Nhà thơ Tấn Phong: Từ "Thanh điệu" đến "Lúc ấy và bằng ấy"

Thứ Năm, 31/10/2013, 08:00

Nếu tính từ thời điểm bài thơ đầu tiên của Tấn Phong được in báo (1988), thì quả là anh đến với thơ có hơi muộn màng, mặc dù anh viết đã lâu và viết khá nhiều. Nhưng cái hay của Phong, cho Phong là trong ngần ấy năm tương đối "im hơi", tâm trí của anh đã kịp mở ra, để bây giờ có cái mà "thu" vào. Cái cây có quả khi thân đã vươn cao, cành sum suê lá, thì quả ấy ngoài vấn đề vừa sai, vừa trĩu, nhiều khi cũng không dễ "hái" nếu ta không ở một "tầm" nào đó.

Hai mươi sáu bài ở tập "Thanh điệu" (NXB Lao động, 1991) và 72 bài ở tập "Lúc ấy và bằng ấy" (NXB Văn học, 2011), thật ra đó chỉ là những "lát cắt" rất khéo trong toàn bộ tổng thể thơ hiện có của Tấn Phong, nhưng vẫn thể hiện được cái đa dạng của bút pháp cũng như thể tài của anh. Tấn Phong đã đưa chúng ta vào một bầu sinh hoạt đôi khi cách biệt với chúng ta đến hàng ngàn năm và cách xa chúng ta hàng ngàn cây số, trên những câu thơ khi thì bập bênh 3 chữ (bài "Người trồng cà"), khi thì gập ghềnh mười mấy chữ (bài "Trên chiếc xe tàng ba ngựa kéo").

Nói chung, thơ Tấn Phong là một thứ thơ liền mạch, dài hơi, các hình ảnh xuất hiện đầy tính hoạt kê, dồn chen với khá nhiều điển cố... Những người chỉ thích nghi với những bài thơ có kết cấu gọn nhẹ, những câu thơ mỏng mảnh, tinh tế, đọc anh dễ cảm thấy mệt. Họ sẽ tìm đến với anh ở một "góc" khác. Và bấy giờ những câu như thế này lại có lý để phát huy công năng:

Âm thầm gió, âm thầm em
Âm thầm cỏ bạc, sáng đền, cau đưa
Âm thầm sông động, đò trưa
Trời xanh thư tịch, nắng lùa cổ văn

(Tĩnh vật)

Anh ở bên ấy, em ở bên này
Trời thả mây bay, nắng không đọng sữa
Nắng đọng lề đường, mặt cỏ
Thời gian ấp ủ
Ngày tính bằng dấu bước chân đi

(Nhớ một nửa)...

Mượn chữ của Hoài Thanh (trong "Thi nhân Việt Nam"), ta có thể nói rằng: Với hai tập thơ nói trên, Tấn Phong đã kết hợp được tương đối nhuần nhị "hai nguồn thi cảm". Một là phần văn hóa Đông phương cổ truyền, trong đó bao gồm cả phần văn hóa dân gian Việt Nam và phần văn hóa cổ Trung Quốc. Hai là phần văn hóa phương Tây hiện đại, mà tựu trung là ở mấy nhà thơ Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đọc bài "Người trồng cà", ta có thể dễ dàng nhận ra một thứ âm hưởng từa tựa "Kinh thi". Cũng như đọc "Ngày lại ngày", một trong những bài thơ đầu tiên được in của Phong, ta có thể mường tượng ra một Jacques Prévert nào đó. Có lẽ vì thế mà ai đấy đã buông nhận xét: thơ Tấn Phong "tây" quá. Thật đúng vậy chăng?

Bìa tập thơ "Thanh điệu" và tập "Lúc ấy và bằng ấy" của nhà thơ Tấn Phong.

Tôi cho rằng ý kiến đó đúng, nhưng mới chỉ đúng một nửa. Bởi lẽ, Tấn Phong là một người năng động trong sáng tạo, luôn tìm cách chuyển đổi hình thức biểu hiện cho hợp với yêu cầu của nội dung. Nghĩa là những bài "tây" nhất của anh lại chính là những bài lấy bối cảnh ngoài Việt Nam (ở đây phải thấy được rằng khả năng phân thân của tác giả như vậy là khá cao). Đó là những bài anh viết về các ban nhạc ABBA, The Beatles, về nước Nga và Boris Pasternak...

