Nhà văn Bùi Thị Như Lan với sứ mệnh: Nhà văn người dân tộc

Thứ Năm, 18/03/2021, 15:12
Bùi Thị Như Lan là một trong những cây bút hiếm hoi và độc đáo của người dân tộc thiểu số ở Việt Bắc. Giữa tuổi ngũ tuần, chị đã xuất bản 15 đầu sách gồm các tập truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký và nhận nhiều giải thưởng văn học.


Những tác phẩm in gần đây nhất của chị là tiểu thuyết "Chuyện tình Phia Bjooc" (năm 2018), tập truyện ngắn "Vòng vía" (2020) và chuẩn bị ấn hành tập "Hoa sưa đỏ" trong năm 2021.

Thiên nhiên quyến rũ của một vùng văn hóa linh thiêng

Núi rừng Việt Bắc luôn quyến rũ bởi vẻ đẹp thơ mộng và linh thiêng. Chẳng những là không gian văn hóa ẩn chứa cả kho tàng lịch sử dân tộc mà Việt Bắc còn là di sản thiên nhiên kỳ vĩ giàu tiềm năng. Điều đó cũng thể hiện trong trang viết của các nhà văn gắn bó với vùng đất đặc biệt này, nhất là những cây bút người đồng bào dân tộc thiểu số như Vi Hồng, Hoàng Quảng Uyên, Hữu Tiến, Đoàn Ngọc Minh, Bùi Thị Như Lan, Vi Thị Kim Bình…

"Lời yêu thương nồng cháy anh dành cho em ở nơi rừng già hoang dã, trong tiếng suối reo, chim hót rộn rã. Giữa ngàn vạn tiếng lao xao của lá, trùm ngợp hương thơm dịu ngọt của hoa sưa đỏ, anh nhẹ nhàng ôm em, khẽ mơn man, ướt át đặt nụ hôn lên đôi môi trinh trắng của em hổn hển. Gấp gáp. Vòng tay siết chặt vòng tay, trong bụi phấn hoa sưa đỏ bay bay cùng trăm ngàn tiếng chim rừng tấu ca, giữa ngàn trùng cánh chim chao liệng". Đó là một đoạn văn ấn tượng trong truyện ngắn "Hoa sưa đỏ" của nhà văn Bùi Thị Như Lan.

Nhà văn Bùi Thị Như Lan.

Ở một tác phẩm khác của Bùi Thị Như Lan là truyện ngắn "Tiếng kèn lá nối dài mùa trăng", thiên nhiên Việt Bắc hiện lên vẻ đẹp diệu vợi lạ lẫm hơn: "Tôi chặt xong vạt lanh tốt bời ven suối Nặm Khao thì ngọn núi Phja Ruốn đã nuốt nửa mặt trời. Gió từ lũng núi ào ra mang theo hơi sương lành lạnh. Thời tiết ở đây là thế. Trời vừa nóng đấy đã lạnh ngay. Trên sườn núi nắng chùng chình, vương vấn mà dưới thung đã nhuốm màu tím sẫm. Bóng tối đến nhanh như người ta chớp mắt, mở mắt. Phải nhanh tay bó lanh lại rồi gùi về thôi, từ đây đến nhà còn phải đi qua khu rừng dẻ, lội qua khúc quanh của suối Nặm Khao. Giờ này bếp nhà ai lửa đỏ cũng liếm chân kiềng rồi". 

Cái vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng càng lãng mạn, quyến rũ hơn khi hòa quyện với vẻ đẹp của con người: "Khúc quanh của con suối Nặm Khao này là bến tắm của tụi con gái bản. Nước suối ở đây như có phép lạ, mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm, chả thế con gái ở bản Nà Mạy nổi tiếng trắng nõn nà như lõi cây chuối rừng. Thấp thoáng dưới ánh trăng ngời ngợi là những cái cổ và khuôn ngực màu đá vỡ, dập dờn chuyển động trên sóng nước dập dềnh. Sao mà lũ con gái vô tư thế? Nhỡ có tụi trai ngoài bản lạc bước lỡ nhìn thì sao?".

Những trích dẫn như trên xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm của nhà văn Bùi Thị Như Lan. Nếu như không sinh ra từ núi rừng Việt Bắc, sống và gắn bó từng hơi thở thiên nhiên thì khó mà tái hiện được những trang viết sinh động, thần thái như vậy. 

