Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm “lên đồng” với “Xúc xắc mùa thu”

Thứ Sáu, 14/04/2017, 08:10
Cách đây 25 năm, khi nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm in tập thơ “Xúc xắc mùa thu” (được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1992), lúc ấy, gia cảnh “bác sĩ hoa súng” khá nghèo túng, lấy đâu tiền mà in thơ khi Cầm phải thức trắng đêm viết kịch bản và viết thêm cả báo để kiếm chút nhuận bút “còm” mua sữa cho con.


Ngày ấy, căn buồng nhỏ của gia đình Cầm nằm tận phía trong cùng một khu nhà ở phố Hàng Bún. Căn buồng chưa được chục mét vuông, lại nằm ngay cạnh nhà vệ sinh tập thể của cả khu dân cư nên cảm hứng thơ của “bác sĩ hoa súng” nhiều khi bị dập tắt bởi mùi xú uế bay sang. Bạn bè đến chơi, ngồi bệt xuống nền nhà nhơm nhớp nước, căn buồng luôn mù mịt khói thuốc lào.

Hình như Cầm phải lấy khói thuốc lào xua đi mùi ô nhiễm của căn buồng chật chội và cứ chốc chốc, tôi lại thấy anh xách xô nước, dội ào ào vào cái chuồng xí tập thể cạnh đấy để cho nó bớt nồng nặc. Những tháng năm ấy, sống khổ như vậy nên tôi thấy thơ anh bớt “véo von vần điệu” và bắt đầu đi vào những dằn vặt của kiếp người. Anh suốt ngày rượu bia và luôn nói về “cái chết của thi ca” và “cái chết của những người lao lực vì phải viết để kiếm sống”.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (trái) và nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.

Một tối đến chơi nhà anh, tôi thấy “bác sĩ hoa súng” đang bị “thơ hành”. Người sặc sụa mùi rượu và mùi thuốc lào, anh ngồi cạnh chai rượu gần cạn đáy, mồm lảm nhảm bài thơ mới viết:

Nếu tôi chết - Hãy tìm tôi nhé
Một trưa nào như trưa mùa Thu
Chiến hào năm thằng lăn ra ngủ
Tôi giật mình - tiếng đại bác ru.
Nếu tôi chết - Hãy tìm tôi nhé
Một tối nào như tối mùa Đông
Chiều thứ bảy quán cà phê vắng
Chủ quán buồn, hỏi: Có buồn không?...

Rồi “bác sĩ hoa súng” bỗng dưng gào tướng lên: “Nếu tôi chết/Tốt hơn, đừng chết!/ Ai sẽ phục sinh Em... trong những tối không chồng” và cười ha hả. Tôi chọc Cầm: “Theo tớ, cậu nên thêm vào một câu thơ cuối nữa thì bài sẽ hoàn chỉnh hơn: “Ai sẽ phục sinh Anh trong những tối thất tình”, hoặc “Ai sẽ phục sinh Thơ trong những đêm vợ bỏ” thì hợp với hoàn cảnh của cậu hơn vì hiện tại nàng thơ đã bỏ đi, để bố con cậu bơ vơ, tội nghiệp trong căn phòng “Gió em vào nếu chán gió lại ra” giống câu thơ định mệnh của cậu!”.

Nghe tôi nói, Cầm hằm hè nhìn tôi như muốn “chan tương đổ mẻ”, cầm chén gõ vào cái chai không côm cốp mấy cái liền, mắt lườm lườm như hai họng súng. Tôi xoa dịu bạn: “Tớ hiểu rồi, ai sẽ phục sinh thơ trong những tối rượu không còn, tớ sẽ đi kiếm cho cậu một chai nút lá chuối chính cống nữa nhá!”.

Cầm liền cười tươi: “Ông ra cuối phố, mua chai rượu quê ở cái quán nước của bà Ba Béo cạnh hàng bà cháo sườn ấy nhé, bảo là mua cho “bác sĩ hoa súng” thì họ mới đưa thứ rượu không pha phách, hiểu chưa?”. Một lúc sau, tôi cầm chai rượu về, đã thấy Hoàng Nhuận Cầm bày la liệt cả chục tập thơ ra nền nhà. Tôi xua tay: “Thôi, không nhắm thơ với rượu nữa, tớ mua mấy cái nem và lạc rang đây rồi”. Cầm trợn mắt quát: “Tối hôm nay, tôi hẹn ông đến đây có việc rất quan trọng đối với thi ca chứ không phải chỉ có chuyện rượu chè lươn khươn, ông hiểu không? Tôi cảm ơn ông vì chai rượu và món đồ nhắm, nhưng bây giờ ta phải vào cuộc ngay”.

