NSND Châu Loan: Giọng ca lay động hồn người

Thứ Tư, 08/11/2017, 08:05
Có một nữ nghệ sỹ với giọng hát và ngâm thơ đặc biệt của mình đã thuyết phục được bất cứ thính giả khó tính nào. Đặc biệt, bà còn được binh lính ở bên kia chiến tuyến rất ngưỡng mộ, từng ngẩn ngơ nghe bà hát. Không ít người trong số đó đã buông súng, tìm đường về với chính nghĩa, với quê hương. Bà là cố NSND Châu Loan (1926-1972), từng là một giọng ngâm thơ, ca Huế xuất sắc, số 1 trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN).


Nhớ lại, suốt một chặng đường dài từ sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc (1954) đến khi qua đời (24/12/1972), gần 20 năm, giọng hát của bà hầu như chiếm lĩnh làn sóng dân ca và ngâm thơ trên Đài TNVN. Đặc biệt trong các chương trình dân ca miền Trung, nhất là ca Huế thì không ai có thể thay thế. Giọng bà trường hơi, âm vang, ngọt lịm, uyển chuyển, nhẹ nhàng mà sâu sắc, hát, ngâm mà cứ như không.

Có cảm giác bà cất giọng là đã giàu nhạc điệu và ngân vang, mặc dù ca Huế với những điệu hò mái nhì, mái đẩy không đơn giản, người hát mất sức hơn những bài dân ca các vùng miền khác. Bà đã thu thanh hàng ngàn bài gồm dân ca Bình-Trị-Thiên và ngâm thơ.

Nếu Trần Thị Tuyết là nghệ sỹ ngâm thơ giọng Bắc hay nhất thì Châu Loan ngâm giọng miền Trung đứng ngôi đầu. Những bài thơ nổi tiếng như "Bầm ơi", "Mẹ Suốt", "Mẹ Tơm" (Tố Hữu), "Quê hương" (Giang Nam), "Kết nạp Đảng trên quê mẹ" (Chế Lan Viên), "Đêm nay Bác không ngủ" (Minh Huệ), "Nhớ con sông quê hương" (Tế Hanh)… qua giọng ngâm của Châu Loan đã in sâu vào tâm khảm hàng triệu thính giả. Sinh thời, Bác Hồ rất quý và thích nghe Châu Loan hò Huế.

Lần nào có văn nghệ vào phục vụ Bác tiếp các đoàn khách nước ngoài, không có Châu Loan, Bác cũng nhớ đến và hỏi thăm. Bác nói nghe Châu Loan hát, đã nhớ lại những năm tháng đầy kỷ niệm không thể nào quên ở Huế. Ta biết với Bác, nếu Nghệ An là quê hương thứ nhất thì Huế chính là quê hương thứ hai. Nơi đây đã hun đúc nên chí khí yêu nước, cách mạng để Người quyết định sẽ vào Sài Gòn vượt đại dương đi tìm đường cứu nước vào năm 1911.

Về sự thuyết phục đặc biệt của giọng hát Châu Loan, có một chuyện cảm động khiến tôi không thể quên. Năm 1980, trong một lần vào Sài Gòn công tác cả tháng, tôi cắt tóc ở một tiệm nhỏ. Người thợ là thương binh, một chân giả, hơn tôi chừng dăm, bẩy tuổi, có gương mặt khắc khổ, lam lũ nhưng trông hiền, dễ mến, đặc biệt là rất xôm chuyện. Anh cắt tóc rất kỹ, thời gian phải tới gần một giờ. Thấy tôi nói tiếng Bắc, lại có vẻ “nghệ sỹ”, anh cất lời:

- Coi anh có vẻ nghệ sỹ. Anh hoạt động gì?

 Tôi nói mình vừa là nhạc sỹ, vừa là nhà báo.

- Vậy anh có biết nghệ sỹ Châu Loan không?

- Có chứ. Đó là một nghệ sỹ rất nổi tiếng, dân văn nghệ chúng tôi không thể không biết. Nhưng chị ấy qua đời rồi, đúng dịp Nô-en năm 1972.

