Nối tiếp di sản sau cái chết

Chủ Nhật, 28/03/2021, 17:47
Thường thì khi đã là nhà văn dường như không ai muốn để lại một tác phẩm dở dang trước khi sự nghiệp cầm bút của mình đóng lại cả. Ấy thế nhưng cuộc đời éo le thường lại chẳng thiếu gì những cách để buộc nhà văn phải làm vậy: từ nợ nần, bệnh tật đến cái chết, v. v....

Trong thực thế có rất nhiều người biết "nhìn xa trông rộng"  nên đã cất công đi tìm một cây bút có có tâm - có tài - có tầm và thật sự chia sẻ được với mình để mà "chọn mặt gửi vàng", trao quyền viết tiếp những gì còn dở dang. Vậy là trong khi xương cốt của tác giả tan thành tro bụi, di sản của họ vẫn được tiếp tục và phát huy giá trị bản thân.

Tiểu thuyết Legendarium

Bộ tiểu thuyết mang tên Legendarium, hay còn được độc giả Việt Nam biết dưới cái tên "Chúa tể của những chiếc nhẫn", đã làm say đắm lòng bạn đọc năm châu bốn bể. Nhà ngôn ngữ học J. R. R. Tolkien khi nằm trên bệnh xá quân đội Anh thời Thế chiến thứ Nhất đã nuôi giấc mơ viết nên một cuốn tiểu thuyết dành cho trẻ em dựa trên chính các giai thoại; truyền thuyết mà ông được nghe kể thời thơ ấu. Tolkien còn có mong muốn gửi gắm vào đó giấc mơ về một thế giới tươi đẹp trái ngược với bãi chiến trường Somme vẫn còn rền vang tiếng đại bác ngoài lều bệnh xá.

Tác phẩm đầu tiên của bộ tiểu thuyết, "The Hobbits", được xuất bản vào năm 1937. Phần thứ hai, "The Lord of the Rings", được xuất bản năm 1954. Lý do cho khoảng thời dài giữa hai tác phẩm bị kéo dài là bởi, ngoài việc Tolkien tiếp tục công việc giảng dạy tại trường đại học, ông còn phải dành rất nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu. 

Tác giả đã sử dụng vô số nguồn tư liệu để viết nên "The Lord of the Rings" như, thần thoại Bắc Âu; ngôn ngữ Ấn Độ và triết học Do Thái cổ, v.v… Trước khi Tolkien trở thành nhà văn, ông là một nhà khoa học. Và không bao giờ ông chịu để một sai sót nhỏ nhất xuất hiện trong tác phẩm văn học của mình.

Việc Christopher Tolkien từ trần đang đặt dấu hỏi lớn về số phận của series tiểu thuyết mà cha ông mới bắt đầu thực hiện.

Sau "The Lord of the Rings", Tolkien tiếp tục công việc dịch thuật và còn sáng tác thêm một vài tuyển tập thơ nữa. Tuy vậy, nhà văn vẫn còn ngần ngại bắt tay vào phần ba "The Silmarillion". Ông muốn mọi thứ phải thật chắc chắn trước khi chính thức đặt bút. Trước khi từ trần vào năm 1973, Tolkien để lại số bản nháp, tiểu luận và đề cương dài hơn 2.000 trang.

Nhờ vào số bản thảo nói trên mà con trai ông, nhà ngôn ngữ Christopher Tolkien, có thể tiếp tục Legendarium. Christopher hoàn thành "The Silmarillion" năm 1977. Trong hơn bốn thập kỷ tiếp theo, ông đã cho xuất bản 21 tác phẩm trong Legendarium thuộc mọi thể loại như tiểu thuyết, thơ, trường ca, v.v... 

Ý kiến chung mà giới yêu văn học đưa ra là, Christopher Tolkien đã giữ lại được linh hồn của tác phẩm và phong cách của cha mình đến mức đáng kinh ngạc. Vì vậy mà khi Christopher Tolkien mất vào đầu năm 2020, một dấu hỏi lớn đã được đặt lên số phận của Legendarium. Đó là, liệu còn có ai có thể tiếp tục di sản vô giá này của nền văn học thế giới?!

