Hồn sen của nữ họa sĩ vẽ tranh lụa kỷ lục Việt Nam

Thứ Bảy, 03/03/2018, 08:25
Nguyễn Thị Tâm là một trong những nữ họa sĩ gặt hái nhiều thành công ở mảng tranh lụa cổ truyền. Bà đã dấn thân tìm tòi, thể nghiệm, sáng tạo, tìm ra bí quyết kỹ thuật bảo tồn tranh lâu bền và trở thành người vẽ tranh lụa lập nhiều kỷ lục. 


Nguyễn Thị Tâm thích du lịch khám phá và say mê tái hiện phong cảnh đẹp bằng sắc màu, trở thành chủ nhân hàng ngàn bức tranh, được các nhà sưu tập tranh trong và ngoài nước ưa chuộng.

Ngắm tranh phong cảnh của họa sĩ Nguyễn Thị Tâm, nhất là những bức tranh lụa, tôi lại nhớ đến những bài thơ của thi sĩ Anh Thơ. Hồn quê giản dị mà đặc sắc trong tranh trong thơ của hai nữ sĩ có sức quyến rũ lạ thường, mê hoặc cả những tâm hồn đồng điệu từ những chân trời xa.

Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm sinh năm 1936 tại Mỹ Tho, Tiền Giang. Gia đình bà đông con, đều ham học và yêu nghệ thuật. Học hết trung học, Nguyễn Thị Tâm thi vào học khoá 2 khoa Sơn dầu Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn và tốt nghiệp năm 1958, rồi tiếp tục đỗ thủ khoa khoá Sư phạm hội hoạ một năm sau đó.

Về dạy học ở Cần Thơ một thời gian ngắn, từ năm 1972 hoạ sĩ Nguyễn Thị Tâm trở lên dạy tại Trường Quốc gia cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, sau này Trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Bà phụ trách hoạ phần bố cục và trang trí, gắn bó với ngôi trường này cho đến năm 1984 thì xin nghỉ, dành thời gian cho gia đình, mở lớp dạy vẽ tại nhà, nghiên cứu và sáng tác tranh lụa.

Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm.

Đến thăm nhân Tết Mậu Tuất 2018, tôi thấy hoạ sĩ Nguyễn Thị Tâm như trẻ hẳn ra so với cái tuổi 82 của mình giữa hoạ thất 5 phòng đầy tranh, nhất là những bức về hoa sen. Trò chuyện, bà cho biết từng có nhiều cơ hội định cư nước ngoài nhưng vì yêu quê hương, yêu học trò, yêu cái ngôi nhà nhỏ sau lưng trường mỹ thuật này nên bà ở lại. Bà đã đi khắp đất nước mình và thấy nơi đâu cũng đẹp, vẽ được nhiều tranh, góp phần quảng bá văn hoá Việt Nam ra thế giới.

Cách đây tròn 10 năm, bức tranh “Chợ quê” của bà đã bán đấu giá từ thiện được 5.000 USD trong chương trình ca nhạc “Xuân yêu thương”, gây quỹ ủng hộ người nghèo ăn tết. Đó là bức tranh lụa dài 1,6 x 1,1m do bà vẽ vào năm 2007 trong một chuyến đi thực tế về Cồn Én thuộc tỉnh An Giang.

Đặc biệt, trên khung bức tranh “Chợ quê” còn có chữ ký lưu niệm của Tổng lãnh sự 10 nước tại TP Hồ Chí Minh là Nga, Mỹ, Trung Quốc, Lào, Cuba, Đức, Canada, Hà Lan, Singapore, Malaysia. Theo bà, những người làm nghệ thuật có thể nghèo tiền bạc nhưng tình cảm lúc nào cũng tràn đầy, nhất là đối với đồng bào nghèo, bất hạnh!

Được công nhận là nữ hoạ sĩ vẽ tranh lụa nhiều nhất Việt Nam, tính đến mùa xuân 2018, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm đã tham gia gần 100 cuộc triển lãm cá nhân, tập thể. Đặc biệt bà đã có 25 cuộc triển lãm riêng về tranh lụa trong ở ngoài nước như Pháp, Đức, Italia, Hà Lan, Thuỵ Sĩ, Bỉ, Mỹ, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan,…

Ở nước ngoài, tranh lụa của bà rất được ưa chuộng, có khi bán hết cả phòng tranh. Những cuộc triển lãm của hoạ sĩ Nguyễn Thị Tâm bao giờ cũng thu hút đông đảo người xem. Dù là tranh lụa hay tranh sơn dầu, bằng bút pháp hiện thực, đều ẩn chứa tình yêu của bà trước vẻ đẹp tiềm ẩn của con người, thiên nhiên đất nước. Một tình yêu say đắm và một tâm thế thanh bình trong mỗi bức tranh sống động.

Ngắm nhìn những bức tranh phong cảnh của hoạ sĩ Nguyễn Thị Tâm, tôi cảm thấy tâm hồn mình thư thái, nhẹ nhàng. Bao ký ức làng quê lãng mạn được tái hiện. Đó là luỹ tre, dòng sông, cây đa, mái đình. Đó là núi rừng mờ sương, đàn chim hoàng hôn bay về tổ ấm. Đó là phố cổ với những cung bậc khác nhau trải dài theo thời gian. Đó là chú bé lưng trâu mơ màng ống sáo trên cánh đồng hay lội qua dòng nước cuộn xoáy. Đó là những đoá sen thanh khiết toả sáng bồng bềnh trong những sắc thái khác nhau. Có thể nói, hoa sen là ngôn ngữ, tiếng nói và “điệu” tâm hồn đầy duyên nợ của hoạ sĩ Nguyễn Thị Tâm.

