Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Viết nhạc bằng mệnh lệnh của trái tim

Thứ Năm, 16/01/2020, 11:15
Một người làm ở lĩnh vực khoa học công nghệ hỏi, tại sao bút lực đang sáng tác dồi dào như thế ông lại rẽ ngoặt sang làm quản lý một đơn vị chuyên về lĩnh vực sở hữu trí tuệ  rất mới mẻ với nhiều khó khăn thách thức. Một công việc đòi hỏi tư duy lý tính, trái ngược hẳn với tính cách phóng túng đầy sáng tạo của nhạc sĩ...


Năm ngoái, dịp này tôi đang ở Mỹ trong tâm trạng nhớ nhà thì có mấy người bạn cả già lẫn trẻ hẹn đến chơi, nói chuyện quê hương, bàn nhau kế hoạch về Việt Nam ăn Tết. Ngồi với nhau bên ấm trà Thái Nguyên suốt buổi hôm đó, kể tên làng tên phố tên sông cho nỗi nhớ vơi đi, rồi bảo nhau, biến tiệc trà thành buổi ca nhạc, hát cho nhau nghe những bài hát có âm hưởng dân ca các vùng miền của Việt Nam.

Một bạn, người Cà Mau đã hát rất hay các bài vọng cổ, rất tiếc không có tiếng đàn kìm phụ họa. Một bạn khác hát mấy bài miền Trung, đặc biệt hay là bài "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh" với "… đi mô rồi cũng nhớ về...".  Đến lượt, dù giọng không được tốt nhưng tôi cũng góp vui bằng bài "Về quê" của nhạc sĩ Phó Đức Phương. "Yêu nhau ta thì về, thăm lại miền quê, nơi có một triền đê có dòng sông bên lở bên bồi…".

Nghe những bài hát này, mắt ai cũng đều ngân ngấn nước, nỗi nhớ nhà quá đỗi day dứt, mặc dù ở đây, người nào cũng có một đời sống tốt, người trẻ thì làm ở các hãng lớn có thu nhập cao, người già thì có suất hưởng an nhàn bên con cháu...

Hàn huyên một hồi về quê hương, đã từng đọc những bài viết của tôi về chân dung các nhạc sĩ Việt Nam, và lần này biết tôi từng là bạn thân có thời gian dài cùng làm việc với nhạc sĩ Phó Đức Phương, mọi người muốn được nghe tôi kể về cuộc đời ông, cuộc đời người nhạc sĩ đã có nhiều tác phẩm âm nhạc được yêu thích trong thời gian dài. Những tác phẩm chắt lọc được cái tinh túy của bản sắc âm nhạc Việt, những bài hát nói hộ lòng người, sống động và da diết, ca từ cũng như âm điệu chuyên chở những hình ảnh quê hương đất nước, khiến cho ai  đi xa cũng thấy nhớ về quê hương bản quán.

"Ôi quê ta dầu sương dãi nắng... Bao nhiêu năm theo dòng đời đua chen/ Phiêu bạt nơi phồn hoa cát bụi/ Đôi khi cánh cò xưa lạc vào giấc mơ tôi/ Nước qua cầu thời gian trôi mau/ Nơi bền lâu là nơi lắng sâu/ Thiếu quê hương ta về, ta về đâu?...".

Chuyện tôi kể về một người Việt tài giỏi cũng là góp vào cuộc vui để vợi nỗi nhớ nhà khi chúng tôi ở cách xa hàng vạn dặm:

Năm nay, Phó Đức Phương đã bước sang  tuổi 75, ông bắt đầu sự nghiệp âm nhạc từ bài: "Những cô gái quan họ", từ năm 1965 khi chưa học xong trường nhạc, một bài hát khiến cho công chúng và giới chuyên môn sửng  sốt, nể vì. Bài hát ấy đã đi cùng năm tháng, càng hát càng thấy yêu quê hương đất Việt, và  vẫn luôn chiếm "tóp" đầu của bảng xếp hạng âm nhạc.

