NSND Trịnh Thịnh: Không sợ người xem hiểu lầm

Thứ Hai, 10/08/2009, 10:00

NSND Trịnh Thịnh đến với điện ảnh không phải bắt đầu từ phim hài. Những nhân vật ông đóng thành công nhất cũng không phải là những nhân vật hài. Nhưng người xem vẫn giữ ấn tượng mạnh mẽ về một chất hài vô hình nào đó, khó tả bằng lời, chỉ có ở ông.

Ngoài vai hài, Trịnh Thịnh còn là diễn viên xuất sắc ở nhiều tính cách, nhiều loại nhân vật khác nhau. Có lẽ vì vậy mà người ta bảo Trịnh Thịnh là diễn viên đa tài, là người hóa thân được nhiều cuộc đời trên màn ảnh.

- Thưa NSND Trịnh Thịnh! Ông là một trong những diễn viên đầu tiên của phim truyện Việt Nam. Trong đời diễn viên của mình, ông đã đóng bao nhiêu phim và hiện nay ông có còn duyên nợ gì với Điện ảnh Việt Nam?

+ Tôi đến với điện ảnh từ rất sớm năm 1956. Ngay từ bộ phim truyện đầu tiên của Việt Nam - phim "Chung một dòng sông", tôi đã đóng vai thư ký của tên đồn trưởng phía bờ Nam. Suốt hơn 40 năm, trong đời diễn viên của mình, tôi đã đóng vai chính hơn chục phim truyện nhựa và đặc biệt rất nhiều vai chính, phụ trong các phim truyện truyền hình, gồm đủ các loại nhân vật: bi, hài, tâm lý xã hội. Tôi cũng tham gia đóng một số vai trong các phim hợp tác với Điện ảnh Pháp, như phim: "Đông Dương", phim "Xích Lô"… Hôm nay, dù đã ở tuổi ngoài 80 (ông sinh 1927 - Đ.T), nhưng tôi vẫn còn được nhiều đạo diễn mời đóng phim. Mặc dù "máu nghề nghiệp" vẫn còn thôi thúc lắm, nhưng con cháu cứ tìm mọi cách ngăn cản để tôi được nghỉ ngơi.

Tôi biết mình còn nhiều duyên nợ với điện ảnh. "Duyên" thì không biết còn được bao nhiêu, nhưng "nợ" thì chắc chắn còn nhiều. "Nợ" là nợ bà con nông dân ấy! Nhiều bạn bè đồng nghiệp đến đây chơi cứ xuýt xoa bảo tôi rằng: "Giá bây giờ còn Trịnh Thịnh đóng vai ông nông dân thì hay biết mấy!".

- Người xem phim Việt Nam ấn tượng sâu sắc nhất ở ông là các vai nông dân và có lẽ đó cũng là những hình tượng nông dân thành công nhất trong phim truyện Việt Nam, trong khi ông lại là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội! Ông có bí quyết gì về việc này không?

+ Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chưa một ngày nào thực sự là nông dân, nhưng tôi vẫn rất thích thú với những vai người nông dân. Dù ở tính cách nào, tình huống nào, niềm vui hay nỗi buồn, bi kịch hay hài kịch… tôi cùng đều tìm thấy ở họ những nét thật đáng yêu. Bởi cái thật thà, chân chất rất "đời", đôi khi đến thô kệch, vụng về ở người nông dân chính là chất liệu nguyên sơ, tinh khiết của cuộc sống. Nó có sức thuyết phục, sức khái quát hơn nhiều thủ pháp nghệ thuật, nhất là nghệ thuật điện ảnh. Nó rất có ý nghĩa đối với nghề diễn viên của chúng tôi - cái nghề mà người xem không cần diễn viên phải "diễn" mà cần bộc lộ những gì chân thực nhất của nhân vật mình đang đóng. Tôi có được chút ít thành công về vai người nông dân có lẽ cũng vì vậy.

- Trong các nhân vật nông dân ông đã đóng, có nhân vật nào ông giữ kỷ niệm đặc biệt nhất?

