Nhà thơ Thi Hoàng: Khuôn mặt như ngọn đèn vặn nhỏ

Thứ Năm, 13/07/2017, 08:20
Năm 1963, chàng trai 20 tuổi Hoàng Văn Bộ viết những câu thơ khởi nghiệp ký bút danh Thi Hoàng. Đứng trong đội ngũ những người tình nguyện sứ mệnh vừa làm thơ vừa đánh giặc đặc thù của một giai đoạn văn học Việt Nam, Thi Hoàng trăn trở "có lúc tôi khùng lên xua đuổi chủ đề/ nhưng chủ đề như một gã đùa dai/ cứ lén đến nằm ườn lên tác phẩm". 


Từ trong dàn đồng ca, Thi Hoàng bật ra không ít lời thơ vang dội, mà hai câu "cây cứ biếc như vặn mình mà biếc/ trời thì xanh như rút ruột mà xanh" trong bài "Giữa cây và nền trời" vẫn được nhiều người xưng tụng. Tuy nhiên, hãy hỏi, sao cái sự biếc lại vật vã thế, sao cái sự xanh lại đau đớn thế?

Nào đâu phải riêng thiên nhiên, mà chính nhà thơ trong câu thơ ấy cũng làm một cuộc vượt thoát cam go khỏi từ trường chữ nghĩa minh họa sản xuất và miêu tả sự việc. Ý thức khác biệt giúp Thi Hoàng có thêm một dấu son nữa để nổi danh giữa thế hệ nhà thơ trưởng thành cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước: Bài "Thành phố những cánh buồm - mùa hè - cửa bể" không chỉ lạ nhờ cách đặt tên mà còn nhờ hình ảnh "cơn gió đất đưa ta qua đầu sóng/ vạt buồm muốn kéo cả bờ đi".

Năm 1976, tập thơ đầu tay "Nhịp sóng" được ấn hành, khép lại một thời Thi Hoàng trẻ trung làm thơ tùy hứng. Với ưu điểm sử dụng ngôn ngữ tạo cảm giác mạnh, Thi Hoàng liên tục quẫy đạp qua các tập thơ và trường ca "Ba phần tư trái đất", "Gọi nhau qua vách núi", "Bóng ai gió tạt", "Cộng sinh với những khoảng trống", "Chìm vào mật nóng"...

Có đôi lúc bàn chân thơ của Thi Hoàng bước chới với sang miền cách tân hụt hẫng "tôi làm thơ theo kiểu/ tát cạn bắt lấy thôi/ cho đến khi bắt được/ thì câu thơ chết rồi", vẫn thấy nghiêng ngả một bóng dáng khát khao sáng tạo. Theo logic tâm lý học, khi con người khước từ bản năng bầy đàn thì dễ nảy sinh hai thái cực, hoặc tôn thờ sự nổi loạn, hoặc sùng bái sự cầu kỳ.

Trước tiên, Thi Hoàng tự đứng riêng bằng giọng điệu dữ dội "ai đang hát trong mưa, nước như băm như thái... ai đang hát trong mưa, nước như véo như tát", hoặc "tiếng hát em một thời vón vào trong viên đạn/ mặt kẻ thù tắt lịm sau bờ cây", hoặc "em làm cao sang viên gạch lát vỉa hè/ làm rực rỡ, bồn chồn những giọt máu đã hy sinh, mất mát/ làm mảng nắng dưới chân tường ngây ngất", thỉnh thoảng lại pha thêm chút lý sự "giữa muôn nghìn cái riêng trong con người có một cái chung/ là trái tim không chịu được sự lạnh lẽo và hoang vắng" hoặc "giờ thì ta khóc đây, nước mắt làm dịu đi khi vật chất nổi khùng/ khi tinh thần bị vặn hết răng không nhai được món ăn cảm xúc/ khi đồng tiền định ăn hiếp trái tim trong túi ngực".

Chính Thi Hoàng nhận ra yếu điểm cũng là điểm yếu của mình "chữ nghĩa gườm gườm như thời trang hầm hố/ triết học mọt nghiến vào thớ gỗ/ thơ gieo vần kèn kẹt thế kia ư", và thay đổi bằng giọng điệu lắt léo "mặt trời lặn sang bên kia vạt áo/ con đường miên man leo ngược lên trời/ vòm chiều chín đầy những lời khuyên bảo" hoặc "ai đang lùng sục trong xương cốt/ nhức buốt lần mò đi hành hương/ ta thấy ta ngày càng nhỏ tắp/ như chân nhang cắm mả bên đường" hoặc "hoa phượng đỏ lúc nào không biết nữa/ kim phút thụ thai, kim giờ có chửa/ vã mồ hôi những sản phụ đồng hồ/ đẻ ra quái thai cái-vẻ-mặt-thờ-ơ".

