Nhà văn Nguyên Hùng: Ý thức lưu giữ “bụi vàng” lịch sử Nam Bộ

Chủ Nhật, 12/04/2020, 15:37
Nhà văn Nguyên Hùng là hậu duệ dòng họ Mạc lừng danh xứ Hà Tiên, nhưng sinh ra ở Côn Đảo. Tuổi thơ lưu lạc khắp Nam Kỳ lục tỉnh, ông trở thành một gương mặt độc đáo của làng báo làng văn Sài Gòn và Nam Bộ...


Dù ít được giới truyền thông chú ý, nhưng sự nghiệp cầm bút của ông với những trang viết về một thời bi tráng, hào hùng của đất phương Nam không thể phai mờ. Ý thức lưu giữ bụi vàng lịch sử của ông rất đáng ghi nhận và tiếp nối...

Tuổi trẻ ngang dọc bưng biền Đồng Tháp Mười và Chiến khu Đ Nhà văn Nguyên Hùng tên thật Mạc Đăng Thân, còn có bút danh Thùy Lê Anh, sinh năm 1927. Mang dòng máu văn chương họ Mạc, nên nhà báo nhà văn tương lai rất say mê đọc sách báo và bắt đầu tập viết lách từ thời còn học ở Trường Trung học Petrus Ký nổi tiếng Sài Gòn. Như bao thanh niên học sinh yêu nước lúc ấy, ông đã xuống đường tham gia Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Pháp tái xâm lược, đánh chiếm Sài Gòn và Nam Bộ, ông trở về thăm gia đình một thời gian rồi vào bưng biền tham gia kháng chiến. Cũng từ đây ông bước vào con đường cầm bút, làm báo “Chống Xâm Lăng”, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Đầu năm 1948, ông được điều chuyển về làm việc tại Sở Thông tin Nam Bộ đóng ở chiến khu Đồng Tháp Mười. Ông là học viên khoá báo chí đầu tiên được đào tạo trong căn cứ kháng chiến Nam Bộ, do nhà yêu nước Nguyễn Văn Thu từ Pháp về phụ trách giảng dạy.

Đến tháng tháng 7 năm 1948, sau Đại hội Thông tin Phân ban A Sở Thông tin, gồm các tỉnh miền Đông Nam Bộ, chàng phóng viên trẻ họ Mạc được cử về Biên Hòa theo đề nghị của Trưởng ty Thông tin Hoàng Tam Kỳ và Trưởng Phân ban A Trịnh Đình Trọng. Ông tự bạch vốn bị quyến rũ bởi Chiến khu Đ và uy danh thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, nhất là sau khi đọc bài bút ký “Khách đô thành viếng Chiến khu Xanh” của Bùi Thanh Khiết viết về chiến thắng La Ngà oai hùng trên tờ báo “Tiền Đạo” số đặc biệt ra ngày 1-3-1948 của Khu 7.

Trong trận giao thông chiến lừng lẫy ấy có mấy nữ sinh Trường Couvent des Oiseaux của Đà Lạt đã bị kẹt lại một đêm trong chiến khu rừng xanh. Nhờ đó họ hiểu hơn cuộc sống kháng chiến lãng mạn và hào hùng khác xa với những đô thành do Pháp tạm chiếm.

Nhà văn Nguyên Hùng gắn bó với Chiến khu Đ gần tròn 5 năm, đã giúp ông nhanh chóng trưởng thành. Ông đã được gặp gỡ Khu trưởng Huỳnh Văn Nghệ và nhiều yếu nhân khác như Nguyễn Văn Lung, Bùi Cát Vũ,… viết nhiều ký sự nóng hổi mùi chiến trận. Dấu ấn đầu tiên là loạt bài “Hào khí Đồng Nai” vào mùa thu 1948 sau chiến thắng đồn Thới Hòa ở quận Bến Cát.

Nhà văn Nguyên Hùng (ngoài cùng bên phải) trong một chuyến đi thực tế ở An Giang cùng đoàn nhà văn TP Hồ Chí Minh năm 2000.