Tiểu thuyết Dune            

Cuộc đời nhà văn khoa học viễn tưởng người Mỹ Frank Herbert cũng kỳ lạ như chính tác phẩm của ông vậy. Ông được sinh ra trong một công xã, lớn lên giữa những người da đỏ. Đồng thời,  dùng ma tuý với các nhà tư tưởng lớn đương thời và sáng tác trong khi bị nhân viên của sở thuế Mỹ bao vây nhà vì tội trốn thuế. Tác phẩm của Frank tràn đầy những ý tưởng táo bạo đến mức đáng sợ, thể hiện bằng một lối hành văn đi giữa lý trí và giấc mơ của người đọc.

Khi Frank Herbert cho xuất bản tiểu thuyết "Dune" vào năm 1965, văn đàn Mỹ không biết phải phản ứng ra sao. Đây là một tác phẩm khoa học viễn tưởng không nói về khoa học mà nó khắc họa tương lai giống với quá khứ hơn hiện tại; và tìm cách kết nối cái vô tận trong cá nhân với cái vô tận của vũ trụ. Phải mất nhiều năm sau mọi người mới thực sự hiểu được tính cách mạng của "Dune". Chỉ đến khi đó ảnh hưởng của tác phẩm đã vượt qua cả giới hạn của văn học. Đạo diễn George Lucas từng thừa nhận rằng, ông gần như bê nguyên "Dune" vào bộ phim "Star Wars" nổi tiếng của mình.

Frank Herbert mất vào năm 1985. Tập bản thảo của ông bị "bám bụi" hơn mười năm về trước đã được con trai Brian Herbert và tác giả Kevin J. Anderson hợp tác hoàn thành. Cả hai người đều là các nhà văn có kinh nghiệm sáng tác. 

Brian Herbert được chính cha mình huấn luyện. Còn Kevin J. Anderson là một trong những cái tên Hollywood luôn tìm đến để chuyển thể kịch bản phim thành tiểu thuyết. Sau hơn hai thập kỷ cộng tác, cặp đôi tác giả đã cho "ra lò" 32 tiểu thuyết tiền truyện và hậu truyện của Dune, chưa kể những tác phẩm độc lập khác.

Độc giả, đặc biệt là các fan hâm mộ của Dune, không đón nhận nồng nhiệt ba cuốn tiểu thuyết đầu tiên do Brian Herbert và Kevin J. Anderson. Tuy không ai chối từ khả năng của mỗi tác giả, người đọc có thể cảm nhận ngay rằng, hai người không thể nào mô phỏng được phong cách viết Frank Herbert. Vì lẽ Frank Herbert viết giống như một triết gia thời kỳ Baroque hơn là một nhà văn hiện đại. 

Rút ra được kinh nghiệm "xương máu" này, Brian và Kevin trong những phần sau của Dune đã tìm cách phát huy điểm đặc biệt mà mỗi người sở hữu. Ấy là Brian với tầm hiểu biết rộng trên mọi lĩnh vực. Và Kevin với khả năng tái hiện những bối cảnh, tình huống chân thật không khác gì phim.

Kết quả là Dune tiếp tục giữ vị trí series tiểu thuyết khoa học viễn tưởng bán chạy nhất mọi thời đại. Những người hâm mộ Dune đều cho rằng, Brian Herbert và Kevin J. Anderson đã đem lại một "làn gió mới" cho bộ tiểu thuyết, khiến nó trở nên dễ tiếp cận hơn với bạn đọc hiện đại. Hai ông còn tìm cả những cách mới ngoài văn học để tái hiện Dune. Họ đang là cố vấn của bộ phim điện ảnh chuyển thể quyển tiểu thuyết "Dune" đầu tiên dự kiến sẽ ra rạp trong năm 2021.

Tiểu thuyết The Watsons

Khi nhắc đến nữ nhà văn JaneAusten, người ta nghĩ ngay đến một xã hội Anh tiền Victoria với đủ mọi thứ ràng buộc và làm thế nào mà những người phụ nữ yếu ớt đối mặt với những rào cản, định kiến, v.v…mà vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp trong họ?! 

