Những tác phẩm nổi tiếng được sáng tác trong thời gian dịch bệnh

Thứ Năm, 16/07/2020, 18:22
Nhà viết kịch kiêm nhà ngoại giao Nga Aleksandr Griboyedov bắt đầu viết vở kịch thơ "Khổ vì trí tuệ" khi bệnh sốt rét và dịch hạch bùng phát ở vùng Kavkaz. Trong thời gian bệnh tả hoành hành ở Moskva, Anton Chekhov đã lập một trạm chống dịch tại điền trang Melikhovo của mình, và vừa chữa bệnh vừa viết văn. Mikhail Bulgakov bắt đầu sự nghiệp sáng tác trong những năm nội chiến và bệnh thương hàn bùng phát... Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số tác phẩm văn học Nga nổi tiếng, được sáng tác trong thời gian dịch bệnh.


"Khổ vì trí tuệ"

Tháng 4 năm 1818, Aleksandr Griboyedov được bổ nhiệm chức thư ký phái bộ ngoại giao Nga ở Ba Tư. Kể từ đó, ông bắt đầu đi chu du khắp các nước cận Đông - ông sống và làm việc tại Tiflis, Tehran và Tebriz. Bạn đồng hành của ông là các bệnh thương hàn, bệnh tả, dịch hạch, liên tục bùng phát trên các mặt trận của cuộc chiến tranh Kavkaz, giữa các tù nhân và thương bệnh binh. Năm 1819, Griboyedov bị cách ly tại pháo đài Ananuri ở Gruzia.

Năm 1822, Aleksandr Gribyedov bắt đầu sáng tác vở kịch thơ  4 hồi nổi tiếng nhất của mình "Khổ vì trí tuệ" tại Tiflis, lúc bấy giờ ông làm trợ lý đối ngoại của tướng Aleksey Ermolov, Tổng tư lệnh quân đội Nga trong cuộc chiến tranh Kavkaz. Vào các buổi tối, ông ngồi sáng tác, và đến cuối năm đã hoàn thành 2 hồi đầu của vở kịch, trong khi bệnh dịch lại hoành hành và giết chết Amlich, người đầy tớ  trung thành đã phục vụ nhà văn suốt 15 năm trời.

Nhà viết kịch Nga Aleksandr Griboyedov.

Tháng 2 năm 1823, Griboyedov được nghỉ phép, từ Tiflis ông trở về Moskva. Từ tháng 7 đến tháng 9, tại điền trang của một người bạn ở tỉnh Tula, ông đã hoàn thành phương án đầu tiên của vở kịch. Tác phẩm được viết hoàn chỉnh và đặt  tên "Khổ vì trí tuệ" năm 1824.

Bất chấp lệnh cấm dàn dựng vở kịch tại các nhà hát ở Moskva và Saint - Petersburg, nhà văn đã kịp xem tác phẩm của mình trên sân khấu lúc sinh thời. Tháng 10 năm 1827, các sĩ quan của quân đoàn Kavkaz đã trình diễn vở kịch thơ "Khổ vì trí tuệ" nhân dịp kỷ niệm ngày đánh chiếm pháo đài Erivan.

"Yevgeny Onegin"

Đại thi hào Aleksandr Pushkin sáng tác tiểu thuyết thơ "Yevgeny Onegin" của mình hơn 7 năm: bắt đầu từ năm 1823 trong thời gian đi đày ở Kishinyov và kết thúc trong thời gian cách ly dịch tả ở làng Boldino.

Ngày 31 tháng 8 năm 1830, sau khi nhận được lời đồng ý từ lâu mong đợi của Natalya Goncharova trở thành vợ mình, Pushkin lên đường đến điền trang gia tộc ở Boldino. Tại đây, ông làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu làng Kistenevo - quà cưới của cụ thân sinh nhà thơ: công việc dự định được giải quyết khoảng ba tuần, nhưng do dịch tả xuất hiện trong vùng, Pushkin phải ở lại Boldino 3 tháng.