+ Đó là vai "ông già không giá thú" trong phim "Chuyến xe bão táp" và vai ông Củng trong phim "Vợ chồng anh Lực". Năm 1977, trong phim "Chuyến xe bão táp", tôi đóng vai một ông già nông dân cùng với vợ đi mua vé ôtô từ quê lên tỉnh. Lúc đó mua vé ôtô khó khăn lắm, mỗi người xếp hàng hàng giờ mới được mua một vé cho mình. Đến bến xe, tôi bắt bà vợ đứng giữ hành lý để tôi vào xếp hàng mua vé. Khi đến lượt mình, tôi xin mua thêm cả vé cho bà vợ đứng ngay bên cạnh, cô bán vé từ chối ngay và bằng một giọng khá gay gắt: "Bác có giấy tờ gì để chứng minh đó là vợ mình không?".  Tôi ngớ ra, lúng túng hỏi lại cô bán vé: "Giấy tờ gì ạ?". Cô bán vé chưa kịp nói gì thì tôi sực nhớ ra chúng tôi có "giấy thông hành" của UBND xã cấp cho lên tỉnh thăm con. Tôi lập cập moi mãi trong túi mới lấy ra được tờ giấy thông hành đưa cho cô bán vé với niềm tin chắc nịch: "Đây, giấy thông hành của chúng tôi đây!". Vừa nhìn thấy tờ giấy, cô đã ném trả lại tôi và gay gắt: "Cái nhà ông này, thông hành với chả thông tỏi, ai cần cái đó! Cần là cần giấy giá thú của ông bà cưới nhau ấy!".

Lúc đó, tôi không nghĩ là mình đang đóng phim mà cứ tưởng như sự thật ngoài đời mà mình đang gặp phải. Tôi sững sờ, đau khổ, lắc đầu bảo cô bán vé: "Chúng tôi lấy nhau từ thời tảo hôn, lấy đâu ra giấy giá thú…". Khi lên phim, đạo diễn có tu chỉnh thêm đôi chút, nhưng đó là vai nông dân đầu tiên tôi đã nhập vai tự nhiên đến mức quên cả đó là phim. Không ngờ chi tiết ấy làm người xem cứ nhớ mãi. Nhiều năm sau có người gặp tôi còn gọi đùa: "Ông già không giá thú".

Khi vào vai ông Củng trong phim: "Vợ chồng anh Lực", tôi rất nhớ hồi đó chiếc xe đạp quý lắm. Bản thân tôi, lúc đó có chiếc xe Favơrit cũ mà trời mưa không bao giờ dám đi, chẳng may đang đi giữa đường gặp mưa là lập tức tôi xuống đi bộ, vác xe lên vai ngay… Có lẽ từ thực tế đó mà khi vào vai ông Củng đi xe đạp giữa trời mưa, tôi đã quên rằng đây là nhân vật trong phim mà chỉ tâm niệm rằng phải bảo vệ chiếc xe, người có thể ướt chứ không thể để xe ướt, nhất là những bộ phận quan trọng của xe. Thế là cứ như một phản xạ bản năng, thấy trời mưa, đường bẩn, tôi vội vác xe đạp lên vai, xắn quần lội bùn mà vẫn còn "thương" cái xe bị ướt, tôi bèn lấy luôn chiếc nón che cho yên xe, rồi lấy mũ đội cho đèn xe, còn mình thì ướt như… chuột lụt!

- Các chi tiết ấy có trong kịch bản không? Đạo diễn có yêu cầu ông phải làm như vậy không?

+ Không! Chẳng có trong kịch bản mà đạo diễn lại càng không yêu cầu!

- Người ta bảo: Diễn viên Trịnh Thịnh có "nhiều thủ pháp gây cười" cho khán giả, nhất là ở các vai nông dân! Ông nghĩ thế nào về ý kiến này?

