Những nhạc sĩ… “tay ngang” và những ca khúc nổi tiếng

Chủ Nhật, 24/04/2016, 19:00
Họ không phải là người cầm bút chuyên nghiệp bởi sáng tác không phải là công việc họ chuyên tâm hàng ngày. Không phải ai cũng là hội viên một Hội văn học, nghệ thuật nào. Số lượng tác phẩm của họ ít ỏi, có người cả đời chỉ viết một bài thơ, một truyện ngắn hoặc một ca khúc. Lâu nay, ta vẫn quen gọi họ là những người cầm bút "tay ngang". Lĩnh vực văn nghệ nào cũng có, nhưng rõ hơn, nhiều hơn và để lại những tác phẩm nổi tiếng hơn cả có lẽ là trong âm nhạc. Vâng. Trong bài viết này, tôi muốn nói đến một số bài hát rất có giá trị đã trở nên nổi tiếng của những nhạc sỹ "tay ngang" như thế.


Trước hết và sớm nhất là sự xuất hiện của Đinh Nhu với bài hát "Cùng nhau đi hồng binh". Tên tác giả thì xa lạ, có thể rất nhiều người đã không biết nhưng ai ở tuổi từ 60 trở lên đều rất quen thuộc những câu hát: "Cùng nhau đi hồng binh/ Đồng tâm ta đều bước/ Đừng cho quân thù thoát/ Ta quyết chí hy sinh...".

Đó là những câu mở đầu bài hát "Cùng nhau đi hồng binh". Rất nhiều người yêu thích bài hát này đã tưởng lầm rằng tác giả sáng tác dịp Cách mạng Tháng Tám 1945. Nhưng không phải. Bài hát được ra đời sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương (3/2/1930), trong cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931). Tác giả Đinh Nhu lúc sáng tác bài này là một thanh niên yêu nước, mới 20 tuổi, rất yêu thích âm nhạc, chỉ võ vẽ biết chút ký, xướng âm.

Giữa dòng thác cách mạng sục sôi khi ấy, chàng trai yêu nước còn quá trẻ đã cho ra đời được một bài hát hừng hực khí thế yêu nước của người Việt Nam ta. Nhưng 15 năm sau, trong cao trào kháng Nhật tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, bài này mới lại được vang lên tại những cuộc biểu tình rầm rộ của quần chúng và trở nên nổi tiếng. Nhưng Đinh Nhu đã không được nghe bài hát của mình bởi ông đã hy sinh ngày 17/3/1945 ở tuổi 35 trong một cuộc tù nhân nổi dậy phá trại giam ở Nghĩa Lộ không thành, bị địch bắn chết cùng với 8 chiến sỹ cách mạng khác.

NSND Trung Đức.

Là người Việt Nam ở mọi thế hệ, không ai không biết hai ca khúc cực kỳ nổi tiếng là "Diệt phát xít" và "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi. Ông là nhà văn hóa lớn đồng thời là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch. Bài "Diệt phát xít" đã mấy chục năm nay trở thành nhạc hiệu của tất cả các buổi phát thanh Thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN). Giá trị lớn lao, bất hủ của hai bài hát trên là không thể phủ nhận. Nhưng Nguyễn Đình Thi chưa bao giờ coi mình là nhạc sỹ. Khi còn sống, ông nói mình viết ca khúc…"tay ngang" và lúc sáng tác không nghĩ lại trở nên có sức lan tỏa, trường tồn, mãnh liệt như thế.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp đã ra đời một bài hát mà tác giả là một cán bộ chính trị trong quân đội, ham mê âm nhạc, biết gảy đàn măngđôlin. Vừa ra đời, bài hát đã được bộ đội rất ưa thích và nhanh chóng lan truyền khắp nơi. Sau hòa bình lập lại, bài hát này trở thành nhạc hiệu của buổi phát thanh Quân đội nhân dân trên Đài TNVN. Đó là bài "Vì nhân dân quên mình" của Doãn Quang Khải.