Ngày 18 tháng 9, Aleksandr Pushkin viết xong chương 8 của "Yevgeny Onegin", và ngày 25 tháng 9, ông kết thúc chương 9. Natalya Goncharova hiếm khi hồi âm những bức thư của Pushkin, bà nghi ngờ nhà thơ ở lại điền trang vì nữ công tước Golitsyna. Trong tâm trạng tuyệt vọng và không lối thoát, ngày 19 tháng 10, Pushkin đốt chương 10 của  "Yevgeny Onegin". Sau đó ông chỉnh sửa lại cuốn tiểu thuyết và rút gọn thành 8 chương như chúng ta thấy hiện nay.

Các  nhà nghiên cứu văn học coi "Mùa thu Boldino" là giai đoạn sáng tác năng suất nhất trong cuộc đời đại thi hào Aleksandr Pushkin. Thời gian này, ngoài việc hoàn tất tiểu thuyết thơ "Yevgeny Onegin", ông còn viết được 32 bài thơ,  "Tập truyện của ông Belkin", và  toàn bộ các "Bi kịch nhỏ" trực tiếp liên quan tới nạn dịch tả diễn ra ở nước Nga năm 1830. Một trong những bi kịch nhỏ của A. Pushkin "Bữa tiệc trong thời dịch hạch" nói về những suy ngẫm của nhà thơ trong ba tháng trời tự cách ly tại làng Boldino để phòng dịch. Ngoài ra,  Pushkin còn viết một loạt bài báo về thực trạng phê bình văn học Nga cho tờ "Văn học".

"Những linh hồn chết"

Trong một bức thư gửi Aleksandr Pushkin ngày 7 tháng 10 năm 1835, Nikolay Gogol viết: "Tôi bắt đầu sáng tác trường ca "Những linh hồn chết". Cốt truyện có thể phát triển thành một cuốn tiểu thuyết dài và xem ra sẽ rất hài hước". Nhà văn xác định thể loại tác phẩm của mình là "trường ca", công việc sáng tác quả thật kéo dài 7 năm, từ năm 1835 đến tháng 5 năm 1852, khi lần đầu tiên tác phẩm ra mắt bạn đọc.

Nikolay Gogol chủ yếu sáng tác "Những linh hồn chết" ở nước ngoài, nơi ông đã sống tổng cộng gần 12 năm. Tháng 6 năm 1836, nhà văn đáp tàu thủy đến thành phố Lübeck của Đức. Từ đó, ông đi qua Hamburg, Aachen, Mainz, Frankfurt và Baden-Baden để đến Thụy Sĩ, nơi ông sống suốt cả mùa thu.

Trong bức thư gửi nhà thơ Vasily Zhukovsky ngày 12 tháng 11 năm 1836, Nikolay Gogol viết:

"Mùa thu ở Vevey quả là tuyệt đẹp, gần như mùa hè. Căn phòng của tôi trở nên ấm áp và tôi tiếp tục viết "Những linh hồn  chết" đã bắt đầu ở Petersburg. Tôi viết lại tất cả những trang đầu, cân nhắc kỹ toàn bộ đề cương, và bây giờ cứ thế ngồi viết như là như một biên niên sử.  Mỗi buổi sáng, tôi  viết được 3 trang và tiếng cười mà 3 trang này mang lại đủ để làm dịu một ngày cô đơn của tôi".

Nikolay Gogol dự định chuyển đến Ý vào mùa đông, nhưng dịch tả hoành hành ở đó - "khắp nơi người ta cách ly phòng dịch, dân Ý phải đeo khẩu trang khi đi lại trên đường vì sợ bị lây nhiễm". Buộc phải thay đổi lộ trình - tháng 11 năm 1836, ông chuyển đến Paris với ý định chắc chắn sẽ đến Ý vào tháng 2 năm sau.

Dù sao, từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1837, Gogol vẫn sống ở Roma. Mùa hè, nhà văn lại đến Baden-Baden tắm nước nóng chữa bệnh. Còn khi ông định trở về Ý, thì dịch tả lại bùng phát ở đó.

Nhà văn chỉ được phép đến Roma vào giữa tháng 10. Từ thời điểm này cho đến năm 1842, Gogol viết "Những linh hồn chết"  trong chính ngôi nhà ở Via Sistina, 125: ông đã hoàn tất tập 1 và bắt tay vào phần tiếp theo.