Sinh ra ở Hà Nội, con nhà trí thức nghèo nhưng được học hành bài bản, Phó Đức Phương từng học khoa toán  trường Đại học Sư phạm (1962)  rồi theo chính sách hồi đó, ông đi làm chăn nuôi thuộc nông trường Cửu Long (Hòa Bình). Đến 1966, trở về ông thi vào trường Âm nhạc Việt Nam. Thời gian này ông sáng tác nhiều, liên tục các bài hát ra đời, bài nào cũng hay: "Hồ trên núi", "Huyền thoại hồ Núi Cốc", "Một thoáng Tây Hồ", "Mộng mị Sapa", "Nha Trang thu", "Nơi áo Chàm hồ xanh Ba Bể", "Thành phố biển xanh và cát trắng","Về quê", "Vũ khúc con cò", "Con sông tuổi thơ", "Dòng sông ký ức", "Chảy đi sông ơi", "Trên đỉnh Phù Vân", "Không thể và có thể", "Nao nao thác Bà"… Bài nào cũng chắt lọc và sử dụng nhuần nhuyễn âm hưởng dân ca của các vùng miền Việt Nam. 

Một người làm ở lĩnh vực khoa học công nghệ hỏi, tại sao bút lực đang sáng tác dồi dào như thế ông lại rẽ ngoặt sang làm quản lý một đơn vị chuyên về lĩnh vực sở hữu trí tuệ  rất mới mẻ với nhiều khó khăn thách thức. Một công việc đòi hỏi tư duy lý tính, trái ngược hẳn với tính cách phóng túng đầy sáng tạo của nhạc sĩ. Hơn nữa, lại trong giai đoạn xã hội Việt Nam chưa có người hiểu nhiều về Sở hữu trí tuệ? Tôi bảo:   Ở đời, có những con người không chọn cho mình sự thuận lợi, mà lại chỉ hành động theo sự thôi thúc của lương tri. 

Phó Đức Phương là người như thế, khi ông thấy việc nào mang lại điều tốt cho mọi người thì ông quyết làm bằng được, làm với tất cả khả năng của ông, cái khả năng có được tư duy sâu sắc, thấu đáo và kiên định. Thời gian đó, nếu không có ông thì chuyện bản quyền âm nhạc ở Việt Nam không thể đi vào nề nếp. Mà ai thì cũng biết, nếu bản quyền không được đảm bảo, tức là nghệ sĩ nói chung, và nhạc sĩ nói riêng sẽ ắt đói, và như vậy thì không khích lệ được sự sáng tạo. Khó nên không ai làm, và đã làm thì va chạm là điều dễ hiểu….

Tôi nói thêm, sau 18 năm gắn bó với bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, để lại nhiều dư âm tốt đẹp, cũng có cả những hình ảnh xấu xí vì tranh luận quyết liệt với những người khác, và khi đã có người đủ khả năng thay thế, thì nhạc sĩ Phó Đức Phương đã trở lại với sáng tác. Và ngay lập tức những bài hát thật hay lại tiếp tục ra đời như:  "Hoa Lư đại trận tập". Bài này đều do ca sĩ Tùng Dương thể hiện trên các sân khấu lớn và trong những dịp quan trọng của đất nước.

Một bạn trẻ hỏi: "Chúng cháu, những người nghe nhạc Việt hơn 20 năm trước, vẫn còn nhớ đến gai người khi nghe Trên đỉnh Phù Vân qua tiếng hát Mỹ Linh - bản thu đầu tiên, cho đến bây giờ ấn tượng vẫn còn mạnh và bài hát "Chảy đi sông ơi". Về bài hát này, tôi chia sẻ thêm nhạc sĩ Phó Đức Phương đã nhập thân vào một kẻ thất tình (hoặc chính là ông thất tình) khi viết nó, dù "Chảy đi sông ơi" là bài hát được viết cho một vở kịch.

