Xem “Dưới cờ đại nghĩa” nhớ nhà văn Nguyên Hùng

Thứ Năm, 15/06/2006, 10:00

Dựa theo tác phẩm văn học “Người Bình Xuyên” của cố nhà văn Nguyên Hùng, bộ phim “Dưới cờ đại nghĩa” tái hiện một giai đoạn lịch sử của miền đất Nam Bộ từ khi nghĩa quân Trương Định bắt đầu tan rã (năm 1863) cho đến thập niên 1940.

“Dưới cờ đại nghĩa” với cái tên ban đầu “Người Bình Xuyên” là bộ phim truyền hình dài tập nhất (78 tập) của Hãng phim TFS (Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh) do hai đạo diễn Tường Phương - Phương Nam thực hiện. Dài tập nhất, được đầu tư qui mô nhất, thực hiện với thời gian lâu nhất và cũng được xem là bộ phim gặp nhiều “lao đao” nhất. Nhưng, bù lại “Dưới cờ đại nghĩa” là bộ phim truyền hình lịch sử hiếm hoi của Việt Nam được khán giả đón nhận một cách nồng nhiệt nhất trong thời gian qua. Đối với những người làm phim thì tình cảm của khán giả là phần thưởng lớn, ý nghĩa hơn cả giải thưởng Cánh diều vàng 2005 mà họ đã nhận trước đó.

Đối với những ai từng yêu thích tác phẩm “Người Bình Xuyên” (tái bản 5 lần) hẳn vô cùng ấn tượng và thích thú với các nhân vật: Mười Trí, Bảy Viễn, Bảy Chơn, Tám Mạnh, Ba Dương, Hai Ngạn, v.v… Những nhân vật này vừa rặt tính cách hào sảng của con người miền sông nước Nam Bộ vừa phảng phất chất kiêu bạc, lãng tử như các anh hùng Lương Sơn Bạc trong “Thủy Hử”.

Một cảnh trong phim "Dưới cờ đại nghĩa"

Xem “Dưới cờ đại nghĩa”, có lẽ không ít khán giả thầm “so” nó với “Người Bình Xuyên”. Đành rằng giữa tác phẩm văn học và điện ảnh bao giờ cũng có một khoảng cách, có đặc trưng ngôn ngữ thể hiện riêng. Tuy nhiên, trong trường hợp “Dưới cờ đại nghĩa” thì hầu hết khán giả đều có lời khen và những người yêu văn của Nguyên Hùng không cảm thấy “xót xa” khi tác phẩm văn học được chuyển thể. Chính chị Mạc Thanh Thúy - con gái của nhà văn Nguyên Hùng cũng thừa nhận: “Nếu ba tôi còn sống, ắt hẳn ông rất hài lòng!”.

Vâng, nhà văn Nguyên Hùng đã ra đi sau một thời gian bị tai nạn giao thông và ông không kịp xem bộ phim mà ông từng tâm đắc, từng giữ vai trò “cố vấn từ xa” cho hai đạo diễn Tường Phương - Phương Nam trong thời gian họ làm phim. Chính tôi từng chứng kiến nhà văn Nguyên Hùng “hầu chuyện điện thoại” hai đạo diễn gần cả giờ đồng hồ để phân tích về các chi tiết tình huống và bối cảnh phim. Có lẽ hơn ai hết, Nguyên Hùng là người mong được xem bộ phim “Dưới cờ đại nghĩa” nhiều nhất. Nhưng, ông đã không có đủ thời gian. Bây giờ, khi xem bộ phim này, tôi lại chợt nhớ đến ông - một nhà văn, một “ông già Nam Bộ” vóc người nhỏ bé, nhưng có giọng cười hào sảng và phong cách khoáng đạt đậm chất Nam Bộ.

 

Nhà văn Nguyên Hùng tên thật là Mạc Đăng Thân, sinh năm 1927 tại Côn Đảo. Theo nhà văn cho biết thì ông là hậu duệ của dòng họ Mạc Cửu ở Hà Tiên. Bởi cha làm công chức cho người Pháp, quản lý các trạm xăng của Công ty Shell nên cuộc sống của cậu bé Thân cũng lưu chuyển khắp nơi, từ Côn Đảo đi Cà Mau, Bạc Liêu, Châu Đốc, v.v… Nhà nghèo, lại đông anh em, nên sau đó gia đình phải gửi cậu bé Thân cho người chị hai trên Sài Gòn nuôi. Nhà văn Nguyên Hùng nhớ lại: “Lên Sài Gòn tôi học Trường Pétrus Ký từ năm 1941 đến 1945. Khi kháng chiến bùng nổ, tôi đi theo cách mạng cho đến ngày nước nhà hoàn toàn độc lập…”.