Vào tháng 6 năm 1953, Nguyên Hùng là thành viên trong đoàn về bưng biền Đồng Tháp Mười an dưỡng. Cũng từ đó ông xa hẳn Chiến khu Đ cho tới khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc. Trong hồi ký, nhà văn Nguyên Hùng nhớ lại: “Tính sổ, tôi lên Biên Hòa ngày 14-7-1948 tới tháng 6-1953 là tròm trèm 5 năm. Năm năm trong chín năm kháng Pháp là hơn một nửa cái gọi là “thời chín năm”. Tôi tới bờ sông Đồng Nai với lứa tuổi hăm mốt và chia tay Hào khí Đồng Nai ở lứa tuổi hăm sáu. Tạm biệt tất cả đất nước và con người Chiến khu Đ, quê hương sáng tác của tôi sau này. Tóm lại, cái được lớn lắm, không ước lượng được trở thành nhà văn phải nhờ nhiều yếu tố, mà năm năm sống ở Chiến khu Đ là yếu tố hàng đầu”.

Hoạt động báo chí yêu nước; cuộc đấu lý công khai với Tỉnh trưởng Định Tường Hiệp định đình chiến 1954 được ký kết. Quân Pháp thua trận rút về nước. Cùng một số nhà văn như Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Thẩm Thệ Hà, Lê Vĩnh Hòa, Viễn Phương, Trang Thế Hy, Lưu Nghi, Thiếu Sơn, Lý Văn Sâm, Dương Tử Giang, Bằng Giang, Kiên Giang, Kiêm Minh,…

Nguyên Hùng đã từ bưng biền kháng chiến về Sài Gòn tiếp tục hoạt động báo chí công khai, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà. Ông viết bài cho nhiều tờ báo như “Lẽ Sống”, “Nhân Loại”, “Duy Tân”, “Dân Ta”, “Dân Tiến”, “Thời sự miền Nam”,… Vừa làm báo vừa viết văn Nguyên Hùng cũng không ngừng tự học, thông thạo các ngoại ngữ Pháp, Anh, Đức.

Vào thời điểm căng thẳng này, tờ tuần báo “Duy Tân” có xu hướng tiến bộ đã bị chính quyền Sài Gòn đóng cửa. Hai cây bút chủ trương tờ báo là Lý Văn Sâm và Dương Tử Giang bị bắt. Nhận sự chỉ đạo của Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu, tức Khải Minh, Bí thư Ban trí vận Thành ủy Sài Gòn- Gia Định, hai nhà báo Trường Xuân Trúc và Nguyễn Bảo Hóa (Tô Nguyệt Đình) đã đứng ra tổ chức một tuần báo văn nghệ mang tính thời sự, xã hội làm diễn đàn cho cuộc đấu tranh hiệp thương thống nhất đất nước. Kinh phí tự vận động đóng góp. Để hoạt động công khai chính thức, họ thuê manchette tờ “Nhân Loại” vốn ra đời từ năm 1953 do Trần Đức Ước sáng lập, Anh Đào làm chủ nhiệm kiêm chủ bút.

Vào thời điểm tờ “Nhân Loại” chuyển sang cho các nhà văn, nhà báo yêu nước xuất thân kháng chiến, Nguyên Hùng - Thùy Lê Anh nhờ sớm có giấy tờ cá nhân hợp pháp nên được mời đứng tên thư ký tòa soạn, một chức danh quan trọng của tờ báo.

Nguyên Hùng và Trường Xuân Trúc mỗi người tiên phong đóng góp 500 đồng cho quỹ làm báo. Tòa soạn đặt tại Nhà in Hồ Văn Lợi, 316 Bến Chương Dương, quận 1. Từ số đầu tiên tờ “Nhân Loại” đã có bài viết của các tên tuổi như Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Tô Nguyệt Đình, Trường Xuân Trúc, Tiêu Kim Thủy, Lê Dân tiếp đến là Lê Vĩnh Hòa, Thẩm Thệ Hà, Trang Thế Hy, Viễn Phương, Vũ Hạnh, Kiên Giang, Ngọc Linh,…

Dù chỉ làm thư ký tòa soạn một thời gian ngắn rồi bàn giao, nhưng nhà văn Nguyên Hùng vẫn gắn bó chặt chẽ với tờ báo “Nhân Loại” từ kinh tài tới nội dung. Từ diễn đàn này nhiều cây bút tài năng đã có cơ hội thể hiện, nhiều tác phẩm có giá trị đã trình làng tạo nên diện mạo riêng cho dòng văn học yêu nước ở miền Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh vì sự nghiệp thống nhất đất nước.

