Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: Tay gầy níu những ngày xưa

Thứ Năm, 20/02/2020, 11:24
Căn bệnh ung thư quái ác ập đến. Nhưng như bao lần bạo bệnh, ông mỉm cười đón nhận quy luật sinh lão bệnh tử. Mất tiếng nói, chẳng thể ngân nga phím đàn để viết nhạc, ông chuyển hẳn qua trang văn tìm vui. Bàn tay gầy miệt mài gõ chữ, vọng tưởng những ngày xưa hoa mộng...


Hồi cuối năm ngoái, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển nhập viện vì bệnh tình trở nặng. Khối u xuất hiện trong phổi làm ông khó thở, đau nhói. Căn bệnh ung thư vòm họng nhiều năm qua cũng hành hạ khiến ông tắt tiếng. Giờ đây bên nhạc sĩ luôn thủ sẵn cuốn sổ và cây bút. Hễ muốn nhờ vợ con lấy giúp cái gì thì viết vào sổ.

Tuổi già, bệnh tật bủa vây. Ai cũng nghĩ mất tiếng nói như thế sẽ dễ khiến con người nghệ sĩ sôi nổi, đa tài, đa cảm như Vũ Đức Sao Biển chôn vùi vào cô đơn, câm lặng. Ấy thế mà ông vẫn cười tếu táo như thuở làm anh Đồ Bì viết tiểu phẩm châm biếm cho báo Tuổi Trẻ Cười. Không sáng tác nhạc được nữa, ông vẫn có chữ nghĩa để làm bạn.

Ngày còn nằm ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, ông sốt sắng mong cho chóng đỡ đau để còn nhờ con cái mang máy tính vô giường bệnh. Hỏi làm chi? Ông bảo viết lách cho đỡ ngứa ngáy chân tay! Chữ nghĩa không thoát được trên đầu môi thì nó dồn ứ trong lòng và bùng tỏa trên mỗi trang sách. Chẳng thế mà sức làm việc của lão nhạc sĩ 73 tuổi lại đáng nể như vậy. Sách mới cứ nối nhau sòn sòn ra mắt bạn đọc: "Phượng ca", "Miền Nam sống đẹp", "Lắng nghe giai điệu bolero"...  "Sống chết có số. Rồi ai cũng phải đến đoạn cuối cuộc đời. Trời còn cho mình sống đến đâu thì cứ vui đến đó. Càng cuối đời tôi càng thấy cuộc sống này đáng yêu lắm" - nhạc sĩ tâm sự.

Người ta thường nói ký ức là chiếc gối êm cho tuổi già úp mặt. Quả vậy, ông nhớ, chao ôi là nhớ thời thơ trẻ. Hai tác phẩm mới nhất của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển là mạch hồi ức không ngơi nghỉ về thời học sinh, sinh viên sôi nổi. Ông giãi bày: "Đối với tôi, ngày xưa là những tháng năm được học bậc trung học thơ mộng. Những năm học ấy thật đáng yêu, thật hồn nhiên. Tôi yêu ngày xưa của tôi dù tuổi thơ ấy chưa thật sự được bằng an và hạnh phúc".

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.

Cuốn sách "Phượng ca" ông viết để dành tặng ngày xưa thân ái của mình, của bạn bè đồng trang lứa. Ở đó ăm ắp kỷ niệm học trò nơi quê nghèo xứ Quảng. Những trò nghịch ngợm của đám "nhất quỷ nhì ma" như hù bạn học bằng con rắn giả, chiêu copy bài vở bằng cách dán tài liệu vô đùi, bị phạt cấm túc vì tập hút thuốc, rủ nhau ra biển ngủ… được ông viết với một niềm thương nhớ tha thiết, vừa dí dỏm vừa xúc động.

Biết phận con nhà nghèo, từ năm 13 tuổi, cậu bé Vũ Hợi (tên thật của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển) đã biết tự kiếm tiền lo ăn học ở Hội An. Nghèo quá, suốt từ đông này sang đông khác, cậu không có nổi một chiếc áo đàng hoàng để giữ ấm cho thân hình toàn xương là xương.