Trong kháng chiến chống Pháp, nhà văn Nguyên Hùng tham gia làm báo Chống xâm lăng, cơ quan ngôn luận của Thành bộ Sài Gòn - Chợ Lớn. Đến năm 1948, Nguyên Hùng về Đồng Tháp Mười công tác tại Sở Thông tin Nam Bộ, rồi được cử đi học khóa báo chí đầu tiên của Nam Bộ. Sau năm 1954, Nguyên Hùng làm phóng viên cho các tờ báo công khai của Sài Gòn thời ấy như: Lẽ Sống, Dân Ta, Dân Tiến, Thời sự miền Nam, Tuần báo Nhân loại v.v…

Có thể nói cuộc đời hoạt động báo chí của Nguyên Hùng hết sức sôi nổi và phong phú. Nhà văn Nguyên Hùng từng tâm sự: “Cuộc đời làm báo của tôi có rất nhiều kỷ niệm. Nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất có thể nói đó là biến cố 1958, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt 11 nhà báo và 3 trí thức thân Cộng ở Sài Gòn, trong đó có tôi đem về giam tại Định Tường (Mỹ Tho). Vụ bắt bớ này là một sự kiện gây căm phẫn trong quần chúng, được công luận đặc biệt quan tâm, đến nỗi tỉnh trưởng Định Tường là Nguyễn Trân tổ chức đấu lý công khai với chúng tôi, với tuyên bố hùng hồn: “Nếu ai làm tôi đuối lý thì tôi xin từ chức”. Đây là cuộc đấu lý xoay quanh vấn đề độc lập - tự do - thống nhất Việt Nam. Đuối lý và bị dư luận lên án dữ dội. Cuối cùng sau 8 tháng giam giữ, các nhà báo, trí thức được thả tự do. Nhưng vị tỉnh trưởng Nguyễn Trân lại… quên mất lời tuyên bố từ chức”…

Nói về sự ra đời của các tác phẩm nổi tiếng như: “Người Bình Xuyên”, “Bảy Viễn - Thủ lĩnh Bình Xuyên”, “Nguyễn Bình - Huyền thoại và sự thật”… nhà văn Nguyên Hùng chỉ khiêm tốn cho rằng ông được “tổ đãi” cho gặp các nhân vật “khét tiếng” như: Nguyễn Bình, Bảy Viễn. Chính những cuộc gặp gỡ đó đã làm nên chất liệu và cũng là “duyên cớ” để sau này ông viết nên những tác phẩm độc đáo, thú vị, có thể gọi là món “đặc sản văn chương” rất riêng của Nguyên Hùng.

Xin được trở lại một chút với bộ phim “Dưới cờ đại nghĩa” của hai đạo diễn Tường Phương - Phương Nam. Điều gì đã khiến họ dựng một bộ phim với đề tài “hóc búa” như thế? Trước hết, có thể nói, họ bị mê hoặc bởi không khí đậm chất Nam Bộ trong văn chương của Nguyên Hùng. Thêm vào đó, vì Nguyên Hùng rất ưa hành văn theo lối tiểu thuyết chương hồi nên đường dây cốt chuyện khá chặt chẽ, uyển chuyển, đặc biệt hấp dẫn ở chỗ: “Đợi đến hồi sau sẽ rõ”.

Nhưng, trên hết có thể nói Nguyên Hùng đã tạo dựng nên những nhân vật quá độc đáo như Bảy Viễn, Mười Trí… Bởi có các nhân vật quá độc đáo thì các diễn viên mới có đất diễn, phát huy khả năng sáng tạo. Diễn viên Trung Dũng – người từng đóng hàng chục vai phim truyền hình, nhưng phải đợi đến vai Mười Trí thì khán giả mới “chấm điểm” cho anh. Còn diễn viên Quốc Thái thì thừa nhận, qua vai Bảy Viễn anh cảm thấy mình “lớn” hơn, vững vàng hơn trong nghề diễn, v.v… Những tâm sự “ngoài lề” của các diễn viên ấy, nếu còn sống, nghe được ắt hẳn nhà văn Nguyên Hùng sẽ rất vui. Tiếc là nhà văn đã ra đi khi bộ phim đang trong giai đoạn “nước rút” để hoàn thành.

Giờ đây, khi ngồi xem “Dưới cờ đại nghĩa”, đôi khi tôi chợt nhớ nhà văn Nguyên Hùng. Nhớ ông già Nam Bộ vóc người nhỏ bé nhưng giọng cười hào sảng lạ lùng. Nhớ một nhà văn “tiền bối” nhưng luôn giản dị, khiêm tốn. Lại thầm tiếc cho bao dự định của ông, như việc hoàn tất bộ sách “Nam Bộ kháng chiến chí” viết theo kiểu “Tam Quốc chí” mà Nhà xuất bản Công an nhân dân “đặt hàng”, nhưng cuối cùng đành dở dang không có người kế thừa. Lo lắng là thế, nhưng cuối cùng có nhà văn trẻ nào tiếp bước lớp nhà văn lão thành viết tiếp dòng văn học lịch sử, tư liệu? Chúng ta thích thú với một bộ phim đậm chất huyền thoại và tư liệu lịch sử là thế, nhưng liệu không có người “chép sử” bằng văn học tài hoa như Nguyên Hùng thì chúng ta có được những bộ phim hay? Và, như thế là, nhớ ông, tôi còn nhớ cả những hoài mong…

Trần Nhã Thụy
.
.