Nhà thơ Trần Hòa Bình: “Suốt đời làm một cây xương rồng nghèo khó”

Thứ Hai, 03/07/2017, 08:02
Khi còn sống, không hiểu vì lý do gì, Trần Hòa Bình chưa kịp in cho mình một tập thơ riêng, trong lúc hàng trăm bài thơ của anh vẫn lặng lẽ nằm trong bản thảo và một số trong đó nằm trong ký ức của độc giả yêu thơ. Anh lười biếng và thích kiểu chơi "tài tử" với thi ca chăng?


Sau khi nhà thơ Trần Hòa Bình qua đời một năm, gia đình và bạn bè anh đã tập hợp các tác phẩm thơ, văn, phê bình - tiểu luận và báo chí của Trần Hòa Bình cùng các bài viết của bạn bè về nhà thơ để in trong "Tuyển tập tác phẩm Trần Hòa Bình", NXB Hội Nhà văn, 2009. Sách dày 900 trang. Trước đó, Trần Hòa Bình chưa in riêng một tập thơ nào. Nay ở cõi vĩnh hằng, anh đã có thể an lòng khi những bài thơ hay nhất của mình vẫn còn lại trong ký ức bạn bè và những người yêu thơ.

Khi còn sống, không hiểu vì lý do gì, Trần Hòa Bình chưa kịp in cho mình một tập thơ riêng, trong lúc hàng trăm bài thơ của anh vẫn lặng lẽ nằm trong bản thảo và một số trong đó nằm trong ký ức của độc giả yêu thơ. Anh lười biếng và thích kiểu chơi "tài tử" với thi ca chăng?

Theo tôi, hoàn toàn không phải thế. Đọc 150 bài thơ anh để lại và hàng trăm bài anh viết bình thơ của các tác giả khác trong "Tuyển tập tác phẩm Trần Hòa Bình", mới thấy anh cũng gắn bó thao thiết và trăn trở với thi ca nhiều lắm. Hôm mới đây, qua tìm hiểu người thân trong gia đình, tôi mới biết vì sao Trần Hòa Bình ngại in một cuốn thơ riêng cho mình. Đó là vì anh sợ khi nhìn thấy các cuốn thơ nằm lặng lẽ hàng năm trời ở các tiệm sách mà không bán được, trong khi người làm thơ vẫn đua nhau "sản xuất" thơ và in thơ đều đều.

Trong bài thơ "Mật khải" viết năm 1979, anh đã tâm sự với người mình yêu như sau:

Không có gì làm quà tặng em
Anh nghèo khó như một cây xương rồng hoang dã
Đừng nhìn anh với đôi mắt lạ
Gai thì đau và nhựa trắng đắng tê long
Anh không thích những loài hoa hừng hực
Nở dễ dãi trong vườn sau mỗi sớm mưa qua
Những bông hoa cúi mình là hái được
Vẫn ngày ngày người bọc giấy trao nhau
Suốt đời anh xin chịu đựng nỗi đau
Của một cây xương rồng nghèo khó
Nhưng em ơi nếu không có nó
Người ta sẽ hiểu lầm cát chẳng sống được đâu

Tự ví mình như cây xương rồng trên cát với nỗi niềm tự sự trong những lời mật khải nói trên, phải chăng nhà thơ trong cõi tĩnh lặng của tâm hồn mình đã nâng tình yêu lên thành một mỹ cảm tôn giáo của riêng thi ca anh. Bởi thế, thơ tình của Trần Hòa Bình luôn có những khát khao, dằn vặt, vụng dại, thấp thỏm nhưng cũng đầy kiêu hãnh như một thứ ánh sáng trong vắt đã nuôi dưỡng hồn thơ anh qua những bước thăng trầm của đời sống và tình người.

Bài thơ cuối cùng của Trần Hòa Bình là bài thơ tình "Khau vai". Khi viết bài này, nhà thơ không thể biết, chỉ mấy tháng sau, anh phải giã biệt cõi đời này. Nhưng đến giờ, khi đọc lại "Khau Vai", chúng ta chợt thấy hình như sự tiên cảm của nhà thơ đã hướng về cuộc chia tay cuối cùng của đời mình trong những câu thơ tình đầy xót xa, thương cảm: 

Nếu một mai mình không lấy được nhau
em có đi tìm anh
qua điệp trùng đá sắc
những Khau Vai bầm dập dấu chân người?