Đó cũng là sự khác biệt của những nhà văn người dân tộc thiểu số như Bùi Thị Như Lan so với các cây bút viết về vùng cao chỉ mang tính quan sát, thực tế bề ngoài. 

Cùng với thiên nhiên núi rừng thì lịch sử, văn hóa, đời sống, phong tục, tập quán… từ bao đời nay đã ăn sâu vào máu thịt của con người sống chết đất này, trở thành nguồn năng lượng tự nhiên phong phú, dồi dào để khi cần thì họ thắp sáng trang văn. Một nguồn năng lượng phát ra từ bên trong của con người lẫn truyền thống văn hóa.

Ý thức "sứ mệnh" nhà văn người dân tộc thiểu số

Tôi đọc truyện của nhà văn Bùi Thị Như Lan trước khi được gặp chị lần đầu tại trại sáng tác văn học Vũng Tàu rồi gần đây ở Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X tại Hà Nội tháng 11-2020. Quê quán ở Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn nhưng Bùi Thị Như Lan sinh ở Thái Nguyên trong một gia đình người dân tộc Tày. Khi mẹ mang bầu chị được bốn tháng thì bố đi bộ đội hy sinh ở mặt trận Quảng Trị năm 1972. Người mẹ mới 26 tuổi ở vậy suốt đời vì con.

Nhà văn Bùi Thị Như Lan cho biết: "Tiếng Tày gọi mẹ là mé. Mé của tôi là dược sĩ. Thời kỳ chiến tranh rồi bao cấp khó khăn, ngày mé đi làm trong xí nghiệp, tối về làm thêm hộp đựng thuốc gia công để nuôi con ăn học. Bữa ăn thi thoảng có hai bát canh, mé chỉ cho mì chính vào bát của con, còn lại thì mé ăn không. Có lần mưa to tốc mái nhà, vì không có đàn ông nên mé phải leo lên giữa mưa gió để chằng buộc, sau đó bị ốm tưởng không dậy nổi. Mé sợ tôi hư nên dạy tôi khuôn phép đến cực đoan. Mới 5 tuổi tôi phải nấu cơm. Năm 7 tuổi vẫn còn rất bé tôi nấu cơm chút nữa làm cháy nhà vì mê đọc truyện "Ruồi trâu", bị mé đánh 3 roi và bắt chỉ được đọc báo Thiếu Niên Tiền Phong. Hồi đó báo chí hiếm không có để đọc, vào cơ quan mẹ thấy cuốn sách nào cũng muốn đọc nhưng mẹ cấm. Tình yêu văn chương đã sớm nảy nở trong tôi".

Các tác phẩm của nhà văn Bùi Thị Như Lan.

Đến năm Bùi Thị Như Lan được 10 tuổi có tản văn "Mùa na chín" được đăng trên Thiếu Niên Tiền Phong. Hớn hở mang tờ báo khoe với mẹ thì bà chẳng những không vui mà còn dí tay vào trán con gái lớn tiếng mắng: "Tao cấm, tao cấm mày viết những thứ nhăng nhít. Tập trung vào học toán. Một lần nữa tao mà nhìn thấy mày viết vớ vẩn thì nhừ đòn! Nghe chưa!". 

Bởi theo quan niệm của người mẹ thì đàn bà, con gái đam mê văn chương, chữ nghĩa là đa đoan, dâu bể, đời sống khó vẹn toàn. Vì vậy, khi Bùi Thị Như Lan học đại học, bà vẫn đe: "Mày đừng có tơ tưởng văn chương nghe chưa. Mé mà biết mày viết một dòng là tao từ! Nhất là không có con!". 

Nhà văn Bùi Thị Như Lan thổ lộ: "Phải nói rằng, tôi sợ mé đến "mất mật", không nghĩ đến sáng tác văn chương cho đến khi học xong đại học, đi làm, lấy chồng, sinh con… Nói về vấn đề mé tôi cấm đoán sáng tác văn chương của tôi, nhà văn Ma Trường Nguyên - nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên lắc đầu: “Quả là một người đàn bà sắt đá và ghét con sáng tác văn chương đến cực đoan"!

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Bùi Thị Như Lan về dạy học ở Trường Thiếu sinh quân Quân khu 1. Lấy chồng sinh con, cuộc sống của một gia đình trẻ với bao lo toan cứ cuốn đi, nhưng từ sâu trong tâm hồn chị vẫn khát khao cháy bỏng tình yêu sáng tạo văn chương. 

