Nhạc sĩ Phong Nhã từng chỉ ước có một cây Piano cũ

Thứ Ba, 14/06/2011, 08:13
Chúng tôi tìm đến nhà riêng nhạc sĩ Phong Nhã ở một con ngõ nhỏ của phố Thanh Nhàn. Khi đến nơi mới biết người nhạc sĩ già vừa trải qua một biến cố lớn, đó là việc ông mất đi người bạn đời đã chung sống, sẻ chia với mình suốt hơn nửa thế kỷ qua. Đã hơn tháng nay, căn nhà nhỏ đơn sơ vắng bóng dáng thân quen của bà là một điều hụt hẫng lớn đối với người nhạc sĩ già đã ở tuổi 87...

Xét về số lượng, nhạc sĩ Phong Nhã... thật giàu có với gia tài trên 250 bài hát chủ yếu dành cho thiếu nhi, trong đó có những bài chắc hẳn em thiếu nhi nào cũng thuộc như "Nhanh bước nhanh nhi đồng", "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng", "Đội ta lớn lên cùng đất nước", "Cùng nhau ta đi lên" (còn gọi là bài "Đội ca")... Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật ngay từ đợt 1 (năm 1996). Ngoài sáng tác, nhạc sĩ Phong Nhã còn đảm nhiệm cương vị Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Thiếu niên Tiền phong từ khi báo mới ra đời (năm 1954) đến năm 1978. Có một điều còn ít người biết: Trong suốt cuộc đời sáng tác âm nhạc của mình, nhạc sĩ Phong Nhã chưa bao giờ có được cho riêng mình một cây đàn piano...

Chúng tôi tìm đến nhà riêng nhạc sĩ Phong Nhã ở một con ngõ nhỏ của phố Thanh Nhàn. Khi đến nơi mới biết người nhạc sĩ già vừa trải qua một biến cố lớn, đó là việc ông mất đi người bạn đời đã chung sống, sẻ chia với mình suốt hơn nửa thế kỷ qua. Đã hơn tháng nay, căn nhà nhỏ đơn sơ vắng bóng dáng thân quen của bà là một điều hụt hẫng lớn đối với người nhạc sĩ già đã ở tuổi 87. Theo lời nhạc sĩ Phong Nhã, bà Đàm Thị Sản vợ ông không chỉ là một người giỏi việc cơ quan đoàn thể mà còn nội trợ đảm đang, là chỗ dựa cho ông suốt bao nhiêu năm qua. Những năm ông mải mê công tác vắng nhà luôn, bà Sản ngoài công việc nhà nước, còn thay chồng đảm đương việc nuôi dạy 5 người con khôn lớn trưởng thành. "Còn nhớ mới ngày nào cưới nhau, đám cưới giản dị chỉ có ít kẹo bánh và thuốc lá, cô dâu vẫn mặc áo nâu bình thường, nếu không có bó hoa được bạn tặng thì người ta còn chẳng biết đó là cô dâu. Thế mà nay đã mỗi người một cõi rồi…" - Nói đến đây, đôi mắt của người nhạc sĩ luôn viết những giai điệu vui tươi, phấn khởi cho thiếu nhi như nhòe đi vì xúc động, tiếc nhớ...

Nhạc sĩ Phong Nhã hiện đang sống cùng gia đình người con trai. Căn nhà xây từ nhiều năm trước giờ đã trở nên cũ kỹ, lạc hậu nhiều so với các nhà xung quanh. Trong nhà, đồ đạc cũng sơ sài, cho biết chủ nhân của nó là một nghệ sĩ nghèo. Nhạc sĩ cho biết, sắp tới, các con ông định đón ông lên ở căn nhà nhỏ trên phố Hàng Trống - vốn là căn nhà khi xưa ông được nhà nước phân cho - nay con trai ông đang mở cửa hàng sửa chữa máy ảnh. Ông bảo, lên trên ấy có nhiều bạn hơn, với lại nó gần hồ nên ông có thể đi bộ cho khuây khỏa, chứ ở Thanh Nhàn suốt ngày cứ quanh quẩn trong nhà, sợ nỗi buồn không vơi đi được…