"Đảo Sakhalin"

Từ tháng 4 đến tháng 12 năm 1890, Anton Chekhov thực hiện một chuyến hành trình đáng kinh ngạc: xuất phát từ Moskva, nhà văn vượt qua các tỉnh Yaroslavl, Ekaterinburg, Tyumen, Tomsk, Krasnoyarsk, Irkutsk, Blagoveshchensk đến đảo Sakhalin, và sau đó quay trở lại qua Hồng Kông, Singapore, Colombo, Port Said , Odessa. Trên đường, ông gặp bệnh dịch tả.

Trở về nhà, Chekhov bắt đầu ghi lại những ấn tượng về chuyến đi của mình và thu thập tư liệu để sáng tác. Nhưng dịch tả đã bám đuổi ông ở nước Nga. Đầu năm 1892, Chekhov mua điền trang Melikhovo ở quận Serpukhov, cách Moskva không xa. Cũng năm đó, với tư cách là một bác sĩ thực hành, ông đã lập một trạm chống dịch tả tại khu vực của mình.

Chekhov tự gọi mình là bác sĩ "khốn khổ nhất" trong số các bác sĩ ở quận Serpukhov - dường như ông không thuộc đường đi, cưỡi những con ngựa ốm yếu và ngồi trên những chiếc xe thổ tả, không có tiền và rất mệt mỏi. Nhưng những người nông dân rất quý mến nhà văn vì ông sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai. Dịch tả hoành hành ở nước Nga đến cuối năm 1893.

Trong một bức thư gửi nhà văn Nikolay Leikin, ngày 4 tháng 8 năm 1893, Anton Chekhov viết: "Mùa hè nói chung không vui vẻ vì nạn dịch tả tệ hại. Chắc anh ngạc nhiên vì tôi viết ít, nhưng tôi sống và chỉ thu nhập bằng văn học. Bao giờ kết thúc dịch tả, tôi sẽ ngồi vào bàn sáng tác, bởi vì đã tích lũy được khối chuyện hay".

Mặc dù phải đi lại liên tục và thực hiện chương trình chống dịch tả, Chekhov vẫn dành thời gian cho công việc sáng tác. Sau khi công bố truyện vừa "Phòng 6" và truyện ngắn "Người đàn bà ưa phù phiếm" năm 1892,  từ tháng 10 năm 1893, các chương của tập bút ký "Đảo Sakhalin" bắt đầu được đăng tải trên tạp chí "Tư tưởng Nga". Toàn bộ tác phẩm được xuất bản vào tháng 6 năm 1895.

"Nhật ký của một bác sĩ trẻ"

Trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất, nhà văn Mikhail Bulgakov bắt đầu làm bác sĩ tình nguyện tại một bệnh viện ở tỉnh Saratov, sau đó tại các quân y viện tuyến đầu ở Kamenetz-Podolsk và Chernivtsy. Từ tháng 9 năm 1916 đến tháng 9 năm 1917, với tư cách là một bác sĩ tốt nghiệp loại ưu, ông làm việc tại  tại làng Nikolskoye, tỉnh Smolensk.

Tiếp theo Thế chiến thứ nhất là cuộc Nội chiến. Cái chết không chỉ đến từ vũ khí trong tay kẻ thù vốn là những người đồng bào, mà còn từ nhiều căn bệnh truyền nhiễm - dịch tả, sốt rét, bệnh tinh hồng nhiệt, đậu mùa, kiết lỵ... Nguy hiểm nhất là bệnh thương hàn - chính Bulgakov bị bệnh này ở thành phố Vladikavkaz.

Tháng 2 năm 1921, nhà văn viết cho người anh họ Konstantin Bulgakov: "Mùa xuân vừa rồi, em bị thương hàn, suýt chết, và mùa hè lại ốm tiếp. Tháng 11 năm 1921, trong một lá thư gửi mẹ, Bulgakov thông báo rằng đêm đêm ông vẫn tranh thủ viết cuốn "Nhật ký của một bác sĩ trẻ", được bắt đầu hai năm trước ở Kiev.

Các truyện ngắn hiện thực mang tính chất tự truyện như:  "Cổ họng thép", "Bão tuyết", "Bóng tối Ai Cập", "Con mắt bị mất", "Bụi vũ trụ"... đều rút từ cuốn "Nhật ký của một bác sĩ trẻ" lần đầu trên được công bố trên tạp chí "Cán bộ y tế" ở Moskva trong những năm 1925-1926.

Trần Hậu (Tổng hợp)
.
.