Nhà thơ Tấn Phong và bản “giao hưởng thơ” bị bỏ quên
Nhà thơ Tấn Phong (tên khai sinh Nguyễn Tấn Phong), sinh năm 1953 tại Hà Nội, tốt nghiệp Khoa Hải dương học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi về công tác ở Tổng Công ty Chè Việt Nam. Tấn Phong làm thơ từ hồi còn sinh viên và có một giọng điệu thơ khá mới khi phản ánh đời sống đương đại qua lăng kính của một trí thức trẻ.
Tập thơ "Thanh điệu" anh in từ những năm chín mươi của thế kỷ trước đến bây giờ đọc vẫn thấy mới. Mới đây, Tấn Phong in tập thơ thứ hai "Lúc ấy và bằng ấy".
Mấy năm qua, sau khi về hưu, dường như Tấn Phong lui về ở ẩn. Anh ít giao du với bạn bè văn chương và suốt ngày chúi mũi vào việc dịch sách và coi đấy là thú vui tao nhã. Hôm mới rồi đến chơi nhà Tấn Phong, tôi ngỡ ngàng vì thấy dáng ngồi còm nhom của anh bên cạnh bàn viết với một chồng sách. Cứ chốc chốc lại thấy Tấn Phong cúi xuống khạc nhổ vào một cái xô nhựa dưới gầm bàn.
Mấy chục năm chơi với nhau, tôi biết anh bị viêm xoang nên thường khạc nhổ suốt ngày như người bị ho lao, nhưng thật ra anh không tật bệnh nặng nề gì lắm. Thời gian gần đây, sau một lần đi nhậu với bạn bè về bị ngã xe máy xây sẩm chân tay, mặt mày, Tấn Phong nằm dưỡng thương nửa năm giời không đi đâu cả.
Thấy bạn đến chơi, anh mừng lắm, rót rượu mời uống và ra bật nhạc cho nghe. Tấn Phong nghiện nhạc giao hưởng, nhạc thính phòng nước ngoài và thơ anh cũng có nét ảnh hưởng bởi những tiết tấu và các giai điệu ấy.
Đọc thơ Tấn Phong, tôi khá ấn tượng với 2 bài thơ “Lá rụng” và “Ngày ấy đã qua” của anh. Có thể nói hai bài thơ này như hai bản nhạc nhỏ “buồn buồn” cất lên vào hai buổi chiều nào đấy trên cái thế gian ảm đạm và tràn đầy sự sống khắc nghiệt này.
Nhà thơ Tấn Phong |
Bản nhạc thứ nhất “Ngày ấy đã qua” là khúc tưởng niệm thiên tài văn học Nga - B.Pasternak, số phận của ông có gì đấy gần giống như số phận của nước Nga - hùng tráng mà bi thương khôn xiết. Trong bài thơ này, Tấn Phong đã để cho ngôi nhà cũ hoang vắng thao thức sống với ký ức xót xa khi đại văn hào B.Pasternak ra đi trong một ngày đông giá:
Dây linh lan ngày nối ngày bò dần lên mặt ghế
Trống không và hoen gỉ, đứng lặng trong vườn hoang như nấm mộ thời gian
Ngọn nến leo lét trong phòng,
chủ nhân vội đi đâu, bỏ lại
Qua diềm đăng- ten ngả vàng, gió trút lá đông vào
Ngày ấy ngập ngừng, ngày ấy đã qua
Cuốn sổ lật trên bàn, dấu mực đen hoen ố
Bàn tay ngại ngần đưa những dòng chữ
không nơi tạm trú
Chàng trai đợi người yêu bên đường ray xe lửa
Nắng cũng như mưa, những bông hồng gai dại phất phơ
Lá cờ rũ dòng người lang thang kiên nhẫn đợi chờ
Ngày ấy đã qua, đêm chậm chạp chuyển mình
Cố viết nốt, nhưng ngọn bút không cần anh nữa
Quả táo cắn dở, khoai tây một củ,
bình nước lạnh trong phòng không bếp lò
Ngoài kia những đường ray ẩm xỉ,
trắng như nhung tuyết phủ
Ngày ấy đã qua, lạnh cóng bàn tay anh viết cho ai
Quyển sách vài trăm trang vượt thời gian
ngoại tiêu đề ai còn nhớ
Là dấu chỉ tấm bia trên hầm mộ đá cổ dây linh lan bò
Là tiếng khóc người thiếu phụ gục đầu vào dĩ vãng
Ngày ấy đã qua, có con chó chạy quanh ngôi biệt thự
lâu rồi vô chủ
Con chó đói đợi chờ củ khoai
và tiếng còi xe lửa
Cùng một con quạ làm tổ trên ống khói vỡ
mái nhà sạt lở
Ngày ấy đã qua, vĩnh viễn người đi biệt xứ
Rồi cỏ linh lan xếp theo hình chiếc ghế cổ...