Chính quyền Ngô Đình Diệm của Việt Nam Cộng hoà tiến hành chính sách “tố cộng, diệt cộng” đã bắt giam 11 nhà báo và 3 trí thức ở Sài Gòn từng tham gia kháng chiến chống Pháp, trong đó có Nguyên Hùng. Họ bị đưa về biệt giam ở Mỹ Tho, tỉnh Định Tường. Biến cố này đã gây căm phẫn đối với những người yêu nước, được dư luận báo chí và nhân dân miền Nam rất quan tâm.

Tỉnh trưởng Định Tường là ông Nguyễn Trân nhận lệnh của cấp trên từ đô thành Sài Gòn, đã buộc phải tổ chức một cuộc đấu lý công khai với 14 trí thức và nhà báo về độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Ông ta mạnh miệng tuyên bố: “Nếu các ông làm tôi đuối lý thì tôi sẽ từ chức tỉnh trưởng”. Cuộc tranh luận nảy lửa đã diễn ra trước sự chứng kiến của đông đảo trí thức, nhà văn, nhà báo từ Sài Gòn kéo xuống Mỹ Tho tham dự.

Trước những phản biện sắc bén của 14 tù nhân yêu nước, viên tỉnh trưởng bị đuối lý, buộc phải trả tự do cho các nhà báo và trí thức sau 8 tháng giam giữ. Tuy nhiên, có điều ông Nguyễn Trân không giữ đúng lời hứa tự giác rời ghế quan đầu tỉnh Định Tường, mà một thời gian ngắn sau đó bị Tổng thống Ngô Đình Diệm cách chức…

Cách đây 15 năm, vào ngày 28-3-2005, nhà văn Nguyên Hùng đã đột ngột qua đời ở tuổi 78 sau một tai nạn giao thông trong nỗi tiếc thương của người thân, đồng nghiệp. Ông ra đi giữa bao dự định văn chương còn dang dở. Thương ông, tiếc cho văn học Nam Bộ mất đi một cây bút nhiệt thành còn có thể lưu giữ những trang ký ức quý báu về lịch sử vùng đất mới phương Nam. Tinh thần yêu nước, ý thức lưu giữ mỏ vàng lịch sử, niềm đam mê lao động sáng tạo văn học của nhà văn Nguyên Hùng rất đáng thế hệ sau ghi nhận và tiếp nối.

Tiểu thuyết “Người Bình Xuyên” viết về kháng chiến chống Pháp của Nam Bộ là tác phẩm thành công nhất của nhà văn Nguyên Hùng, được chuyển thể sang dàn dựng trên sân khấu, phim ảnh mà tiêu biểu nhất là bộ phim nhiều tập “Dưới cờ đại nghĩa” của hai đạo diễn Nguyễn Tường Phương và Phương Nam. Cảm hứng từ tiểu thuyết “Người Bình Xuyên” cũng mở đầu cho hàng loạt tiểu thuyết tư liệu lịch sử khác của Nguyên Hùng về thời kỳ chín năm chống Pháp ở Nam Bộ: “Sư thúc Hòa Hảo”, “Đường xuyên Tây”, “Nữ kiệt miền Tây”, “Qua bến”, “Nguyễn Bình huyền thoại và sự thật”, “Bảy Viễn - thủ lĩnh Bình Xuyên”, “Dương Quang Đông  xuyên Tây”, “Ung Văn Khiêm - Anh Ba nội vụ”, “Chém vè giữa làng báo Sài Gòn”, “Chiến khu Đ của tôi”…
Phan Hoàng
.
.