Nhạc sỹ Phú Quang và nỗi ám ảnh mùa đông năm 1972

Thứ Hai, 25/12/2017, 11:11
Đã 45 năm trôi qua, nhưng với nhạc sỹ Phú Quang, nỗi ám ảnh nhất trong cuộc đời ông chính là ký ức về trận bom rải thảm tàn phá khu phố Khâm Thiên - nơi gia đình ông sinh sống...


Nhạc sỹ từng nhiều lần thổ lộ, điều ông ám ảnh nhất về Hà Nội chính là sự đau đớn, xót xa. Và từ những cảm xúc tột cùng bi thương ấy đã giúp ông có những tác phẩm về Hà Nội mà chỉ cần giai điệu ngân lên, ca từ như chất chứa nỗi lòng của cả một thế hệ người Hà Nội bung ra, mãnh liệt và da diết.

Trong Hội thảo “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” – Bản hùng ca bất diệt do Thành uỷ Hà Nội tổ chức ngày 18-12, nhạc sỹ Phú Quang được mời đến với tư cách là chứng nhân lịch sử trong trận chiến oanh hùng 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972. Nhạc sỹ nhớ lại, đêm đầu tiên khi pháo đài bay B52 giội bom rải thảm tàn phá phố Khâm Thiên, ông và vợ chồng người chị gái cũng xuống hầm trú ẩn cùng mọi người. Ba người ngồi trong ngách ngang của căn hầm, bên ngoài ngách dọc là hơn chục người khác.

Nhạc sỹ Phú Quang (giữa) tại Hội thảo “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” – Bản hùng ca bất diệt.

“Tiếng bom nổ nghe như gần mà như xa, sau vài chục phút, tất cả trở lên im lặng”, nhạc sỹ Phú Quang kể. Chị gái ông là người bò ra đầu tiên, nhưng rồi ông thấy chị lại bò trở lại, hốt hoảng: “Quang ơi, mọi người xung quanh hình như đã chết hết rồi. Chị sờ ai cùng mềm nhũn, không cử động gì cả”.

Vợ chồng người chị gái và nhạc sỹ đến tận 2-3h sáng mới ra được khỏi căn hầm, và nhận thấy họ đã rất may mắn, vì quả bom nổ cách một quãng trước căn hầm, sức ép đã làm tất cả những người cùng trú ẩn trong hầm chết cả. Chỉ duy nhất ba người còn sống sót vì ngồi trú trong ngách ngang của căn hầm. Lên đến mặt đất, nhạc sỹ Phú Quang không còn nhận ra khu phố của mình nữa.

“Không còn là những lớp lớp nhà san sát nữa. Tầm mắt của tôi đứng từ Khâm Thiên mà nhìn thẳng được ra tận phố Đê La Thành. Tất cả đã bị bom san phẳng, chỉ còn một vùng hoang tàn, đổ nát”, nhạc sĩ Phú Quang nhớ lại. Bao nhiêu người quen, hàng xóm, bạn bè đã bị vùi lấp. Hình ảnh tạc vào tâm trí ông là một bà cụ già hàng xóm, ở gia đình ông thợ cắt tóc. Bà cụ tóc đã bạc tay cầm viên gạch, đứng bất động trên đống đổ nát. Khuôn mặt của bà câm lặng như một pho tượng, không một giọt nước mắt nào rơi xuống khi mọi người lần lượt khênh ra từng người thân của bà, từ chồng, con, cháu… “Tất cả là 26 người thân của bà đã chết. Bà không khóc mà tôi đứng đó lại khóc”, nhạc sỹ Phú Quang nghẹn lời khi nhắc lại kỷ niệm buồn.

Trời sáng dần, quang cảnh xung quanh nhạc sỹ Phú Quang thật thê lương… Người bạn thân nhất của ông cũng đã bị vùi lấp dưới lớp đất đá. Những ngày sau đó, hôm nào nhạc sỹ cũng tìm bạn, cái chết của người bạn khiến ông ám ảnh cả trong những cơn mơ.

Ông kể: “Tôi mơ thấy bạn tôi đứng cạnh tôi và nói rằng: “Quang ơi, mày thì sống rồi. Nhưng tao thì chết, đầu tao bị đau lắm”. Phải 13 ngày sau, ông và chị gái mới tìm được xác bạn bên dưới đống đổ nát mà trước đó là ngôi nhà của gia đình ông, số 49 Khâm Thiên. Hoá ra, sau trận bom, người bạn thân đã chạy đi tìm ông, xem gia đình bạn có bị sao không. Và đến đúng nhà ông thì bị cả bức tường đổ sập xuống.

Sau này, nhạc sỹ Phú Quang kể, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam có vận động các ca sĩ, nhạc sĩ viết giao hưởng về chiến tranh. “Lúc đó tôi viết bản Hồi ức. Khi trình diễn xong, tôi hỏi ông cảm thấy thế nào, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp nói: “Nghe bài của Quang anh khóc luôn”.

Tôi nhìn sang 3/4 khán giả Nhà hát lớn Sài Gòn cũng khóc. Nhạc không lời mà họ khóc như thế, tôi nghĩ do bản nhạc đó có kỷ niệm không quên của bản thân, là những cảm xúc rất thật”, nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ. Căn nhà gia đình nhạc sỹ Phú Quang ở là một trong ba ngôi nhà được giữ lại làm chứng tích chiến tranh. “Nhà tôi khi ấy bây giờ đã thành nơi có tượng đài rêu phong. Mỗi lần đi qua phố, nhìn vào pho tượng ấy, ký ức năm xưa lại tràn về khiến tôi đau đớn và xót xa”.

Từ một chàng trai 23 tuổi khi không quân Mỹ oanh tạc Hà Nội 12 ngày đêm đến giờ, sau 45 năm, Phú Quang đã là một nhạc sỹ nổi tiếng, được nhiều người mến mộ với nhiều ca khúc hay về Hà Nội. Có lẽ, cũng bởi ông đã trải qua những giờ khắc sinh tử cùng Thủ đô, và hơn ai hết, ông hiểu rõ nhất sức mạnh của những người dân Hà Nội không bom đạn nào có thể khuất phục, thể hiện qua ca khúc “Em ơi, Hà Nội phố” mà ông phổ nhạc từ thơ Phan Vũ: “Mùa đông năm ấy/ Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ/ Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân”.

Ngọc Yến
.
.