Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm:

Nhưng nếu không buồn… có lẽ lại buồn hơn

Thứ Bảy, 08/02/2020, 17:21
Hoàng Nhuận Cầm từ lâu đã trở thành một cái tên quen thuộc trong đời sống văn nghệ nước nhà. Thuộc lớp nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chùm thơ đầu tiên của anh gửi Báo Văn nghệ (1971) đã được Giải Nhất cùng các nhà thơ sau này đều là những tên tuổi: Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Đức Mậu và Vũ Đình Văn.


Bước qua thời chiến sang thời bình, thơ anh lại chính phục trái tim đông đảo bạn đọc, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên qua một loạt những thi phẩm nổi tiếng luôn nằm trong sổ tay bao thế hệ cắp sách tới trường: "Chiếc lá đầu tiên", "Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến", "Xúc xắc mùa thu".

Có thể nói, hai mảng thơ trận mạc và sinh viên của anh đã làm nên một vị trí chắc chắn của Hoàng Nhuận Cầm trên văn đàn. Nhưng thi giới của anh đâu chỉ có trận mạc và những nỗi niềm của thời cắp sách. Hoàng Nhuận Cầm còn một mảng thơ thứ ba nữa mà từ trước tới giờ gần như giới phê bình bỏ quên, đó là những bài thơ - những câu thơ mang nỗi niềm thân phận, là những trăn trở của anh về cuộc sống và kiếp người…

1.Cảm xúc thân phận trong thơ Hoàng Nhuận Cầm, đầu tiên là những tự sự về nỗi cô đơn. Đôi khi mơ ước của anh thật giản dị, đơn sơ, đó là chỉ cần một tri âm để sẻ chia bài thơ mình vừa viết. Vậy mà điều ấy cũng không thực hiện được.

Và thi sĩ đã tự trào lộng mình, tự giễu mình để rồi sau đó nỗi buồn không tan được mà còn ngấm sâu, lặn cả vào giấc mơ: "Vừa làm xong bài thơ/ Chả có ai để đọc/ Tôi vượt qua màn mưa /Giống như một thằng ngốc/ Cuối cùng tôi ngồi khóc/ Trong quán bia bên đường /Cô bán hàng thấy thương/ Rót cho cốc trà nóng (...) Đêm nay trong giấc mơ/ Lại gặp cơn mưa ấy/ Lấy tay sờ lên môi/ Thấy hai hàng lệ chảy" (Cho người tri kỷ). Từ cô đơn chuyển thành cô độc và thậm chí là tuyệt vọng: "Anh cũng vậy sau một lần cất cánh/ Lạc mất phi trường và lặng lẽ rơi" (Quả tim sân bay).

Hình như nhiều người nghệ sĩ mang trong mình một nỗi buồn tiên thiên, bước chân vào dòng đời đã thấy nỗi buồn ngấm sâu và sớm tự cảm thấy mình sẽ là một kẻ lang thang trong hành trình vạn dặm: "Xin đập vỡ chén sành trong nhà Nguyễn/ Ánh mắt buồn như ánh chớp qua thơ/ Uống rượu Mẹ từ năm chưa tính tuổi/ Ký sổ Đời ngay giữa quán bơ vơ" (Ký sổ).

2. Thân phận không thể nào không gắn với tình yêu. Nhưng đó không còn là mối tình học trò của những "Chiếc lá đầu tiên", "Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến" nữa mà nó là những trăn trở suy tư về hạnh phúc, trong đó hình như có cả những sai lầm mà ta chẳng thể có cơ hội làm lại lần thứ hai trong đời: "Anh về với bao la/ Cỏ xanh vừa chấm ngực/ Hiếm hoi như hạnh phúc/ Mùa thu ngơ ngác xanh/ Bay vụt qua đời anh/ Mắt buồn và tóc rối/ Khi mà mình có tội/ Mây rất thờ ơ trôi" (Mây rất thờ ơ).

Trong cái khát khao rất đỗi con người ấy, vui và buồn cứ lần lượt đến rồi đi, rồi lại quay về, ném con người vào những xúc cảm phức tạp, khi thì mênh mang vô vọng, lúc lại như muốn tự hủy khiến lòng người càng thêm tan nát: "Thơ gõ cửa run run chùm chìa khóa/ Ai vu vơ tấy xóa mãi chân trời" (Tháng 3 quay lại), "Mùa xuân ấy dưới màu hoa rất đỏ/ Anh xếp ba lô, lặng lẽ đốt thơ mình" (Dưới màu hoa rất đỏ). Đã có những lúc, ngỡ như con người đã sắp chạm được vào hạnh phúc, nhưng rồi những câu thơ của anh vẫn mang đầy trong đó bao dự cảm bùi ngùi chẳng nói rõ được thành lời, như một nỗi phấp phỏng mơ hồ đã len lỏi vào trong hơi ấm: "Khoảng sân ấy và mảnh vườn quen thuộc/ Hai bông hồng nở trước lúc em đi/ Ta quen nhau giản dị đến lạ kỳ/ Anh như người say trên đường em chợt thấy/ Nến đã tắt - Đêm nay lại cháy/ Cầu chúc gì trong ánh sáng Vân ơi..." (Mây cuối trời).

