Nhớ ông Củng

Thứ Hai, 16/04/2018, 13:49
Ông Củng - đó là tên một nhân vật trong tác phẩm nghệ thuật. Vâng. Bộ phim "Vợ chồng anh Lực" của đạo diễn Trần Vũ do Xưởng Phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1971 đã gây được sự chú ý của dư luận một thời. Và ông Củng là nhân vật trong phim này do diễn viên Trịnh Thịnh (1926 - 2014) vào vai. 


Người nghệ sỹ tài ba hóa thân vào nhân vật thành công đến mức, sau khi phim được chiếu rộng rãi, đi đâu người ta cũng gọi Trịnh Thịnh là "ông Củng" mà cứ như là quên mất tên của nghệ sỹ. Lúc còn sống, Trịnh Thịnh có lần kể lại một chi tiết thú vị: Sau phim "Vợ chồng anh Lực", ông được mời đóng rất nhiều phim khác. Có đạo diễn lúc hô đến lượt ông ra trước ống kính quay phim, thay vì gọi tên ông, đã xướng: "-Xin mời ông Củng làm việc!" khiến ông không để ý. Đến khi các đồng nghiệp nhắc, ông mới biết. Tất cả đều cười rộ.

Bộ phim này chưa phải là một phim xuất sắc so với nhiều phim khác của điện ảnh Việt Nam nhưng đã để lại một nhân vật độc đáo. Và người ta nhớ đến nhân vật này chính là nhờ ở tài diễn xuất đặc biệt của Trịnh Thịnh.

NSND Trịnh Thịnh.

Quả là không nhiều diễn viên, kể cả rất nổi tiếng cũng chưa có được cái duyên với nhân vật như ông. Đó là công chúng gọi mình bằng tên nhân vật thay vì tên cha sinh mẹ đẻ (gọi Trà Giang là Chị Tư Hậu, Đức Hoàn là cô Mỵ, Phương Thanh là Hiền cá sấu, Thế Anh là Trung úy Phương…).

Trịnh Thịnh được phong danh hiệu NSND, là một diễn viên gạo cội trong làng điện ảnh, đã quá nổi tiếng với hàng trăm vai diễn trong nhiều phim có giá trị. Ông trở nên rất quen thuộc với những người yêu phim ảnh. Nhưng cuộc sống đời thường của ông thì không mấy người biết. Tuy nhiên lại có nhiều điều độc đáo, thú vị.

Trong cả đời diễn xuất, chưa bao giờ Trịnh Thịnh đảm đương vai chính. Song, vai của ông luôn nổi trội, nhiều khi lấn át cả nhân vật chính. Có diễn viên thuộc hàng nổi tiếng đã nói đùa mà thật: "Đóng phim cùng Trịnh Thịnh luôn bị lỗ vì vai của ông ấy quá thu hút sự chú ý của khán giả, dễ khiến vai của mình bị lu mờ". Đó là do tài năng diễn xuất của ông luôn đào sâu, tìm ra điểm gì đó đặc biệt ở nhân vật để khoét vào, lột tả thật sinh động.

Ông có một quan niệm rất hay về diễn xuất trong phim: Người diễn viên chỉ diễn đúng với nhân vật thì chưa đủ mà phải diễn rất thật, phải quên mình đi để sống với nhân vật. Ông cho biết thời gian nào đang đóng phim gì là hoàn toàn sống với nhân vật đó, cứ hình dung nhân vật đang hiển hiện, cùng chung sống với mình, chứ không nghĩ mình đang có cuộc sống như ngoài đời thường.