Nhờ sự đồng cảm hậu thuẫn của chồng, đến năm 1997 khi tròn 30 tuổi Bùi Thị Như Lan mới thỏa được ước mơ. Chị cũng chuyển sang làm phóng viên, biên tập viên Báo Quân khu 1 phù hợp với môi trường chữ nghĩa. Dù vậy, sự khó khăn trắc trở vẫn chưa buông tha nhà văn tương lai của Việt Bắc.

Khởi đầu Bùi Thị Như Lan viết truyện ngắn rồi dần chuyển sang thử sức tiểu thuyết. "Đã đam mê rồi thì khó dứt ra. Tôi sáng tác mọi lúc, mọi nơi. Khi thì tranh thủ trên đường đi công tác, lúc viết vào nửa đêm hoặc buổi trưa. Tuy nhiên, tôi vấp khó khăn từ sự quan niệm kỳ thị của người đời xung quanh trong cơ quan, bạn bè, hàng xóm… Họ gán cho những người phụ nữ mê văn chương như tôi là: Tư cách không đứng đắn, dễ dãi, yêu bồng bột, xốc nổi, mơ mộng, không thực tế. Phải nói rằng, những ngày tháng đó tôi gặp áp lực từ những lời nói bâng quơ" - nhà văn Bùi Thị Như Lan tâm sự.

Vậy bằng cách nào người phụ nữ trẻ vượt qua mọi trở lực để tiếp tục niềm đam mê cháy bỏng của mình? Nhà văn cho hay: "Có lúc, tôi định buông bỏ con đường sáng tác đầy nước mắt, thế nhưng được sự thấu hiểu, cảm thông từ chồng con tôi, như là định mệnh với văn chương, tôi đã vượt qua. Tôi tự nhủ mình phải cầm bút sáng tác, phải viết. Bởi, nếu không sáng tác văn chương thì ai nói hộ đồng bào dân tộc tôi? Càng khó khăn thì tôi càng muốn dấn thân vượt khó. Tôi chấp nhận một cuộc sống trĩu nặng tư tưởng vì bị xoi mói. Tôi viết bằng bản năng, bằng tình yêu, sự nhiệt huyết với quê hương vùng cao. Tôi sắp xếp khoa học giữa việc cơ quan với việc gia đình và dành thời gian để viết. Dường như "văn chương là trời cho" thế nên khó khăn, thách thức rồi cũng qua. Với "sứ mệnh" Nhà văn người dân tộc, tôi phải tiếp tục sáng tác, góp tiếng nói dân tộc Tày vào dòng chảy văn chương của nước nhà".

Tập "Hoa sưa đỏ" sắp xuất bản của Bùi Thị Như Lan gồm 13 truyện ngắn, mà theo chị là phản ánh cuộc sống đổi mới với những phận người gắn bó, sinh tồn trên rẻo cao. Trong đó những người dân tiếp cận với nền kinh tế thị trường nhiều thách thức có bi và hài, có thành công nhưng cũng có sự trả giá... và đặc biệt nổi bật sự hy sinh mất mát cũng như kiên quyết của lực lượng công an, bộ đội, biên phòng, kiểm lâm… đấu tranh với cái ác, ma túy, buôn lậu, sự trì trệ lạc hậu. Hy vọng tập truyện góp thêm tiếng nói giá trị về vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Bắc hôm nay! 

Nhà văn Bùi Thị Như Lan trải lòng: "Văn chương khơi dậy niềm đam mê, sự khát khao từ sâu thẳm trong tâm hồn, là động lực để tôi mạnh dạn trải lòng, nói tiếng nói của đồng bào dân tộc tôi - những người dân hiền lành, thật thà, chất phác, nhất là thân phận của những người mẹ, người vợ trong gia đình. Đồng thời, phản ánh những nét đẹp tinh tế, bản sắc văn hóa vùng miền, sự đổi mới trong cuộc sống từng ngày, từng giờ đang "thay da, đổi thịt" trên rẻo cao quê hương tôi. Tuy nhiên, nơi ấy nhiều hủ tục lạc hậu tồn tại trên các bản làng cần phải xóa bỏ. Ngày nay, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động không nhỏ đến cuộc sống thanh bình của đồng bào dân tộc… Và đó chính là điều tôi trăn trở để chắp bút, đưa "muôn mặt" cuộc sống vùng cao vào tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết… trên cơ sở đó hướng thiện cho người dân quê tôi phấn đấu sống nhân văn, sống đẹp" .

Phan Hoàng
.
.