Nhớ nghệ sĩ Hoàng Lương

Chủ Nhật, 31/05/2020, 20:33
Giới sáng tác và biểu diễn âm nhạc ở nước ta không ai không biết NSƯT Hoàng Lương. Anh là nhạc sỹ chuyên phối khí và tổ chức âm nhạc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, đã góp phần chắp cánh cho rất nhiều ca khúc đến được với công chúng, khiến họ ưa thích.


Nhạc sỹ sáng tác xong một ca khúc mới chỉ ở trên giấy, chưa thể phát huy tác dụng nếu không đến được với người nghe. Mà muốn đạt được điều này thì cần phải có khâu trung gian là người biểu diễn tác phẩm. Đối với thanh nhạc, trong đó có ca khúc thì đương nhiên vai trò chính là ca sỹ. Nhưng ca sỹ không thể hát "chay", hát "vo" - tức là không có nhạc đệm.

Hát như thế này sẽ hạn chế rất nhiều hiệu quả của ca khúc. Vậy nên cần có phần đệm. Cũng không thể dùng đàn đánh ngẫu hứng để đệm cho ca sỹ mà việc này cần có tư duy như người sáng tác, phải viết ra bằng tổng phổ để các nhạc công diễn tấu. Cũng không phải bất cứ nhạc sỹ sáng tác nào cũng làm được việc này, bởi cần có năng khiếu, sở trường riêng.

Nghệ sĩ Hoàng Lương những ngày cuối đời.

Số người biết phối khí không nhiều, phối hay lại càng ít. Hoàng Lương nằm trong trường hợp quý hiếm đó. Anh sinh ra như là để phối khí, để viết nhạc không lời. Có nhiều ca khúc, bản thân giai điệu chỉ rất bình thường nhưng nhờ bàn tay phối khí thần diệu của Hoàng Lương trở nên hay hơn rất nhiều. Nhiều nhạc sỹ sau khi có tác phẩm được duyệt để sử dụng ở Đài đều muốn Hoàng Lương phối khí trước khi thu thanh.

Ca sỹ khi tiếp nhận những ca khúc không hay nhưng nếu biết phần đệm của Hoàng Lương, họ vẫn sẵn sàng nhận lời thu bởi biết rõ giọng hát của mình sẽ được tôn thêm trên phần đệm của anh.

Một lần vào phòng làm việc của Hoàng Lương, tôi thấy trên bàn anh có một tập bản thảo mấy chục ca khúc, bên lề có bút phê của ai đó: "Hoàng Lương phối khí". Tôi hỏi anh: "Nhiều tác phẩm thế này thì phối vào lúc nào?". Anh trả lời: "Thì phải tranh thủ mọi thời gian chứ biết làm sao". Anh cho biết, nhiều đêm phải thức trắng để hoàn thành công việc. Lại hỏi: "Vậy thì từ chối những bài tầm thường, chỉ nhận phối khí những bài hay?".

Anh bảo không thể làm vậy vì vừa là nhiệm vụ, vừa không nỡ bởi tác giả nào cũng yêu đứa con tinh thần của mình. Làm thế họ buồn. Anh cho biết đó là chưa kể luôn nhận được lời mời của các tác giả thuê phối khí - tức là ngoài công việc làm theo nhiệm vụ ăn lương - mà việc mời này thường được trả công rất hậu. Nhưng anh phải từ chối vì luôn ưu tiên nhiệm vụ lên trước.

Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với Hoàng Lương khi anh còn đang học tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Lúc đó là mùa hè năm 1980, tôi có bài hát "Hè về" được cha của anh là nhạc sỹ Hoàng Hà "cứu vớt" bởi suýt nữa thì bị "vùi dập". Số là lúc đầu, tôi trao bài hát này vào tay người Phó ban Âm nhạc thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam nhưng người này đã vứt vào sọt rác - với đúng nghĩa đen của từ này. Sau khi gửi mấy ngày, tôi có việc đến phòng âm nhạc thiếu nhi.

Trong lúc ngồi nói chuyện với mấy nhân viên của phòng, tình cờ tôi nhìn thấy trong cái sọt đựng rác để ở góc phòng có mấy bài hát nhàu nát (hồi đó chưa có kỹ thuật đánh vi-tính nốt nhạc như bây giờ mà các tác giả phải chép tay).

Tôi tò mò tiến lại, nhặt xem thử là những bài nào, của ai đã không may bị vứt sọt rác thì quá cay đắng, có bài "Hè về" của mình. Tôi nhặt rồi vuốt phẳng, cầm về. Một vài nhạc sỹ chuyên sáng tác nhạc cho thiếu nhi "xui" tôi gửi lại cho nhạc sỹ Hoàng Hà lúc ấy là Trưởng ban Âm nhạc thiếu nhi của Đài. Nhưng tôi ngại vì nghĩ người Phó đã vứt đi, nay lại gửi cho người Trưởng, chắc gì người ta chấp nhận dẫu họ biết rõ bài có chất lượng.

Ít lâu sau, một lần tôi tình cờ thấy một chàng thanh niên lướt đàn orgue rất điệu nghệ tại phòng thu âm Đài phát thanh. Anh chàng chỉ 20-21 tuổi có đôi mắt to, đen láy, lông mày rậm với bộ ria mép khá nghịch. Phải nói là chàng điển trai tuy chiều cao có phần khiêm tốn. Tôi tiến lại:

- Chào bạn. Bạn đánh đàn quá hay.

