Người nghệ sĩ nhiều lần đóng vai Hoàng đế Quang Trung

Thứ Năm, 01/02/2018, 09:35
Nhắc đến NSND Minh Ngọc, người ta nhớ ngay đến một kép chính tài sắc của tuồng Bình Định, nhớ đến một nghệ sĩ nhiều lần vào vai Hoàng đế Quang Trung cả trong tuồng lẫn sân khấu lễ hội; nhớ đến một thợ làm hia tuồng “độc nhất vô nhị” ở xứ Nẫu. Gần 40 năm qua, tình yêu với tuồng của anh cứ lặng lẽ đắp bồi...


1. NSND Minh Ngọc tên thật là Đặng Minh Ngọc, sinh năm 1963, trong gia đình có mẹ vốn là một đào hát không chuyên ở xã Cát Trinh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Yêu tuồng, anh tham Đoàn tuồng Đồng Ấu xã Cát Trinh từ bé, năm 1979, anh đoạt giải Ba tại Hội thi Tiếng hát hay các đoàn nghệ thuật tuồng không chuyên toàn tỉnh và sau đó được mời về làm diễn viên tại Đoàn tuồng Nghĩa Bình (nay là Nhà hát tuồng Đào Tấn) mà không cần phải trải qua trường lớp nào.

Minh Ngọc diễn khá đa dạng, tướng có, lão có, hề có… nhưng sở trường vẫn là kép võ. Những vai này thường là những vai tính cách nên vừa phải múa nhiều lại thêm biểu diễn nội tâm, bởi thế, mỗi lần vào vai là mỗi lần anh phải đổ bao công sức vào tập luyện.

Nhiều người trong Nhà hát tuồng Đào Tấn còn nhớ, có lần tập đoạn lão tướng Trần Dĩnh tự tử trong vở “Nỗi oan tình”, anh đã nhập vai đâm cả kiếm gỗ vào bụng, chảy máu. Hàng chục Huy chương Vàng mà anh gặt hái được tại các hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc trong gần 40 năm qua chính là những phần thưởng xứng đáng cho con đường lao tâm khổ tứ đó.

NSND Minh Ngọc là thợ làm hia tuồng “độc nhất vô nhị” ở Bình Định.

Và anh đã thực hiện được tâm niệm đó trên sân khấu qua các vai diễn. Có thể kể đến những vai diễn tiêu biểu làm nên “thương hiệu” Minh Ngọc: Nguyễn Huệ vở “Đêm sáng phương Nam”, Chu Du vở “Nhị khí Chu Du”, Nguyễn Đồ vở “Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc”, Thạch Sanh vở “Thạch Sanh”, Ngô Quyền vở “Đường kiếm Ngô Quyền vương”, Đổng Kim Lân vở “Sơn Hậu”, Triệu Tư Cung vở “Ngọn lửa Hồng Sơn”, Hạng Vũ vở “Mộng Bá Vương”, Đào Duy Từ vở “Đi tìm chân chúa”, Ngô Khởi vở “Chung Vô Diệm”, Lữ Bố vở “Phụng Nghi Đình”, Mai Xuân Thưởng vở “Bông mai đỏ”, Lê Lợi vở “Sao Khuê trời Việt”, Li Sơn Du vở “Cội nguồn”…

Đặc biệt, nhắc đến vai Hoàng đế Quang Trung, người mộ tuồng Bình Định sẽ nhớ ngay đến NSND Minh Ngọc. Ở Bình Định, sau cố NSND Võ Sĩ Thừa và NSND Đình Bôi, anh là “truyền nhân” của vai này trong các vở tuồng lẫn các dịp lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Lần đầu thành công với vai Quang Trung tại Lễ hội 215 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2004) là cơ sở để anh “thống trị” hình tượng nhân vật này từ đó đến nay.

Theo nhận xét của người trong nghề, NSND Minh Ngọc không chỉ có khuôn mặt cương nghị, thể hiện được thần thái uy dũng của người anh hùng áo vải Quang Trung, mà còn thể hiện hình tượng người anh hùng này một cách thật gần gũi. Hơn nữa, anh đã có quá trình vào vai Quang Trung trên sân khấu tuồng. Quá trình ấy là chuỗi ngày khổ luyện của anh trong hai vở “Trời Nam” (Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1999) và “Mặt trời đêm thế kỷ”.

Thể hiện vai Quang Trung ở sân khấu tuồng, với NSND Minh Ngọc là vinh dự, đòi hỏi sáng tạo không ngừng. Theo anh, vào vai Quang Trung không phải chỉ là chuyển tải ý đồ nghệ thuật của kịch bản, tác giả mà phải tái hiện Quang Trung sao cho giống, sao cho vừa uy dũng vừa thân thuộc để bà con chấp nhận.

“Ngoài đọc các sử sách miêu tả về ngoại hình, tướng mạo, phong thái; nghiền ngẫm về cuộc đời, tính cách, rất nhiều lần tôi đã đứng lặng ngắm trước tượng anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ để lòng dâng lên bao khát khao được hóa thân vào”, NSND Minh Ngọc chia sẻ.

2.Sau ánh đèn sân khấu, trở về cuộc sống đời thường, NSND Minh Ngọc lại cần mẫn với công việc “độc nhất vô nhị” ở Bình Định mà mình gắn bó đã gần 20 năm, đó là làm hia tuồng. Toàn bộ hia mà nghệ sĩ Nhà hát tuồng Ðào Tấn và nhiều diễn viên tuồng không chuyên trong tỉnh mang biểu diễn đều được làm nên từ bàn tay khéo léo của anh. Thú vị hơn, ẩn sau những đôi hia tưởng chừng nhỏ nhặt là một thông điệp, lời giới thiệu về nét đặc sắc riêng của tuồng Bình Ðịnh.