Vợ của ông kể rằng, nhiều khi mọi người cứ thấy ông nói những câu rất lạc lõng, chẳng ăn nhập gì với cuộc sống hiện tại. Sau đó mới biết ông đang sống với nhân vật. Cho đến nay, quả thực là phim "Vợ chồng anh Lực" tôi không còn nhớ được nhiều về nội dung, cốt truyện. Nhưng có một chi tiết vẫn nhớ như in. Đó là đoạn ông Củng  đang đạp xe đi đâu đó dưới trời mưa. Bỗng ông xuống xe, vác lên vai vì đường lầy lội, rất khó đi. Ông còn lấy chiếc mũ lá đang đội trên đầu che chiếc yên cho khỏi ướt - nghĩa là bảo vệ chiếc xe hơn cả sức khỏe của mình. Tôi nhớ là cứ mỗi lần xem lại, đến đoạn này là tất cả khán giả đều cười rũ rượi rất thú vị.

Có lần gặp ông trong một Liên hoan phim, tôi hỏi ông chi tiết rất độc đáo này là do ông nghĩ ra hay có sẵn trong kịch bản. Nếu ông sáng tạo nên thì vì sao lại làm như vậy? Ông cho biết: "Lúc ấy - năm 1971 - thời điểm quay bộ phim này, mình có chiếc xe đạp pha-vô-rít của Tiệp Khắc. Khi đó, xe nhãn hiệu này quý lắm, chỉ xếp sau pơ-giô của Pháp. Vô ý mà để mất kể như là sạt nghiệp. Tôi gìn giữ, nâng niu lắm. Những ngày mưa không dám đi mà đi bộ để giữ xe khỏi han gỉ.

Một vai diễn của Trịnh Thịnh.

Thời đó, chúng ta đều nghèo khó. Ai cũng như vậy cả. Nuôi lợn mà không may nó bị ốm thì lo hơn chính mình ốm. Lúc vào vai ông Củng, tôi không nghĩ mình đang đóng phim mà tưởng đang đi chiếc xe đạp của mình nên đã diễn như thế, tức là tình tiết này không có trong kịch bản. Rất mừng là đạo diễn đã chấp nhận, còn khen sự sáng tạo độc đáo của tôi".

Nhiều đạo diễn nói rằng trao vai cho Trịnh Thịnh sắm thì luôn rất yên tâm. Dù tính cách nhân vật trong kịch bản có sơ sài thì người diễn viên tài năng này vẫn làm cho nó sinh động. Ông đã vào rất nhiều loại vai, từ chính kịch đến hài kịch, từ chính diện đến phản diện, từ tích cực đến tiêu cực, từ viên quan sang trọng, hách dịch đến người nông dân chất phác, khờ khạo, quê mùa. Vai nào ra vai nấy, không hề bị trùng lặp.

Một lần ông cho biết: "Vợ mình chỉ thích mình vào các vai nông dân hoặc những người lao động tất bật, lam lũ. Mình hỏi vì sao thì bà ấy nói: "Vì những vai ấy rất gần gũi với cuộc sống thật ở ngoài đời của ông. Còn những loại vai khác thì xa lạ. Ông cứ phải cố diễn cho ra. Chỉ tôi và các con mới nhận ra thôi". Tôi trêu ông: "Có thể còn lý do khác. Bởi vì vào các vai quan lại giàu sang, dễ có những cảnh ăn nhậu, gái gú, đàng điếm. Anh mà càng nhập vai thì chị ấy càng không thích chứ sao. Lúc xem phim, có khi còn thấy lộn ruột".

"Không, bà ấy không thế. Vả lại, mình đâu có tính đó mà lo". Đúng như ông nói. Nhiều người biết rõ về ông cho biết, từ hồi trẻ đã rất hiền và tốt tính, ai cũng quý mến. Trông ông, nhất là trên phim thì như vậy nhưng hồi trẻ, ông rất điển trai, đào hoa, chụp ảnh giỏi nên được nhiều bóng hồng ưu ái, muốn kết tóc, se tơ.