Chàng khẽ gật đầu chào lại tôi, nói nhỏ nhẹ:

- Công việc mà anh. Suốt ngày em gõ đàn nên quen tay thôi.

Anh chàng ít nói, khiêm nhường. Đó là Hoàng Lương. Từ đó, tôi và Lương quen nhau. Cũng sau đó, tôi biết anh là con nhạc sỹ Hoàng Hà nổi tiếng. Một lần tôi hát cho anh nghe bài "Hè về". Nghe xong, anh bảo tôi đưa lại bài hát cho anh để anh gửi bố Hoàng Hà. Lương nói với tôi, một bài hay như vậy phải đến được với thiếu nhi.

Sau đó, Lương giữ đúng lời hứa, đã đưa lại bài hát cho Hoàng Hà. Ông nói với tôi: "Bài này bỏ thì phí" và trao cho con trai phối khí rồi cho thu thanh rất nhanh. Sau vài lần phát sóng, bài hát lan rộng. Đến mùa hè năm sau, đã thấy thiếu nhi nhiều nơi hát bài này.

Nghệ sĩ Hoàng Lương và cha - nhạc sĩ Hoàng Hà.

Ở phần nhạc dạo đầu chừng 20 giây, Hoàng Lương đã rất tài tình tạo nên một dàn violon diễn tấu nghe như đàn ve sầu kêu râm ran mỗi độ hè về. Rồi tiếp đến tiếng ễnh ương, chẽo chuộc vang lên gợi không khí những đêm đầu mùa hạ. Cho đến bây giờ, trong mấy trăm bài hát của mình được lưu giữ tại kho băng Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi vẫn thấy Hoàng Lương phối khí bài "Hè về" là hay nhất. Đó là một trong những bài đầu tiên anh phối khí khi vẫn đang còn là sinh Nhạc viện.

Đến nay, con số phải lên tới hàng ngàn bài. Hoàng Lương có khả năng phối hay ở tất cả các phong cách từ dân gian, nhạc nhẹ đến thính phòng. Dòng nào ra dòng nấy, không thể lẫn lộn. Anh có bộ óc có thể nói là "điện tử" trong tư duy âm nhạc. Anh sinh ra như là để giành cho âm nhạc. Anh sáng tác, phối khí, làm nhạc hiệu, nhạc cắt cho các chương trình cứ như lên đồng, vừa nhanh, lại vừa hay.

Hướng nội, ít nói, luôn gây cho người mới tiếp xúc cảm giác khó tính, khó gần nhưng Hoàng Lương lại sống rất có tình với bè bạn, đồng nghiệp. Từ khi nhận trách nhiệm Phó Giám đốc Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, anh luôn sống hết mình với công việc và tận tình giúp đỡ đồng nghiệp, bạn bè. Thấy nhạc công nào có năng lực sáng tác, anh cổ vũ, động viên, tạo điều kiện để họ đi học sáng tác tại Nhạc viện để rồi trở thành nhạc sỹ. Anh luôn có cái nhìn rộng mở, ưu ái với tất cả mọi người. Ai có việc gì cần sự phê chuẩn, nhận xét của anh với tư cách là "sếp", anh cũng dành những lời ưu ái nhất để ghi nhận họ. Tốt bụng nhiệt tình nhưng lại rất thẳng thắn. Có lần tôi chứng kiến anh trả lời thẳng một tác giả khi họ vừa gửi tác phẩm đã gọi điện hỏi kết quả thế nào, bài có được sử dụng không như sau:

- Anh vừa gửi bài. Làm sao chúng tôi đã kịp luân phiên đọc.

Không biết người ở đầu dây bên kia nói gì khiến anh tiếp tục:

- Anh thấy nhưng chúng tôi không thấy. Nếu anh tự tin là bài của mình hay thì hãy cứ yên tâm là chúng tôi sẽ sử dụng. Hà tất phải nhắc nhở, giục giã.

Một lần, Lương trả lời thẳng một ca sỹ gửi bài sáng tác:

- Nói thật nhé. Ông hãy cứ chuyên tâm vào hát cho có hiệu quả cao hơn chứ không nên sáng tác. Ông không có tý chút năng khiếu nào để làm việc này. Bài chưa "sạch nước cản".

Hoàng Lương không có nhiều thời gian để viết ca khúc nhưng chỉ một bài trong phim "Sóng ở đáy sông" cũng đủ thấy anh viết thể loại này mùi mẫn như thế nào. Người Hải Phòng rất ưa thích bài này. Nếu "Thành phố hoa phượng đỏ" của Lương Vĩnh là bản anh hùng ca hào sảng về thành phố Cảng gan góc, kiêu hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thì ca khúc của Hoàng Lương lại là khúc tâm tình, nỗi lòng yêu thương cháy bỏng của người dân đất cảng dành cho quê hương của mình.

Giữa lúc tài năng đang ở độ chín nhất với rất nhiều dự định sáng tác thì ngày 22-9- 2017, căn bệnh ung thư đã cướp anh đi. Hoàng Lương nhanh chóng theo cha về cõi vĩnh hằng khi mới 58 tuổi. Thật tiếc một người tài.

Nguyễn Đình San
.
.