Nữ họa sĩ Nguyễn Hiền: Gửi thật thà vào những bức tranh

Thứ Bảy, 12/10/2019, 08:49
Một ngày cuối năm 2018, như đã hẹn, tôi vào Sài Gòn và tới xưởng của  nữ họa sĩ Nguyễn  Hiền ở Gò Vấp… Lần đầu gặp gỡ, nhưng  rất nhanh chỉ sau ly bia giải khát, câu chuyện giữa tôi và Hiền bắt đầu một cách thẳng thắn, không mầu mè. Tôi đưa ra một câu hỏi có phần hơi lạnh lùng cho nữ họa sỹ! Tại sao họa sỹ lại chọn sơn mài để làm chất liệu tập trung sáng tác?


Nhìn thẳng vào tôi bằng đôi mắt sâu và đẹp, Hiền trả lời:  "Khi tôi theo học tại Đại học Mỹ thuật công nghiệp, có cơ hội tiếp xúc và trải nghiệm với các thể loại chất liệu, tôi đã bị “chinh phục” hoàn toàn bởi chất liệu sơn mài truyền thống. Tranh sơn mài mang một màu sắc rất riêng: trầm ấm và sâu thẳm, lung linh và lãng mạn đậm chất Á Đông. Chính những đặc điểm riêng về màu sắc, chất liệu nên tranh sơn mài đã đem lại trong tôi sự đam mê, ham muốn trải nghiệm và tìm tòi sáng tạo với chất liệu này gần 20 năm qua".

Nếu như câu trả lời này từ một ai đó… thì đó là một câu trả lời rất bài bản, thuộc lòng. Nhưng với Hiền, tôi tin đó là câu trả lời thật lòng.  Hiền là người sống ẩn thân, đã một lần thực hiện triển lãm cá nhân “Những cung bậc cảm xúc” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào năm 2012 và vài triển lãm chung đâu đó. Cho tới trước triển lãm “Ủ” này của chị, cũng ít người biết tới chị.

Đầu năm 2019, chị bày triển lãm cá nhân “Ủ”  tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh - với gần 100 tác phẩm sơn mài, phần lớn là khổ to. Trong 10 năm, sáng tạo với sơn mài truyền thống, với lớp sơn chắt chiu từ nhựa cây. Họa sỹ đã vui, đã buồn, đã hạnh phúc với hàng chục bức tranh Sơn mài khổ lớn. Một khối lượng công việc lớn mà ngay cả với các nam họa sĩ cũng phải vất vả mới hoàn thành được. Có thể nói “Ủ” chính là sự khẳng định tình yêu của Hiền với nghệ thuật Sơn mài.

Với Hiền, tranh là sự thể hiện mọi cung bậc kĩ thuật với sự nghiêm khắc và tỉ mỉ. Trong buồng ủ tối om, sơn mài như một thực thể sống cần nước, âm thầm biến đổi bắt đầu hành trình độc đáo của mình. 

Hiền đi nhiều, phiêu du từ miền núi xuống ven biển, từ rừng núi đến phố thị nhưng mỹ cảm với rừng núi Tây Bắc, nơi lưu giữ những kí ức tuổi thơ vẫn âm thầm tồn tại. Hiền vẽ phong cảnh đều thấy núi rừng hiện hữu… Trên mỗi bức tranh cảm xúc tràn đầy dường như được nén lại như những khối trầm, không bung tỏa ngào ngạt mà lẳng lặng ngát thơm.

Với Hiền, tranh sơn mài là một thế giới tĩnh lặng đủ để chiêm nghiệm về cuộc đời. Hiền muốn chia sẻ cảm nhận của chính mình về sự luân chuyển của thời gian qua bộ tranh bốn mùa: Xuân - Hạ - Thu - Đông. Mùa xuân được coi là khởi đầu của sự phát triển, sự hồi sinh của vạn vật, một chu kỳ sống mới bắt đầu. Mùa hạ là thời điểm mà thiên nhiên có sự phát triển đầy đủ nhất. Ánh nắng chói chang, vạn vật hưng thịnh. Mùa thu dần chậm hơn, đời sống nhuốm màu lãng mạn cùng thời gian. Mùa đông buốt giá, đời sống dường như cũng chậm chạp lại…

Chọn một một khung cảnh với một không gian xuyên suốt làm bối cảnh cho vòng tuần hoàn đó dường như Hiền muốn miêu tả một cuộc đời không còn là bất tận, thời gian và vật chất luôn biến đổi, chỉ có những tiểu cảnh nhỏ bé mãi còn đó dù có thành hình vào mùa xuân, oằn mình vào mùa hạ, bơ vơ vào mùa thu, tê tái vào mùa đông.

Trong bộ Hán Việt từ điển của học giả Đào Duy Anh có định nghĩa: "Biểu hiện là một thứ Chủ nghĩa hiện nay rất thịnh hành trong giới văn nghệ và giới mỹ thuật tại nước Đức, cho rằng nghệ thuật là biểu hiện ba cái: thể nghiệm, tinh thần, chủ quan, chứ không phải miêu tả những ấn tượng". Với định nghĩa này, tôi nghĩ tranh của Hiền chính là “Hội họa biểu hiện”.

