Nhạc sỹ của thị dân một thời mộng mơ

Thứ Hai, 04/09/2017, 08:07
Tuy rung động, vương vấn với không ít người đẹp nhưng Đoàn Chuẩn là người rất yêu thương vợ và luôn dành cho phu nhân những tình cảm đẹp nhất. Bà Xuyên ngay từ thời con gái đã rất thích mặc áo màu tím. Vậy nên trong nhiều bài hát của mình, Đoàn Chuẩn luôn nói đến màu áo tím đó. Ví như bài "Đường về Việt Bắc" ông viết tặng vợ có câu: "Chiều nào áo tím nhiều quá, lòng thấy nhớ người…". 


Trong làng nhạc Việt có một trường hợp khá độc đáo. Có thể nói đó là người nhạc sỹ của tầng lớp thị dân, lại phải là những người từng có một thời hoa niên mộng mơ, lãng mạn, nhất là sống ở hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng. Đối tượng công chúng này không ai không biết và hâm mộ người nhạc sỹ ấy. Đó là Đoàn Chuẩn (1924 - 2011) với những tình khúc lãng mạn, ghi dấu ấn một thời mộng mơ: "Chuyển bến", "Gửi gió cho mây ngàn bay", "Lá đổ muôn chiều", "Lá thư", "Tà áo xanh", "Tình nghệ sỹ", "Thu quyến rũ", "Chiếc lá cuối cùng" và đặc biệt là "Gửi người em gái".

Cuộc đời và sự xuất hiện những ca khúc của Đoàn Chuẩn quả là độc đáo. Ông là con trai nhà tư sản đứng đầu hãng nước mắm Vạn Vân nổi tiếng ở Hà Nội thời bấy giờ. Nhà tư sản này tên tuổi lan truyền khắp đất Bắc. Vậy nên cậu bé Đoàn Chuẩn có điều kiện tiếp xúc với âm nhạc từ rất sớm. Cậu đặc biệt ưa thích đàn guitar Hawaii. Đặc điểm của loại đàn này là có âm sắc rất lả lướt, quyến rũ. 

Đoàn Chuẩn tự mày mò tập, đã đánh được khá nhiều bài. Sau đó mới theo học một người thầy Hoa kiều. Buổi đầu đến thụ giáo, ông thầy này yêu cầu cậu học trò đánh thử một bài bất kỳ. Sau khi nghe Đoàn Chuẩn đánh xong, ông thầy phải thốt lên: "Trò đánh giỏi quá, hay hơn cả thầy rồi. Thế này thì thầy chẳng còn gì để dạy nữa". Vậy là sau khi học chừng 5-7 buổi, cậu trò đành phải nghỉ. Từ đó, tiếng lành đồn xa, Đoàn Chuẩn bắt đầu nổi tiếng ở Hà Nội về tài đánh đàn guitar Hawaii.

Thời trẻ, Đoàn Chuẩn là tay chơi khét tiếng ở Hà thành, khó có người sánh kịp. Nhà Vạn Vân có 6 chiếc xe hơi. Cả Việt Nam khi đó chỉ có 2 chiếc Cadillac. Riêng Đoàn Chuẩn đã sở hữu một chiếc. Một ngày, chàng công tử Đoàn Chuẩn thay mấy bộ quần áo, giày hàng chục đôi. Mùa hè, cuối tuần nào chàng cũng phóng ôtô về Đồ Sơn tắm biển. Trong khi mọi người có ôtô đều đậu xe trên đường rồi đi bộ xuống biển thì Đoàn Chuẩn cho phóng xe thẳng xuống bãi biển rồi thuê ô dù che cho xe. Ông sẵn sàng trả tiền theo diện tích chiếc dù che ôtô. 

