Nhà văn Nguyễn Khắc Phục và di sản văn chương để lại

Thứ Hai, 05/06/2017, 08:02
Đã một năm kể từ ngày nhà văn Nguyễn Khắc Phục trút hơi thở cuối cùng sớm 20/5/2016 tại Quân y viện 103, thọ 70 tuổi. Trong cuộc đời sáng tạo của mình, ngoài 12 cuốn tiểu thuyết là 12 kịch bản phim, 70 kịch bản sân khấu và tác phẩm cuối cùng đang viết dở "Những bài học giữ nước", có thể nói, trước khi ra đi, ông đã để lại một di sản văn chương - văn hóa khá đồ sộ.


Tôi còn nhớ cách đây hơn 7 năm, khi nhà văn Nguyễn Khắc Phục đến trụ sở UBND TP Hà Nội báo cáo với lãnh đạo Chính phủ và thành phố về kịch bản đêm hội văn hóa - nghệ thuật chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, lúc ra về ông có nói với tôi: "Chỉ cần 100 phút thôi, nếu diễn giỏi là sẽ để đời. Tôi muốn thông qua đêm diễn này để kể một câu chuyện về Thăng Long ngàn năm, và điều quan trọng nhất là truyền cảm hứng văn hóa, cảm hứng anh hùng của dân tộc Việt Nam cho thanh, thiếu niên hôm nay.

Điều thôi thúc lớn nhất đối với tôi là ý tưởng đề cao văn hóa Diên Hồng là văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam. Tinh thần Diên Hồng vừa là động lực văn hóa, vừa là vũ khí vĩ đại nhất của người Việt Nam để dựng nước và giữ nước. Hiện nay, chúng ta có thể dùng ngôn ngữ hiện đại để giải thích tinh thần Diên Hồng là Đại đoàn kết dân tộc. Hồng là hồng phúc, Diên là dài lâu, vậy Diên Hồng nghĩa là hồng phúc lâu dài của đất nước chính là sức mạnh Đại đoàn kết của dân tộc chúng ta".

Có thể nói, trong hơn bốn chục năm cầm bút, điều khẳng định trước tiên Nguyễn Khắc Phục là một nhà văn hết lòng với nghề, với cuộc sống và quê hương mình với những đóng góp ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Tuy "vang bóng" trên văn đàn như vậy, ông lại là một người có nếp sống rất giản dị, dân dã. Ông thường nói vui với bạn bè: "Cả ngày tớ chỉ cần hai cốc bia hơi và một bát bún bung dọc mùng là có thể viết kịch bản một mạch từ sáng đến tối".

Trong mấy thập niên qua, ông là một nhà văn có nội lực viết và sức làm việc vào loại "khủng". Có thời điểm trước đây, vào mùa hội diễn sân khấu hằng năm, nhiều đoàn kịch lớn đến chầu chực ở nhà ông để lấy kịch bản. Vậy mà ông vẫn thích rong chơi, đàn đúm với bạn bè và có cơ hội đi chơi xa là ông "tút" đi liền, không do dự gì cả. Đi là để tích lũy vốn đời, đi và viết và lang thang sống, ít khi người ta thấy Nguyễn Khắc Phục ở cố định một nơi nào đó dài lâu.

Khi tôi hỏi ông lấy sức đâu mà viết tới cả gần trăm kịch bản (cả kịch bản sân khấu và kịch bản phim, kịch bản lễ hội) và năm, sáu ngàn trang tiểu thuyết như vậy thì Nguyễn Khắc Phục nhìn tôi một cách rất hóm hỉnh và đầy ý nhị: "Mình chỉ là một kẻ ham chơi và ham sống, còn viết thì đã có một đấng nào đó trong con người mình viết ra đấy, mình có làm gì đâu!".

Vợ chồng nhà văn Nguyễn Khắc Phục - Trang Thanh lúc ông còn khỏe mạnh. 

Nguyễn Khắc Phục là như vậy, dù nho nhã, hiểu biết nhiều nhưng vẫn cứ rất mực khiêm tốn "Mình chả là cái quái gì trong cuộc đời này, cuộc đời này quan trọng, chứ còn các thứ khác cũng chả là đinh gỉ gì khiến mình phải quan tâm, cứ rong chơi vậy thôi…". Tuy hồn nhiên bộc bạch như thế nhưng tôi vẫn thấy sau ánh mắt đăm chiêu, u ẩn của ông, một nguồn mạch sục sôi của sự sáng tạo không bao giờ chịu lụi tắt.

