Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: Tiễn một vầng trăng

Thứ Bảy, 16/05/2020, 18:31
Đêm trăng, thầy hay ngồi thưởng trà để nhớ về ngày nào hành phương Nam giữa ánh ngà huyễn hoặc. Con nước mênh mang khua động mái chèo. Trên vai chàng nhạc sĩ trẻ là cây đàn violon. Chàng đi theo nàng nguyệt, mải miết mà dệt cung đàn. Để đến khi chân mỏi gối chùn, giật mình nhìn lại, tóc xanh hôm nào đã đẫm màu trăng...


Cuối cùng, thầy cũng hóa thành cánh hạc, “bay mãi bỏ trời mơ” giữa một ngày hạ đỏ lửa. Thầy nằm lại cây lá phương Nam như giấc mơ tuổi trẻ đã từng rời miền Trung quê xứ để phiêu chí tang bồng về mảnh đất Cửu Long. “Mười tám tuổi tôi xách chiếc va ly nhỏ trong đó có tấm bằng tú tài, vài bộ đồ và một chiếc đàn violon, rời Quảng Nam vào đất Sài Gòn. Tôi đi về phương Namvì lòng lỡ yêu câu hát: “Trăng phương Nam sáng tỏa khắp bờ Cửu Long/ Nước chảy con thuyền xuôi dòng/Hòa những tiếng hò ấm lòng”.

Tôi là người ham chơi, lãng mạn đi tìm vầng trăng phương Nam, tiếng hò phương Nam hơn là đi học”. Yêu vầng trăng phương Nam, người nhạc sĩ tài hoa đã dành phần đời còn lại gắn bó với nơi này để rồi chúng tôi vinh dự được trở thành học trò của thầy. Hôm đưa tang, lũ học trò khóc cho ngày lỗi hẹn, khóc cho nỗi ân hận vì muôn vàn lý do đẩy cái ngày đến thăm thầy giữa cơn bạo bệnh cứ xa mãi.

Biết tin nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đảm nhiệm hai môn “Tạp văn và Tiểu phẩm”, “Tường thuật chuyên ngành văn hóa – nghệ thuật”, chúng tôi - đám sinh viên khoa Báo chí – Truyền thông (khóa 2008- 2012), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, mừng như vỡ trận. Hâm mộ nhạc sĩ lâu rồi, nay còn được nhạc sĩ giảng dạy thì còn gì bằng.

Chúng tôi nghĩ thầy là nhạc sĩ, chắc phóng khoáng lắm trong giờ dạy. Ai dè ngay tiết đầu, cả bọn đã bị thầy ghim vào kỷ luật thép. Đứa nào đến trễ hoặc cúp tiết là coi như toi. Thầy đe cho đến nơi đến chốn. Sau chúng tôi mới phát hiện hồi trẻ, khi còn là dạy triết ở Bạc Liêu, thầy đã nổi tiếng là anh giáo nghiêm khắc.

Ấy vậy mà học với thầy một thời gian, bọn sinh viên khoái “ông thầy khó tính” ra trò. Thậm chí sinh viên lớp khác còn ôm tập sang học ké lớp tôi. Học với thầy, tụi tôi suốt ngày ôm bụng cười bò vì vô vàn câu chuyện hài hước, éo le thầy kể. Học đã khoái một thì giờ giải lao chúng tôi khoái mười. Bởi lần nào thầy trò cũng tranh nhau hát. Học trò đa phần là dân miền Trung và miền Tây nên thuộc bài thầy vô số kể. Nào là “Thu, hát cho người”, nào là “Điệu buồn phương Nam”, “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”, “Đau xót lý chim quyên”, “Mẹ Cửu Long”… Thầy luôn thủ sẵn mấy đĩa nhạc để đệm hát.

Buổi dạy nào cũng xôm tụ hát hò. Còn mấy đứa khoái truyện kiếm hiệp thì như bắt được bảo bối bởi nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển nổi danh là nhà “Kim Dung học”. Được đằng chân lân đằng đầu. Nhiều khi đang học, thấy hơi căng thẳng xíu là tụi tôi vòi thầy mở nhạc.

