời đày”.

Từ  trái qua: Các nhà văn Phạm Quang Long, Nguyễn Đăng An, Nguyễn Thế Tường và Bùi Việt Thắng.

Thủ trại, tức là ở lại Thủ đô hành nghề “Gõ đầu sinh viên” 44 năm, Bùi Việt Thắng không chỉ truyền đạt tinh hoa văn chương nhân loại, góp phần kích hoạt “thú chơi” sang trọng cho hàng nghìn sinh viên. Ông còn tham gia vào công cuộc sáng tạo của hàng ngũ nhà văn Việt Nam bằng hàng... nghìn bài viết phê bình lý luận Văn chương vừa đúc kết vừa gợi ý, mở đường cho việc sáng tạo.

Ông quan niệm: “Làm bất cứ nghề gì cũng cần sự say mê, tình yêu nghề đắm đuối. Nghề văn hay gọi là nghề chữ cũng vậy. Nhưng, văn còn là nghiệp. Chính vì thế nếu ;làm được một cái gì đó dù rất nhỏ cũng cần đến sự hy sinh thầm lặng. Viết phê bình là tôn vinh cái đẹp của văn chương”. Bùi Việt Thắng là hiện thân của sự nghiêm cẩn và cần cù.

Gần đây ông cổ súy cho loại tiểu thuyết dung lượng vừa phải và hơi ngắn cho phù hợp với người đọc trong tiết tấu cuộc sống mới. Nhưng với riêng ông, để chỉ viết được một bài phê bình đáng đọc, ông đã từng phải đọc hết 16 tập sách “Đường thời đại” dài 8.000 trang chữ mới yên tâm viết độ mấy trăm chữ phê bình.

Trong khi nhà văn, nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng trụ lại thánh đường Văn học thì hai nhà văn Nguyễn Thế Tường và Nguyễn Đăng An như hai cánh chim bay bốn phương trời hành nghề báo chí. An làm việc nghiêm túc bao nhiêu thì Tường amatơ bấy nhiêu. An đi bốn phương trời (44 nước), trong tấm thẻ nhà báo Thông tấn xã Việt Nam thường trú năm, sáu nước thì Tường quanh quẩn ao làng với vết thương lòng và năm sáu mảnh đạn trong người, trong sọ, kết quả kỷ niệm của bốn năm “thực tập” trong quân ngũ.

An thu nạp được nhiều luồng văn hóa đông tây kim cổ thì Tường luẩn quẩn với những ký ức đời lính và cái chết bi tráng của đồng đội trong chiếc xe tăng trúng đạn “thành khói bay lên trời”. An được Đảng và Nhà nước ghi công đóng góp lớn cho an ninh quốc gia thì gã binh nhì Tường  ham chơi luôn bị nâng lên đặt xuống với những lớp bồi dưỡng “đối tượng Đảng”. Nhưng họ đều giống nhau ở sự tôn trọng độc giả: An thắng lợi trên diễn đàn Báo Văn nghệ với chân dung “Người đàn bà đợi xe thành Rôm” thì Tường yêu đương vượt rào trên trang Văn nghệ Quân đội.

Thắng, An, Tường, trên bình diện Văn nghệ, là những người lính. Nhưng, ở một mức độ nào đó vào U60, họ đã đắc đạo (là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) có thể coi họ là những “Ngự lâm quân” có số má.

                      *

Chỉ sau một bước, cựu sinh viên khóa 15 Khoa Ngữ văn Phạm Quang Long có những trưởng thành ngoạn mục hơn cả ba đồng môn nói trên. Không hề có một bàn tay níu kéo nâng đỡ, chỉ bằng vào năng lực và nhân cách của bản thân, Phạm Quang Long đã được đề bạt và đứng vững trên các vị trí: Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, Phó Giám đốc Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội.

Cũng vào U60, khi “rửa tay gác kiếm” theo chế độ lao động, tình yêu sáng tạo và nội lực văn chương trỗi dậy, Long liên tiếp cho ra lò ba tiểu thuyết rất ấn tượng. Chàng “Đáctanhăng" xứ Đông còn tiến xa hơn, bởi năng lực sáng tạo coi như mới được “khai quật” và đang độ chín. Ông mang đến trại viết một bản thảo tiểu thuyết sắp hoàn tất và khởi thảo ngay một tiểu thuyết mới: Tiểu thuyết thứ năm chỉ tính từ ngày... nghỉ hưu, rời bỏ mọi chức vụ quan trường.

                     *

Khi tôi viết những dòng này thì trại viết văn Hải Đăng (tạm đặt tên như vậy vì được tổ chức tại trung tâm nghỉ dưỡng Hải Đăng bên bờ biển Bảo Ninh - Đồng Hới) do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức đã đi được nửa chặng đường. Bất ngờ, mọi người phát hiện thêm thành viên của trại không chỉ có bốn “chàng lính ngự lâm”: Nữ sĩ Lý Hoài Thu, hội viên Hội Nhà văn Việt nam, nhà lý luận phê bình có hạng, cựu sinh viên K17, Tiến sĩ Viện Văn học, một người con của Quảng Bình, một quý bà của Thăng Long kinh đô cũng đang cần mẫn đi tìm (và nói như nhà văn Bùi Việt Thắng) tôn vinh vẻ đẹp của văn chương.

Tình cờ mà hữu lý. Xin mừng sự hội ngộ của năm cựu sinh viên Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tiếc là cái danh xưng đáng giá một thời “Đại học Tổng hợp Hà Nội” đã bị thay đổi. Nhưng, giá trị văn chương thì mãi trường tồn.

Tương Huyền
.
.