Thân phận con người sau khi đặt trong tình yêu đôi lứa, đã có những lúc tìm về với một không gian có tính gắn kết cao hơn là gia đình. Tôi gặp những câu thơ như lời tâm sự gan ruột của anh với đứa con, trong đó có sự hy sinh thầm lặng của người cha, đôi khi pha chút xót xa, cay đắng nhưng đã cháy là cháy tới tận cùng: "Ta đã thực vào đời bằng nước mắt/ Để con ta mơ mộng ngủ bên đàn/ Ta đã đi như mèo trên phố vắng/ Gọi tên con như gọi các thiên thần/ Có một nốt không bao giờ con biết tới/ Là nỗi buồn cha đã nuốt thay con (...) Cha khao khát sau này, thích gì con hát thế/ Dẫu cha thành xác pháo để mừng con" (Nhớ ngày mai).

3. Nhưng tôi thấy Hoàng Nhuận Cầm vẫn là một nhà thơ lạc quan nhiều lắm. Anh nói với người khác: "Đừng bao giờ chán nản em ơi/ Hãy gìn giữ những vui buồn đã có" (Dưới màu hoa rất đỏ). Anh nói với chính mình  trong sự mạnh mẽ và cứng cỏi của khí phách: "Ta phải sống như là không thể chết/ Trái tim yêu như chưa bị bạc tình/ Dòng thơ viết âm thầm trong bóng tối/ Mỗi đêm trường toé loé một bình minh" (Giai điệu lạc quan).

Hơn một lần anh không ngần ngại nhắc đến cái chết để rồi khẳng định mình sẽ vượt qua cái chết, để vẫn tiếp tục sống, yêu và hy vọng: "Ai trong chúng ta cũng có lúc buồn muốn chết/ Vì Tình Yêu Cuộc Sống tràn đầy/ Nếu phải chết xin cho tôi được chọn/ Cái chết nào lập tức Phục Sinh ngay" (Thơ phục sinh), "Nếu tôi chết. Tốt hơn, đừng chết!/ Ai sẽ phục sinh Em... trong những tối không chồng" (Tốt hơn, đừng chết!).

Nhắc đến cái chết cũng chính là nghĩ về sự sống, lẽ sinh tử luôn song hành cùng nhau là vậy. Và Hoàng Nhuận Cầm là nhà thơ rất trân trọng, rất yêu... sinh nhật của mình. Anh có tới hai bài thơ với đề tài sinh nhật. Thế nhưng cả hai bài thơ ấy đều mở đầu bằng những khổ thơ buồn: "Mồng 7 tháng 2 này/ Là ngày sinh nhật Bố/ Chắc gì Mẹ đã nhớ/ Hai con thì bé thơ" (Các con là ngọn lửa), "Hôm nay sinh nhật của tôi/ Không ai gọi điện... buồn ơi là buồn.../ Lấy xe tôi phóng ra đường/ Mưa giăng giăng bụi... phố vương vương người..." (Viết ngày mùng 7 tháng 2).

Vợ chồng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Trong xúc cảm của ngày sinh anh không quên nghĩ về cái chết: "Mai tôi từ giã mọi người/ Tiễn nhau một ngọn lửa thời xa xưa...". Và đã có những lúc anh nghĩ về cái chết như một sự kết thúc thực sự, khép lại tất cả những hy vọng hò hẹn đợi chờ: "Một mai chết hết ăn năn/ Tôi nằm xuống đất không cần thở than" (Một mai).

Là nói vậy thôi, chứ đối với người nghệ sĩ thì cái dồn bao tâm huyết để lại cho đời vẫn là tác phẩm, cái khát khao người tri âm dù cách biệt không gian thời gian nhưng vẫn đồng điệu với mình là một điều có thực: "Nếu tôi chết trời xanh bình lặng/ Thêm một vì sao nữa rụng rơi/ Bạn ngồi uống cà phê có nhớ/ Uống cả vì sao ấy hộ tôi" (Thêm một vì sao).