Thiếu ăn, thiếu mặc nên Hợi ráng học giỏi để còn làm gia sư cho mấy đứa trẻ con nhà giàu. Lên trung học, cậu đã bắt đầu biết mưu sinh thêm bằng âm nhạc. Thi đậu vào đệ thất (lớp 6), Hợi được anh Hai tặng cây đàn mandoline. Đó là món quà lớn lao mà cậu coi như bảo vật.

Anh Trịnh Mẹo ở làng dạy cậu cách làm quen với đàn rồi dần dần học bài bản với nhạc sĩ Lê Chấn Quang, La Gia Đinh. Mỗi lần trường lớp có chương trình văn nghệ, cậu được cô giáo phân công đàn hát cho các bạn gái múa. Gần kỳ thi trung học, sau buổi hát đến rát giọng bài "Trăng Mường Luông",  về nhà Hợi thử chép lại thanh nhạc bài này theo trí nhớ. So sánh lại với bản gốc, cậu vui như reo vì bản chép tay chỉ sai vài chi tiết ở các chỗ có nốt lặng lấy hơi. Đó là một bước ngoặt lớn để Vũ Đức Sao Biển rèn được kỹ năng chép nhạc theo trí nhớ sau này.

 Ngày ngày đi học qua sông Thu, nghe ông lái đò ngân nga bản tình ca của Phạm Duy, Trần Hoàn, Hoàng Giác…, lòng cậu học trò nhỏ lạc đến cõi mơ. "Tôi mơ trở thành nhạc sĩ, viết ra được những ca khúc như các vị tiền bối đó. Đến khi nhìn các thầy của mình chơi đàn, lòng tôi càng mơ được trở thành nhạc sĩ hơn". Vũ Đức Sao Biển biết chơi guitar cũng nhờ những buổi bên khung cửa sổ nhìn trộm, học lóm thầy chơi đàn. Ghi nhớ cách chơi, về nhà cậu mượn guitar của hàng xóm tập lại. Đêm đêm, tiếng đàn và tiếng hát réo rắt trên ban công xóm trọ đường Phan Bội Châu.

Năm lên đệ tam (lớp 10), Vũ Đức Sao Biển cùng nhóm bạn lập nên ban nhạc Ngũ Hành Sơn chuyên hát trên Đài Phát thanh Quảng Nam. Ban nhạc chủ yếu hát những bài tình ca nổi tiếng thời đó. Tuy vậy, với tụi thiếu niên lóc chóc, chẳng mấy đứa hiểu ý tứ sâu xa, thâm thúy của mấy ông Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Dzoãn Mẫn, Văn Cao... gửi gắm.

Để có ca khúc gần gũi hơn với tuổi "mưa nắng ẩm ương", Vũ Đức Sao Biển tập tành sáng tác rồi nhờ các thầy dạy nhạc sửa cho. Đó là những bài ca đầu tiên trong đời ông, đầy non dại, vụng về mà chân thực.

Cũng trong cuốn "Phượng ca" và "Miền Nam sống đẹp", lần đầu tiên nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển lên tiếng cải chính về những tin đồn xoay quanh danh tác "Thu, hát cho người". Ông khẳng định người con gái ấy không phải là cô H.T.Thu như lâu nay báo chí, trang mạng đồn đoán ông và nhạc sĩ Đuynh Trầm Ca cùng thầm thương trộm nhớ. Thu ở đây là dòng sông Thu. Nơi cuối nguồn con sông có bóng hồng ông thương.

Hồi đó, ông học lớp Đệ tam, cô bạn cùng quê học dưới ông hai lớp, ở trọ trong một con hẻm nhỏ trên đường Phan Châu Trinh, Hội An. Chiều thứ Bảy tuần nào, hai người cũng sánh bước bên nhau trên con đường phố cổ rêu phong, bắt đò ngang trở về làng. Nàng thật hiền, kín đáo, đôi mắt mơ mộng, mái tóc đẹp và óng ả một cách khác thường. Lần nào nàng cũng giành đi trước vì sợ đi sau không theo kịp, sợ bị lạc trong sương mù vùng hạ du sông Thu. Ông đi phía sau, mỉm cười nhìn cái đuôi gà của nàng lúc lắc tinh nghịch.