Trời ơi Khau Vai Khau Vai
nhìn qua nước mắt
bao bong bóng về trời
thương buồn gửi lại...

Những cuộc tình vụng dại
những cuộc tình khôn ngoan
đã sống và đã chết ở nơi này
không khôn ngoan không vụng dại
chỉ lặng chìm như đá
chỉ bời bời như mây

Chúng ta sa mộc chiều nay
em hai mươi thoắt thành ngàn tuổi
em có anh xa xót thế này sao?

Quỳ trước núi mà tin thôi em ạ
ai trong đời chẳng có một Khau Vai
nhọn sắc đá tai mèo
cứa vào thương nhớ

Hãy nhìn nhau nhìn nhau trước gió
em sẽ thấy một Khau Vai trong số phận chúng mình

Lần cuối cùng tôi gặp nhà thơ Trần Hòa Bình vào dịp Tết âm lịch đầu năm 2008 tại Ngày thơ Nguyên Tiêu tổ chức ở Trường Viết văn Nguyễn Du. Sau khi đọc thơ xong, mọi người rải chiếu, ngồi uống rượu trên sân trường. Tôi không ngờ 8 tháng sau bữa rượu ấy, anh đường đột ra đi. Tôi với Trần Hòa Bình, ngoài mối quan hệ bạn bè thơ ca, báo chí còn là người đồng hương cùng quê Xứ Đoài, nên cũng rất trân trọng tài năng, chí hướng của nhau.

Bữa rượu ấy, tôi vỗ vai thân mật bảo anh: "Hàng chục năm qua, cậu vẫn còn nợ "nàng thơ" của chúng ta một tập thơ đấy nhé! Đến bao giờ cậu mới trả xong món nợ tinh thần này?". Ấy là tôi nhắc khéo Trần Hòa Bình về việc mấy chục năm qua, anh cứ mải mê làm báo và lặng lẽ viết hàng trăm bài thơ mà không chịu in cho mình một tập thơ riêng. Bình lặng lẽ cười nụ nhìn tôi và bạn bè.

Nhưng không hiểu sao lúc ấy, tôi cảm thấy ánh mắt sau cặp kính cận dày cộp của anh có gì như đang đọng lại một nỗi niềm u ẩn chỉ mình anh biết và thao thức với nó.Thật không ngờ, đấy là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau.Vài tháng sau, tôi gặp hoạn nạn, rồi vài tháng sau nữa, nghe tin Trần Hòa Bình đột ngột ra đi mà tôi không thể nào về viếng tang anh được.

Giờ thì Trần Hòa Bình từ bỏ chúng ta đi đã chín năm. Trong một lần dự ngày giỗ anh, bạn bè và những người yêu mến anh đã trân trọng đón nhận từ phía gia đình nhà thơ "Tuyển tập tác phẩm Trần Hòa Bình" mà tôi đã nhắc ở đầu bài viết. Cầm trên tay cuốn sách nặng trĩu mà người nhận cũng thấy trĩu nặng một nỗi niềm thương tiếc người thơ tài hoa đã ra đi đường đột vào tuổi 53 khi bút lực đang còn sung sức. 

Sinh năm 1956 ở Sơn Tây, tốt nghiệp khoa ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội, trong suốt ba mươi năm cầm bút, Trần Hòa Bình là một gương mặt khá đặc biệt trong làng văn phía Bắc. Anh làm thơ, viết báo, viết phê bình văn học và giảng dạy tại khoa báo thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Theo tôi biết, trong số những bài thơ hay của các nhà thơ xuất hiện sau năm 1975 còn đọng lại trong trí nhớ của các độc giả, Trần Hòa Bình có hai bài thơ vào loại xuất sắc, đó là "Thêm một" và "Rượu đắng". Bài thơ "Thêm một" của anh đã được đưa vào nhiều tuyển thơ tình.