Ăn uống của Đoàn Chuẩn cũng ngông và cầu kỳ. Ông rất thích ăn món tôm biển. Nhưng phải vừa đánh ở biển lên, không quá 15 phút và phải bóc nõn quấn mỡ kho. Thịt gà luộc mà không có da và lá chanh thái nhỏ như sợi thuốc lào, chấm muối vắt chanh thì ông dứt khoát không ăn…

Chuyện theo đuổi những bóng hồng của Đoàn Chuẩn cũng thật… ngông. Một dạo, ông phải lòng một người đẹp đến ngẩn ngơ nhưng nàng lại đang có một chàng con nhà có thế lực săn bám. Ông bèn thuê thám tử theo dõi và biết được thời điểm anh chàng kia hẹn người đẹp đi chơi. Đến lúc tình địch vừa đánh xe ra khỏi ga-ra, hai tài xế được ông thuê từ trước lái xe nhanh chóng đỗ chặn đầu. Khi anh chàng kia vào nhà để lấy đồ thì người ông thuê đã kịp thời khóa xe hơi của anh ta. Đến lúc anh ta trở ra, lên xe nổ máy thì xe không sao nhúc nhích. Thế là kế hoạch "phá" cuộc đi chơi của tình địch thành công. Đúng lúc đó, ông đàng hoàng đến đón người đẹp đi chơi với mình.

Đoàn Chuẩn tiêu tiền như nước. Ông đã sẵn sàng đổi một chiếc ôtô hạng sang để lấy một cây đàn mình thích. Người đẹp nào mà ông theo đuổi chỉ cần thích một thứ gì đó dù đắt đến mấy ông cũng mua tặng. Cách tỏ tình của ông cũng hết sức độc đáo. Có lần mê một cô gái đẹp, ông lần mò ra địa chỉ rồi sáng sáng, thuê người mua một bó hoa đẹp đem đến tặng cô, nhưng dặn không tiết lộ tên người tặng hoa. 

Suốt gần 3 năm ròng rã, kiên trì như vậy, đến bó hoa thứ 1000, ông mới xuất hiện ở cửa nhà người đẹp. Rất tốn kém công sức, thời gian và tiền bạc để rượt đuổi những bóng hồng. Rốt cuộc tất cả cũng chỉ là phù du, tuy mỗi bóng dáng cũng để lại cho ông nguồn cảm xúc dồi dào để viết nên những tình khúc. Chỉ có một nàng xinh đẹp, Đoàn Chuẩn chẳng mất một bông hoa, công sức và thời gian nào để chinh phục mà cuối cùng trở thành vợ. 

Nàng tên Xuyên, cùng học một lớp với ông, nết na, xinh đẹp, thường hay mặc áo dài màu tím, con nhà gia giáo. Mẹ của cô hay bán nụ vối trước cửa. Một lần, bà thấy một người đàn bà có vẻ quý phái, sang trọng đi xích lô đến trước cửa nhà mình hỏi mua nụ vối. Nhưng bà này không như những người khác chỉ mua một vài lạng mà mua cả một xe. Mấy ngày sau, bà khách quay lại mang theo đồ ăn hỏi cho con trai. Thì ra bà là mẹ của Đoàn Chuẩn, lần trước giả vờ đến mua nụ vối là để xem mặt và cung cách cô con dâu tương lai. Thế là từ đó, chàng nhạc sỹ trẻ và cô bạn cùng lớp nên duyên và chính thức hò hẹn rồi trở thành vợ chồng. Năm đó cả hai người mới 18 tuổi.

Đoàn Chuẩn là người đa tình. Hầu như bài hát nào của ông cũng có nguyên cớ từ một bóng hồng nào đó. Ví như do phải lòng cô chủ quán Mai Hương ở vùng tự do mà ông viết nên bài "Tình nghệ sỹ" với câu: "Đây quán Mai Hương mây thu vàng ấm". Sau đó, vì cái kỷ niệm thoảng qua này chẳng đi đến đâu và để cho bài hát có sức khái quát, tất thảy mọi người có thể hát mà ông đã sửa lại: "Đây khách ly hương mây thu vàng ấm". 

Năm 1953, một cô ca sỹ xinh đẹp có lần đã đoạt giải nhất cuộc thi đơn ca do Đài Phát thanh Pháp - Á lúc bấy giờ tổ chức đã khiến Đoàn Chuẩn nổ ra tiếng sét ái tình. Quan hệ quen biết được một thời gian thì bỗng nhiên cô biến mất khiến ông ngẩn ngơ như kẻ mất hồn một thời gian, gần như bị suy sụp hoàn toàn. Đó là vào cuối mùa xuân năm 1954. Thế rồi đến sau ngày 10/10/1954, tình cờ ông gặp lại cô gái trong đoàn quân về tiếp quản Thủ đô rồi sau đó chứng kiến cô lên xe hoa. Quá choáng váng, ông đã sáng tác được mấy bài liền: "Tà áo xanh", "Lá đổ muôn chiều", "Chiếc lá cuối cùng", "Một chiều để nhớ".