Hồi đó, có ông chủ tiệm Phú Gia rất giàu, muốn gả con gái cho Trịnh Thịnh bèn rất chiều anh chàng, thường xuyên lấy xe hơi rủ anh đi chơi đây đó. Đi thì đi nhưng anh không ham giàu sang và chẳng có chút tình cảm gì với cô gái kia nên không thể nhận lời. Ấy vậy mà duyên phận đưa đẩy thế nào để cuối cùng Trịnh Thịnh lấy người vợ có tên Khanh, tuy cũng xinh đẹp nhưng ông không hề quen biết mà do hai bên gia đình sắp đặt.

Buổi tân hôn, cô dâu Khanh còn khóc rưng rức vì xa lạ với đức lang quân và… sợ! Tân lang phải dỗ mãi mới nín. Vậy mà họ đã sống với nhau trọn vẹn một đời êm thắm, hạnh phúc, sinh ra được 5 "công chúa". Trên 60 năm chung sống, ông bà chưa một lần nặng lời với nhau. Ông là người chồng nghiêm túc, rất có trách nhiệm với vợ, con, sẵn sàng làm thay vợ tất cả mọi việc từ đi chợ, nấu cơm, giặt giũ… mỗi khi vợ bận.

Hàng xóm ai cũng quý trọng ông, thấy ông là người hòa đồng, bình dân, luôn niềm nở với mọi người. Không bao giờ ông tự coi mình là người nổi tiếng mà gần gũi với bất cứ ai và sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi có thể. Đặc biệt, trẻ con rất thích chơi với ông Khải Chúa (chẳng là ngoài vai ông Củng trong phim "Vợ chồng anh Lực" như đã nói, Trịnh Thịnh còn sắm vai quan hoạn Khê Trung Hầu trong phim "Đêm hội Long Trì" của đạo diễn Hải Ninh. Nhân vật này luôn khúm núm, cúi rạp người bẩm tấu Chúa Trịnh Sâm: "Tâu Khải Chúa!").

Trịnh Thịnh là một trong những NSND rất xứng đáng với danh hiệu này cả về tài năng, cống hiến lẫn đức độ và được công chúng rất yêu quý. Có lẽ chính tuổi thơ, tuổi trẻ của ông không mấy may mắn, thuận lợi đã khiến ông có được nghị lực và tình cảm rất tự nhiên với những người lao động bình dân.

Trịnh Thịnh và vợ trong ngày cưới.

Hồi trẻ, Trịnh Thịnh từng làm việc ở Ngân hàng Đông Dương. Nhưng ngân hàng này giải thể, ông trở nên thất nghiệp nên đã tìm đến rất nhiều nghề để kiếm sống. Có những năm tháng, ông cùng người em ruột phải đẩy xe nước mía bán rong ở quanh bờ hồ Hoàn Kiếm.

Có lần ông câu cá trộm ở hồ này để bán lấy tiền, bị cảnh sát tôm cổ bắt lên bót. Cậu em trai lên theo, khóc thảm thiết mới khiến anh ruột mình được tha. Sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc (1954), một hãng xuất nhập khẩu phim tuyển diễn viên lồng tiếng (hồi ấy lồng tiếng là diễn viên Việt Nam vào vai trong phim nước ngoài đối thoại. Sau đó mới bỏ hình thức này, thay bằng một người đọc lời tất cả các nhân vật, gọi là thuyết minh).

Trịnh Thịnh đã trúng tuyển. Ông bén duyên với điện ảnh từ đó chứ không qua một lớp đào tạo diễn viên điện ảnh bài bản nào. Nhưng ta thấy tài năng ông đã thể hiện thì không ai có thể nghĩ ông vốn dĩ là một diễn viên "tay ngang".

Với hàng trăm vai diễn, trong đó có nhiều vai để đời, Trịnh Thịnh mãi mãi là một tấm gương sáng về lao động nghệ thuật, về phẩm chất nghệ sỹ và nhân cách đời thường cho các thế hệ diễn viên nối tiếp noi theo.

Nguyễn Đình San
.
.