Nhạc sĩ Phong Nhã kể rằng, cả cuộc đời làm nghề, chưa bao giờ ông sắm được cho mình một cây đàn piano. Người nhạc sĩ già ngậm ngùi: "Có lần, Hội Nhạc sĩ bán thanh lý mấy cây đàn piano cũ, tôi cũng đăng ký mua đấy, nhưng cuối cùng cũng không được. Những năm tháng đất nước còn chiến tranh gian khó, chúng tôi phải bươn trải để nuôi 5 đứa con đã là vất vả lắm rồi. Làm sao dám nghĩ đến chuyện mua đàn. Suốt cuộc đời tôi chỉ sáng tác trên cây sáo và cây đàn măngđôlin thôi…". Chỉ với cây sáo trúc giản dị, hàng trăm ca khúc đã ra đời và điều kỳ lạ là trong số đó có nhiều hành khúc vui tươi, rộn rã, thúc giục như "Cùng nhau ta đi lên", "Đội ta lớn lên cùng đất nước", "Đội ca"...

Tuổi cao nên đã lâu ông không còn sáng tác nữa. Tuy nhiên, cách đây vài năm, khi được mời lên thăm quê hương của anh hùng, liệt sĩ Kim Đồng, tuy không đi được nhưng ông có viết thêm một bài hát về Kim Đồng như thêm một lần tưởng niệm về người anh hùng trẻ tuổi. Cho đến nay, cùng với bài hát "Diệt phát xít" của Nguyễn Đình Thi, bài hát "Kim Đồng" của nhạc sĩ Phong Nhã được coi là hai bài hát kêu gọi chống phát xít tiêu biểu nhất của nền âm nhạc Việt Nam. Đặc biệt hơn, trong cuộc đời sáng tác âm nhạc của mình, nhạc sĩ Phong Nhã rất ít viết ca khúc dành cho người lớn. Trong số các sáng tác "về người lớn" của ông được công bố, có bài "Tiếng hát trên sông Cửa Việt" và "Bài ca người phụ trách" là được phổ biến rộng rãi. Nhưng trong cả hai bài hát ấy đều có bóng dáng trẻ thơ, vẫn nhắc đến trẻ thơ. Vậy là từ thuở thanh niên cho đến những năm tháng xế bóng, ông vẫn dành trọn tâm huyết đời mình cho âm nhạc thiếu nhi… Cho đến nay, trên chương trình Thiếu nhi của một số Đài phát thanh, Truyền hình hay ở các sân khấu biểu diễn, các bài hát về thiếu nhi của nhạc sĩ Phong Nhã vẫn liên tục được vang lên với tần suất dày: Mỗi lần thanh toán tiền bản quyền thông qua Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, ông thường nhận được khoảng 7-8 triệu đồng. Số tiền ấy tuy không nhiều, song đó là niềm cổ vũ lớn lao trong cuộc đời, bởi ông biết rằng, một số ca khúc của ông vẫn đang tiếp tục đồng hành cùng  các em trong những năm tháng đầu đời. Chẳng thế mà, lúc sinh thời, khi nhắc tới Phong Nhã với âm nhạc thiếu nhi, nhạc sĩ Văn Chung đã gọi ông là "Ông tiên chỉ của làng ca khúc thiếu nhi", còn nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu - trong một lần gặp gỡ đã nói vui: "Cậu là vua âm nhạc thiếu nhi".

Nhạc sĩ Phong Nhã tên thật là Nguyễn Văn Tường. Ông lấy bút danh Phong Nhã để bày tỏ niềm tiếc nhớ đến một người anh em trong dòng tộc đã mất vì bị nhiễm bệnh trong quá trình cùng đi hoạt động cách mạng. Ông bảo: "Đến khi cái tên này nổi tiếng, được gọi phổ biến rồi thì cũng có cái phiền đấy! Vì nhiều người cứ thắc mắc rằng sao lại lấy tên anh/em của tôi ra làm bút danh? Nhưng may là trong tất cả các giấy tờ, bằng khen, giấy khen của tôi đều ghi là "Nguyễn Văn Tường - Phong Nhã", chứ không chỉ ghi mỗi "Phong Nhã". Nhưng về sau, vì yêu mến cái tên rất đẹp và nhiều kỷ niệm này nên nhạc sĩ đã đặt tên các con mình là Phong Vân, Phong Quang…

