Nhà thơ của “Mùi quê”
- Nhà thơ Duy Thảo: Dành cho mẹ, dành cho em
- Nhà thơ Hoàng Trung Thông: Anh sống như anh viết
- Nhà thơ Trần Gia Thái: Biển giờ không còn mặn
Chả biết cơn cớ gì, Nguyễn Việt Bắc lại nôn nao nhớ con đường làng đất lầy lội thuở nào. Nơi ấy, cỏ gấu cỏ gà mọc rờn bốn mùa. Những hàng rào, bờ dậu có leo mồng tơi. Những mái nhà ngói thâm rêu, những mái tranh, mái rạ tùm hum đang ngậm khói chiều.
Cái vị kho cá cùng trám bùi, mùi canh dưa quyện cùng mùi bếp nhà ai đang quấy cám nồng nồng. Tiếng lợn eng éc đòi ăn. Tiếng gà cục ta cục tác về ổ. Tiếng móng chân trâu trầy thụt ngõ nhỏ. Tiếng ho thũng thẵng của cụ già. Tiếng trẻ ê a học bài cùng tiếng trẻ nhỏ cười đùa khanh khách. Một hợp âm thân thuộc, chỉ những ai từng gắn bó với làng quê, nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ mới thấm, mới nhớ. Người ta gọi là hồn quê. Sau này, trong thơ của mình, Nguyễn Việt Bắc thốt lên, ấy là mùi quê.
Nguyệt Đức quê anh, đầu làng có cây trôi sừng sững tự bao đời. Mái trường tuổi thơ anh từng học nép bên tán cây. Cây trôi có tuổi quá cao, nhiều người không dám gọi là cây, mà quen gọi "cụ cây". Cụ cây trôi xòe tán bốn mùa xanh tốt. Những cành cây lực lưỡng như những xà đình xòe ngang, bứng lên trời những chồi, những búp, xanh bừng kiêu hãnh sức sống xóm làng.
Những năm học cấp một, cấp hai, tiếng trống trường làng từng quyện cùng tiếng rì rào của tán lá cụ cây. Bao cậu học trò tinh nghịch, giờ giải lao, thường leo trèo cành la cành bổng. Có cu cậu nào táo tợn hơn, leo tót lên ngọn cây để nhìn toàn cảnh làng xóm, nhìn con đường mờ xa dẫn ra phố thị. Thân cây rỗng, trời mưa cả nhóm học chui vào trú còn rộng rênh.
Nhà thơ Nguyễn Việt Bắc. |
Khi lên cấp ba, Nguyễn Việt Bắc cùng bao đứa trẻ làng cuốc bộ lên học trường huyện. Hễ từ làng lên trường huyện, qua cụ cây cổ thụ, lứa học trò lại như được nghe tiếng hát rì rào của cụ cây động viên con cháu cố gắng học giỏi. Đấy là thời tuổi thơ khốn khó. Nhà nghèo, không có xe đạp, cứ cuốc bộ non chục cây số lên trường huyện.
Có hôm đi sớm, cây trôi còn ngủ yên, chỉ có vài giọt sương đọng trên tán lá rơi xuống vai áo ướt lạnh. Tan học, cuốc bộ từ trường huyện về, bụng đói, hễ từ xa, nhìn thấy tán cây cụ trôi lừng lững góc trời, lại thấy khỏe chân, thấy làng quê như gần gũi rồi.
Nguyễn Việt Bắc là một trong số không nhiều trai làng may mắn sớm bước vào cửa trường đại học. Những năm ấy, chiến tranh phá hoại còn căng thẳng. Học trường Kiến trúc, anh ôm ấp hoài bão sẽ vẽ nhiều kiểu nhà mới để xây dựng quê hương, đất nước khi chiến tranh kết thúc. Mỗi bận về quê, cái mùi quê lại thấm đẫm, quyến rũ.
Có phải tâm hồn kiến trúc sư, cũng lãng mạn và mở ra tâm hồn thi sĩ cho anh? Những tứ thơ vụt hiện trong con người anh khi nào không hay. Những câu thơ da diết, lại là những câu thơ Nguyễn Việt Bắc viết về quê nhà.
Mùi quê
Kéo tôi trở lại làng
Mùi nhựa sung
Phết lên diều chiều gió
Mùi con ốc nhồi bén lửa
...Mùi rạ ẩm nấu cơm buổi trưa
(Mùi quê)
Cái đời sống thơ thới của vùng quê Kinh Bắc tràn vào thơ anh rất rõ. Ấy là một sớm thu về thăm làng: "Mặt trời còn chưa dậy/ Ngủ vùi trong lớp sương mù/ Đi trong mộng du/ Phả phía lưng nồng nàn hơi ấm/ Tiếng chim thả xuống/ Sương dần dần bay lên/ Ngắt một bông hoa không tên/ Gặp người đi trên đường không vội..." (Mùa thu về Kinh Bắc).
