Chuyện làng văn nghệ

Một tác phẩm nổi tiếng bị xem là "khuyết danh"

Thứ Hai, 29/04/2013, 08:00

Giữa năm 1972 tôi nhập ngũ và hôm lên đường, tình cờ tôi có điều may mắn là được làm quen với nhà thơ Khương Hữu Dụng. Về sau còn nhiều dịp tôi về Thủ đô gặp lại và được cụ tặng sách. Nhà thơ ngày đó tuổi đã cao nhưng tâm hồn vẫn rất trẻ trung.

Già Khương (nhà thơ thường tự gọi như vậy) có con trai đầu là liệt sĩ Khương Thế Xương hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Cụ đã có những vần thơ khóc con thật cảm động, đặt lòng yêu nước lên trên tình cảm riêng tư: "Con tôi dù đã hy sinh/ Xót thương cũng lắng dưới tình nước non". Đầu năm 1999, cán bộ Bảo tàng Quân đội mang các kỷ vật đang lưu giữ của liệt sĩ đến để gia đình xem lại. Tại nhà riêng của cụ ở phố Phan Bội Châu (Hà Nội) còn có bà Võ Thị Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Hơn 30 năm trước, bà hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên yêu nước bị địch bắt, các báo ở Sài Gòn ngày ấy đã nhất loạt đăng bức ảnh "Nụ cười chiến thắng", thể hiện sự hiên ngang, quả cảm của bà trước mũi súng quân thù. Bà vốn là bạn với con trai thứ của nhà thơ, Đại tá Khương Thế Hưng từ thời còn là phóng viên chiến trường của Báo Quân đội nhân dân. Bà Võ Thị Thắng nói với nhà thơ lúc đó tuổi đã ngoại chín mươi: "Thưa bác, trong tù con ở chung với chị Mỹ Hoa (bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước). Những người tù cả nam lẫn nữ đều thuộc bài thơ "Kinh nhật tụng của người chiến sĩ". Chúng con ở chuồng cọp truyền khẩu nhau những vần thơ ấy để giữ vững ý chí chiến đấu. Nhưng chúng con cứ tưởng "Kinh nhật tụng" là của Bác Hồ. Lần trước đến nhà, con đã kể với bác chuyện này, bác nghe cứ cười chúm chím. Giờ con mới biết bác chính là tác giả bài thơ dài đó…". Lúc đó tôi có mặt ở đấy, nghe bà Võ Thị Thắng nói vậy cũng bất ngờ. Những tác phẩm của cụ Khương Hữu Dụng như: "Từ đêm mười chín", "Những tiếng thân yêu", "Quả nhỏ", "Bi bô"… tôi đều được nhà thơ tặng. Nhưng không thấy nhà thơ nói gì về "Kinh nhật tụng". Thế rồi theo yêu cầu của cả nhà, nhà thơ lão thành đã chậm rãi kể về hoàn cảnh ra đời của bài thơ đặc biệt đó.

Vào thời điểm Chính phủ ta ký với Pháp Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, bọn phản động xuyên tạc việc làm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là để giải đáp thắc mắc của một bộ phận quần chúng, Bác Hồ đã nói trước quốc dân đồng bào: "Hồ Chí Minh không bán nước!". Xúc động bởi câu nói ngắn gọn, đầy tâm huyết ấy của vị lãnh tụ kính yêu, nhà thơ Khương Hữu Dụng đã đóng cửa ngồi trong nhà viết một mạch "Kinh nhật tụng", về sau có sự trợ tác của hai bạn thơ Nguyễn Đình Thư và Nguyễn Đình. Đây là "Lời tụng niệm hàng ngày của người chiến sĩ", bao gồm 196 câu theo thể song thất lục bát dễ nhớ, dễ thuộc. Nội dung có từng phần cụ thể: Với chính mình; với công tác; với đồng chí; với dân chúng; với đoàn thể; Với chính thể Dân chủ Cộng hòa… Đó là những lời đúc kết, khuyên nhủ, răn dạy rất cụ thể, thiết thực. Chẳng hạn: "Với dân chúng, nên thân nên trọng/ Thân vì chung một giống một nòi/… Trọng ở nơi dân là gốc rễ/ Nước không dân hồ dễ được ru…". Với đoàn thể: "Việc đã nhận một, hai chu đáo/ Dù nên, hư báo cáo thật thà/ Để chung bàn lẽ cho ra/ Thử gần mà hỏng hay xa mà thành". Vì là sách "kinh" nên không ghi tên tác giả. Toàn bộ cuốn "kinh" đó đã được đăng trên một tờ báo giấy dó xuất bản ở Hà Nội trước ngày Toàn quốc kháng chiến 22/12/1946. Từ đó tuy không báo nào in lại, song nó đã sức lan toả rất nhanh thông qua truyền khẩu. Một sự "nối dài bất tận" trong tâm trí người đọc. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tra tấn cực hình đã thuộc lòng cả bài hoặc từng đoạn để động viên, khích lệ nhau giữ vững khí tiết, như trường hợp bà Võ Thị Thắng kể. Chẳng thế mà khi nhà thơ quy tiên (17/5/2005), ở tuổi gần bách tuế, trong đám tang long trọng tổ chức tại Hà Nội, còn có nhiều nhà cách mạng từng bị tù đày đến viếng và họ đều nhắc đến "Kinh nhật tụng" của cụ. Trong lịch sử thơ ca Việt Nam có lẽ đây là trường hợp độc nhất vô nhị. Một bài thơ dường như khuyết danh lại trở thành "kim chỉ nam" cho cách hành xử của người cách mạng ở những thời khắc nghiệt ngã nhất trong tù ngục: giữa sống và chết, giữa trung thành và bội phản, giữa vinh quang và ô nhục…

Phạm Quang Đẩu
.
.