Đúng là Tấn Phong đã chơi một bản nhạc thật buồn và cay đắng, cây vĩ - cầm - thơ của anh hoài tưởng hướng về ngôi nhà cổ của đại văn hào B.Pasternak, ngôi nhà ấy đã không còn ông, đồ đạc trong căn nhà cũng như mảnh vườn xung quanh nhà đã mồ - côi - ông, cảnh vật thật buồn bã và u ám tới mức cả ngọn bút không còn ông nữa vẫn đang thao thức những dòng chữ không nơi tạm trú.
Cũng thao thiết “buồn buồn” như vậy, bài thơ “Lá rụng” là một bản nhạc nhỏ bất chợt mà Tấn Phong gửi tới cho chúng ta cái nỗi niềm trăn trở của con người hôm nay:
Phải chi người đặt cạm bẫy cho mình
Để hành xác, để giày vò,
để nhận phần khốn khổ
Thu đẫm nước mắt mặt trời
và giờ đã sang chiều
Và cái bóng gầy guộc xanh xao cái bóng lao đao
nhăn nhó bỏ rượu
giữa chừng bản thánh ca cái bóng chia âm nhạc
làm hai, một nửa xình xình
và một nửa buồn buồn, cái bóng cười cười
để dòng sông rẽ đôi, đuổi theo đời tôi mãi
Giờ đã sang chiều, tôi muốn lặng im
cho tan khói thuốc một ngày
nhưng giọng nói ai nhàn nhạt tàn tàn
như một lời chọc tức
phải bài ca không lời còn đó trong tôi
bài ca cũ kỹ và hồn tôi cũ kỹ
trên mái vòm cũ kỹ và một quá khứ cũ kỹ
những ngôi sao cũ kỹ những bước chân cũ kỹ
những ảnh hình cũ kỹ tất cả đều cũ kỹ
Xin đừng chơi một bản giao hưởng,
hãy cho tôi nghe một bài hát giản dị
Bài hát về cặp kính vỡ đôi về sự tương tự
những thân phận đồng sàng
Thu vẫn thế, đẫm nước mắt mặt trời
Và bàn tay ươn ướt mồ hôi.
Trong bản nhạc buồn thứ hai này, cả bài thơ không có một hình ảnh nào về mùa lá rụng mà người đọc vẫn thấy trên cái cây cuộc đời những hình ảnh cũ kỹ đã ra đi và phải chăng đấy là sự đổi mới của thi pháp Tấn Phong?
Có thể nói cho đến thời điểm này, sau hơn 30 năm đổi mới để hội nhập và phát triển, trong dòng chảy của văn học đương đại đang có nhiều bước chuyển mình khá rõ nét, các nhà thơ Hà Nội, trong đó có Tấn Phong đã đóng góp một phần quan trọng làm nên một sắc thái mới, một diện mạo mới, một khí quyển mới trong đời sống văn hóa-nghệ thuật của thi ca những tháng năm này.
Theo tôi, thành tựu nổi bật của những nhà thơ Hà Nội đương đại là họ đã có những bước chuyển mới rất cơ bản về nội dung phản ánh, về nghệ thuật và thi pháp. Thơ của họ gần gũi với cuộc đời hơn, gần với thiên nhiên, gần gũi với tâm sự buồn vui của con người hơn, thơ của họ nghiêng về phía những cá thể và là tiếng nói thân phận. Ngòi bút thơ của họ chủ động hơn, tìm tòi vươn tới bề sâu của những vỉa tầng còn ẩn khuất của đời sống tâm trạng và tinh thần con người để khai thác và hướng tới những hiệu quả nghệ thuật mới.