Thầy lắc đầu, dọa: “Bài giảng chưa xong mấy em ơi!”. Vậy là cả bọn réo: “Hát hò xíu là tụi em học mau vô lắm thầy”. Đánh trúng “nghệ sĩ tính” nên lần nào thầy cũng giơ tay xin hàng lũ trò nhỏ. Thầy vừa bỏ đĩa, vừa dặn: “Thầy trò mình hát nho nhỏ thôi cho mấy lớp khác học nghe”. Ai vô tình đi ngang qua cứ ngỡ lớp này đang tập văn nghệ. Có lẽ nhờ kiểu học lãng tử như vậy nên đến ngày thi, đứa nào cũng ung dung vỗ ngực. Nhưng thi thì phải nghiêm túc, chứ làm bài tầm phào, thầy cho ăn trứng ngỗng là đừng kêu oan.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển nghiêm khắc trong chuyện giờ giấc, học hành là vậy, nhưng chẳng bao giờ tôi thấy thầy nổi nóng, la mắng sinh viên. Cái gì giúp ích cho học trò dễ nhớ, dễ học, thầy chẳng từ nan. Sau này chúng tôi mới hay, sai lầm thời trẻ khiến thầy thay đổi quan điểm sư phạm. Số là ngày dạy ở Bạc Liêu, có cô bé hay ngủ gật trong lớp. Thầy bực lắm, đập bàn: “Em muốn ngủ thì ra ngoài. Ở đây không phải là chỗ cho em ngủ”.

Cô bé sợ quá, nước mắt ầng ậc ôm cặp ra về. Mấy hôm sau, cô bé bỏ học hẳn. Một học trò lí nhí thưa với thầy cha bạn bị ốm nặng, đêm nào cũng thức trắng chăm sóc cha nên bạn mới ngủ gật trong lớp. Biết chuyện, thầy giận mình không tìm hiểu kỹ để rồi vội vã ứng xử không đúng mực.

Câu chuyện đó không chỉ giúp thầy trở thành một ông giáo hết lòng thương yêu học trò mà còn là một nhà báo luôn đi sâu vào sự thật. Đã hơn 70 tuổi nhưng nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển luôn truyền cho chúng tôi tình yêu nghề báo nồng nàn, cháy bỏng. Có ai ngờ một nhà báo tóc đã điểm bạc vẫn lướt ghe băng băng trên con rạch miền Tây, tìm cho bằng được nhà  anh nông dân nghèo ở xứ khỉ ho cò gáy đang bị người ta ức hiếp, giữ mất con trâu.

“Mém mấy lần cả người lẫn máy ảnh nhào xuống rạch mà mình vẫn ráng đi vì nếu không có hình ảnh của anh nông dân, không tìm hiểu kỹ sự việc thì phụ lòng bạn đọc” – Thầy kể. Càng gần gũi, chúng tôi càng hiểu rằng tấm lòng thầy luôn hướng về những người dân quê chân chất, chịu thương chịu khó. Thầy “thương những đời như lục bình trôi” bởi đời thầy đã chật vật bao nắng mưa, sương gió.

Cầm tinh con heo, sướng chẳng thấy đâu, toàn thấy thiếu ăn, nghèo khó. Tuổi thanh niên, Võ Hợi (tên thật của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển) vẫn ốm như ma đói. Bộ mông của Hợi ngày đó nổi tiếng trứ danh làng Duy Vinh, Quảng Nam. Thèm được cưỡi bò một lần nhưng hễ đặt bộ mông lên là Hợi bị chúng cho ăn no đất. Đến khi viết báo, thầy lấy bút danh là Đồ Bì vì nhìn mình chẳng khác gì ông đồ toàn da bọc xương.

Gần 10 năm rồi, thầy rời xa bục giảng vì bệnh tật hành hạ. Nhưng với chúng tôi, thầy như người cha, người đồng nghiệp thân thiết. Đi tác nghiệp, phóng viên văn hóa nghệ thuật như tôi được gặp thầy hoài. Lần nào thầy trò cũng tíu tít. Rảnh rỗi, tôi lại chạy xuống thăm thầy ở con hẻm xanh um cây lá nằm tuốt quận 12. Chạy xuống mới thấy con đường đi dạy hàng ngày của thầy sao mà xa xôi, vất vả quá.

Giữa trưa nắng cháy hay chiều mưa tầm tã, ông giáo già vẫn lạch bạch trên chiếc xe máy cà tàng, ngày hai buổi đi về hàng chục cây số. Vậy mà chẳng bao giờ thầy sai giờ, trễ hẹn. Còn lũ học trò chúng tôi, lần nào ghé nhà thầy cũng bị… lạc đường.

Số là nhà thầy nằm trong hẻm như bàn cờ, số nhà lộn xộn nên khó tìm. Hỏi sao thầy không chuyển chỗ khác gần hơn, tiện đường đi hơn thì thầy cà rỡn: “Bọn bây tưởng thầy già hết chạy nổi hả? Nói vậy chớ ở đây yên bình, có sân vườn trong lành chứ vô nội đô ngột ngạt lắm”.

