Nhạc sĩ Phong Nhã: " Đời tôi sóng nhạc bay lên"

Thứ Năm, 27/05/2021, 13:15
Nhân dịp kỉ niệm ngày sinh nhật Bác, Ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh 19-5 và ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, NXB Kim Đồng ra mắt tập hồi ký, di cảo "Đời tôi sóng nhạc bay lên" của cố nhạc sĩ Phong Nhã.


Cuốn sách được biên soạn tổng hợp lại từ các bản di cảo đánh máy, viết tay, bản photo, tư liệu gia đình và cả văn bản do người thân chép lại theo lời kể của tác giả khi còn sống đã khắc họa lại chân dung người nhạc sĩ được coi là "ông vua sáng tác ca khúc cho thiếu nhi"...

Cuốn hồi ký, di cảo "Đời tôi sóng nhạc bay lên" đã kể lại câu chuyện về tuổi thơ nơi cậu bé Nguyễn Văn Tường sớm mồ côi mẹ và có người chị tật nguyền thương yêu em; đó là buổi đi thuyền rước dâu ngày cưới của bố và dì hai; đó là những năm tháng đói nghèo, cả nhà dắt díu lên Hà Nội kiếm sống, trú trọ hết khu phố nọ tới khu phố kia… 

Cố nhạc sĩ Phong Nhã.

Trong suốt cuộc đời mình, nhạc sĩ Phong Nhã đã sáng tác hơn 200 ca khúc trong đó chủ yếu là viết cho trẻ thơ. Ông cũng là một trong số rất ít những nhạc sĩ có nhiều bài hát viết cho thiếu nhi sớm nhất, thành công nhất của Việt Nam: bài hát "Nhanh bước nhanh nhi đồng" của ông ra đời từ năm 1944 và vẫn được thiếu nhi hát đến ngày nay. 

Nhắc đến ông, người ta nhớ ngay đến những “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, “Nhanh bước nhanh nhi đồng”, “Kim Đồng”, “Cùng nhau ta đi lên” (Đội ca), “Công tác Trần Quốc Toản”, “Đội ta lớn lên cùng đất nước”, “Chi đội em làm kế hoạch nhỏ”, “Thiếu niên hành quân”… Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật ngay từ đợt 1 (năm 1996).

Không chỉ gắn bó với thiếu niên nhi đồng trong sáng tác, nhạc sĩ Phong Nhã còn đảm nhiệm cương vị Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Thiếu niên Tiền phong từ khi báo mới ra đời (năm 1954) đến năm 1978. Với thời gian gắn bó với một tờ báo Đội rất dài như thế, ông có rất nhiều cơ hội làm bạn với trẻ em và đã dành trọn cuộc đời mình gắn bó đề tài thiếu nhi. 

Nhạc sĩ Văn Chung đã gọi ông là "Ông tiên chỉ của làng ca khúc thiếu nhi", còn nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu - trong một lần gặp gỡ đã nói vui: "Cậu là vua âm nhạc thiếu nhi". Có lẽ đến nay, với số lượng ca khúc thiếu nhi đã sáng tác, nhạc sĩ Phong Nhã vẫn là "quán  quân", chưa có ai vượt qua được.

Nhạc sĩ Phong Nhã từng kể rằng, trong cuộc đời mình, ông chưa từng theo học một lớp đào tạo âm nhạc chính quy, bài bản nào mà chủ yếu là "học lỏm", tự học. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình thị dân nghèo, có bố và bác ruột rất thích chơi đàn tranh nên sớm được làm quen với đàn tranh, cây sáo, cây nhị và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc này. 

Về sau, khi đã "thành danh" rồi, ông được những người bạn như nhạc sĩ Văn Ký, nhạc sĩ Vũ Tự Lân… truyền giảng cho những kiến thức họ được học ở trong nhà trường. Thuở thiếu thời, Phong Nhã rất tích cực trong phong trào "Hướng đạo sinh", được bầu làm quản ca trong đội nhạc của trường. Ông còn tự tay làm được nhiều cây sáo để dạy cho các em lớp dưới. 

Đến năm 1944, Phong Nhã đã về quê cha (xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, Hà Nam) tham gia xây dựng phong trào thiếu nhi và gia nhập Việt Minh ở đây. Bài hát đầu tay của ông "Nhanh bước nhanh nhi đồng" đã ra đời ở đây trong nỗi băn khoăn của anh phụ trách Nguyễn Văn Tường lúc ấy là làm sao phải có một bài hát với khí thế tươi vui, giục giã thế hệ măng non tiến bước. 

Về sau này, bài hát được chọn làm nhạc hiệu cho chương trình thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam nên hầu như các em ở độ tuổi măng non đều biết đến bài hát này. Lời ca điệu nhạc ấy đã vang vọng trong lòng các em đội viên trong suốt chiều dài lịch sử gần 80 năm qua. 

Sau sáng tác đầu tay ấy là đến bài "Kim Đồng" được sáng tác trong những ngày cùng nhạc sĩ Huy Du đi hoạt động hướng đạo sinh ở trường Mạc Đĩnh Chi trên Yên Phụ và được nghe kể chuyện về anh Kim Đồng. 