Quá trình chuyển tiếp giọng điệu dữ dội sang giọng điệu lắt léo, Thi Hoàng có được vài câu thơ đáng nhớ "mắt em ngước lên như mặt nước ao đầy" hoặc "những sắc màu đánh nhau trên cánh bướm". Cuộc truy đuổi bút pháp cá nhân có không ít khúc quanh nhọc nhằn, Thi Hoàng cam kết khi "xin phép xuất bản" khá sòng phẳng: "Tôi có lý tưởng hẳn hoi/ và tôi yêu Tổ quốc/ điều này làm tôi vững tâm/ vật gì trong tầm tay tôi, tôi có thể dám cầm/ dẫu vật ấy có khi là thuốc nổ/ xin người yên tâm, xin người đừng sợ/ kẻ tan thây trước hết sẽ là tôi".

Thử làm một độc giả thiện chí đi cùng nhà thơ "tôi sinh ra dưới cánh hải âu/ cái cuống rốn vùi trong cát mặn" cũng hơi cay cực "thơ đọc nhọc khóc róc nước mắt", nhưng luôn được đền bù tương đối xứng đáng. Bởi lẽ, Thi Hoàng thường có những câu thơ đột sáng cứu vớt cả đoạn thơ hoặc cả bài thơ. Ví dụ, trong trường ca "Gọi nhau qua vách núi" bên cạnh phẩm chất con người đất cảng khốc liệt "thành phố đàn bà yêu như độc ác/ nổi cơn ghen chém xả bả vai chồng/ thành phố nghênh ngang, thành phố đàn ông/ hất hàm chào nhau đá vỏ đồ hộp" thì một góc Hải Phòng hiện ra đẹp bảng lảng, đẹp xa vắng: "dấu nhật ấn trên con tem bưu điện/ gửi về đâu địa chỉ tuổi lên mười/ gửi cho ai mái phố gió bời bời/ gửi cho ai những ngày thừa, khoảng trống/ một đầu đường chẳng có ai trông ngóng/ một buổi chiều không biết cất vào đâu".

Đường thơ Thi Hoàng dẫu lô nhô gạch đá gây gổ và dẫu ngổn ngang hố hầm dọa nạt "gió mây chờn vờn nôn mửa thốc tháo/ mắt ti hí mặt trời nhìn đứt cuống họng/ tiếng kêu ném đá vào ruột gan", thì vẫn thấy lấp lánh những hạt vàng tài hoa.

Sự tinh tế trong thơ Thi Hoàng có thể chia làm ba cấp độ. Thứ nhất, sự tinh tế có yếu tố quan sát "những con cá khô phơi trên đá trên hè/ dường như chúng nghỉ ngơi rồi chốc nữa lại về biển cả" hoặc "nhìn tấm lưng biết có một người tốt đi qua/ ở người ta có khi cái lưng nói nhiều hơn cái mặt/ sự nhân ái giả vờ thường chường ra phía trước/ nỗi nhẫn nhịn thương người lại hay ẩn đằng sau".

Thứ hai, sự tinh tế có yếu tố suy tưởng "Năm 1954 - Vĩ tuyến 17/ mỗi chúng tôi đều bị cưa ngang/ chiếc thắt lưng vẫn thắt bình thường đột nhiên cứ làm mình ghê rợn/ đến một sớm mai ra/ nửa dưới hoặc trên thân thể sẽ không còn" hoặc "hoa sen không định thơm/ không định thơm thì mới thơm như thế/ rất tự nhiên là ta nhớ mẹ/ mẹ quá xa rồi/ để ta thành con cái của làn hương" hoặc "chợt ngẫm thấy trẻ con là giỏi nhất/ làm được buổi chiều rất giống ban mai/ thánh cũng hân hoan... đố ai biết được/ Ngài ở trong kia hay ở ngoài này".

Thứ ba, sự tinh tế có yếu tố xuất thần, ở vùng đệm giữa có và không, giữa hư và thực, Thi Hoàng níu giữ được những khoảnh khắc chỉ cần chớp mắt sẽ biến mất, đó là "Nỗi niềm" thoáng đưa "trong nhà ngoài sân bây giờ/ toàn những khoảng không không có mẹ/ khoảng không ơi khoảng không/ khoảng không không che ai khuất cả/ sao khoảng không che mất mẹ ta", đó là phút giây "Lang thang ở Cúc Phương" xanh thẳm "cứ như đi vào những ngày không có trong đời mình/ những ngày trời cho thêm không tính vào tuổi thọ", đó là ham muốn "X-quang" bản thân  "mẹ càng hiền lành hơn sau ngày mẹ mất/ mơ thấy mẹ vá áo cho con ngay lúc con đang mặc/ không phải cởi ra đâu, sợ áo nhạt hơi người".