Trong mỗi bức tranh của chị, đều thấy sự  bao quát và mở rộng cảm xúc đón tiếp cảm giác đầu tiên chợt đến rồi họa sĩ mặc sức lao mình vào thế giới ảo huyền và vô biên của hội họa, hay đúng hơn để vào nghệ thuật mà tạo cho mình những thế giới riêng với những cảnh vật không cần gì đúng, những nét màu không cần gì giống…

Hiền không chép lại tạo vật, chị  dứt khoát bỏ những hình nổi, tròn… mà táo bạo vẽ hình dẹt, tô mầu rộng trên mặt phẳng. Cho nên vài nét sơn ngang dọc, chấm phá, đó là cây, là nước… dùng đen để tả lo âu, mầu xám xanh tả buồn thảm, thoáng những đỏ lòe cạnh xanh lơ như cảm giác bất trắc… đủ  gợi hết cảnh sinh động trong không gian rồi.  Đứng trước tranh của Hiền, lắng  tâm hồn và  xem kĩ người ta cảm thấy sự cô đơn, u ẩn nhưng không tuyệt vọng.

Bản chất của cuộc sống, của cõi luân hồi là vô thường. Chúng ta thường không ý thức được về điều này bởi luôn mải mê với vô số ham muốn, tham vọng, hạnh phúc và khổ đau... để chúng cuốn trôi chúng ta qua hết tháng ngày như những dòng thác lũ.

Hãy tạm dừng một chút trên hành trình vội vã của mình để lắng tâm tư duy và quan niệm rằng trên đời này, chẳng có gì không thay đổi, chẳng có gì vĩnh viễn thường hằng, và hãy ý thức được kiếp người mong manh ngắn ngủi, để chúng ta biết trân trọng hơn và sử dụng cuộc đời mình có ý nghĩa hơn. Chúng ta không thể kỳ vọng bất cứ thứ gì hay điều gì sẽ đem lại hạnh phúc vĩnh viễn.

Một tác phẩm trong bộ tranh “Hóa thân” - sơn mài trên vải Bố.

Ngoài ra, bất cứ thứ gì không đẹp hay khiến chúng ta không hài lòng đều cũng không tồn tại mãi mãi. Mọi thứ sẽ thay đổi, có thể thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, cho nên chúng ta không cần buồn rầu hay chối bỏ điều gì cả… Hiền đã thả lỏng tâm hồn và miên man trên bề mặt các tác phẩm và Hiền chỉ còn thấy thế giới này thật tươi đẹp, vạn vật cùng nhảy múa hát ca. 

Gần đây những đề tài trong tranh của Hiền lại xuất phát từ  triết lý Phật Giáo, từ seri Hoa ưu đàm, Vô thường, Hóa thân… Hiền đã chia sẻ về những bức tranh có tên “Hóa thân”: "Tôi đặt những xác ve đó vào những bản phối: Khô-ướt, Rắn-lỏng, Đặc- rỗng... bằng cách xử dụng màu, nét, sử dụng vàng, bạc để tạo hiệu ứng cho từng tác phẩm riêng lẻ. Tôi liên tưởng sự hoá thân của loài giáp xác như chính bản thân tôi, một phụ nữ sống trong một xã hội với vô vàn những định kiến. Tôi đã phải đấu tranh với chính mình…tôi phải thích nghi được với tự nhiên... ". Phải chăng đó là những gì Hiền muốn gửi gắm vào loạt tranh sơn mài trên vải bố mới nhất, đượm tinh thần Phật giáo của chị?

Chia tay, hỏi Hiền một câu hỏi - có phần lo ngại bởi thời gian, tiền bạc và sức khỏe của chị, để biết chị có gắn bó tiếp với sơn mài không? Chị trả lời: "Tôi luôn có ham muốn làm mới mình với chất liệu sơn mài truyền thống, năm nay - 2019  tôi đã thử nghiệm vẽ chất liệu sơn mài trên toan với kỹ thuật truyền thống. Tôi nghĩ, ngoài tinh thần, ý tưởng sáng tạo, cảm xúc, năng lực thẩm mỹ, thử nghiệm phải mang đặc trưng của chất liệu, thông qua kỹ thuật chất liệu".

Vâng, được thưởng thức một bức tranh là một cơ hội thu nạp năng lượng tích cực về cảm xúc,  được nói chuyện với một họa sỹ cũng là một cơ hội tích lũy được nhiều bài học bổ ích. Với Hiền, tôi nhận ra rằng khi có một công việc yêu thích, một ý tưởng cách tân, một cảm xúc mới lạ mà đã định thể hiện ra thì hãy cầm bút vẽ lên làm việc. Cộng với yếu tố quan trọng hơn tất cả bất cứ sự phối hợp tinh tế nào, đó là phải sống thật với mình.

Tô Chiêm
.
.