Nói rồi “bác sĩ hoa súng” thận trọng giở từng tập thơ để dưới sàn nhà, toàn là thơ của các nhà thơ nổi tiếng như: Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Trúc Thông, Hoàng Hưng, Bế Kiến Quốc, Y Phương, Ý Nhi, Ngô Thế Oanh…

Thơ bày ra nền nhà như một cuộc “duyệt binh” thi ca vậy. Với vẻ mặt đầy quan trọng, Cầm nói khẽ như sợ người ngoài nghe thấy: “Tớ sắp in tập thơ “Xúc xắc mùa thu” nên bây giờ phải nghiên cứu kỹ các “chiêu thức” của từng nhà thơ này, xem họ bố cục mỗi tập thơ của họ ra sao, họ chơi thơ theo kiểu gì, bài thơ nào đưa lên đầu tập để gây ấn tượng, bài thơ nào cho xuống cuối tập để gây bất ngờ.

Mỗi lần in thơ là một trận đánh, cậu hiểu không, phen này tớ quyết chí giành giải thưởng Hội Nhà văn bằng tập thơ sắp in này”. Nói xong Cầm rót rượu ra chén, chúng tôi cụng chén chúc cho tập thơ vào giải thưởng vì “bác sĩ hoa súng” nghèo quá, phải vay nợ lung tung để lấy tiền in thơ, nếu không có tiền giải thưởng, sẽ lỗ to.

Nhâm nhi được vài chén, chợt nhớ ra điều gì không ổn, tôi vỗ vai bạn đánh độp: “Nhưng tập thơ của cậu nghe chừng xái lắm, u ám lắm, có đến gần chục bài thơ toàn viết về chết chóc với giọng chì chiết, bất cần đời. In ra không khéo bị cánh phê bình đập cho xôi hỏng bỏng không, rồi đám “nhìn gà hóa cuốc” vạch bèo xem bọ họ đòi tịch thu thì tập thơ của cậu coi như “xong phim”, phải tính cho kỹ đi”.

Cầm ngó trước, nhìn sau như buôn hàng cấm, cười thì thầm: “Tớ có cách giải mã rồi, tên tập thơ là “Xúc xắc mùa thu” mà viên xúc xắc dùng để chơi bài, chơi bạc, cậu biết rồi. Vậy đây là một “canh bạc thơ” dành cho độc giả mà tớ là nhà cái,  nên tớ luôn ở thế thắng. Không những thế, ở bìa cuối tập thơ tớ còn một chiêu “trấn yểm” có một không hai. Cậu xem đây, tớ sẽ in tấm ảnh chụp lúc tớ vừa mới ra đời, thằng bé Cầm chưa đầy một tuổi, nằm trần truồng, mồm cười toét, chân tay khua khoắng lung tung, chim cò tơ hơ. Tấm ảnh “ngày sinh” này sẽ xua tan mọi u ám, chết chóc, mọi điều không hay về tập thơ này”.

Sau đó, Cầm ghé tai thân mật, đề nghị tôi với tư cách bạn bè viết mấy bài giới thiệu tập thơ “Xúc xắc mùa thu” in trên các báo nhằm “định hướng dư luận văn chương” ở Hà Nội. Tôi cười: “Điều quan trọng là thơ cậu có hay không, có chinh phục được độc giả không? Còn viết giới thiệu các tập thơ là chuyện thường ngày tớ vẫn viết cho các báo. Tớ sẽ ủng hộ cậu, nhưng xem ra trong chuyện thi ca, cậu không điên chút nào cả, cậu tỉnh táo và tinh quái lắm!”.

Hôm sau, tôi nói lại chuyện này với nhà thơ Hữu Việt, người cũng chơi khá thân với “bác sĩ hoa súng”. Hữu Việt cười khì: “Ông này không điên thật đâu, ông ấy điên theo kiểu ăn người thôi!”. Năm đó, tập thơ “Xúc xắc mùa thu” được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và người ủng hộ Hoàng Nhuận Cầm nhiều nhất trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam chính là nhà văn Hữu Mai (bố nhà thơ Hữu Việt).