Tôi thấy người thợ có chút nghĩ ngợi một cách không bình thường khi tôi nói người nữ nghệ sỹ tài danh đã mất được gần chục năm (đến lúc đó -1980). Lại nghe giọng của anh trọ trẹ đúng người xứ Vĩnh Linh (Quảng Trị), tôi hỏi:

- Anh hình như cũng quê Quảng Trị?

- Vâng. Nhưng tôi bên bờ Nam.

Ngày ấy, theo Hiệp định Giơnevơ, sau năm 1954, nước ta tạm thời chia làm 2 miền. Từ vĩ tuyến 17 trở ra (ranh giới là sông Bến Hải ở Vĩnh Linh) là đất của ta. Từ đó trở vào do chính quyền của Ngô Đình Diệm kiểm soát. Như vậy tức là quê người thợ cắt tóc nằm trong khu vực của chính quyền đối phương. Anh ta kể tiếp:

- Anh nhắc đến nghệ sỹ Châu Loan, tôi lại nhớ đến kỷ niệm buồn của đời tôi. Số là quê tôi nằm ở bờ Nam sông Bến Hải. Ngày ấy – khoảng năm 1958 -1960 –tôi là một chàng trai 18 tuổi, đến tuổi phải đi quân dịch. Cứ ngày ngày, dân quê tôi luôn đón chờ những chương trình ca nhạc do Đài bên phía Bắc (tức là Đài TNVN của chúng ta) phát đi trên hệ thống loa truyền thanh (ngày đó, chúng ta bắc loa có công suất lớn quay sang phía bờ Nam để bà con nghe - NĐS).

Đặc biệt chúng tôi thích nghe những bài dân ca Quảng Trị, hò Huế và ngâm thơ của một nữ nghệ sỹ có giọng đặc sệt vùng quê mình. Sau đó, chúng tôi được biết đó là nghệ sĩ Châu Loan, quê chị đúng là ở Vĩnh Linh, Quảng Trị - tức là cùng quê với chúng tôi. Dân quê tôi lấy làm tự hào, kiêu hãnh lắm. Hôm nào vắng giọng ca của chị là chúng tôi thấy thiếu hụt lớn.

Riêng bản thân tôi, đến lúc bị gọi đi quân dịch đã tìm mọi cách trốn. Lý do phần vì không muốn chết một cách uổng phí bởi cha mẹ tôi chỉ sanh được mình tôi là con trai, phần vì nếu đi không biết sẽ phiêu bạt nơi đâu, chắc chắn sẽ không bao giờ được nghe Châu Loan hát trên loa phóng thanh nữa. Mà khi ấy, tôi như đã nghiện nghe giọng của chị ấy.

NSND Châu Loan thời trẻ.

Thế là sau đó, chính quyền tóm được tôi, bỏ tù một thời gian. Ra tù, tôi bị tống vào lính. Tôi vẫn đóng quân ở khu vực bên này sông Bến Hải, vẫn luôn được nghe Châu Loan hát từ những chiếc loa bên bờ Bắc vọng sang. Bọn tôi nghe mà thấy rệu rã, chỉ muốn buông súng về với dân làng. Nhưng chỉ huy họ quản rất gắt gao. Tôi mà trốn lần nữa chắc sẽ bị tù chung thân. Rồi đến mùa hè năm 1972, tôi bị thương, cụt một chân ở mặt trận Quảng Trị, bên bờ sông Thạch Hãn, được giã từ quân ngũ. Tôi vào Sài Gòn nương tựa một người bà con, sống lay lắt đến ngày 30/4/1975.

- Sau 30-4-1975, anh có phải đi học tập cải tạo như các đồng đội?

- Tôi bị cụt chân, lại không phải là sỹ quan nên được miễn.

- Và anh cũng không di tản ra nước ngoài?