Từ lâu, bài này mặc nhiên đã trở thành quân ca, được mọi thế hệ chiến sỹ rất ưa thích. Sinh thời, tác giả Doãn Quang Khải kể rằng, vào năm 1951, ở tuổi 26, khi ấy ông là cán bộ chính trị, đang công tác ở Trường Sỹ quan lục quân (đóng ở Vân Nam, Trung Quốc). Nhà trường phát động phong trào sáng tác văn nghệ để động viên chiến sỹ trên khắp các mặt trận chuẩn bị tiến tới giai đoạn phản công trong kháng chiến.

Doãn Quang Khải quyết định tham gia bằng một sáng tác ca khúc nhưng vẫn loay hoay chưa biết viết gì. Một hôm, ông đọc được trên báo một khẩu hiệu dành cho bộ đội: "Vì nhân dân phục vụ". Thế là đã gợi ý sáng tác cho ông. Nhưng hai tiếng "phục vụ" ông thấy vừa khô, vừa không có nhạc điệu nên đã đổi thành "quên mình". Từ ý này, lời ca vừa có âm nhạc lại vừa có ý nghĩa cao hơn, triệt để hơn: "Vì nhân dân quên mình/ Vì nhân dân hy sinh/ Anh em ơi, vì nhân dân quên mình…".

Sau bài này, ông chỉ sáng tác một bài nữa sau hòa bình lặp lại nhưng không có gì đặc biệt. Một chi tiết khá hài hước là khi ông về hưu ở làng Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai, Hà Tây cũ), lúc tuổi đã cao, sức yếu nhiều, trẻ con nhà hàng xóm mở đài quá to gây đinh tai, nhức óc đúng lúc bắt đầu buổi phát thanh Quân đội nhân dân. Ông đã quát chúng. Một trẻ nói với ông: "Ông ơi! Nhạc của ông đấy mà. Ông không thích nghe à?", nhưng Doãn Quang Khải vẫn không để ý, vẫn yêu cầu chúng vặn nhỏ đài.

Một ca khúc nổi tiếng được đông đảo công chúng, đặc biệt đồng bào miền Nam rất ưa thích là "Vàm Cỏ Đông", phổ thơ của Hoài Vũ ("Ở tận sông Hồng em có biết/Quê hương anh cũng có dòng sông/Anh mãi gọi với lòng tha thiết/ Vàm Cỏ Đông, ơi Vàm Cỏ Đông…"). Tác giả phổ nhạc ca khúc là Trương Quang Lục, vốn là kỹ sư, về sau làm báo. Ông còn có một bài khác cũng rất nổi tiếng dành cho thiếu nhi là "Trái đất này là của chúng em" phổ thơ của Định Hải ("Trái đất này là của chúng mình/ Quả bóng xanh bay giữa trời xanh…"). Là nhạc sỹ không chuyên, chỉ viết "tay ngang" nhưng ông dành nhiều thời gian cho âm nhạc và sáng tác khá nhiều.

Cũng như Trương Quang Lục, cố tác giả Phan Lạc Hoa làm việc ở ngành đường sắt, không có nhiều thời gian dành cho niềm đam mê âm nhạc. Nhưng ông có hai ca khúc để đời là "Tàu anh qua núi" và "Tình ca bên dòng sông quan họ". Bài thứ hai phổ thơ của Đỗ Trung Lai. Hầu như ca sỹ nào cũng biết hai bài hát này nhưng phải đến NSND Thanh Hoa - nguyên là phu nhân của tác giả - hát thì tác phẩm trở nên có sức lôi cuốn đặc biệt, nhất là ở bài "Tàu anh qua núi". Ở câu kết bài ("Mấy núi em cũng trèo"), tiếng "núi" đã được bà nhấc lên một âm khu rất cao diễn tả độ cao chót vót của núi, gây cho người nghe cảm giác đến đây sẽ được chứng kiến cảnh núi non hùng vĩ của đất nước.

Tác giả Trương Quang Lục.