Có điều, thi ca đối với Hoàng Nhuận Cầm vẫn là một thế giới “Mắt trong leo lẻo nỗi buồn ngàn xưa” nên nó vẫn cứ phải ngâm nga diệu vợi, vẫn cứ phải thánh thót nhạc điệu như ru, như vỗ về để đánh thức người nghe, người đọc. Thứ thơ ấy, khó ai viết giỏi hơn Cầm.

Tôi đồ rằng, thơ đương đại nước ta có hai thi nhân tạm gọi là “vua”. Đó là “vua thơ trẻ em” Trần Đăng Khoa và “vua thơ sinh viên” Hoàng Nhuận Cầm. Đố ai viết thơ trẻ con giỏi như Khoa lúc còn là thần đồng chục tuổi. Và, cũng đố ai viết thơ tuổi sinh viên hay hơn Cầm cách đây ba chục năm. Chợt có hôm, tôi cùng một bạn gái yêu thơ đến nhà Cầm chơi, tôi thấy anh rất trịnh trọng đặt lên sàn nhà một chai rượu trong vắt nút lá chuối, rồi thắp mấy nén nhang thơm (thay vì đốt trầm) để cùng bạn bè thưởng ngoạn những bài thơ mới viết.

Tôi thấy hơi ngài ngại khi Cầm tuyên bố một câu xanh rờn: “Tiêu chí của thơ hiện đại hôm nay là những câu thơ hay phải biết cách “tự sát” để cho phần hồn của câu chữ cháy lên và đóng đinh vào cảm xúc người đọc. Các bạn hãy lắng nghe tôi đọc những bài thơ viết về cái chết đã tập hợp thành một luận đề “Thơ muốn hay phải tự sát”.

Rồi Cầm ngồi xếp chân lại rất thành kính, mắt hướng về phía “cao siêu”, tay cầm nhang vái lia vái lịa như một diễn viên “hầu đồng”, rồi chậm rãi đọc bài thơ “Một mai”: “Một mai chết thật âm thầm/ Mấy nhành cỏ dại khẽ trầm ngâm ru/ Một mai chết hết hận thù/ Mắt chầm chậm khép, tay từ từ xuôi/ Một mai chết thật buồn cười/ Tóc tôi buông xuống như người ngủ mơ/ Một mai chết thật tình cờ/ Thuốc trên tay khói vẫn dờ dật bay/ Một mai chết thật hao gầy/ Xanh xao quần áo tháng ngày thủy tinh/ Một mai chết hết tội tình/ Một mình mình hát, một mình mình nghe...”.

Nhìn Cầm đọc thơ như lên đồng mấy bài thơ liền viết về chết chóc, cô bạn gái yêu thơ ngồi cạnh tôi như bị thôi miên, cứ ôm chặt lấy vai tôi thì thào: “Em sợ quá, em lạnh quá, bạn anh điên mất rồi, ngày nào cũng lảm nhảm như một ông thầy cúng thế kia thì vợ con chịu sao nổi. Em chẳng dám yêu mấy ông làm thơ rồ rại như bọn anh đâu, có lẽ phải bỏ của chạy lấy người thôi!”.

Nhìn “nàng thơ” cứ ôm siết lấy tôi, Cầm trợn mắt: “Chỉ ôm chay thôi nhé, đừng có hôn hít quằn quại là không xong với tôi đâu! Thi ca là thiêng liêng lắm đấy, các bạn đừng có đùa với Thánh Thi, Tửu Thi”. Nói rồi, Cầm lấy chai rượu rót ra cái chén con, làm luôn mấy tợp và vớ chiếc điếu cày, bắn luôn mấy bi liền. Sau đó, anh lại nghiến răng ken két đọc thơ.

Thấy Cầm định đọc tiếp “trường ca” viết về cái chết, tôi xua tay can bạn: “Bài thơ cậu vừa đọc là bài thơ “hay nhất” viết về cái chết trong thơ Việt Nam nửa thế kỷ qua. Thôi tạm dừng ở đây, nàng thơ đi với tôi sắp ngất rồi, để tối mai đọc tiếp”. Thấy tôi dìu “nàng thơ” ra về, Cầm lắc đầu: “Thôi xin bố, chỉ có bố là lãi, tranh thủ lúc người ta đọc thơ để tán tỉnh ve vãn nhau…”, rồi anh cười, nụ cười thật đầm ấm.

Nguyễn Việt Chiến
.
.