Nếu nhìn nhận một cách thật nghiêm túc, phải thấy rằng đó là một cách làm đúng đắn. Thử nghĩ, nếu không thật am tường về xứ sở mình đang viết, đặc biệt là nền văn hóa của nó, làm sao Tố Hữu có thể sáng tác thành công bài "Êmily, con", một bài thơ đầy khí chất của thơ Mỹ da đen. Ấy là chưa kể, trong bài "Sau cửa kính, nhìn ra", ngoài việc Tấn Phong phải dùng ngay chính những chất liệu trong tác phẩm của Pasternak để dựng lên một mô hình nước Nga cũ, anh còn dụng công tham khảo thêm cách nhìn đất nước này qua lăng kính của một số nhà văn Nga, đặc biệt là Aleksandr Blok. Bởi vậy, đây là một bức chân dung có hồn và là một bài thơ hay. Điều đang trách Tấn Phong nhất có lẽ chỉ là: Ở một đôi bài, giọng thơ của anh chưa được đồng nhất, còn vá víu "nửa tây nửa ta", ví như bài "Đám tang". Bài thơ có những đoạn cảm động, như đoạn bà cụ khóc ông cụ: "Bà cụ buông miếng trầu/ Xoa nước mắt trôi mau/ Ơ hờ, này ông nó/ Ai thay tôi châm mồi/ Lửa đèn khi chiều đổ". Tác giả đã khéo léo đưa được vào thơ những khẩu ngữ dân gian. Thế nhưng ở cuối bài, khi anh "phóng tay" viết thêm mấy câu: "Cuộc diễu hành lặng lẽ/ Chín ngọn nến hình khế/ Trên đường một đàn dế/ Lê thê quên lối về", tôi chợt nhớ tới "Bài ca ốc sên đi đưa đám" của Jacques Prévert. Giọng thơ có cái gì hài hài, tính trang nghiêm của bài thơ bị phá đi, tình cảm thành ra mai một...

Nhân nhắc tới Jacques Prévert, cũng cần phải nói thêm: Giống như nhà thơ dân gian lớn ấy của nước Pháp, Tấn Phong cũng rất được chú trọng tới mảng thơ "đường phố". Chính trong bài thơ có tiêu đề "Trước quảng trường thành phố" anh từng viết những câu đầy cảm xúc: "Thành phố hội nơi khoảng rộng quảng trường/ Nơi tháng tháng ngày ngày em đến đây, dừng lại/ Nơi nỗi nhọc nhằn đến đây còn trẻ mãi/ Nơi - như hồ - dõi soi mỗi mảnh sống dần qua".

Và đây nữa, anh viết về "Mưa Hà Nội": "Những trận mưa trên mái tóc ngày xưa/ Giờ đây khóc một mình trên mặt đường rộng rãi/ Hoa sữa níu chân ai một thời tuổi trẻ/ Giờ theo gió lang thang trên những vệt phố dài". Nếu chỉ tính sơ sơ ở mảng này thôi, Tấn Phong cũng đã góp được cho thành phố nơi sinh trưởng mình một số bài thơ hay, mà theo đánh giá của riêng tôi, "Người đánh đàn mù trên phố Lò Đúc" là một trong những bài thơ về phố Lò Đúc hay nhất từ trước tới nay.