Kỷ niệm sinh nhật tròn tuổi 70 và 75, hoạ sĩ Nguyễn Thị Tâm đều triển lãm tranh hoa sen, và còn dát vàng thật lên tranh để tôn vinh những đoá sen tàn ngả vàng trước khi kết thúc một vòng đời dâng hiến. Vươn lên từ bùn đất và trước khi hoá thân trở về với đất bùn, những đoá sen được dát vàng trở nên sang trọng, quý phái và đáng yêu hơn!

Hoạ sĩ Nguyễn Thị Tâm như phát hiện trở lại chính mình khi thầm thì, bềnh bồng, đắm đuối với hoa sen bằng tất cả tình yêu. Hoa sen mang lại cho bà nhiều điều kỳ diệu về nghệ thuật lẫn đời sống tâm linh. Càng về cuối đời bà càng gắn chặt với thế giới kỳ ảo của hoa sen.

Hồn thiền - Tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Thị Tâm. 

Qua nghệ thuật sắc màu của Nguyễn Thị Tâm, những đoá hoa sen mang tâm hồn Việt, bản sắc Việt đã chinh phục trái tim không ít bạn tri âm hội hoạ trên thế giới… Hội hoạ cũng như văn chương, có những đề tài gần gũi tưởng chừng thích thì viết thích thì vẽ được ngay, nhưng hoá ra thật khó. Giống như bộ tranh về hoa sen, để hoàn thành bộ tranh độc đáo về con trâu, hoạ sĩ Nguyễn Thị Tâm mất mười mấy năm ấp ủ đề tài.

Bà nói: “Hình ảnh con trâu ăn sâu vào tâm thức tôi, đến thời điểm là… “sổ chuồng”. Con trâu là điểm nhấn quan trọng của bức tranh đồng áng hiền lành chất phác. Hình ảnh con trâu phản ánh thân phận con người. Mỗi sáng thức dậy là phải đi cày. Những lúc nông nhàn thì nghỉ ngơi. Trâu là hiện thân của kiếp người. Đã sinh ra đời thì đều phải “cày” để mà sống, mà tồn tại”.

Với hoạ sĩ Nguyễn Thị Tâm, con người giàu nghèo, sang hèn đều có số. Nghĩa là đồng tiền cũng có số may mắn, chứ không phải lúc nào nó cũng tỉ lệ thuận với tài năng. Tuy nhiên, đối với người làm nghệ thuật, dù thành công về mặt tiền bạc đến đâu thì cũng phải biết có điểm dừng, để trau dồi nghề nghiệp và hưởng thụ.

“Tôi nhớ gần đây sau khi xảy ra dịch cúm gà, cả năm thèm miếng thịt gà nhưng không dám ăn. Chờ tới khi hết dịch, mua về con gà xé phay rất ngon, nhưng chỉ ăn được ba miếng là tôi phải bỏ đũa. Vậy đó. Ham muốn của con người là vô hạn nhưng phải biết dừng lại” - hoạ sĩ kể.

Kinh nghiệm của hoạ sĩ Nguyễn Thị Tâm cho thấy, điều quan trọng giúp làm nên sự nghiệp là khi dấn thân vào con đường mình đã chọn thì phải làm việc cật lực, chịu khó tìm tòi nghiên cứu, học hỏi. Người hoạ sĩ không chỉ vẽ để thoả mãn nhu cầu nội tại của mình mà còn phải vẽ cho người thưởng ngoạn. Dù thành quả có được bằng chính tài năng và sức lao động của mình nhưng đôi khi người hoạ sĩ còn phải gánh chịu những điều thị phi rất ngược đời.

Bản thân hoạ sĩ Nguyễn Thị Tâm, khi bán được nhiều tranh, có người cho rằng bà vẽ tranh chạy theo thị trường, cũng bực mình lắm chứ! Bà mỉm cười: “Ở bất cứ lĩnh vực nào cũng xảy ra trường hợp “trâu buộc ghét trâu ăn”. Giới mỹ thuật cũng vậy. Tôi tự thấy mình vẽ có trí tuệ, hết sức trung thực với nghề nghiệp, có nghiên cứu, thi vị hoá cảnh vật”!

Một nghệ sĩ tài năng, bản lĩnh, dấn thân và đầy trải nghiệm. Tuổi ngày càng cao nhưng tình yêu hội hoạ của bà vẫn mạnh mẽ như thời thiếu nữ miền sông rạch. Vẫn đi. Vẫn vẽ. Vẫn triển lãm. Vẫn bán tranh. Và một sứ mệnh quan trọng nữa là bà luôn truyền nghề cho các thế hệ nối tiếp.

Hoạ sĩ Nguyễn Thị Tâm bảo rằng nếu có kiếp sau và sau nữa thì bà vẫn chọn con đường hội họa, bởi còn bao điều ấp ủ, suy tư nhưng thời gian không đủ để thực hiện. Với bà, phong cảnh thiên nhiên và cuộc sống quê hương Việt Nam tuyệt đẹp, nguồn cảm hứng vô tận, càng vẽ càng mê đắm. Đặc biệt, những đoá hoa sen gần gũi, thuần khiết mà huyền ảo vươn lên từ bùn đen như con người Việt Nam lớn dậy sau bao đau thương, đã chiếm lĩnh tâm trí nghệ thuật của bà.

Phan Phú Yên
.
.