Có phải quá yêu, quá thuộc cái làng quê của mình nên Nguyễn Việt Bắc đã có những câu thơ vẽ nên bức tranh làng quê ngày mùa: "Đang giữa mùa gặt/ Nhà nhà vắng như chùa Bà Đanh/ Vấp ánh mắt/ Vấp bàn chân/ Thóc vàng đầy sân...". Quê hương ngày mùa ríu rít sự no đủ. Nhưng anh lại nhìn ra cái giá người nông dân phải trả, để có hạt thóc. Ấy là dòng sông mồ hôi nông dân (Mùa gặt). Ca dao cổ "mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày".
Nay thơ Nguyễn Việt Bắc, mồ hôi chảy thành dòng sông. Đây là bức tranh làng quê ngày mưa, Nguyễn Việt Bắc khéo khắc họa: "Người đàn ông ngồi ở hiên/ Thả khói thuốc/ Người đàn bà/ Đuổi lũ gà cục tác/ Lũ trẻ khép nép trên giường". Xem ra, còn bao nỗi lo toan thường trực.
Chỉ có con mắt nhà thơ biết nhìn ra cái đẹp tự nhiên "Cây trong vườn/ Như từ buồng hóa trang/ Bước ra/ Tươi tắn/ Múa trên sân gạch" (Mưa ở quê). Rõ là đời sống làng quê còn nhiều thấp thỏm lo âu. Được mùa này, mùa sau có thể lại thất bát. Sự bất trắc luôn thường trực. Nhưng con người ở đây, lại được an ủi, bởi thiên nhiên tốt tươi, xoa dịu sự nhọc nhằn của họ.
Cái chợ làng, một góc hồn làng, cũng đi vào thơ Nguyễn Việt Bắc một cách tự nhiên: "Chợ làng họp ở đầu làng/ Mớ rau/ Con cá/ Rơm vàng buộc xâu/ Có bà quần vá áo nâu/ Bàn chân cấu nắng/ Trên đầu nón mê...". Bức tranh tả thực "Bà ngồi bán quả vườn quê", nhà thơ đắng đót nhìn: "Dăm ba quả ớt tái tê cả chiều".
Câu thơ chứa chất sự cảm thông. Phẩm chất nhà thơ hé lộ ở đây. Vì yêu cái làng quê của mình, anh luôn bị bất ngờ với sự đổi thay của nó. Cô gái làng nay thành cô công nhân khu công nghiệp. Gái làng lam làm chân lấm tay bùn thuở nào, nay "Em đi ủng xuống đồng cấy lúa". Nếu cô thôn nữ trong thơ Nguyễn Bính đổi thay sau mỗi lần ra phố thị, để thi sĩ từng phải kêu lên "Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi". Thì nay, ở quê, sự biến đổi "Gặt xong/ Em theo ra phố/ Khi về có máy (điện thoại) cầm tay".
Để rồi, nay trên đường làng "Có thanh niên đầu trọc/ Và lũ gái quần đùi lông nhông" (Mảnh vỡ). Và đẩy tâm thế nhà thơ vào nỗi bối rối "Làng vẫn làng mà như đi lạc/ Tre không còn để mà kẽo kẹt/ Nhà ống liền kề...". Vẻ đẹp thôn xóm yên bình xưa biến mất. Làng của hôm nay "Cái gỉ cái gi cái gì cũng có". Câu thơ như dự báo sự bất an rình rập.
Thuở mới ra trường, có phải vì túng thiếu, hay vì muốn thoát ly cái quê hương khốn khó của mình, Nguyễn Việt Bắc đùng đùng về quê bán mảnh vườn và nếp nhà tranh bao đời của ông cha để lại. Anh đón người mẹ già ra thành phố. Buộc theo con trai ra phố ở, bà mẹ anh như con cá rô mắc kẹt trong cái giỏ, cái nơm.
Chiều chiều, đi làm về, Nguyễn Việt Bắc lại thấy mẹ mình đăm đăm ngồi chân cầu thang ngóng đợi anh. Anh biết mình có lỗi, rồi vội thu xếp tiền về quê chuộc lại mảnh vườn và nếp nhà cha ông mà anh trót bán đi. Anh thấm thía, con người không thể ruồng bỏ, trốn chạy quê hương, cho dù là quê hương còn lầm lũi, nhọc nhằn.