Trong số 12 cuốn tiểu thuyết của mình, Nguyễn Khắc Phục tâm đắc nhất là 3 bộ tiểu thuyết: "Thăng Long ký", "Bay qua cõi chết" và "Hỗn độn". Ông nói với tôi: "Cậu có biết Thăng Long tồn tại và đứng vững qua ngàn năm bằng cái gì không? Chắc chắn không phải bằng vũ khí, không phải bằng lợi thế về người và đất đai.

Theo tôi, Thăng Long đứng vững được qua ngàn năm là do thái độ anh hùng và văn hóa. Thăng Long đứng vững được là còn do các triều đại biết tập hợp tinh thần yêu nước của trăm họ. Đây không phải là câu chuyện của ngày hôm qua và cũng không phải là câu chuyện của riêng ngày mai khi hùng khí Thăng Long vẫn là sức mạnh muôn thuở. Và mình chỉ tận dụng mọi cơ hội, tìm mọi cách để tham gia vào việc truyền cảm hứng anh hùng, cảm hứng yêu nước và cảm hứng văn hóa cho các bạn trẻ".

Nguyễn Khắc Phục quê gốc ở làng Cổ Lễ, Trực Ninh, Nam Định. Ông sinh năm 1947 ở Sài Gòn, năm 1952 theo gia đình trở về quê Bắc. Năm 20 tuổi, đang học Trường Trung cấp Hàng hải, Nguyễn Khắc Phục đã nổi danh là người viết truyện ngắn hay (như "Hoa cúc biển", "Ngã ba vô tình") và kịch bản sân khấu "Người từ giã cuối cùng" sau đó được đạo diễn Đặng Nhật Minh chuyển thể thành kịch bản phim đầu tay "Những ngôi sao biển". Ông được cử đi học lớp Bồi dưỡng Những nhà văn trẻ khóa IV của Hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Bá, Hà Nội rồi được cử vào chiến trường khu V làm công tác tuyên huấn và dân vận.

Năm 1976, ông chuyển về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam và nổi tiếng khắp nước với nhiều kịch bản phim nhựa như: "Chiến trường chia nửa vầng trăng", "Sơn ca trong thành phố", "Tự thú trước bình minh", "Nhiệm vụ hoa hồng", "Học trò thủy thần", "Lạc cầm thứ mười ba" và đặc biệt là phim "Bọn trẻ" đã được trao Huy chương Vàng cho kịch bản văn học tại Liên hoan phim quốc tế Á - Phi năm 1994.

Khi còn sống, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết về người bạn thân Nguyễn Khắc Phục như thế này: "Dù tê giác là loài thú quý hiếm, hiện còn tồn tại mấy con ở rừng già Việt Nam thì cũng như con rồng, ít ai biết tới. Thế nhưng tê giác là linh vật được Kinh Phật nhắc tới. Ý niệm về sự khỏe mạnh và trường tồn, đã ám ảnh một thằng người có tên là Nguyễn Khắc Phục, sinh vào hào lục, quẻ càn của tử vi; cất tiếng gọi mẹ đầu tiên vào giờ liên không; bởi thế, có tài mà đa đoan; cả đời đi tìm tri âm tri kỷ mà số đông chẳng mấy ai hiểu.

Gã như một kẻ tội đồ, tự sám hối bằng cách đi tu không cần cắt tóc, không cần nâu sồng, gã đi tu không ở chùa mà ở giữa cái đám gọi là chợ người. Gã chính là con tê giác không sừng, lầm lũi đi từ suốt những năm 50 của thế kỷ trước xuyên qua thế kỷ này, ném vào mặt thiên hạ hàng vạn trang sách đủ mọi thể loại. Nào phim, nào kịch, nào thơ, nào lý sự đông tây, nào báo chí, nào tiểu thuyết. Rút cục thì một câu hỏi lớn, lúc tóc đã bạc phơ, chân đi chếnh choáng, tim đập thất thường, gã vẫn không trả lời nổi: Liệu có đến được không, ngôi đền của cái Đẹp đang lộng lẫy tồn tại ở đường chân trời?".