Nói đến những bài hát viết về xứ sở dân ca quan họ ở Kinh Bắc không thể không nhắc đến "Làng quan họ quê tôi" của Nguyễn Trọng Tạo, phổ thơ Nguyễn Phan Hách. Bài hát chỉ phảng phất một chút chất liệu dân ca vùng này rồi được tác giả phát triển đi khá xa, thậm chí có cả chất lý Nam Bộ. Nhưng người nghe đã hoàn toàn chấp nhận bởi tính hấp dẫn đặc biệt của giai điệu ("Làng quan họ quê tôi /Tháng giêng mùa hát hội /Những đêm trăng hát gọi/ Con sông Cầu làng bao xanh/ Ngang lưng làng quan họ xanh xanh…").

Nguyễn Trọng Tạo hoạt động nhiều ở lĩnh vực văn học và báo chí. Ông làm nhiều thơ, viết báo, lý luận phê bình, còn vẽ bìa sách, minh họa. Không dành nhiều thời gian cho sáng tác ca khúc mà làm thơ nhiều hơn. Ngoài ca khúc nổi tiếng vừa nhắc, những năm gần đây, ông còn cho ra đời nhạc phẩm được đông đảo quần chúng yêu thích và là bài hát nằm lòng chính là bài "Khúc hát sông quê" phổ thơ của nhà thơ Lê Huy Mậu, thắm đượm âm hưởng những điệu hò ví dặm quen thuộc của Nghệ - Tĩnh, nghe ngọt ngào, rất dễ thương ("Qua nửa đời phiêu dạt/ Con lại về úp mặt vào sông quê/ Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ/ Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn…").

Trong số những nhạc sỹ "tay ngang" viết nên được những bài hát nổi tiếng còn phải kể đến nhiều ca sỹ. Công việc chính của họ là ca hát. Nhưng họ đã để lại những ca khúc xuất sắc được công chúng ưa thích. Đó là những danh ca như Quốc Hương với bài "Du kích Long Phú", Trần Khánh với các bài "Nắng ấm về trên Tổ quốc", "Tiếng sáo anh địa chất" và "Lời ru theo sóng". Trần Thụ với "Nhanh tay lưới chắc tay súng". Ba nghệ sỹ này đều đã qua đời.

NSND Tường Vi (quân đội) có bài "Phi đội ta xuất kích" được bộ đội không quân rất thích. NSND Trung Đức là tác giả bài hát quen biết "Em đi chùa Hương", phổ thơ Nguyễn Nhược Pháp. Về bài hát này, rất nhiều người, trong đó có cả giới ca sỹ đã nhầm là của GS Trần Văn Khê - một nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền nổi tiếng. Học giả này cũng từng phổ bài thơ trên của Nguyễn Nhược Pháp. Nhưng bài được giới trẻ hát nhiều, trở nên quen biết là do ca sỹ Trung Đức phổ. Có lẽ vì nghệ sỹ hát bài này quá hay, quá nổi tiếng trong lĩnh vực thanh nhạc nên người ta đã không nghĩ ông có thể đồng thời là người sáng tác.

Trong lĩnh vực sáng tác cho thiếu nhi, cố nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích là một "tay ngang" nhưng đã để lại được khá nhiều bài hát hay, đến hôm nay các em vẫn còn thích hát: "Đưa cơm cho mẹ đi cày", "Cây bàng trước ngõ", "Tiếng chim trong vườn Bác"…Ông nguyên là giáo viên dạy lịch sử rồi về sau chuyển sang công tác ở Bộ Giáo dục. Ông sáng tác không nhiều nhưng những ca khúc dành cho thiếu nhi của ông đều có chất lượng và giá trị trường tồn.

Trên đây là một số nhạc sỹ "tay ngang" tiêu biểu. Ngoài ra còn khá nhiều người nữa, đặc biệt là trong lĩnh vực sáng tác cho tuổi thơ mà không thể kể hết. Họ có thể là hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam (như Trương Quang Lục, Nguyễn Trọng Tạo, Hàn Ngọc Bích, Quốc Hương, Trần Khánh, Trần Thụ…), có thể không. Nhưng đều là những tác giả có tài đã để lại những ca khúc tuy ít về số lượng nhưng rất có giá trị về tư tưởng cũng như nghệ thuật. Nghệ thuật luôn "quý hồ tinh bất quý hồ đa". Họ thực sự đã rất có duyên với sáng tác ca khúc và với sự ngưỡng mộ của công chúng.

Nguyễn Đình San
.
.