Vừa có cái trang trọng của một khúc ca (các bài "Tưởng niệm rừng", "Trước quảng trường thành phố", "Têhêran-43"...), lại vừa có cái cợt đùa vui vui của một thứ thơ - tiểu phẩm (bài "Ngày lại ngày", khúc 5,6 của "Tình ca", bài thơ "Cô gái lơ đãng nhìn ra cửa sổ"...) thơ Tấn Phong đã phần nào thể hiện được tư chất của một lớp nhà thơ trẻ Hà Nội. Đó là một cái gì có vẻ "bụi bặm" nhưng vẫn ánh ngời sự sang trọng, lịch lãm và hào hoa, một cái gì gần gần với thơ Lưu Quang Vũ trước đây. Hãy xem dáng vẻ, tư thế của anh trong một bài thơ: "Sáng chủ nhật trùng trình từ nhà ra phố/ Hành trang trong bốn túi quần bò/ Túi trái thuốc lào, túi phải bật lửa/ Túi sau dăm đồng uống nước buổi trưa/ Còn một túi rỗng không - đủ thanh thản cho mình đến tối". Khác với các cụ ta xưa ở chỗ: Thay vào áo the khăn xếp là các vật dụng "hiện đại" hơn một chút, như bật lửa, quần bò. Nhưng đến khi tác giả nói rằng: "Còn một túi rỗng không/ đủ thanh thản cho mình đến tối" thì tức là anh đã nghiễm nhiên mang trong mình cái tiết khí của người xưa rồi...

Sẽ là một thiếu sót nếu như đọc tập thơ này, không nói được một chút gì về cách sử dụng âm vận đầy sáng tạo của Tấn Phong, khi mà "Thanh điệu" được anh lấy làm tên của tập thơ, cùng hàng loạt bài anh đặt cho những cái tên đầy "thuật ngữ" âm nhạc như: "Gạch nhịp", "Phức điệu", "Tự khúc", "Biến tấu", "Điệu Romance cổ", "Bản giai hưởng bỏ dở"... Nếu coi mỗi thể thơ như một thứ nhạc cụ, thì Tấn Phong đã sử dụng được thành thạo khá nhiều loại (trừ có thơ lục bát là loại thơ anh ít viết, và khi viết thường tỏ ra lúng túng). Bởi vậy, muốn thổi trêu ai đó một điệu "kèn" cổ xưa một chút, anh có ngay: "Găn gắt tím thu không nhường đông lạnh/ Chờ nhạn về tiếp nối mạch Tràng giang/ Ngóng mong manh chim xanh bay về ngàn/ Trống ngác ngơ mây vương phương trời lặng" (Đọc thơ G). Hoặc là cần du dương, thậm chí còn "du dương" hơn "Tỳ bà" của Bích Khê. Thực tế là bài "Tỳ bà" tuy tác giả bố trí ở cuối câu toàn thanh bằng, nhưng có chen cả những chữ mang dấu huyền, còn của Tấn Phong thì toàn bộ là những chữ không dấu. Vì dám chơi "ngặt" như thế, nên bài của anh chỉ dám kéo dài đến 8 câu, đó là bài "Tự sự số 2": "Tàn vui đọng lời em, đèn lên/ Đêm nhẩn nha bỏ neo con tàu chen/ Say bài ca say mùi hương, nhạt men/ Đường dâng mịt mù sương hoa thảo miên". Cái sáng tạo ở đây chính là phải làm sao vừa được phần nhạc mà không mất phần lời. Và ở khổ thơ đầu như vậy là vừa đẹp. Ấy thế nhưng sang đến khổ thứ 2, khi tác giả tỏ ra quá ư "phóng túng" mà đặt bút viết: "Hai vai đeo đời xanh bay vòng quanh" thì tôi bắt đầu cảm thấy có một cái gì đó hơi "gai gợn". Trò chơi này rất khó. Nhiều khi tưởng là được mà hóa ra mất hết. Phải thật cảnh giác. Nhất là khi sự "tưởng như sáng tạo" này không nằm trong từ trường cảm xúc của anh.

Bây giờ có lẽ xin được chuyển sang phần cuối cùng: Ấy là đôi lời về mảng thơ tình của Tấn Phong. Một nhà văn lớn đã từng nói rằng: Ứng xử với phụ nữ - đó là biểu hiện cao nhất của văn hóa người đàn ông. Đọc một số bài như "Nợ", "Trước quảng trường thành phố", "Tình ca" (khúc "Cầu và cây"), và "Têhêran - 43"... của Tấn Phong, ta thấy anh đã biết bỏ đi những lời lẽ to tát, những sáng tạo vô bổ, lời thơ trở nên dung dị trước một tình thơ cảm động. Đặc biệt là mấy bài thơ anh tặng vợ. Điều này cho thấy: Tình thực bao giờ cũng làm nên những bài thơ này. Và cho thấy trái tim anh không phải là không có mắt

P.K.
.
.