Và trong bài thơ mới nhất “Đồng hồ”, nhà thơ Tấn Phong cũng đã nói lên điều ấy: “Năm giờ ba mươi sáng có một người trằn trọc không ngủ/ Đánh lô - tô trên một màn hình thu nhỏ/ Tiếng lích tích bên kia đường nghe rất rõ/ Dù âm lượng nhỏ nhưng không gian trinh nguyên sớm mai chưa có tiếng người/ Anh chơi bản Sonatin của thời quá khứ/ Cho người đàn bà thành phố miền Nam lúc này mơ ngủ/ Năm giờ ba mươi, bốn đứa trẻ chơi trò đá bóng vào chân nhau/ Trong một hình vuông ruộng chừng hai mét/ Chúng mang giày một chân, dùng chân kia để đá/ Bóng nhẹ bay nhưng không được để rơi xuống lòng đường/ Vì đây không phải là trò bóng đá/ Năm giờ ba mươi những thanh niên mười bảy chia thành sáu đội/ Gon tôm sút ầm ầm trên phố/ Đá để trả thù cho Platini/ Cho mối hận ngàn năm "Những người Hà Lan bay" không trả được/ Và để cảnh báo Bếcchken Baoơ/ Rằng đội anh ta đã đến thời hóa lố/ Những lúc những tia nắng sắp mở ngày rạng rỡ/ Quả bóng màu sọc dưa đã bỏ lửa/ biết ngày mai hãy còn xa lắm/ Sáu giờ ba mươi đôi tình nhân vắt chanh vào bát phở/ Chàng trai đổ nước béo xuống nền, gạt mấy củ hành và nhăn nhó/ Nàng thở dài thời buổi này ăn cái gì cũng khó/ Và buổi sáng phất phơ quay nó biết chọn gì để mà ăn/ Mà sống qua một ngày tạm trú/ Nếu niềm vui ở những thìa nước suýt cuối cùng/ đã trong veo đã hết thịt hết hành mãi tận cùng bát phở/ Sáu giờ ba mươi một người đàn bà vắt tay lên trán mặc quần đùi say ngủ/ Nàng thấy những con kiến lửa quềnh quàng bò lên cổ/ Những con ma cong cong về đêm cười khùng khục/ Vào lúc bảy giờ sáng chúng hân hoan hát bài tiễn đưa/ Nỗi nhọc ban ngày nàng có bao giờ biết làm ra lửa/ Cho những kẻ tử tù đi sớm về khuya tơi bời mệt rũ/ Hút hết nắng trưa và hút cả hoàng hôn/ Đêm sập cửa thành một cây bùi nhùi chờ diêm/ Nhưng những con ma đã mang lửa đi rồi/ Người đàn bà mặc quần đùi đến bảy giờ bỗng cười như lửa/ Sáu giờ ba mươi anh thợ hồ dán ngực xuống lòng đường/ Cái lưng đen nhẫy và một trò đánh đố/ Sức khỏe và tình yêu cho những cô nàng chưa một lần biết sợ/ Lúc cuồng si đếm từng giọt đồng hồ/ Từng giọt mồ hôi chảy dưới làn môi ấm sực/ Đếm chậm rãi một hai ba, ba hai một/ Đến một nghìn nỗi hoan lạc sẽ tung ra/ Thành một hố thẳm sâu - cái giếng chứa vô thức/ Bảy giờ hai mươi ba người hàng xóm mới rang cơm/ Hôm nay ăn gì canh cà mắm tôm với mấy miếng thịt mỡ/ Vo tròn những đồng tiền nham nhở/ Những đồng bạc cuối cùng của một nền cộng hòa bọc trong da ếch/ Người hàng xóm thét lên: Đã đến đích cuối cùng/ Nhất định canh cà mắm tôm và mắm chua là những điều chọn lựa/ Cho ta và cả cho người khác nữa/ Bảy giờ ba mươi đã kết thúc một ngày/ Lúc mặt trời đỏ lừ suốt đêm mất ngủ/ Giận dữ ném đi vạn cái nhìn quái gở/ Vạn khuôn mặt thẳng căng/ như trước giờ đi đày biệt xứ/ Lúc đó có một người duỗi tay, bước vào giấc ngủ”.
Tôi đã từng nhiều lần mục sở thị cảnh Tấn Phong chìm đắm trong những cơn say âm nhạc, khoảnh khắc ấy trông anh như một nhạc trưởng lúc mơ màng, lúc phấn khích tột độ vì những giai điệu đẹp trong một bản giao hưởng lớn. Khi ấy, bản thảo bài thơ trong tay anh như chiếc đũa của một nhạc trưởng giàu cảm xúc và mấy bản nhạc buồn của thơ anh đang tấu vọng lên những nỗi niềm bi tráng của khát vọng.
Có điều, bản giao-hưởng-thơ của Tấn Phong đang bị chính anh bỏ quên đâu đó trong ký ức bạn bè như có lần anh tâm sự với tôi về chuyện, bản thảo thơ của anh sau ba chục năm đã thất lạc sau mấy lần chuyển nhà. Tôi đùa bạn: “Thế cũng may, bởi làm nhiều thơ văn xuôi kiểu cậu, sẽ có ngày mắc chứng hoang tưởng vì tẩu hỏa nhập ma”.