Ông từng chia sẻ: "Thất tình đến độ, con người trong bài đó đang từ trên triền đê tức tưởi chạy xuống sông định tự tử nhưng càng bước đến gần sông thì nhận ra một con sông bao dung, hào phóng, vị tha, thanh thản, con người thấy bị thuyết phục. Ông bảo, cái câu mở đầu: "Ơi con sông hiền hòa/ Chở đầy nước ngọt phù sa..." thì phải hát trong tình trạng tức tưởi nén nước mắt.

Rồi, sau đó: "Sông mấy ngàn năm tuổi/ Miệt mài chảy mãi không nguôi/ Chuyện bao đời sông biết cả/ Mà sao vẫn trẻ mãi không già…" thì phải hát sao cho người nghe thấy nỗi đau đớn thất tình kia đã vợi đi, nguôi ngoai đi ra sao… tầng tầng lớp lớp cảm xúc được gửi gắm trong đó…".

Kể đến đây, các bạn trẻ đều nhắc đến những ca sĩ đã hát bài hát của ông mà các bạn ấy đều đã được nghe như: Ngọc Tân, Mỹ Linh, Minh Thu, Lâm Phương, Tấn Minh, Thu Phương… họ bảo rằng, các ca sĩ đó mỗi người một vẻ, mỗi người đều muốn thể hiện bài hát của ông hay nhất bằng cảm nhận và cá tính sáng tạo của riêng mỗi người.

Một bạn trẻ, là giáo viên trường tiểu học, người có giọng nhất trong cả nhóm,  xin được hát "Chảy đi sông ơi". Cô hát rất hay, theo kiểu riêng của cô ấy, không đưa ca trù vào như Mỹ Linh, mà lại bằng nỗi buồn của một người cũng từng có lần bị phụ tình, khiến cho buổi  tiệc trà hôm đó của chúng tôi trở nên vô cùng thi vị.

Tôi nói tiếp, khi họ hỏi thêm về ông và về âm nhạc: Học toán, nhưng giỏi văn, hàng trăm ca khúc ông đều tự viết lời, không giống một số nhạc sĩ thường phổ nhạc cho thơ, và hầu hết các ca khúc Phó Đức Phương viết đều bắt đầu từ sự đặt hàng, nhưng một người tài năng, đầy tự trọng và giàu tinh thần trách nhiệm như ông, nhận đặt hàng xong, ông trăn trở lắm. Bao nhiêu vốn liếng đời sống, vốn liếng văn hóa (ông đọc sách rất nhiều, thiên kim vạn cổ) đều được ông vận dụng, ông viết từ những tâm tư chân thành của chính mình, soi chiếu ra cuộc đời, viết như rút ruột ra.

Ngay cả bài "Về quê", cũng là đặt hàng, viết xong, hát lên chính ông cũng còn khóc. Tác giả xúc động thế nên người hát phải đầm đìa nước mắt mà khóc là điều dễ hiểu. Ông bảo khi nhận lời viết về nỗi lòng người xa quê, thì bản thân ông coi đó là mệnh lệnh của trái tim.

Thân thiết với ông đã lâu, tôi biết trong Phó Đức Phương có hai con người, một là rất quyết liệt, dữ dội, triệt để, một lại rất rụt rè, hiền lành, đôn hậu. Khi dữ dằn, quyết liệt là khi ông kiên định bảo vệ cái ông cho là đúng, không chỉ với những người chống lại cái việc ông đang làm mà cả với các ca sĩ, có khi ông cũng làm họ rơi nước mắt. Ngoài điều đó ra, thì ông rất dễ, hiền, phóng khoáng, thậm chí ngại ngần khi làm quen với ai đó có chức vị… Ông rất hiền hậu khi nói về, nhắc đến người mẹ, người chị, những hình ảnh non sông gấm vóc Việt Nam…  

Bài hát mới viết nhất của ông vào cuối năm nay có tựa đề: "Mênh mang một khúc sông Hồng", Tùng Dương hát, thật là tuyệt, có thể sẽ là bài hát mà các bạn tôi ở phương xa sẽ hát lên vào những ngày cuối năm khi Tết đến trong nỗi nhớ nhà của những người con xa xứ.
Trần Thị Trường
.
.