"Chúng tôi cùng đi học qua những con đường quê rất nhiều năm. Chúng tôi đi mà không nói với nhau một lời. Tôi không gọi đó là tình yêu. Tôi cũng không gọi đó là tình bạn thuần túy. Nó kết tinh lóng lánh, vượt lên trên cả tình yêu và tình bạn. Tôi gọi đó là sự hòa quyện những cảm xúc trong sáng nhất, ban sơ nhất của mỗi đời người chúng tôi. Nó thoáng qua ngắn ngủi, như có như không giữa đời người nhưng thật cao đẹp và thuần khiết. Nó làm nên tâm hồn tôi, dĩ vãng tôi. Nó đóng dấu hình tượng bạn vào tâm hồn tôi, mãi mãi một đời".

Giữa ngọn đồi nhìn xuống tháp cổ, dòng sông, nàng ngồi say sưa nghe ông ôm guitar hát những bài tình ca rồi khẽ nói: "Ngày sau nếu trở thành nhạc sĩ, anh nhớ viết cho em một bài hát nghe". Ông hứa, nghe trái tim nhảy nhót yêu thương, bàn tay tìm lấy bàn tay. Ông xa người bạn gái ấy vào cuối năm đệ nhị.

Năm 1968, về tang cha, Vũ Đức Sao Biển hỏi thăm người làng thì mới hay nàng đã xa quê. Tin tức biền biệt. Chiều thu nhuộm màu sim tím, ông cầm đàn lên ngọn đồi xưa, một mình đối diện với mình. Và rồi giữa dòng sông, tháp cổ, đồi sim, ông trải giấy lên thùng đàn, viết bài hát đầu tiên cho người con gái năm xưa với một nỗi nhớ da diết, xót xa: "Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt/ Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa/ Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ/ Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ...".

Đó là nhạc phẩm chính thức đưa ông trở thành nhạc sĩ tên tuổi. Và Vũ Đức Sao Biển không chỉ viết một bài hát đó cho nàng mà còn sáng tác loạt bài hát nổi tiếng khác như "Chiều mơ", "Đường về", "Cõi tiêu dao", "Người xưa", "Phượng ca", "Phố Hoài"...  Đến nay, sở hữu hơn 300 bài hát nhưng khi ai hỏi nhạc sĩ yêu ca khúc nào nhất, ông không ngần ngại mà trả lời rằng "Thu, hát cho người". "Bởi vì ngày ấy, tôi chưa bao giờ nói tiếng yêu nàng. Đó là ngôn ngữ vô thanh" - ông giải thích.

Hướng về ngày thơ bé, hướng về người bạn gái năm xưa là hướng về làng. Dẫu có bệnh tật, dẫu có già yếu, hễ còn sức, ông còn sắp xếp về thăm làng. Về làng là về với hàng dương liễu, về với lũy tre xanh, về với mảnh ruộng nhỏ như manh chiếu, hít hà mùi rơm rạ, mùi phân bò, mùi sợi lác phơi trong nắng lụa... Về để rưng rưng nhớ tuổi 18, cổng làng tiễn chân chàng trai trẻ ôm đàn tha phương. Về để sà vào vòng tay thương yêu của bà con - những người nông dân hiền lành chân chất, một đời vất vả kiếm sống mà thiên tai, bão lụt khiến cái nghèo mãi đeo bám.

Nhiều năm qua, vào ngày mồng 9 Tết âm lịch, nhạc sĩ lại trở về làng tổ chức một chương trình văn nghệ quyên góp tiền giúp bà con nghèo làm nhà. Ông nhớ lại: "Đêm mồng 9 Tết, người làng được nghe những bài xuân ca và tình ca nồng thắm. Làng như sống lại trong những giai điệu lãng mạn của âm nhạc, tạm quên đi bao nỗi buồn lo, toan tính áo cơm. Tôi chỉ mong góp một chút công sức cùng các anh ở địa phương để kiếm được vài ba triệu đồng, chia hết cho bà con nghèo giúp họ có thể làm được một ngôi nhà mới khá hơn ngôi nhà cũ. Tôi chỉ mong đem lại cho người làng một chút niềm vui, một chút thoát tục trong mùa xuân mới. Người nhạc sĩ không có gì hơn ngoài trái tim mong tận hiến cho đời".

Mai Quỳnh Nga
.
.