- Không bao giờ tôi có ý nghĩ sẽ sống ở đâu ngoài Việt Nam. Hơn nữa, tôi nghèo, làm sao có thể đi. Còn một lý do nữa: Tôi đặc biệt thích nghe Châu Loan ca Huế và hát dân ca Quảng Trị.  Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn được nghe chị Châu Loan hát trên đài đấy chứ.

- Vâng, vì chị ấy hát và ngâm thơ cả nghìn bài trên làn sóng. Giờ thi thoảng Đài vẫn phát lại. Nghệ sỹ có hạnh phúc hơn người khác ở chỗ đó. Qua đời rồi mà tiếng hát vẫn còn mãi.

Từ lần đó, tôi có thêm một người bạn ở Sài Gòn. Giờ đây, người thợ cắt tóc đã gần 80 tuổi, già yếu nhiều nên đã bỏ nghề. Một vật dụng luôn kề bên anh là chiếc đài nhỏ chỉ để nghe ca nhạc. Anh luôn mong được nghe lại giọng hát có một không hai của Châu Loan. Không biết ở nơi suối vàng, bà có biết câu chuyện này?

Châu Loan sinh năm 1926, quê ở làng Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Xã này đến nay có 20 người được phong danh hiệu NSND và NSƯT. Có lẽ là xã đứng đầu cả nước về số lượng nghệ sỹ tài năng? Bà là “con nhà nòi” khi có người cha là một nghệ nhân nổi tiếng trong vùng về ca Huế và chơi nhiều nhạc cụ cổ truyền. Cụ có thời gian dài ngồi dàn nhạc cung đình Huế. Châu Loan là chị cả. Bà có hai em gái cũng đều hát hay. Riêng Châu Loan ngay từ năm 15 tuổi đã theo nghề cầm ca, cùng cha vào Huế đàn hát kiếm sống.

Năm 1947, 21 tuổi, bà theo cha ra Bắc làm việc ở Đài Phát thanh Pháp Á. Năm 1954, bà đã không nghe theo lời của những phần tử phản động dụ dỗ di cư vào Nam mà kiên quyết ở lại Hà Nội để cống hiến tiếng hát cho cách mạng. Bà vào làm việc ở tổ dân ca miền Trung của Đài TNVN. Trong thời gian ra Bắc hoạt động, Châu Loan quen rồi nên duyên với ông Nguyễn Văn Tư trước cách mạng là một giáo viên nổi tiếng ở trường tư thục Hà Đông. Sau năm 1954, ông làm cán bộ quản lý ở bệnh viện Vì dân (sau này là bệnh viện Bạch Mai).

Tôi nhớ vào năm 1969 gì đó, lúc này Đài TNVN cũng đã trở về 58 phố Quán Sứ sau nhiều ngày tháng đi sơ tán. Một lần tôi đến Đài chơi với nhạc sỹ Lê Lôi khi đó là Phó Ban biên tập Âm nhạc. Đang ngồi thì có một chị xuất hiện, nói tiếng miền Trung. Lê Lôi giới thiệu đó là nghệ sĩ Châu Loan.

Vốn ngưỡng mộ chị từ trước nên tôi nhanh chóng làm quen và bày tỏ ý muốn theo học chị cách ngâm thơ giọng miền Trung (tôi đã ngâm giọng miền Bắc nhiều). Chị yêu cầu tôi ngâm thử một bài giọng Bắc. Tôi ngâm xong, chị khen hay nhưng nói: “Em hãy cứ ngâm giọng Bắc, không việc gì phải bắt chước giọng miền Trung. Không quê ở trong đó thì không thể ra được đúng chất. Người mọi nơi không phát hiện ra chứ bà con trong đó nghe sẽ biết ngay, dù người ngâm có khéo đến đâu”. Tôi nhớ mãi lần duy nhất được gặp Châu Loan như thế.

Sau chị, có nhiều người cũng ca Huế, ngâm thơ giọng Trung. Nhưng tôi chưa thấy ai bằng được chị chứ chưa nói vượt. Hình như trong ca Huế, chưa có hiện tượng “con hơn cha”.

Nguyễn Đình San
.
.