+ Trước hết, tôi không bao giờ cố tình dùng thủ pháp gây cười cho người xem. Nội dung, tính cách nhân vật thế nào tôi cứ thể hiện chân thực như vậy. Còn người xem, cười hay không cười được, tôi không quan tâm. Ví như ở vai một ông già nông dân đã ngoài 60 tuổi mà cô bán vé xe còn đòi trình "giấy giá thú", thì mọi phản ứng của tôi lúc đó phải "nửa khóc nửa cười" như vậy. Ở tình huống trớ trêu ấy, tôi chắc nhiều người khác cũng sẽ gây cười được như tôi.

Hay như vai ông Phó chủ tịch huyện tôi đóng trong phim "Thị trấn yên tĩnh". Khán giả cười thỏa thích là cười cái ông Phó chủ tịch huyện háo danh, kệch cỡm đã cấp cứu nhầm anh lái xe tưởng là ông Bộ trưởng. Đó là do nội dung cốt truyện, còn cái vẻ mặt "thất vọng, thẫn thờ, cứ nghệt cả ra" của tôi lúc đó, có lẽ ai vào tình cảnh ấy cũng khó phản ứng khác được (nói tới đây, ông Thịnh cười to).

- "Chất hài sắc sảo" ông tạo được cho phim truyện Việt Nam chủ yếu là từ các vai người nông dân! Có bao giờ ông sợ có người hiểu nhầm, cho là ông "giễu cợt" hay "bôi bác" người nông dân không?

+ Không bao giờ! Vì trong thâm tâm tôi, hình ảnh người nông dân bao giờ cũng đẹp, cũng trong sáng, chân tình, không thớ lợ, giả dối. Ngay cả trong phim "Thằng Bờm", người xem có thể cười sự ngờ nghệch dở hơi của cha con ông cháu nhà Bờm, nhưng vẫn là cái cười hồn nhiên, vui vẻ của những người trong cuộc, trong họ ngoài làng, không hề có tính giễu cợt.

- Trong loại phim "bi kịch" và tâm lý xã hội, ông đã đóng bao nhiêu phim và phim nào ông cho là thành công nhất?

+ Loại phim này, kể cả phim nhựa và phim truyền hình, phim video, tôi đã đóng trên dưới 30 phim. Bộ phim mà tôi giành nhiều tâm huyết nhất là phim "Lời nguyền của dòng sông" của đạo diễn Khải Hưng.

- Trong phim "Vợ chồng anh Lực", ông đã thể hiện khá thành công tâm trạng ông Củng - người đã có 7 con trai, khi vợ sắp đẻ đứa con thứ 8, ông đã nhốt gà chuẩn bị ăn mừng, chờ vợ đẻ con gái. Nào ngờ lại là con trai, ông Củng thất vọng thả gà ra. Tâm trạng ấy đã lần nào có ở ông khi bà sinh lần thứ tư… vẫn là con gái? Và đã lần nào ông phải thả gà ra chưa?

+ Không! Tôi không như ông Củng! Con nào cũng là con! Cái quan trọng: Con mình là ai? Có ích cho xã hội hay không? Có hiếu thảo với cha mẹ hay không? Tôi có 4 cô con gái, nhưng tất cả đều phương trưởng, thành đạt cả, có cô đang sống ở nước ngoài. Tất cả đều rất yêu thương và chăm sóc bố mẹ rất tận tình, chu đáo. Tôi hài lòng mãn nguyện về cuộc sống gia đình mình!

- Đến tuổi của ông bây giờ, nếu cần nói với thế hệ diễn viên trẻ, ông sẽ nói điều gì?

+ Tôi muốn nói rằng: Nghề diễn viên không phải nghề bắt chước, không phải nghề diễn cho đúng với nhân vật mà phải hóa thân vào nhân vật bằng cả tâm hồn, tình cảm chân thực nhất của mình. Không được giả dối với cả chính nhân vật mình đang đóng. Theo tôi, đó là bản lĩnh đầu tiên cần có ở một người diễn viên.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện bổ ích này

Đinh Tiếp (thực hiện)
.
.