Vợ chồng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.

Tuy rung động, vương vấn với không ít người đẹp nhưng Đoàn Chuẩn là người rất yêu thương vợ và luôn dành cho phu nhân những tình cảm đẹp nhất. Bà Xuyên ngay từ thời con gái đã rất thích mặc áo màu tím. Vậy nên trong nhiều bài hát của mình, Đoàn Chuẩn luôn nói đến màu áo tím đó. Ví như bài "Đường về Việt Bắc" ông viết tặng vợ có câu: "Chiều nào áo tím nhiều quá, lòng thấy nhớ người…". 

Lúc này, Đoàn Chuẩn mới có đứa con đầu lòng. Một lần ông đạp xe lên chiến khu Việt Bắc thăm vợ, con. Đường xa vạn dặm, lại gập ghềnh hiểm trở. Nhưng nghĩ đến giây phút gặp lại vợ, con sau nhiều ngày xa cách, lòng ông dâng đầy cảm xúc. Đến lúc gặp được, ông mừng tủi nghẹn ngào. Và bài hát này ra đời sau phút gặp lại tràn đầy xúc động đó.

Bà Xuyên - phu nhân của Đoàn Chuẩn - là một phụ nữ có một không hai. Thấy chồng quá đa tình, lãng mạn, bà chỉ nói với ông: "Ông lãng mạn, đa tình lắm. Có vậy ông mới viết được những bài hát hay như thế. Ông muốn ngang thì ngang, muốn dọc thì dọc, tôi chiều ông hết. Bổn phận của tôi là chăm chồng, nuôi con, lúc nào cũng an phận chịu đựng. Ông không biết đến sinh kế, con cái. Đời ông phóng khoáng. Nghe nhạc ông, lúc nào tôi cũng ngạc nhiên. Sao ông tài thế? Mỗi bài hát là một mối tình đi qua đời ông…". Tình yêu và lòng ngưỡng mộ đặc biệt dành cho chồng đã khiến bà Xuyên vượt lên được thói ghen tuông phổ biến để có được sự cảm thông, lòng bao dung lớn lao mới giữ được hạnh phúc trọn vẹn cho gia đình và khiến Đoàn Chuẩn viết được nên nhiều bài hát thật đáng quý. 

Ghen đến đâu, bà cũng chỉ cư xử rất lịch sự với tình địch như sau. Biết chồng mình đang yêu cô ca sỹ xinh đẹp, nổi tiếng Thanh Hằng, từ Hải Phòng, bà lên Hà Nội tìm gặp cô, hỏi: "Em hãy trả lời thật. Em có thực lòng yêu anh Đoàn Chuẩn không?". Cô ca sỹ trả lời có. Bà lại tiếp: "Vậy em cố yêu nốt 3 đứa con của anh ấy nhé". Thế là Thanh Hằng tỉnh mộng, trả lại bà Xuyên tất cả thư từ hai người viết cho nhau và xé những bản nhạc Đoàn Chuẩn tặng cô. Từ chuyện này mà sau đó ông viết nên bài hát "Bài ca bị xé".

Người nhạc sỹ của thị dân một thời mộng mơ ấy rất nặng tình, sâu nghĩa với bạn bè. Ngày nay ta thấy bài hát nào Đoàn Chuẩn cũng ký chung tên với Từ Linh cứ như hai người là đồng tác giả. Nhưng sự thật không phải mà chỉ một mình ông sáng tác rồi ký thêm tên Từ Linh. Người này là lái xe cho Đoàn Chuẩn, tức người làm thuê cho ông. Nhưng trở thành bạn chí thân, có thể chia sẻ mọi nỗi niềm. Ông ký chung tên để kỷ niệm tình bạn thiêng liêng, hiếm có. Ngày nay từng có người cộng tác với người khác để cùng viết nên tác phẩm nhưng khi có quyền lợi nào đó đã sẵn sàng "phớt lờ" cộng sự. Mới thấy xử sự của Đoàn Chuẩn quý hóa biết chừng nào.

Nguyễn Đình San
.
.