Nhà thơ và Bí thư Tỉnh ủy

Thứ Năm, 09/07/2020, 10:03
Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi (1933-2008) sinh ở xã Thanh Cát, huyện Thanh Chương (Nghệ An) nhưng lại trở thành giáo viên dạy văn nổi tiếng ở tỉnh Vĩnh Phú (trước đây gồm 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) khi mới ngoài 20 tuổi. Ông là tác giả của 3 tập văn xuôi, 9 tập thơ và đã viết hàng trăm bài phê bình.


Thơ ông thường trực một nỗi nhớ thương vùng quê nắng lắm, bão nhiều. Chính cái tâm, cái tình da diết với miền quê xứ Nghệ lam lũ, nghèo khó đã giúp ông có những tác phẩm thành công về quê hương. Ông cũng là một trong những tác giả có nhiều bài thơ được đưa vào chương trình sách giáo khoa để giảng dạy cho học sinh.

Hồi nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi còn dạy học ở Vĩnh Phú, trong số học sinh có một em là con gái của Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc. Một hôm, cuối buổi học, anh Bình là thư ký riêng của Bí thư tới trường tìm gặp thầy Vợi, gọi thầy tới nhà riêng gặp Bí thư để báo cáo việc học tập của cô con gái. Nghe vậy, thầy Vợi buồn và giận lắm. Thầy nói với thầy hiệu trưởng cùng ngồi đó: "Anh làm chứng cho tôi về lời anh Bình nói hôm nay nhé".

Buổi học hôm sau, thầy Vợi cho cô học trò nghỉ sớm để mang về lá thư gửi cho bố cô. Trong thư ông nói đại ý xưa nay đạo học ở Việt Nam chưa từng có thầy giáo nào phải tới nhà riêng để báo cáo với phụ huynh về việc học tập của con cái họ. Ngay cả với bậc vua chúa cũng chưa từng có ai dám đòi hỏi điều đó với người thầy.

Thế mới biết Nguyễn Bùi Vợi người xứ Nghệ có bản lĩnh cứng rắn, thẳng thắn biết nhường nào. Và ông mời Bí thư Tỉnh uỷ muốn biết về tình hình học tập của cô con gái thì đến gặp ông ở trường hoặc ở nhà riêng của ông.

Thư chuyển đi được vài chục phút thì xe con của Bí thư Tỉnh uỷ đến trường. Gặp thầy Vợi, Bí thư Kim Ngọc chân thành xin lỗi về sự thất lễ của người thư ký. Hoá ra người thư ký thoạt nghe Bí thư Kim Ngọc hỏi vợ xem gần đây có gặp các thầy cô để hỏi về tình hình học tập của con không, thì thư ký của Bí thư Kim Ngọc đã nhanh nhảu vội đi thu xếp "gọi thầy giáo Vợi tới nhà Bí thư".

Thầy Vợi càng quý ông Kim Ngọc hơn khi biết thêm một điều: cô con gái đưa thư tới giữa lúc Bí thư đang chủ trì họp Thường vụ Tỉnh uỷ, ông phải nhờ Phó Bí thư chủ trì cuộc họp để đến gặp thầy Vợi. Ba năm sau cuộc gặp thầy giáo - phụ huynh đó, thầy Vợi được điều sang công tác ở Ty Văn hoá, làm biên tập thơ. Ông là một trong những người sáng lập Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phú (cũ).

Năm 2000, Bí thư Kim Ngọc - người tiên phong đề xướng chủ trương "khoán hộ" trong nông nghiệp được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đã làm thơ "Nhớ ông Kim Ngọc" viết về vị Bí thư nổi tiếng này với những xúc cảm trân trọng: "Sách không làm ra đời mà đời làm nên sách/ Tay cầm lõm sẹo cày nên ông thấu lòng dân/ Giọt mồ hôi mặn đồng những năm khoán hộ/ Ấm bao gia đình chỉ cay đắng một mình ông/ Nằm dưới đất ngực còn thơm Huân chương Độc lập/ Khoai lúa nôn nao nghe đất mở những mùa vàng/ Cánh đồng nào giờ đây cũng mang hồn Kim Ngọc/ Người lặng lẽ đi về trong chuyện kể dân gian...".
Lê Hồng Bảo Uyên
.
.