Nhạc sĩ Phong Nhã kể rằng, trong cuộc đời mình, ông chưa từng theo học một lớp đào tạo âm nhạc chính quy, bài bản nào mà chủ yếu là tự học. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình thị dân nghèo, có bố và bác ruột rất thích chơi đàn tranh. Vì vậy, ông sớm được làm quen với đàn tranh, cây sáo, cây nhị và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ này. Về sau, khi đã "thành danh" rồi, ông được những người bạn như nhạc sĩ Văn Ký, nhạc sĩ Vũ Tự Lân… truyền giảng cho những kiến thức họ được học ở trong nhà trường. Thuở thiếu thời, Phong Nhã rất thích đi xem "cải lương hí viện" của cụ Nguyễn Đình Nghị và tham gia rất tích cực trong phong trào "Hướng đạo sinh", được bầu làm quản ca trong đội nhạc của trường. Ông còn tự tay làm được nhiều cây sáo để dạy cho các em lớp dưới. Đến năm 1944, Phong Nhã đã về quê cha ở xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, Hà Nam tham gia xây dựng phong trào thiếu nhi và gia nhập Việt Minh ở đây. Bài hát đầu tay của ông "Nhanh bước nhanh nhi đồng" đã ra đời ở đây trong nỗi băn khoăn của "anh phụ trách" là làm sao phải có một bài hát với khí thế tươi vui, giục giã thế hệ măng non tiến bước: "Nhanh bước nhanh nhi đồng, theo cờ đỏ sao vàng/ Kìa lời gió ngàn, kìa lời sông núi".

Về sau này, bài hát được chọn làm nhạc hiệu cho chương trình thiếu nhi nên hầu như các em ở độ tuổi măng non đều biết đến bài hát này. Tiếp theo là "Kim Đồng" được sáng tác trong những ngày cùng nhạc sĩ Huy Du đi hoạt động hướng đạo sinh ở trường Mạc Đĩnh Chi trên Yên Phụ. Còn bài "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng" ra đời cuối năm 1945 trở thành bài hát dành cho thiếu nhi đầu tiên ngợi ca Hồ Chủ tịch và nó nổi tiếng đến mức, trong nhiều năm tháng qua hầu như chẳng có chương trình ca nhạc thiếu nhi nào các bé lại không ngân vang lên ca khúc này cùng với lòng kính yêu vô bờ bến đối với Bác Hồ.

Hơn nửa thế kỷ đã qua đi, nhưng nhạc sĩ Phong Nhã vẫn cảm thấy bồi hồi khi nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi với khát khao được cống hiến. Nhớ lại những năm tháng xưa cũ, nhạc sĩ Phong Nhã như trẻ lại. Đôi mắt ông ánh lên niềm vui, còn chòm râu bạc lơ thơ của ông cũng rung rinh theo những điệu nhạc ông đang hát lên khe khẽ. Ông bảo rằng: "Tôi là nhạc sĩ của… phong trào. Đầu tiên chỉ sáng tác một cách tự phát, tự nhiên để phục vụ cách mạng nhưng lại đáp ứng trúng nhu cầu của trẻ con, của thầy cô, phụ huynh cho nên khi bài hát ra đời, nó đã được lan tỏa nhanh đến lạ kỳ. Như bài hát về Nguyễn Văn Trỗi của tôi, chỉ sau một đêm, cả thành phố đã biết, đã hát bài hát này…".

Người ta nói rằng, "cây có dáng, văn có tạng", có lẽ cái "tạng" của Phong Nhã chỉ chuyên viết về thiếu nhi, gắn bó với thiếu nhi. Về sau này, khi làm Tổng biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong hơn hai mươi năm, rồi chuyển sang làm Ủy viên Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng và Hội đồng đội Trung ương, ông lại vẫn gắn bó và có cơ hội tiếp xúc với thiếu nhi. Nhạc sĩ Phong Nhã đã đi trọn cuộc đời mình cùng các ca khúc thiếu nhi và ông chắc hẳn chẳng bao giờ phải hối tiếc về điều này…

Hà Anh
.
.