Nhà thơ Phạm Quốc Ca: Khắc khoải một nỗi quê
1.Những ký ức không phai
Trong các kỉ yếu truyền thống của Trường cấp III Diễn Châu 2 luôn có hình ảnh cậu học trò nghèo Phạm Quốc Ca từng hai lần đoạt Giải Nhất thi học sinh giỏi môn Văn của tỉnh Nghệ An (1964 và 1970), đã được Bác Hồ tặng huy hiệu (1965). Con đường vào Đại học rộng mở sau Giải Nhất văn lớp 10 của tỉnh Nghệ An, nhưng Phạm Quốc Ca đã cùng các bạn lên đường nhập ngũ (21-4-1970).
Người chiến sĩ trẻ mang theo trong ba lô những kỷ niệm quê hương cùng với tập 2 cuốn tiểu thuyết "Chiến tranh và hòa bình" của Văn hào Nga Lev Tolstoy. Người chiến sĩ trẻ có trái tim lãng mạn và ước mơ cháy bỏng trở thành nhà thơ được sung vào Tiểu đoàn 28 đặc công, Sư đoàn 9, chiến đấu ở Campuchia và Đông Nam Bộ.
Phạm Quốc Ca đã tham gia Chiến dịch Đường số 6 (Công pông Thom Campuchia), 1971; Chiến dịch Nguyễn Huệ (Bình Long), 1972 và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh, 1975. Vậy là anh đã có hơn năm năm trời lăn lộn với chiến trường cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Dưới bom đạn kẻ thù, người lính yêu văn chương đã thầm lặng viết những bài thơ vào sổ tay. Bài thơ đầu tiên được công bố là bài Trong hầm vây ép, in năm 1972 trên tập san Dũng sĩ của Sư đoàn 9. Năm đó nhà thơ tương lai tròn hai mươi tuổi: "Chúng tôi ở trong hầm vây ép/ Tầm tã mưa trời và mưa sắt thép/ Toàn thân nhuộm đỏ đất quê hương/ Nhìn nhau thêm gần gũi thân thương"...
Khi Phạm Quốc Ca từ chiến trường về học Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp, Khóa 22 (1977-1981), tôi đã có dịp đọc bài thơ đầu tiên của anh được in ở Hà Nội trên báo Độc lập vào cuối năm 1979. Đó là thi phẩm đầy chất lính, vẫn còn ám ảnh mùi khói súng: "Hoàng hôn màu lửa".
Sau đó, anh đều đặn xuất hiện trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đề tài chiến đấu giải phóng đất nước thường xuyên xuất hiện trong các tập thơ của Phạm Quốc Ca. Đặc biệt là những vần thơ viết trong và ngay sau chiến tranh như: "Từ cánh cổng hố bom" (1970); "Mùa xuân ở chốt" (1972); "Cửa rừng" (1975)… Trong chuỗi ký ức nóng bỏng ấy nổi bật thi phẩm "Viết trong ngày giỗ anh". Với bài thơ này Phạm Quốc Ca đã đoạt Giải Nhất trong Cuộc thi thơ về đề tài Thương binh, liệt sĩ của Hội Văn nghệ TP Hồ Chí Minh năm 1984.
Trước đó, hồi còn là sinh viên, những bài thơ về chiến tranh của anh cũng đã từng được giải thưởng cao: hai Giải Nhì báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh cho các bài: "Gửi bạn bè lên biên giới Bắc" (1980) và "Từ cánh cổng hố bom" (1981).
Gặp lại anh, tôi không thể nào không nhớ lại những câu thơ xúc động tưởng nhớ anh trai, liệt sĩ Phạm Văn Cừ đã hy sinh trên chiến trường Tây Ninh năm 1969: "Em đã tìm anh suốt những cánh rừng/ Chi chít dòng tên khắc vào thớ gỗ/ Anh nằm lại nơi đâu?/ Bốn phương trời khói lửa/ Tiếng bom nào như cũng dội nơi anh".
Tôi ngồi lặng đi nghe tác giả đọc những câu thơ chan chứa tình thương anh, thương mẹ: "Giờ có đêm mẹ mơ thấy anh về/ Rồi choàng dậy bàng hoàng bật khóc/ Em cứ đợi điều không còn có được/Một đêm kia tiếng gõ cửa anh về". Đúng như anh nói về điều không còn có được, nhưng ước vọng mãi mãi thẳm sâu trong lòng người thi sĩ, như một hoài vọng không cùng. Những câu thơ của Phạm Quốc Ca sau này đều như thế, đầy ước vọng và thấm đẫm tình người.
Anh đã viết nhiều bài thơ xúc động về người mẹ nghèo xứ Nghệ. Đồng nghiệp thường nhắc những câu thơ thương mẹ của anh: "Những năm con đánh Mỹ chốn rừng sâu/ Mẹ lạnh ướt bao mùa mưa ở đó/ Dõi mắt phương con, ì ầm tiếng nổ/ Lòng mẹ ngày nào cũng bị ném bom...". Phạm Quốc Ca đã mang theo những ký ức nóng bỏng và đầy bi tráng ấy lên Đà Lạt. Anh trở thành giảng viên Trường Đại học Đà Lạt từ tháng 11-1983.
2.Tình yêu và nỗi niềm xa xứ
Tính cho đến nay anh đã trở thành công dân Đà Lạt được 33 mùa hoa quỳ vàng. Nhưng tâm hồn thi nhân luôn luôn khắc khoải những ký ức quê hương, nơi con sông Bùng in bóng làng nhỏ Thọ Khánh với bao hình ảnh thân thương: "Nhớ hun hút những ngày gió bấc/ Mưa bay mờ mịt cánh đồng/ Cây rơm ướt bên hàng xoan trụi lá/ Con bò gầy rút từng sợi mùa đông"...
