Nhà văn Niê Thanh Mai - Ngày mai sáng rỡ

Thứ Năm, 04/03/2021, 15:29
Ốm (gầy) đi một chút, không chịu già, đằm hơn và thần thái đầy... quyền lực! Đấy là cảm nhận đầu tiên của tôi khi gặp lại Niê Thanh Mai, sau đúng một thập niên.


Còn nhớ, tôi và nhà văn Nguyễn Đình Tú từng bảo Mai có số làm... quan! Có lẽ nữ văn sĩ này sinh vào cung quan tước nên chạy đâu chị cũng không thoát khỏi vị trí lãnh đạo! Hai - mươi - bảy - tuổi hơ hớ xuân xanh, chị trúng cử Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, là ủy viên trẻ nhất. 

Tiếp đó, năm 32 tuổi chị vào vị trí Phó Chánh văn phòng Sở Giáo dục đào tạo, kiêm Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk. Cuối tháng 11/2019, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Niê Thanh Mai được bầu làm Phó Chủ tịch. 

Mới đây, cuối tháng 12/2020, Mai đắc cử Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk. Chị trở thành một trong vài văn sĩ trẻ nhất cả nước giữ vai trò thuyền trưởng của hội văn học nghệ thuật địa phương.

Nhà văn Niê Thanh Mai.

Những năm 2000, văn đàn Việt chứng kiến một cuộc vượt thoát ngoạn mục khỏi ranh giới vùng miền của các cây bút trẻ Tây Nguyên. Họ liên tiếp giành được các giải thưởng văn học uy tín. 

Ở lĩnh vực văn xuôi, có thể kể đến Đỗ Tiến Thụy giải Nhì bút kí Văn nghệ quân đội (2003), giải Tư truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội (2002), Đặng Minh Sáng giải Tư truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội (2006), Nguyễn Toàn giải Tư truyện ngắn Báo Văn nghệ (2007)... 

Với Niê Thanh Mai là giải tác giả trẻ của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2005 (tập truyện "Suối của rừng"), giải Nhì của Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2006 (truyện ngắn "Giữa cơn mưa trắng xoá" và "Cửa sổ không có chắn song").

Truyện ngắn của Niê Thanh Mai dẫn người đọc về với đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, để được hòa mình vào vùng văn hóa giàu trầm tích với những tập tục đậm dấu vân hoa tộc người. Đấy là một cao nguyên đẹp và tình, dạt dào, phóng khoáng từ thiên nhiên đến con người. Nhưng ám ảnh, dư ba - trong lòng người đọc là những câu chuyện buồn, thật buồn về những kiếp phận rời rừng xuống phố, là cái chênh chao biến đổi của văn hóa tộc người trong thời kì mọi xóm bản, buôn làng đều mở toang cánh cửa để bước ra với thế giới bên ngoài. Tưởng chừng chỉ lớp trẻ bồng bột, háo hức cái mới chịu ảnh hưởng của những cơn gió đắng thổi tới, mà lớp người già cũng không tránh khỏi khô rỗng, đơn độc, thất vọng bởi những đứt gãy ngay trước mắt, ngày càng dữ dội. 

"H'Linh nhìn thấy hình người bay ngang trời, lơ lửng giữa cơn mưa trắng xoá. Hoá ra là anh rể, anh nhổ bức tượng khỉ mặt nhàu, sầu thảm ở vườn nhà ông chủ vác lên vai. H'Linh chạy ra giằng giữ lại, ôm lấy tượng. Nước mắt mặt khỉ sầu não lẫn nước mưa chảy xuống mặt tái xanh lạnh ngắt của H'Linh. Nước mắt tượng khỉ, nước mắt H'Linh nhiều như mưa giữa trời đêm. Trắng xóa và tê buốt. Rồi ánh chớp! Và tiếng sét xé toạc không gian. Xồng xộc mùi phân bò hòa lẫn nước mưa. Anh rể đang vác tượng gỗ mặt khỉ mặt sầu đau đi giữa cơn mưa trắng xoá". Cái kết này trong truyện ngắn "Giữa cơn mưa trắng xóa" như một đoạn phim câm, tôi tin rằng giống như tôi, nhiều bạn đọc còn mãi bị ám ảnh. 

