Những mùa hoa anh nói

Thứ Năm, 08/10/2020, 10:21
Ban đầu, tôi thực sự tò mò khi trên Facebook xuất hiện tên một tập thơ với cái tên khá lạ "Những mùa hoa anh nói". Rồi tôi nhận được tập thơ mà tác giả là Trương Anh Tú, một người đang sống và làm việc ở Đức gửi tặng. Cầm tập thơ trên tay, tôi tự hỏi không biết "Những mùa hoa anh nói" là hoa gì?


Khi đọc bài thơ "Những mùa hoa anh nói" cũng là tên tập thơ do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, tôi thực sự thích thú vì ý tưởng của bài thơ điều mà gần 20 nay sống ở nhà vườn Sóc Sơn tôi đã trải nghiệm: "Tôi tìm những bông hoa/ Nồng nàn từ đồng nội/ Hương được hong từ gió/ Sắc được hái từ mây/ Cả hoa và cả lá/ Từ giọt sương vơi đầy.../ Gã bán hàng nghĩ ngợi/ Không có đâu anh ơi / Những bông hoa ở đây/ Được nuôi từ lồng kính.../ Gã bán hàng tư lự/ Chợt buồn rồi xa xôi/ Những mùa hoa anh nói/ Phải tự trồng anh ơi!".

Ý tưởng của nhà thơ tôi thiển nghĩ, cũng là ý tưởng của nhiều người khi muốn quay trở lại với thiên nhiên, với tự nhiên, với cuộc sống hương đồng, cỏ nội... Mà chính tôi là một trong những người đã tìm về với tự nhiên, sống giữa thiên nhiên cỏ cây hoa lá... Thiên nhiên đúng là bà mẹ vĩ đại như người ta thường nói.

Bìa tập thơ “Những mùa hoa anh nói” của Trương Anh Tú.

Tập thơ "Những mùa hoa anh nói" được chia ra nhiều phần... Tất cả các phần trong tập thơ tôi có cảm tưởng đều hướng đến tự do, tự nhiên, thiên nhiên, sự sống của con người hiện đại... Thế giới càng văn minh, hiện đại, với nhiều sáng tạo tuyệt vời làm nhẹ bớt gánh nặng của cuộc sống... Nhưng, thế giới hiện đại cũng làm con người xa cách hơn với thiên nhiên, với tự nhiên... Nên con người lại muốn quy về với tự nhiên, với bản thể của chính con người. 

Ai cũng biết rằng những nước giàu có nhất, phát triển khoa học kỹ thuật cao nhất chưa hẳn đã là những nước có chỉ số sống hạnh phúc cao nhất. Chẳng phải Bhutan không phải là quốc gia giàu có nhất, công nghệ phát triển nhất, nhưng lại được coi là đất nước đáng sống nhất hay sao!

Quay trở lại với thơ, chính là thơ:

"Thênh thang trong cõi vô thường/ Lẫn trong dâu bể... con đường màu xanh (Con đường màu xanh). Bài thơ chỉ có hai câu của nhà thơ Trương Anh Tú trong "Những mùa hoa anh nói", tôi thiển nghĩ đã nói lên nhiều điều, lời ít ý nhiều, chẳng phải nói như người xưa là: Ý tai ngôn ngoại đó sao!

Hầu hết những bài thơ trong tập thơ "Những mùa hoa anh nói" đều có một mặt bằng cảm xúc ấy là thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá của quê hương, xứ sở với biết bao kỷ niệm thân thương... Đi đâu, về đâu, cuối cùng vẫn là quê hương, vẫn là màu xanh, xanh như bầu trời, như mặt đất, như ước mơ bay bổng khát khao của mỗi con người, nhất là những người đang sống xa quê hương, xứ sở. 