Tôi lại nhớ, tại lễ khai mạc "Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam" tại Đồng Mô, Sơn Tây khi nhà văn Nguyễn Khắc Phục tuyên bố dành toàn bộ nhuận bút kịch bản của ngày lễ này là 39 triệu đồng để tặng các cháu dân tộc ít người Rơmăm ở làng Le, tỉnh Kon Tum, mọi người đã lặng đi vì xúc động.

Ông dặn bạn bè ở Hội Văn nghệ Kon Tum khi mang giúp ông quà tặng tới các cháu: "Với tôi, 39 triệu đồng là cả một gia tài, nhưng các vị không được nói là tôi giúp các em mà phải nói thế này: Có một ông già ở vùng xuôi, bây giờ con cái lớn rồi, ông sống bằng lương hưu đủ rồi, và lần này ông làm thêm được một ít tiền, ông gửi biếu các cháu bé ở làng Le, Kom Tum là nơi chiến trường trước đây ông từng công tác".

Nguyễn Khắc Phục là thế, tạm ngừng viết tiểu thuyết thì chuyển sang viết kịch bản, hết làm từ thiện lại đi vẽ tranh, viết và sống và rong chơi trong cuộc đời này, ông như một người hiền còn sót lại của chốn phù du trong những năm tháng qua.

Trước khi qua đời, trong hơn một năm vật lộn với căn bệnh ung thư quái ác, trừ những lúc phải nằm viện để truyền thuốc và tiếp máu, hễ cứ được về nhà là Nguyễn Khắc Phục lại lao vào hoàn thành một cuốn sách bút ký lịch sử. Thậm chí, ban ngày ông tới Bệnh viện 103 xạ trị, tối về chơi với con trai ba tuổi, lúc nó ngủ là ông ngồi vào bàn viết. Ông bảo tôi, những tháng năm còn lại, ông tạm dừng viết kịch bản sân khấu, lễ hội để dồn sức viết cho xong cuốn sách "Những bài học giữ nước". Cuốn này đã viết được 300 trang, còn 200 trang ông đang cố gắng viết nốt.

Nguyễn Khắc Phục trầm ngâm: "Đây là công trình lớn, trình bày những kinh nghiệm chống ngoại xâm của dân tộc ta qua các triều đại trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước cho đến hôm nay. Cuốn sách này viết dưới dạng bút ký lịch sử nhưng tập hợp đầy đủ các tài liệu của mỗi giai đoạn lịch sử với cách diễn đạt mềm mại. Thực ra có thể gọi đây là công trình khảo cứu lịch sử nhưng không viết theo kiểu hàn lâm để cho các độc giả trẻ tuổi có thể cảm nhận được".

Có một điều bạn bè không sao lý giải được, bài thơ cuối cùng của nhà thơ Phạm Tiến Duật viết tặng bạn thân là nhà văn Nguyễn Khắc Phục, có cái tựa đề nghe khá chấn động "Hỏa thiêu cho một người đang sống" với những câu thơ: "Trong bóng tối bùa mê, anh ấy tự làm ma/ Tự thiêu cái bóng mình giữa thanh thiên bạch nhật/ Thân xác ngỡ còn mà biến mất/ Đã cháy rồi những ngày tháng bơ vơ/ Chàng thủy thủ không tàu, không biển/ Túi không tiền, đầu không ý nghĩ/ Ngủ lang với một sợi tóc rụng của đàn bà/ Anh tự thiêu cái bóng và gia tài của mình/ Tất cả đều cháy tàn cháy rụi/ Từ đám tang trở về, tôi quay trở lại/ Thấy một trái tim không cháy/ Những trang giấy không cháy/ Và những giọt nước mắt đàn bà hóa ngọc giữa tàn tro".

Nói với tôi về bài thơ trên, Nguyễn Khắc Phục trong những ngày cuối đời phải vật lộn với căn bệnh ung thư cho biết: "Hỏa thiêu cho một người đang sống" là những câu thơ tiên tri đầy ám ảnh mà chỉ có người bạn thân chí cốt như Phạm Tiến Duật mới viết được về mình như thế! Cậu biết không, một nhân vật chính trong tiểu thuyết “Hỗn độn” của mình chính là Phạm Tiến Duật đấy!".

Nguyễn Việt Chiến
.
.