“Những lỗ vuông” của Ngô Thế Trường

Thứ Bảy, 03/12/2016, 08:31
Ngô Thế Trường nhạy cảm đến có thể nghe được nỗi niềm của ngay cả những vật vô tri: Cây biết hát cùng gió và mây/ Cây biết khổ đau/ Tự lành vết thương bằng nhựa máu/ ... Cây có đời như người từng trải/ Sần da chịu nắng mưa. Cái cây qua đôi mắt của Ngô Thế Trường hiện lên như một kiếp người. Lam lũ, đức hy sinh cao, cam chịu và nhẫn nại. Cũng còn có cả kiên cường sống, mãnh liệt sống.


Tập thơ được chia làm hai phần, phần I, Cát giữa lòng tay gồm 36 bài có thể tạm gọi là thơ nhân thế; phần II, Tiếng vĩ cầm 19 bài thế sự - cả với nghĩa thế giới. 

Ngô Thế Trường nhạy cảm đến có thể nghe được nỗi niềm của ngay cả những vật vô tri: Cây biết hát cùng gió và mây/ Cây biết khổ đau/ Tự lành vết thương bằng nhựa máu/ ... Cây có đời như người từng trải/ Sần da chịu nắng mưa. Cái cây qua đôi mắt của Ngô Thế Trường hiện lên như một kiếp người. Lam lũ, đức hy sinh cao, cam chịu và nhẫn nại. Cũng còn có cả kiên cường sống, mãnh liệt sống.

Ngô Thế Trường không thôi ca ngợi những con người lao động. Anh đi vào khai thác sâu vẻ đẹp của người lao động. Hình ảnh nhân vật “tôi” trong bài “Thợ săn cá mập đảo mù” mang một vẻ đẹp của một người lao động cần cù, chất phác và gan dạ: Cá mập rình..., tôi tìm cá mập.../ Cuộc vần vũ những ngư phủ đảo/ Với cá săn người, bão tung.../ Biển Sa Kỳ ngầu máu tanh đen/ Tôi mang về những con mập ngáp. Cuộc chiến đấu sinh tồn diễn ra đầy cam go giữa người với con cá mập săn người.

Nhà thơ Ngô Thế Trường.

Cũng trong bài “Thợ săn cá mập đảo mù”, Ngô Thế Trường đã miêu tả vợ của người ngư phủ một cách hóm hỉnh, đáng yêu thế này: Làng tặng tôi người đàn bà ú mập/ Chỉ biết ngủ, và đánh bài mạt chược/ Ngủ qua ngày, qua bão mặc lũ con/ Dẫu sao!... Tôi vẫn có một người đàn bà đợi! Coi thùng mắm đảo Mù/ Sinh con và mắng nhiếc.

Ấy vậy đấy! Không chỉ phát hiện ra nét đẹp, vẻ đáng yêu của người dân lao động lam lũ. Bài thơ như một triết lý nho nhỏ về hạnh phúc, không phải là những gì cao cả, xa vời mà hạnh phúc luôn hiện hữu với những ai biết hài lòng với cuộc sống của mình. Nếu như những câu thơ trước, nhà thơ hóa thân vào người ngư phủ để kể câu chuyện về anh ta, về một người vợ “chẳng được nết gì” thì đằng sau hai từ “Dẫu sao” lại là tâm trạng hoan hỷ của người ngư phủ khi nghĩ về vợ mình.

Anh ta bằng lòng với người vợ không xinh đẹp, không đảm đang, thậm chí có thể nói là người phụ nữ có hình dáng mập ú xấu xí, tính nết lại hay cằn nhằn. Tuy nhiên, đằng sau những khuyết điểm ấy, người ngư phủ nhìn ra được vẻ đẹp của vợ, một người biết coi những thùng mắm, đặc biệt là biết sinh con cho anh ta và biết đợi anh ta về. Chính người đàn bà ấy đã mang lại sự bình yên cho cuộc sống đầy bão giông, hiểm nguy của người ngư phủ.

Ngô Thế Trường có biệt tài nhìn thấy thơ ở chỗ không thơ nhất, ấy là cõi chết. Anh đã so sánh người dân vạn chài với Chúa Giêsu. Đặt hai hình ảnh giống nhau nhưng khác nhau về ý nghĩa, bản chất, Ngô Thế Trường đã khéo léo khắc sâu hơn nỗi vất vả, cơ cực cũng như sự bẽ bàng, cay đắng trong đời sống của người dân chài.

Những câu thơ của Ngô Thế Trường tưởng chừng như vô tình, lạnh lùng: Cũng giống Giêsu dang hai tay rộng/ Nhưng khác Giêsu không ngoẹo cổ trên cao/ Thương hết nhân gian hứng tội mọi kiếp người/ Anh nằm im như một con cá ngáp/ Vừa vớt lên dưới vực bể sâu.