Thi Hoàng thừa hiểu "cái đẹp nhiều khi cũng oái ăm/ cầu toàn quá hóa ra mù tịt", nhưng vận động là nhu cầu đeo bám nhà thơ đích thực. Thi Hoàng tìm ra lời giải đáp ngay trong sự loay hoay. Thi Hoàng phát triển thơ theo hai hướng. Một hướng chao chát kỹ thuật, kiểu như "mê mướt gió se môi chiều cắn chỉ/ cây im nước lặng mắt em mềm/ vạt nắng ứa hiên nhà từ duy mỹ/ nhẹ nhàng sang duy cảm tóc em đêm" hoặc "nghe chó sủa vầng hào quang quáng gà/ hoàng hôn chua cay vẩn đỏ một chân trời tương ớt/ miệng vết thương lên cao vút một giọng ca nhói buốt/ tôi leo lên theo cái giọng ca kia nhìn xuống vết thương mình".

Một hướng thô ráp đời sống, kiểu như "biến cái đẹp thành cái ăn/ mang giá trị thâm canh như đồng tiền rách nát/ lấy biên lai ở cửa hàng danh vọng/ về thanh toán với con tim, về đòi nợ hoa hồng" hoặc "tôi cũng từng được chia quỹ đen được phần sổ đỏ/ góp bâng quơ để dây máu ăn phần/ cũng đem ra nắng vàng phơi phóng chút vinh quang đến Tây đen cũng đỏ mặt/ xin mang nỗi ngượng ngùng bón xuống đất/ mang tinh thần vô cơ thành vật chất hữu cơ/ trồng một vạt rau xanh mơ ước".

Thi Hoàng rất dụng công cho thơ. Mỗi bài thơ đối với Thi Hoàng như một cơ hội xây dựng hình tượng, hoặc như một cơ hội chau chuốt ngôn từ. Thi Hoàng chấp nhận luật chơi "chữ với nghĩa đi tìm nhà trọ/ sống thử với nhau xem có thành bài thơ/ đã có thuốc tránh thai như là thi pháp/ cãi hộ cho ta những xúc động giả vờ".

Thi Hoàng có những câu thơ khiến công chúng ngỡ ngàng như chứng kiến các clip quảng cáo cưỡng bức thị trường tiêu dùng. Có thể biện luận "những bình minh i-nốc, những hoàng hôn ni-lông" cũng là một cách khai thác sự huyên náo để chống lại sự thờ ơ. Tuy nhiên, phải xác định thẳng thắn rằng, sự cường điệu chỉ giống như liều thuốc gây mê tạm thời, mà khi bạn đọc sực tỉnh không thể tìm ra hồn vía thi ca.

Những câu thơ như  "đóng đinh vào những sự tình/ đau thon thót rót cho mình tiếng chim" hoặc "sông thả lỏng một nỗi buồn mướt mượt/ sau vai đê khói vờn lên não nuột" mang đến cảm giác hào nhoáng chốc lát, rồi lộ ra một thủ thuật tuyệt vọng nhằm che đậy trí tưởng tượng đang bị trượt ngả trước bờ vực chai lỳ rung động thẩm mỹ.

Thao tác làm thơ của Thi Hoàng chẳng khác gì một người câu cá chuyên nghiệp. Có khi cao hứng, Thi Hoàng cứ mài giũa lưỡi câu sao cho thật nhọn hoắt, sao cho thật sáng choang, khiến bao đồng nghiệp vị nể mà đàn cá cũng... hoảng sợ. Và khi một lưỡi câu có nét lóng lánh của một... cây kim, chắc chắn không câu được con cá nào. Ngược lại, khi Thi Hoàng trễ nải dùng lưỡi câu giản dị thi sĩ của mình, thì được lắm con cá thơ hay. Ví dụ, hai bài thơ đều viết về sông Thương và đều ghi tặng một người, nhưng bài "Về lại sông Thương" thong thả "ngày xưa anh đâu có biết/ bây giờ anh đâu có hay/ đôi bờ tre pheo phờ phạc tháng ngày/ khuôn mặt ai như ngọn đèn vặn nhỏ", còn bài "Về sông Thương mà chẳng ghé thăm em" lại ầm ĩ "sông Thương ơi, sông Thương! Anh gọi ngậm/ Khúc kia giờ ơ... đoạn này giờ ơ... nghe chợt (Uỵch, boong, uỵch, boong uỵch, cheng cheng kịch/ Rốc ấy em à, quát mắng ngày xưa". Đặt cạnh nhau càng thấm thía, bài "Về lại sông Thương" được một câu thơ thổn thức "khuôn mặt ai như ngọn đèn vặn nhỏ", còn bài "Về sông Thương mà chẳng ghé thăm em" thừa một câu thuyết minh rộn ràng "rốc ấy em à, quát mắng ngày xưa".

Lê Thiếu Nhơn
.
.