NSND Minh Ngọc (phải) trong vai Nguyễn Huệ vở “Đêm sáng phương Nam”.

Từ năm 2000 trở về trước, Nhà hát tuồng Đào Tấn đều mua hia ở Huế để sử dụng biểu diễn. Tuy nhiên, khi ông La Cháu - một nghệ nhân ở Huế chuyên cung cấp hia cho các nhà hát tuồng ở miền Trung qua đời thì nhiều đoàn tuồng không biết tìm đâu ra hia cho diễn viên. Sẵn có năng khiếu về nghề mộc, nghề may, cộng với ký ức đẹp về hình ảnh đôi hia từ những ngày mới chập chững vào nghề và nhu cầu thực tế của Nhà hát tuồng Đào Tấn, anh thử sức với công việc “bếp núc” trong nghề khá đặc biệt này.

 “Trên cơ sở mẫu mã hia từ Huế đã quen sử dụng trước đó, tôi biến tấu một chút về thông số, kỹ thuật, kiểu dáng; tuy khó đi hơn nhưng đúng chất hia Bình Định. Đôi hia đầu tiên làm ra, tôi mang đến nhờ NSND Võ Sĩ Thừa duyệt. Ông cụ đi qua đi lại mấy vòng, vuốt râu, dậm chân xuống sàn, xoay, trụ một chân, sau đó gật đầu bảo: Được, được. Đây đúng là hia phong cách Bình Định”, NSND Minh Ngọc nhớ lại.

Theo NSND Minh Ngọc, diễn viên tuồng Bình Định vốn được bạn trong nghề cả nước nể phục ở kỹ thuật đi hia và nghệ thuật biểu diễn hia đẹp. Hia tuồng sản xuất ở một số nơi, ngay cả ở Huế có đế bằng, độ cao chỉ khoảng 2 - 3 phân, mũi hia hơi hất lên chứ không cong vút. Hia Bình Định cao từ 5 phân, hia cho những diễn viên hạn chế về chiều cao còn cao hơn, mặt tiếp xúc đất chỉ chiếm một khoảng rất nhỏ ở giữa đế chừng 2 phân, mũi hia cong vút như mũi thuyền.

“Hia Bình Định được đánh giá là đôi hia “lanh”. Đi hia luôn là thử thách ghê gớm đối với diễn viên tuồng mới vào nghề. Nhưng khi chinh phục được những đôi hia này rồi, nó lại giúp cho động tác biểu diễn linh hoạt, vũ đạo đẹp mắt hơn. Hia Bình Định phải luôn đứng, đi bằng gót. Chính vì mặt tiếp xúc nhỏ nên khi làm các động tác xoay, bê, xiến, lỉa rất nhanh, lướt, đẹp. Hia làm bằng củ tre ngà, khi dậm chân xuống sàn sân khấu gỗ tạo âm thanh ấm, vang”, NSND Minh Ngọc giải thích.

Bây giờ, hia tuồng do NSND Minh Ngọc làm không chỉ cung cấp cho nghệ sĩ tuồng trong tỉnh Bình Định mà các địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thanh Hóa… cũng tìm tới đặt hàng. Ý nghĩa hơn cả là không chỉ bạn trong nghề biết đến hia “made in Binh Dinh” mà qua đó đã phần nào khôi phục được kiểu dáng cũng như phong cách hia tuồng Bình Định bị gián đoạn trên sân khấu tuồng một thời gian khá dài.

NSƯT Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn chia sẻ: “Mỗi khi diễn, NSND Minh Ngọc luôn cháy hết mình trên sân khấu, cống hiến những vai diễn thăng hoa cho người xem. Danh hiệu NSND mà Nhà nước phong tặng năm 2012 là sự khẳng định với những đóng góp của Minh Ngọc trên sân khấu tuồng chuyên nghiệp. Và người xem có thể hy vọng, với ưu thế của mình cùng với sự chịu khó học hỏi, người nghệ sĩ này sẽ còn gặt hái thêm nhiều thành công trên con đường nghệ thuật.

Không những vậy, anh còn hội đủ điều kiện từ góc nhìn nghệ thuật đến kỹ thuật chế tạo để có thể “ôm sô” trọn gói công đoạn hoàn thành một đôi hia, được hết thảy diễn viên tuồng tấm tắc hài lòng”.

Theo nghệ sĩ Thanh Thủy - người bạn diễn, bạn đời của NSND Minh Ngọc kể: “Nhớ có lần tập luyện ở nhà cho các vai trong vở “Sao Khuê trời Việt”, khi diễn đến đoạn có câu hát: Mơ màng sông nước cỏ cây/ Hồn linh quyện mãi đất này quê cha, thì tôi đặt hai tay quờ quạng xuống mặt đất.

Anh ngồi xem đã nhẹ nhàng góp ý: “Nếu là anh, anh sẽ rung hai tay và làm động tác như từ từ ôm đất vào lòng. Bởi như thế sẽ diễn tả tốt hơn trạng thái vừa đau đớn, xót xa trước thực tại nghiệt ngã, vừa chấp nhận cái chết nhưng ý chí, niềm khao khát được sống và chiến đấu cho dân tộc đã đưa nhân vật vượt lên trên cái chết để hóa thân vào mảnh đất quê hương”.

Phan Nhuận Phin
.
.