JaneAusten mượn chuyện đương thời để nói lên những giá trị vĩnh cửu của cuộc sống. Do vậy, tiểu thuyết của bà đọc vào bất cứ thời nào vẫn cảm thấy hấp dẫn. Hai tác phẩm "Senses and Sensibilities" và "Pride and Pejudice" luôn nằm trong số những tiểu thuyết được ưa thích nhất và dịch ra nhiều thứ tiếng nhất mọi thời đại.

Nhiều năm sau khi JaneAusten qua đời, viện bảo tàng - thư viện Morgan tại New York, Mỹ tổ chức một cuộc trưng bày tác phẩm cuối cùng của bà, tiểu thuyết "The Watsons" mới chỉ viết được có đúng… tám trang. Hành trình mà tập bản thảo dang dở này đến được Mỹ cũng là cả một câu chuyện thú vị. 

Cố nhà văn để lại bản thảo cho em gái, nhưng bà này vì quá tôn trọng chị mình mà không dám viết thêm dòng nào. Sau đó tập bản thảo đã bị tách thành từng tờ một. Thế là nó được giao cho các thành viên khác trong gia đình giữ như của thừa kế. Một đội chuyên gia từ viện bảo tàng - thư viện Morgan đã phải đi đến nhiều quốc gia khác nhau để tìm kiếm, tập hợp được tập bản thảo hoàn chỉnh.

Phần tiểu thuyết đã viết ra cuối cùng cũng được in trong một tuyển tập. Chỉ một tuần sau đó mà gia đình cháu họ JaneAusten nhận được thư từ độc giả trên khắp nước Anh. Cả một vương quốc nóng lòng muốn biết số phận của các nhân vật trong "The Watsons" sẽ kết thúc ra sao. Những lá thư này cuối cùng cũng thúc đẩy Catherine Hubback, cháu ruột cố nhà văn, viết tiếp tác phẩm.

Bà sáng tác bộ tiểu thuyết ba phần "The Younger Singer" phóng tác dựa trên "The Watsons". Đây chính là những quyển tiểu thuyết bán chạy nhất nước Anh năm 1859. Vậy nhưng vẫn có nhiều tiếng nói chỉ trích tác phẩm. Người ta cãi nhau về việc Catherine Hubback phóng tác thay vì viết tiếp bản thảo dở dang liệu có giữ được "linh hồn" tác phẩm mà JaneAusten đã dự định hay không?!

Vào năm 2872, đến lượt cháu nội của Catherine Hubback, Edith Hubback, thử sức với "The Watsons". Lần này nữ tác giả viết nối tiếp vào phần tiểu thuyết đã hoàn thành dựa trên các bản nháp mà JaneAusten để lại. Cô còn phỏng vấn những người thân thiết với cố nhà văn để hiểu thêm về cách suy nghĩ của bà khi viết "The Watsons". 

Kết quả là một tác phẩm "chụp" được lối hành văn của JaneAusten. Nhiều độc giả không thể phân biệt nổi đoạn nào do tác giả gốc viết; đoạn nào do chắt của JaneAusten viết. Song chỉ có một vấn đề đã xảy ra: mọi người vẫn cảm thấy thiếu cái gì đó. Đã có biết bao nhiêu giấy mực bị tiêu tốn để giải thích hiện tượng này, nhưng kết luận chung đều là: JaneAusten không để lại tất cả mọi thứ về tác phẩm trên giấy nháp.

Từ đó đến nay, biết bao nhiêu tác giả khác nhau đã thử hoàn thành "The Watsons" trong đó có một số tên tuổi nổi tiếng, như: Joan Aiken và Helen Baker. Nhiều tác phẩm khác của của JaneAusten được các tác giả sau này dựa trên mà viết thêm hậu phần và "The Watsons" cũng không phải là ngoại lệ. 

Tính đến nay đã có 26 tiểu thuyết hậu phần của "The Watsons". Con số này dự báo sẽ không có dấu hiệu giảm, vì người ta tiếp tục đọc tác phẩm JaneAusten. Xảy ra hiện tượng thú vị đó, chỉ đơn giản là, người đọc tìm thấy mình trong mỗi trang viết của JaneAusten, và tìm cách lấp đầy khoảng trống mà bà đã để lại.

Lê Vũ
.
.