Nỗi nhớ mẹ, nhớ chị, nhớ mái nhà yêu dấu từ thuở ấu thơ luôn day dứt trong anh. Cho dù đang có một tổ ấm hạnh phúc nhưng trái tim nhà thơ vẫn luôn luôn thổn thức với những ký ức xa xưa. Tất cả tràn vào thơ Phạm Quốc Ca với những cảm xúc trĩu nặng, đau đáu hồn quê.
Đọc các tập thơ "Tiếng trầm", "Làng trong nỗi nhớ", "Chân trời mở", "Những cánh rừng những bài ca" hay "Thơ viết trong Album" ta đều gặp những cung bậc cảm xúc hướng về quê cha, đất tổ. Tập thơ nào ta cũng gặp những bài sâu nặng tình quê như: "Bên mồ mẹ", "Căn nhà để lại", "Thăm chị", "Chợt thức với tiếng gà", "Làng trong nỗi nhớ", "Bạn thơ", "Bình minh con sẽ lên đường".
Ngay cả những thi phẩm về tình yêu như: "Mưa xuân", "Đà Lạt có em", "Vầng trăng giao liên"…cũng đều gắn với hình ảnh xóm làng và lòng thương nhớ của một người con xa xứ.
Phải chăng thơ là nguồn mạch cảm xúc để giải thoát những u hoài trong tâm hồn thi sĩ xứ sở sương mù này. Đặc biệt thơ tình của Phạm Quốc Ca đã bày tỏ rất nhiều điều ẩn chứa trong tim. Lắng đọng và sâu sắc biết bao tình yêu với người con gái quê hương bốn mươi năm qua là vợ nhà thơ.
Nhà thơ Phạm Quốc Ca bên tủ sách của mình. |
Đáng chú ý, thơ tình của Phạm Quốc Ca nổi bật lên những liên tưởng bất ngờ: "Anh yêu em/Anh yêu em nóng rực/ Như nhốt gió trong tim/ Như cháy lửa trong người…", hoặc: "Yêu em/Dường như anh đã đánh mất hồn mình/ Gặp bạn quên chào/ Đi đường quên ngõ…" (Tiếng trầm).
Khi đưa vợ lên Đà Lạt để được sum họp gia đình, nhà thơ bâng khuâng ngỡ như là một giấc mơ: "Mái nhà đôi chim chung tổ/ Ba gian thương nhớ của em/ Mỗi năm mấy ngày nghỉ phép/ Còi tầu thảng thốt ga đêm…/Anh đưa em về Đà Lạt/ Thực mơ thành phố cao nguyên/ Dưới tháp sao Trường Đại học/ Có căn phòng nhỏ chúng mình" (Đà Lạt có em). Vắng em, cả trời đêm Đà Lạt trống vắng, nhớ mong: "Đêm xa em đêm trắng, đêm trong/ Khói thuốc lên xanh, vấn vương sợi nhớ/ Tro tương tư đầy trắng gạt tàn" (Vắng em).
Thơ tình của anh vừa thanh thoát, lãng mạn dành cho tình yêu của mọi lứa đôi vừa gần gũi tình vợ chồng của hai con người đã chung vượt gian khó. Trò chuyện với tôi, những ký ức không thể phai nhòa trong anh từ những năm tháng vất vả hiện về.
Như nhiều cán bộ, công nhân viên thời bao cấp, anh cũng phải phải nuôi gà, nuôi lợn, trồng su su... để có thêm thu nhập. Kể cả khi được sang Nga để làm Thực tập sinh (1990), những lúc cô đơn nơi xứ xa, nhà thơ vẫn chỉ nghĩ về người vợ thân yêu đã bao năm gắn bó: "Không có em/ Anh là kẻ lạc loài trên xứ bạn/ Dù hoa Chiu-pan nở đỏ công viên/ Những đỉnh tháp mạ vàng ánh lên hoan lạc/ Thành phố chín triệu người nhưng không có em!"... (Ngày về).
Hạnh phúc trong quan niệm của anh thật giản dị. Đó là được làm công việc yêu thích: Giảng dạy, sáng tác văn chương và một mái ấm: "Thành phố như tranh trước cửa/ Đầu hè chim thức bình minh/ Ta đón hoa về chung ở/ Vườn xanh rau cải, rau dền…" (Đà Lạt có em).
3. Căn nhà để lại
Cuộc sống nơi Thành phố Hoa Đà Lạt cho dù êm đềm, tốt đẹp nhưng trong lòng nhà thơ tình thương nhớ quê hương vẫn day dứt không nguôi. Hiện gia đình Phạm Quốc Ca đang ở trong một ngôi nhà khang trang mặt phố Lý Nam Đế nhưng chẳng khi nào nhà thơ nguôi quên ngôi nhà nhỏ gắn với tuổi thơ ở quê nhà.
Đó cũng là nơi chốn gắn với kỷ niệm tình yêu: "Tôi để lại làng dừa Thọ Khánh/ Dòng sông trăng nơi tôi yêu em". Đó cũng là nơi sinh thời mẹ đã sống trong thương nhớ hai đứa con trai ngoài mặt trận. Xúc động đến nao lòng khi đọc những câu thơ: "Tôi để lại căn nhà cho vắng lặng/ Đêm đêm trăng dãi vườn không/ Bao tiết Thanh Minh không về thắp hương mồ mẹ/ Thương những chiều vàng vọt hoàng hôn" (Căn nhà để lại).
Và, căn nhà để lại nơi làng nhỏ ven sông Bùng ấy đã trở thành biểu tượng cho tình yêu quê hương đến khắc khoải của một nhà thơ được sinh ra nơi xứ Nghệ.