May mắn cho Nguyễn Việt Bắc, thời gian sau đó anh có đủ tiền dỡ căn nhà cũ, xây cất lên ngôi nhà mới ba tầng khang trang trên mảnh đất của ông cha mình. Mẹ anh lại có mái hiên rộng ngồi đón gió, tay run run nghiền cối trầu vỏ, cặp mắt già ngấn lệ ngắm nhìn cây mít, cây bưởi, cây na góc vườn vào mùa bói quả. Quê hương chuyển hóa. Bao lớp trẻ lại bỏ làng ra thành phố lập nghiệp. Làng xóm chỉ còn lại những người già và trẻ nhỏ.
Như có gì hối thúc, cứ ngày nghỉ cuối tuần, Nguyễn Việt Bắc lại vội phóng xe máy về với người mẹ, về cởi trần cuốc xới mảnh vườn quê bé nhỏ. Bao nỗi niềm vui buồn thấm vào khi nào không hay. Những câu thơ của anh thêm thấm đẫm hồn cốt xóm làng. Sự chuyển hóa của xóm làng làm câu thơ anh không còn yên ả. Đấy là tâm trạng rối bời trước thực tế "Làng vẫn làng mà như đi lạc".
Rồi những lũy tre quanh làng cũng bị đốn hạ. Cụ cây trôi sừng sững đầu làng cũng tới độ cỗi và đổ gục. Cụ cây cổ thụ, niềm tự hào về sự sống của làng, cái mốc từ xa cho anh nhận ra làng mình, nay chấp nhận sự biến hóa sinh diệt. Tâm hồn mang mùi quê của anh bỗng hoang mang. "Bây giờ lắm thứ hoang mang/ Bàn chân sấp ngửa sang ngang con đường".
Để rồi anh tự thấy "Mà chẳng mấy chốc/ mình thành/ đám mây" (Bây giờ). Việc tổ mộ, họ mạc bỗng thành hoang hoải "Hết họp tôi lại ra đi/ Xin cúi lạy tổ tiên ông bà phù hộ" (Họp họ). Dường như có sự lúng túng khi anh quay trở lại phố phường. Cái chốn đèn cù như ngày trước mẹ anh từng dị ứng, nơi người với người xa lạ "Liền kề biết cũng như không" và "Chỉ có con người dửng dưng như không biết".
Nguyễn Việt Bắc thường rủ chúng tôi về quê Nguyệt Đức của anh. Anh bùi ngùi kể lại kỷ niệm tuổi thơ lầm lũi của mình. Có nhiều buổi cuốc bộ lên trường huyện, nhà nghèo không có đồng hồ, nhìn sân trăng sáng, tưởng trời rạng đông, cứ thế ôm túi sách quáng quàng đi học. Quãng đường non mười cây số từ làng đến trường, có tán cây cụ trôi cổ thụ chào đón. Có cánh đồng mùa gặt tháng mười dâng hương. Bờ cỏ đẫm sương bên đường, đánh xoàn xoạt vào ống quần, chân dép cao su. Trăng quê ngày ấy trong sáng lắm. Đến trường vắng tanh, vì quá sớm, lại ngồi tựa gốc bàng sân trường ngủ tiếp giấc dài, mãi mới thấy trống trường thức dậy.
Trường học phố huyện kỷ niệm năm mươi năm. Ngày hội trường, thầy hiệu trưởng vui mừng báo cáo, nhiều học sinh của trường nay đã là các nhà lãnh đạo, nhà quân sự, nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ. Duy có hai học sinh của trường thành nhà thơ, nhà văn của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà thơ ấy vốn là cậu học trò Nguyễn Việt Bắc nhút nhát của lớp 10A năm nào.
Nguyễn Việt Bắc rân rấn bảo rằng, anh thành nhà thơ bởi quê hương đã cho anh mùi quê riêng biệt. Nghiệp văn chương chưa đem lại cho anh vinh quang gì quá lớn. Anh vẫn lặng lẽ viết. Giữa đám anh em viết lách, anh thường kiệm lời. Có người còn nhầm anh với một nhà thơ trùng tên, khác họ. Cũng chả sao. Anh tin, bạn đọc sẽ nhận ra mùi quê riêng biệt trong thơ anh. Đấy là hạnh phúc của người viết.
Nhưng hình như trong đời sống thực tế, cái thế giới làng quê lung linh kia, "Mùi bồ kết nướng/ Mùi đàn ông/ Nũng nịu/ đàn bà" cũng dần không còn nữa.