Tôi thích những câu thơ bình dị mà sâu lắng như thế này: "Sông Thương thương dòng đục/ Lắng đôi bờ dòng trong...".  (Sông Thương). "Tôi về ôm giấc chiêm bao/ Còn ai gặt lúa/Yếm đào/ Sông trăng" (Giấc phố làng tôi). "Trái tim lạc giữa phù sinh/ Gieo trong cỏ biết quên mình mùa xa" (Quên mình mùa xa). "Tôi có ngôi nhà nhỏ/ Cửa mở khắp phương trời/ Sáng nghe mặt trời dậy/ Đêm vàng ánh trăng rơi..." (Tiếng hát). "Đời có bao nhiêu vốn/ Tiêu cả với trời xanh/ Mai tìm tôi em hỡi/ Trong hạt mưa yên lành" (Tìm tôi em hỡi). Bài thơ "Tóc xanh" chỉ có bốn câu nhưng đã để lại nhiều dư âm cho người đọc: "Tóc vẫn xanh mầu lá/ Vẫn biếc cùng cỏ cây/ Tóc quên mình đang bạc/ Gối đầu lên khói mây".

Nhà thơ Trương Anh Tú dù tôi chưa gặp bao giờ, nhưng theo như tôi biết là người Việt hiện đang sống và làm việc ở Đức. Thường những người sống lâu ở nước ngoài hay thông thạo tiếng nước ngoài, khi làm thơ có nhiều cách nghĩ, cách viết gần với văn học nước ngoài! Nhưng, trong tập thơ "Những mùa hoa anh nói", Trương Anh Tú không thế. Cách cảm, cách nghĩ, cách viết của nhà thơ Trương Anh Tú thuần Việt. Tôi thích điều này. 

Một thời, chúng ta thường nhắc nhau câu nói nổi tiếng của đại thi hào Đức W. Goerthe "Mọi lý thuyết đều là mầu xám, chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi". Khi được biết Trương Anh Tú hiện sống và làm việc ở Frankfurt quê hương của thi hào W. Goerthe, tôi thiển nghĩ chính Trương Anh Tú đã hiểu thế nào là "Cây đời mãi mãi xanh tươi" không chỉ theo nghĩa bóng của câu này. 

W. Goerthe từng nói rằng: "Mỗi ngày, ai cũng nên ít nhất nghe một bài hát, đọc một bài thơ, xem một bức ảnh đẹp, và nếu có thể nói một vài lời lẽ phải". Ấy là con người tự nâng cao tâm hồn mình, có được niềm vui tự thân và sống hài hòa với cuộc sống của mọi người, như thiên nhiên, trời đất!

Khi tôi đọc bài "Chú ếch và mùa thu" trong tập thơ, tôi thực sự ngạc nhiên trước một tâm hồn trẻ thơ của một người từng trải, một người đang sống và làm việc ở một đất nước phát triển, giữa thế kỷ của máy móc, kỹ thuật, lập trình: "Ánh trăng mỏng như dải lụa/ Trong veo mặt nước ao nhà/ Chú ếch giật mình sợ ngã/ Vào lòng mùa thu bao la".

Giữ được tâm hồn thi nhân, hồn nhiên, trong trẻo như mùa thu của đất trời, ở xứ người, trong cuộc mưa sinh xuôi ngược đâu có dễ! Nhưng, nhà thơ, chỉ có nhà thơ mới có được sự hiện hữu này.

Bây giờ, nhiều người làm thơ muốn khác đi, muốn thơ không chỉ là "Ngôi đền thiêng" như các bậc tiền bối của chúng ta, như quan niệm ngàn đời nay, mà muốn thơ như một "Quảng trường" ra vào náo nhiệt, ai cũng có thể đến, có thể đi, có thể hò hát, nhảy múa! Cũng phải, nhưng cũng không phải vậy, bởi nếu thơ không neo đậu vào hồn người thì chỉ là sự bày đặt lạ mắt như nghệ thuật bày đặt trong hội họa, chỉ nhằm thu hút người xem đến lắc đầu hay gật đầu rồi đi và quên.

                Nhà vườn Sóc Sơn 8-2020

Dương Kỳ Anh
.
.