Thơ Ngô Thế Trường không hoàn toàn nhắm vào khai thác con người, nhưng bài nào anh đã viết về con người thì bài đó đều ngấm ngầm tôn vinh vẻ đẹp lam lũ của con người, thể hiện niềm tin tưởng, sự đồng cảm, xót thương lẫn niềm tự hào của anh về con người.

Trong bài “Đại dương”, anh đã thực sự thành công khi dùng hình ảnh đại dương để miêu tả người mẹ. Anh bước qua những lối mòn trong cách miêu tả lòng người mẹ. Khi phải đối diện với hình ảnh vốn “xưa như trái đất” đó là lấy hình ảnh biển, đại dương để nói về tấm lòng người mẹ, Ngô Thế Trường vẫn tìm được lối miêu tả mang phong cách riêng hóm hỉnh và thú vị: Loài người sinh ra từ nước/ Nước sinh ra từ đâu/ Tuy không rõ nhưng vẫn còn dễ chịu/ Hơn vạn lần từ vượn khỉ tiến lên ta/ Ta mãi là ta mà sao ta không chịu nhận/ Ta chỉ là con của mẹ ta thôi/ Một đại dương bé nhỏ hơn cái thúng/ Dưỡng sinh chín tháng mười ngày...

Có lẽ Ngô Thế Trường đặt con người là giá trị trung tâm của mọi giá trị nên dù là thơ viết trực tiếp về con người hay thơ tả cảnh thì cuối cùng cái anh hướng tới vẫn là Con người. Những vần thơ vừa mộc mạc như đời sống của các nhân vật trong thơ anh, lại vừa sâu sắc, pha thêm một chút hóm hỉnh khiến cho thơ đọc lên ấm áp, thân thương và thú vị lạ kỳ.

Nhiều bài thơ trong tập “Những lỗ vuông” mang đầy hơi thở của cuộc sống với tính thời sự đầy mới mẻ. Anh lấy cảm hứng cho thơ ngay từ những sự kiện như vụ thảm sát ở Paris ngày 13 tháng 11, vụ tai nạn của máy bay MH370, MH17, cuộc chiến chống bọn khủng bố IS, chiến sự tại Trung Đông, sự kiện Brexit – nước Anh đòi ly khai ra khỏi Liên minh châu Âu...

Đó là những sự kiện mang tính chính trị khô cứng, thường được tiếp nhận theo cách của bài báo, có nguy cơ giết chết nghệ thuật nếu người sử dụng những chất liệu ấy không biết biến tấu. Ấy vậy mà Ngô Thế Trường đã táo bạo đưa vào thơ mình ráo cả, tái hiện những sự kiện nóng hổi trên chính trường quốc tế bằng nghệ thuật thơ.

Một chút cay đắng, pha chút mỉa mai, nhưng trên hết là nỗi xót xa trước thế sự. Con người ta sống, mải mê tranh giành quyền lực, đẩy đến chiến tranh, cuộc sống yên bình bị phá vỡ, mang theo những mất mát trên mọi phương diện. Số phận của những sinh linh tội nghiệp không phải nằm trong tay chúa trời hay thượng đế mà nằm trong chính con người...

Tập thơ mới của nhà thơ Ngô Thế Trường.

Cuộc sống của nhân loại phải chăng là sản phẩm trò chơi của một số con người? Dù không trực tiếp đặt ra câu hỏi nhưng cách tiếp cận vấn đề của Ngô Thế Trường cũng như cách mà thơ anh thể hiện đã dấy nên những trăn trở này trong lòng người đọc.

Nhiều bài trong tập “Những lỗ vuông” của Ngô Thế Trường mang tính trừu tượng, với một số người phải đọc đi đọc lại mới hiểu được cặn nghĩa của những bài thơ đó, nhưng khi đã hiểu rồi thì chỉ có thể gật gù, tấm tắc với thơ anh – một thứ thơ độc đáo, thơ mang tính biểu tượng cao, câu từ đọc lên nghe có vẻ gập ghềnh nhưng tứ thơ lại mạch lạc, chứa chan cảm xúc, xuyên suốt các bài đều mang giá trị nhân văn sâu đậm. Trong đó, điển hình như những bài “Va chạm”, “Hạt quắc”, “Trăng máu”, “Những lỗ vuông”...

Có thể nói hơn 50 bài thơ trong tập “Những lỗ vuông” của nhà thơ Ngô Thế Trường đã mang đến cho độc giả cơ hội tiếp cận cuộc sống ở một góc nhìn khác lạ. Mỗi bài thơ mang một sắc thái riêng nhưng bài nào cũng ngồn ngộn chất liệu sống và mang đầy giá trị nhân văn sâu sắc. Gấp lại tập thơ mà vầng trán vẫn trau, vẫn trăn trở trước những vấn đề mà Ngô Thế Trường đặt ra trong thơ.

Mộc Miên
.
.