Và hàng loạt các truyện khác nữa của Niê Thanh Mai: "Xó rừng", "Vị  mật", "Gió lạnh thì buốt sống lưng", "Về bên kia núi", "Làng của cha tôi"... (trong các tập "Suối của rừng" (2005), "Về bên kia núi" (2007), "Sớm mai rực rỡ" (2010) là hồi chuông róng riết về sự đổ gãy tình người, vong bản chính mình, lạc trôi văn hóa... 

Dường như với chị viết là hơi thở, là máu thịt, là trả nợ với nơi chốn sinh thành nên nó sống động, chân thực, không hề có dấu vết của sự làm màu, lên gân. Văn chương cất lên khúc bi ca của thân phận nhưng và phải nối được những mạch đập yêu thương từ trái tim người đến trái tim người, dẫn người ta từ vùng tăm tối, mê lầm, khổ đau đến với ánh sáng tươi mới của ngày mai.

Đấy là những gì mà người đọc giải mã được từ tín hiệu mĩ cảm mà truyện ngắn Niê Thanh Mai truyền đi qua con chữ, qua từng câu chuyện, còn tác giả thì lại cho rằng mình chẳng suy nghĩ nhiều về cái gọi là "quan niệm văn chương". 

Mai bộc bạch: "Tôi viết cũng giống như cách những người con gái Ê đê yêu và sống, rất bản năng. Nhưng cái tôi khao khát là làm thế nào để mọi người thấy được, Tây Nguyên và con người Tây Nguyên vận động không ngừng, họ có chiều sâu trong suy nghĩ, trong cuộc sống. Cho dù thời đại và cuộc sống có thay đổi thế nào đi nữa, họ cũng luôn mong muốn buôn mình, làng mình và cuộc đời mình những điều đẹp nhất".

Bìa tập truyện ngắn “Phía nào sương thôi rơi” của nhà văn Niê Thanh Mai.

Một lần lang thang trên mạng, quả tim của tôi bỗng thình thịch đập những nhịp khác lạ khi gặp một chùm thơ của Niê Thanh Mai với những câu thơ hồn nhiên, trong trẻo như gái núi: "Gấu váy em dính đầy cỏ may/ Quì gối xuống/ Anh nhặt cho/ Kẻo đâm vào bắp chân ngăm ngăm màu đất/ Cổ tay em/ Dính nhựa cây rừng/ Lại đây anh kéo vạt áo đỏ chói trước ngực/ Lau cho/ khỏi đen/ khỏi ám/ Vồng ngực em/ Nhô căng sau thổ cẩm dầy như tấm chăn em đắp/ Ướt đầm/ Mồ hôi ngọt mặn của bước chân lội suối trèo đồi". 

Vậy là một nữ văn sĩ nữa vướng phải lưới tình của "chàng thơ"! Vậy là một tài năng thi ca nữa ở khu vực Tây Nguyên đang nhú mầm?! Tò mò, thi thoảng tôi lại search Google, sục vào các diễn đàn văn nghệ  - nhưng đỏ mắt mà tuyệt không thấy một thi phẩm nào của Mai nữa. 

Gặp lại chị, tôi hỏi về những bài thơ tôi từng đọc, Mai cười hơ hơ như giọt rượu nồng đượm rơi vỡ trong chiếc sừng mun. Mai bảo ngày mới bén duyên văn chương, như bao cô bé tuổi ô mai khác, Mai say đắm "chàng thơ" và quyết chinh phục. Nhưng rồi Mai biết mình không thuộc về "chàng" nên chút tình chỉ có bấy nhiêu thôi. Mai đến với truyện ngắn để được đan dệt những giấc mơ thanh nữ, để được kể những câu chuyện xung quanh mình, ở buôn làng mình...