Còn bài "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng" ra đời vào cuối năm 1945 trở thành bài hát dành cho thiếu nhi đầu tiên ngợi ca Hồ Chủ tịch và nó nổi tiếng đến mức người lớn, trẻ con đều thuộc. Cho đến tận bây giờ, dường như chẳng có chương trình ca nhạc thiếu nhi nào, các bé lại không ngân vang lên giai điệu tươi vui của nhạc phẩm ấy.

Cố nhạc sĩ Phong Nhã trong một chương trình âm nhạc thiếu nhi.

Sau này, nhạc sĩ Phong Nhã còn có một bài hát nổi tiếng khác về hình tượng Bác Hồ, đó chính là bài "Bác sống đời đời" được tác giả viết sau khi Bác mất. 

Trong cuốn hồi ký, di cảo "Đời tôi sóng nhạc bay lên" của mình, nhạc sĩ Phong Nhã kể lại: "Sáng ngày 9-9-1969 là ngày thiêng liêng, diễn ra tang lễ của Bác. Tôi ra đường Thanh Niên, đứng trong hàng ngũ nhân dân lắng nghe bài điếu tang nghẹn ngào, thổn thức của bác Lê Duẩn xen lẫn cả tiếng khóc của thiếu nhi và nhân dân vọng vào. Khi tang lễ kết thúc, các em thiếu nhi đứng đầu hàng ở quảng trường Ba Đình cứ đứng khóc mãi không về. Thủ tướng Phạm Văn Đồng dỗ các em kèm theo tiếng khóc "Bác Hồ ơi" đã đọng vào tâm khảm tôi. Tôi tự đặt mình phải làm xong bài "Thương nhớ Bác Hồ" tức là bài "Bác sống đời đời" ngay trong đêm 9-9-1969, khi tâm hồn đang xúc động dạt dào. Từ đêm đến sáng đã làm xong...". 

Bài hát "Bác sống đời đời" cũng trở thành một trong những bài hát tiêu biểu nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng thiếu nhi Việt Nam.

Có một điều còn ít người biết về nhạc sĩ Phong Nhã, đó là trong suốt cuộc đời sáng tác âm nhạc của mình, nhạc sĩ Phong Nhã chưa bao giờ có được cho riêng mình một cây đàn piano để sáng tác... 

Trong một lần tôi đến nhà phỏng vấn và viết bài về ông, nhạc sĩ Phong Nhã ngậm ngùi kể rằng: "Có lần, Hội Nhạc sĩ bán thanh lý mấy cây đàn piano cũ, tôi cũng đăng ký mua đấy, nhưng cuối cùng cũng không được. Những năm tháng đất nước còn chiến tranh gian khó, chúng tôi phải bươn chải để nuôi 5 đứa con đã là vất vả lắm rồi. Làm sao dám nghĩ đến chuyện mua đàn. Suốt cuộc đời tôi chỉ sáng tác trên cây sáo và cây đàn măngđôlin thôi…". 

Vậy là chỉ với cây sáo trúc giản dị, hàng trăm ca khúc đã ra đời và điều kỳ lạ là trong số đó có nhiều hành khúc vui tươi, rộn rã, thúc giục tưởng chừng không hợp với cây sáo như "Cùng nhau ta đi lên", "Đội ta lớn lên cùng đất nước", "Đội ca"...

Khi ngồi viết lại những dòng này về ông, nhớ lại lần trò chuyện cuối cùng với ông trong căn phòng đơn sơ giản dị, khi nhắc lại những kỷ niệm về một thời tuổi trẻ sôi nổi, đôi mắt ông ánh lên niềm vui, còn chòm râu bạc lơ thơ của ông cũng rung rinh theo những điệu nhạc ông đang hát lên khe khẽ. 

Ông khiêm tốn bảo rằng: "Tôi vốn là nhạc sĩ của… phong trào. Đầu tiên chỉ sáng tác một cách tự phát, tự nhiên để phục vụ cách mạng, nhưng lại đáp ứng trúng nhu cầu của trẻ con, của thầy cô, phụ huynh, cho nên khi bài hát ra đời, nó đã được lan tỏa nhanh đến lạ kỳ. Như bài hát về Nguyễn Văn Trỗi của tôi, chỉ sau một đêm, cả thành phố đã biết, đã hát bài hát này…".

Nhạc sĩ Phong Nhã (1924 -2020) đã đi xa được hơn 1 năm. Cuộc đời trải dài gần một thế kỷ của ông dường như đã sống, gắn bó và cống hiến trọn trẹn đối với mảng đề tài sáng tác cho thiếu nhi. Thật đúng như nhạc sĩ từng nói về mình: "Đời tôi sóng nhạc bay lên", những ca khúc về tuổi thơ của ông đã vang lên từ trí tưởng tượng phong phú, bay bổng và trái tim yêu thương chan chứa đối với thiếu nhi, với cuộc đời của ông chắc hẳn sẽ còn vang vọng mãi... 

Nguyệt Hà
.
.