Không phải ngẫu nhiên, tôi bắt gặp rất nhiều hình ảnh cát bụi trong thơ Hoàng Nhuận Cầm. Cát bụi ấy cũng chính là kiếp người nhỏ nhoi với bao vật vã, bầm giập nhưng vẫn phải bay lên: "Ta như hạt cát thổi bay ngang đời" (Viết ngày mùng 7 tháng 2), "Xác thân cát bụi từ khi lọt lòng" (Gió linh cảm), "Buồn vui rồi cũng về cát bụi/ Ai hát khi trời xanh bắt tôi" (Vé trở về), Một trang giấy gió cát biền biệt bay (Ngủ quên). Có lúc cát bụi còn hòa lẫn với tình yêu xa xót, chia lìa, mất mát: "Rồi một thoáng gặp tôi/ Ôm cây đàn vỡ nát/ Rồi một lần gặp em/ Hai lưng trần dính cát/ Đi qua vùng sa mạc/ Âm u như tình yêu/ Đi qua vùng phì nhiêu/ Cây xanh như đau khổ..." (Trăng phía ấy).

4. Thơ Hoàng Nhuận Cầm ngoài những cơn lốc xoáy vào thân phận chính anh, anh còn dành cho cả những thân phận khác nữa. Tôi bắt gặp trong tập "Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến" của anh bài thơ có nhan đề "Thanh thản" với lời đề tựa: "Lời của người gỡ mìn đã hy sinh".

Có thể nói đây là một trong những bài thơ rất hay của Hoàng Nhuận Cầm mà từ trước đến giờ còn chưa được mấy ai nhắc đến. Thi phẩm là một phức cảm những nỗi niềm của thời chiến và thời bình, tình mẫu tử cũng như những chiêm nghiệm về sự sống và cái chết của một kiếp người: "Mẹ ơi! Trước lúc con vĩnh biệt/ Con không kịp thấy chỗ con nằm/ Con chỉ nhớ rằng sau tiếng nổ/ Vẫn quỳ trước Mẹ, trước vầng trăng".

 Trong chùm thơ gồm 03 bài công bố gần đây nhất của anh trên Báo Nhân dân hằng tháng, có một bài thơ với nhan đề "Bên dòng thời gian" và cũng kèm lời đề tựa: "Cho một Người Thơ xa xứ". Đây là một cảm thức nữa về thân phận và kiếp người trong thơ anh, trong đó có sự lưu lạc và sự trở về, mối quan hệ giữa con người và quê hương, giữa chiến tranh li tán và ngày đoàn tụ, giữa nụ cười và nước mắt: "May quá Người Thơ ấy đang còn sống/ Phiến đá đau thương ngậm sóng vào lòng/ Ngậm mãi Biệt Ly ở giữa đám đông/ Đợi một Ngày về bình an vô sự/ Trong từng khoảnh khắc hồi sinh quá khứ/ Hình như có ai vừa mới ra đời/ Đã lâu lắm rồi lại khóc Mẹ ơi/ Ôi Mẹ Việt Nam đắng cay khổ hạnh...".

Một trong hai bài thơ còn lại của chùm thơ mới nhất mang tên: "Nỗi buồn để sống". Vậy là thi sĩ dường như quay về với bản thể tiên thiên nghệ sĩ của mình đã từng nhắc tới trong bài thơ "Ký sổ" nhiều năm về trước. Nhưng đây là nỗi buồn như một thứ mỹ cảm để con người có thể tiếp tục đắm say, gắn bó và yêu tin với cuộc đời, với mọi người. Và bạn đọc yêu mến thơ Hoàng Nhuận Cầm, được quyền tin tưởng và hy vọng về sức sáng tạo thi ca của anh: "Tôi có đủ nỗi buồn để sống/ Như sáng nay ra ngồi mép sông Hồng/ Bãi ngô non vẫn còn nguyên vẹn đó/ Ai biết mình vừa mất mát gì không (...) Tôi có đủ nỗi buồn để sống/ Như chiều nay thảng thốt gặp một người/ Một người bạn đã lâu rồi mới gặp/ Đứng bên đường như kẻ dại nhìn tôi/ Tôi có đủ nỗi buồn để sống/ Như tối nay tìm đến giữa sân trường/ Con bướm trắng đã về nơi chín suối/ Cỏ chọi gà ngơ ngác một mùi hương (...) Tôi có đủ nỗi buồn để sống/ Như sáng mai lại thêm một nỗi buồn/ Một nỗi buồn lẽ ra không nên có/ Nhưng nếu không buồn có lẽ lại buồn hơn...".

Đỗ Anh Vũ
.
.