Tôi thấy một cô bé mảnh khảnh, nước da nồng nàn, đôi mắt to lấp láy hằng đêm, sau giờ học, hý hoáy viết viết xóa xóa trên những trang giấy trắng trong căn phòng nhỏ. Một ngày kia, cô bé rón rén cầm chồng bản thảo đưa đến cho người ta đọc. Mồ hôi, nước mắt và cả những giấc mơ đổ bóng trên những trang bản thảo. 

Run rẩy. Hồi hộp. Mong lắm một lời động viên, khích lệ. Nhưng Yàng ơi, người ta bảo: "Cháu viết gì thế này? Văn chương khó lắm. Mày đừng cố làm gì, không được đâu cháu ạ!". Cô bé kìm cơn òa vỡ, rồi lao nhanh về nhà, trốn vào cõi cô đơn, trống rỗng, rấm rứt suốt mấy ngày trời.

Nhưng rồi cô bé "ương ngạnh" chống lại những phút yếu đuối, hoang mang trong mình. Tiếp tục viết... và viết... Đấy là câu chuyện về những truyện ngắn đầu tiên của cô bé Mai mà Niê Thanh Mai kể cho tôi nghe. Tôi cho rằng, chính "vết xước" đầu đời với văn chương ấy đã góp phần làm nên một Niê Thanh Mai, cây bút văn xuôi nữ chững chạc ở khu vực Tây Nguyên hiện nay.

Mang trong mình hai dòng máu Kinh và Ê đê, sinh ra, lớn lên ở Đắk Lắk nên Niê Thanh Mai có cái thanh lịch, khéo léo lại mang chất phóng khoáng, cởi mở, chân thành. 

Mười năm gắn bó với bục giảng, hay cả lúc đã rời xa mái trường Trung học Dân tộc Nội trú Nơ Trang Lơng (Đắk Lắk), Mai luôn dành thật nhiều mến thương, nỗi nhớ cho đồng nghiệp, các thế hệ học trò, cả những tàng cây xanh mướt trong khoảng sân, con suối nhỏ chảy êm đềm trước cổng trường. 

Chị bảo nơi ấy cho chị nhiều thứ, đấy là những tấm lòng, đấy là người bạn đời luôn thấu hiểu, chiều chuộng những cơn "nắng mưa" thất thường của cô vợ văn sĩ, đấy là những câu chuyện buôn làng, gia đình từ học trò - mỏ quặng quý cho công việc sáng tạo của chị. 

Niê Thanh Mai luôn muốn nối dài tình yêu thương, nối dài mạch văn chương ở miền đất của mình. Nhiều năm qua, từ ngày còn là cô giáo cho đến khi làm lãnh đạo ở hội văn nghệ, mọi người đều thấy Mai hừng hực, sục sôi với việc kiếm tìm, vun trồng các tài năng văn chương của tỉnh nhà.

Tôi nói Mai tham gia công tác lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật cả ở hội địa phương và hội Trung ương khi còn khá trẻ là Mai đã ngồi vào "ghế nóng" rồi. Là đùa Mai vậy thôi, chứ tôi luôn tin dù ở chức phận, cương vị nào chị cũng sẽ vững vàng, có dấu ấn riêng với ước mơ, kiến tạo, hành động và trái ngọt. 

Nở nụ cười ấm nồng như rượu cần, Mai bảo: "Mai đã 40 tuổi, chẳng còn trẻ đâu. Nhưng có người vẫn bảo Mai còn xanh và non đấy!". Rồi Mai chia sẻ thời gian qua, bận rộn với công việc chuyên môn, gánh nhiều "vai" cùng lúc nên chị không còn nhiều thời gian cho sáng tác, có lúc cảm thấy mình rão chùng với việc viết mất rồi. Sắp tới, Mai ra mắt tập truyện thứ tư có cái tựa khá gợi: "Phía nào sương thôi rơi". Từ mùa xuân này, chị sẽ lại bắt đầu một chặng mới với cái hăm hở, khát khao của cô bé sau cơn rấm rứt năm nào.

Và tôi sẽ chờ một ngày mai sáng rỡ khác, ở Mai.

Nguyễn Phú
.
.