Trong bài viết này, tôi chỉ xin đề cập sâu về bài thơ "Rượu đắng" mà tôi cho rằng, đây là bài thơ hay nhất của Trần Hòa Bình. Trong bài thơ này, phẩm chất thi sĩ đặc biệt của anh vụt lóe sáng lên như một ánh trăng trước khi biến mất vào đêm thẳm. Không hiểu sao tôi cứ thấy day dứt, buồn mãi khi đọc mấy câu thơ sau trong bài thơ "Rượu đắng" của Trần Hòa Bình:

Trăng vứt bên trời không ai biết
Thế gian lo mải chuyện ngày thường
Sông còn chảy mãi chưa buồn hết
Sông giống câu thơ viết nửa chừng

Buồn, rồi lại thấy chạnh lòng vì thương anh, vì biết anh ví mình như mảnh trăng bị bỏ quên lặng lẽ bên thềm trời thi ca thăm thẳm:

Thơ chưa ráo mực, ta xin đọc
Sao sớm già nua tiếng gượng cười?
Thôi thì đã ví cùng trăng ấy
Giật tóc mà ca khúc "cử bôi"!

Vốn là một nhà "thất bại lão thành" trong tình yêu (mấy nhà thơ chúng tôi vẫn đùa trêu anh như vậy), Trần Hòa Bình sau khi chia tay với người bạn đời là ca sĩ Quỳnh Liên, anh đã sống cô đơn tới cuối đời để chăm sóc cô con gái duy nhất của mình.

Trong ngày giỗ đầu anh, cô con gái Trần Hà Trang nói với tôi: "Hôm qua, trong giấc ngủ, cháu thoáng nằm mơ thấy bố về, bố cháu bảo: Con gái giống như một cây đu đủ, nó thích mình treo mọi thứ toòng teng lên người nó. Con gái cũng giống như một cây thông Nô-en, nó muốn mình treo mọi thứ ước mơ lên đấy". Trang cho biết, cháu ở một mình với bố từ năm lên 6 tuổi, nên bố cũng vừa là người mẹ vừa là người bạn. Mọi buồn vui, giận dỗi, mơ ước của Trang đều được bố Bình chia sẻ. Năm 22 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học, Trang đi làm được một tháng thì bố qua đời.

Bạn bè tới dự ngày giỗ Trần Hòa Bình, ai cũng thấy se lòng khi mấy chục năm qua, hai bố con anh vẫn sống trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ trong khu tập thể của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tuy làm giảng viên đại học báo chí, anh vẫn phải cặm cụi viết báo để kiếm sống.

Có ai đấy bảo Trần Hòa Bình lãng tử và ham chơi, nhưng nhìn lại cả một khối lượng đồ sộ tác phẩm văn chương và báo chí mà anh để lại trong gần 30 năm cầm bút, mới thấy được chuyện: Viết với anh là một nhu cầu sống và như người xưa vẫn nói "cơm áo không đùa với khách thơ". Ngày giỗ anh, bạn bè uống rượu đắng, thứ rượu anh thường uống trong suốt cuộc đời thi nhân của mình:

Thương nhau thì uống ly rượu đắng
Phảng phất men trăng tỏa khắp người
Lô nhô lều quán đêm chợ vắng
Chẳng biết còn ai thiếu chỗ ngồi

(Rượu đắng)

Mấy câu thơ trên của Trần Hòa Bình có lẽ đã mang trong mình một phần cái "khẩu khí" ngang tàng lồng lộng và xa xót thương đời của thi sĩ Tản Đà, người đã đặt viên gạch đầu tiên cho ngôi - nhà - mới của thi ca Tiền chiến (1930-1945). Tâm sự với bạn bè, anh vẫn thường tự hào mình là người con của Xứ Đoài, là người đã được ăn "hỏa hồng" của tổ tiên vì đã được sinh ra ở Sơn Tây, vùng đất văn hiến với hai nhà thơ "vang bóng một thời" là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu và Quang Dũng. Và dường như, trong hơi thơ của Trần Hòa Bình cũng phảng phất nét hào hoa, tinh tế và sâu lắng của hai thi nhân này:

Uống thêm chút nữa đừng e ngại
Tiền thiếu từ khi mới lọt long
Thơ nát dăm bài còn mê mải
Tản Đà chẳng biết giống mình không

(Rượu đắng)

Đến hôm nay, điều mơ ước mà Trần Hòa Bình chưa làm được lúc anh còn sống là in một tuyển tập thơ - văn đã được gia đình và con gái anh hoàn thành. Ngày giỗ anh, bạn bè đông đủ cả và mọi người nâng chén hướng về miền thi ca thăm thẳm, nơi anh từng ví mình như mảnh trăng bị bỏ quên, vẫn lặng lẽ sáng bên trời đêm ấy. 

Nguyễn Việt Chiến
.
.