Có lẽ hiếm ai vẫn nhớ tên từng đứa sinh viên như thầy. Thầy bảo có gì đâu mà khó nhớ, thầy vẫn gặp tụi em trên tờ báo, sóng truyền hình, phát thanh mỗi ngày đó thôi. Mỗi bài báo, tác phẩm của học trò, thầy đều trân quý như đứa con tinh thần của mình. Tôi nhớ ngày nào trên giảng đường, thầy cầm mãi tờ báo có bài viết về mình mà xoay vần chúng tôi cả buổi như ông già lẩm cẩm: “Tụi em biết đứa nào viết không? Đọc thấy giọng quen lắm nhưng bút danh lạ quá. Đứa nào viết vậy cà? Phải tìm cho ra để thầy cảm ơn nó cái”.

Năm 2017, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển phải mổ khối u bạch sản trong cổ họng. Bệnh diễn tiến nặng thành ung thư vòm họng. Học trò cũ lũ lượt về thăm. Có người đã thành ông ngoại, bà nội nhưng vẫn ngồi khóc tu tu trước mặt người thầy yêu kính. Thầy thì cười: “Thầy còn sống nhăn đây, đừng khóc nữa”. Đến năm 2018, thầy mất hẳn tiếng nói. Trở thành người câm bất đắc dĩ, mọi giao tiếp của thầy đều nhờ vào cây bút. Với người hoạt ngôn, đối diện căn bệnh hiểm nghèo, bị mất tiếng nói, điều đó khủng khiếp và đau khổ đến chừng nào. Thầy biểu mình cũng từng dằn vặt, đau khổ như thế nhưng rồi phải tập chấp nhận để sống, và sống thật mạnh mẽ cho bõ những ngày cuối đời. Nhìn về bệnh tật, thầy tự giễu nhại:

“Thưa với anh chị em, tôi mất tiếng nói rồi.
Bác sĩ bảo do bị nhồi máu não.
Làm tắt dây thanh, nên dù tôi muốn nói
Vẫn cứ khào khào như tiếng vịt đực xiêm lai.
Nếu còn nhớ nhau xin chớ điện thoại cho dài
Chỉ nhắn một cái tin thăm hỏi nhau là đủ.
Tôi không chảnh nhưng vì không thể nói.
Nói không ra lời thì cố nói làm chi?
May mắn thay, tôi còn cái đầu tư duy
Chưa đến nỗi lẫn lộn Bà Hom ra Bà Điểm.
Và còn có hai bàn tay gõ lên bàn phím
Những buồn vui đời làm báo, tuổi già...”.

Sức trẻ chúng tôi không bao giờ so bì được với sức làm việc bền bỉ của thầy. Ở tuổi xưa nay hiếm, bệnh tật bủa vây nhưng thầy vẫn viết báo, sáng tác đều đều. Gia tài của thầy lên đến 300 bài hát, hàng nghìn bài báo, hơn 50 đầu sách. Những ngày cuối đời, thầy vẫn kịp ra mắt thêm ba cuốn sách: “Phượng ca”, “Miền Nam sống đẹp”, “Lắng nghe điệu bolero”. Ba tác phẩm là cả một trời mộng mơ để mình thầy “ngồi hát tuổi thơ bay”, nhớ về quê nhà xa xôi và tri ân miền Nam nhân hậu đã chở che phần đời còn lại.

Trong nhạc phẩm của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, có hai hình tượng tiêu biểu: Đồi sim và ánh trăng. Nếu đồi sim là dáng hình quê nhà xứ Quảng thì ánh trăng là phương Nam ngọt lành. Trăng phủ đầy ca khúc của ông: “Về phương Nam lắng nghe cung đàn/ Thao thức vọng dưới trăng mơ màng…” (Điệu buồn phương Nam); “Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió/ Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ” (Thu, hát cho người); “Long lanh con sông dài/ Về đây tiếc một vầng trăng…” (Tiếng quốc đêm trăng); “Bạc Liêu ơi, có nhớ chăng người/ Thuở ấy thanh xuân trăng Gành Hào tròn như chiếc gương/ Giờ tóc pha sương, qua Gành Hào tiếc một vầng trăng” (Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang)…

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển thừa nhận nhạc mình đa phần buồn, một nỗi buồn man mác. Nó đẹp như đêm trăng và cũng cô liêu như đêm trăng. Thầy yêu trăng bởi trăng như người bạn tri kỷ, trăng dung dị, thanh bạch mà cô đơn như cõi hồn mình. Giờ đây, người thầy đáng kính ấy đã mãi mãi đi theo vầng trăng phương Nam như giấc mộng tang bồng trai trẻ năm nào. Xin đưa tiễn thầy – vầng trăng của bao thế hệ học trò chúng tôi...

Mai Quỳnh Nga
.
.