Người họa sĩ có nhiều cái “nhất”

Thứ Năm, 21/09/2017, 15:17
Họa sỹ Tô Ngọc Thành là con trai của danh họa Tô Ngọc Vân. Ông có bộ sưu tập giải thưởng thuộc hàng đáng nể: Giải nhất Họa sỹ phim hoạt hình cắt giấy “Ông Trạng thả diều”. Giải Đặc biệt của báo chí Liên Xô. Giải thưởng Bìa sách và Minh họa đẹp cho thiếu nhi 1982 – 1983. Giải nhất đồ họa toàn quốc (1975 – 1985)…


Có tranh lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Châu Á – Thái Bình Dương (Ba Lan), Bảo tàng Phương Đông (Liên Xô cũ)  và các bộ sưu tập tư nhân nhiều nước trên thế giới. Tô Ngọc Thành cũng chính là họa sỹ vẽ minh họa cho bộ truyện tranh: “Ông Trạng thả diều”, “Chàng lười”; “Con cò; “Nàng trăm sắc”; “ Sự tích dưa hấu”; “Cây khế”; “Sự tích con dã tràng”… và hàng trăm minh họa trên sách báo, đặc biệt sách của NXB Kim Đồng.

Ngoài vẽ tranh, Tô Ngọc Thành còn làm thơ. “Sớm mai êm”, tập thơ, NXB Hà Nội, 1991; “Dải bờ xa”, tập thơ, NXB Văn học 1995; “Nụ hoa xuân”, tập thơ, NXB Văn học - 2000. Viết nhiều bài bình luận nghệ thuật hội họa, giới thiệu chân dung đồng nghiệp Việt Nam và nước ngoài trên báo, được tập hợp in trong cuốn “Thế giới qua những bức tranh”; “Nghệ sỹ với cái đẹp” – NXB Mỹ thuật và 3 tập “Người cùng thời” – NXB Văn hóa. Làm nhiều lĩnh vực nhưng với Tô Ngọc Thành, hội họa mới là thứ ông say mê hơn hết, theo đuổi cả cuộc đời.

Họa sĩ Tô Ngọc Thành.

Tô Ngọc Thành chọn tìm mình trong ngôn ngữ của hình khối và màu sắc, thể hiện cảm xúc của mình trong tranh bột màu, thuốc nước, sơn mài, khắc gỗ, lụa… nhưng sơn dầu là nhiều hơn cả. Đó cũng là sở thích của ông, vì nó thuận tiện trong việc ghi cảm xúc trực tiếp, bộc lộ được tình cảm. Nhiều họa sĩ tên tuổi nhận xét, Tô Ngọc Thành thành công ở tranh sơn dầu, bút lực nhiều năng lượng, thể hiện được chất trữ tình, mơ mộng, có vẻ đẹp tươi sáng rực rỡ.

Tô Ngọc Thành đi nhiều và vẽ nhiều, những bức tranh đậm dấu chân ông ở mỗi vùng quê: "Sông Đà năm ấy", "Thiếu nữ Sài Gòn", "Buổi sáng ở Mai Châu", "Phong cảnh nông thôn", "Bái Tử Long", "Cố đô Huế", "Hoa Đà Lạt", "Đường đi Mường Khương"... với nhiều thể loại: chân dung, phong cảnh, sinh hoạt đời thường…

Xem triển lãm của Tô Ngọc Thành, nhà điêu khắc Dương Đăng Cần viết: “Tôi yêu tranh anh bởi nó không nhàm, không theo một lối mà đa dạng”. Nguyễn Lương Hùng, Viện Bảo tàng Mỹ thuật có nhận xét: “Tranh anh đầy phóng túng và sáng tạo”. Còn nhiều những lời khen của các đồng nghiệp về tranh của ông có nét riêng sâu lắng… Đa số khán giả đến với phòng tranh đều có nhận xét xem tranh của Tô Ngọc Thành thấy cuộc sống đáng trân quý hơn.

Họa sĩ Tô Ngọc Thành đi sâu vào các đề tài ở vùng cao. Những bản làng, chợ phiên, dốc núi, mái nhà sàn của những người dân tộc thiểu số hiện lên ấm áp, gần gũi. Ông yêu mảnh đất Sapa nên thường mang bút vẽ lên mảnh đất này… Lần nào gặp ông trên Sapa cũng thấy ông trải đồ vẽ ở đâu đó trước thiên nhiên, mải mốt suy ngẫm và vẽ. Ông vẽ như đang thiền định trong không gian nhộn nhịp của phố phường thị trấn du lịch miền sơn cước nổi tiếng này.

Có lần tôi đến chơi với ông ở nhà nghỉ, Sapa mát lạnh 20 độ C, vậy mà Tô Ngọc Thành xoay trần đánh vật với cây cọ. Ông ngồi vẽ như bị thôi miên, như lên đồng, không kể giờ giấc. Nhìn lướt qua mấy món thức ăn khô sơ sài như mẩu bánh mì, chai nước suối trên ghế chuẩn bị cho những cuộc vẽ thâu ngày đủ biết ông tận hiến cho công việc như thế nào.

Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm Tô Ngọc Thành vẽ hàng trăm bức về Sapa. Năm 2005, ông tổ chức triển lãm cá nhân: “Tranh vẽ về Sa Pa” mở đầu cho loạt triển lãm tranh về Sapa những năm sau được tổ chức ở Đà Lạt, Sài Gòn, Hà Nội với các tên gọi “Ấn tượng Sapa”; “Cuộc đời vẫn đẹp sao”; “Sapa mây trắng bay”; “Tình yêu là mãi mãi”; “Thiên đường Sapa” và gần đây nhất, năm 2016 là triển lãm “Duyên nợ với Sapa” tại nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Trong tranh về Sapa, những người phụ nữ dân tộc thiểu số đứng ngồi bên cây Samu, nhà thờ cổ, sân quần ngựa… có vẻ đẹp dung dị. Họ hiện lên với vẻ mộc mạc, cùng những bộ váy áo nguyên sơ rực rỡ sắc màu, vừa bán hàng vừa tranh thủ se lanh, cho con bú, thêu thùa, chuyện trò… trông mới đằm thắm. Ở Sapa, nói đến Tô Ngọc Thành, nhiều người biết tiếng. Người sưu tầm mua tranh, cả Việt Nam và ngoại quốc khi tìm đến anh họ đều gọi anh với biệt danh kép là “Thành Sapa”.

Sapa quả là thiên đường đối với Tô Ngọc Thành để ông thả hồn mình vào những bức tranh. Ông cho biết, muốn vẽ Sapa đẹp phải có cảm xúc dồi dào thì mới thăng hoa được. Hàng chục sê ri tranh vẽ về các bản Sín Chải, Tả Phìn, Cát Cát, Tả Van vào các mùa trong năm. Chỉ riêng bộ sưu tập về cảnh tuyết ở Sapa của ông đã có vài chục bức, nhưng Tô Ngọc Thành vẫn chưa thỏa. Từ năm 2002 đến nay ông đã sáu lần có mặt ở Sapa lúc tuyết rơi để  ngồi vẽ dưới tuyết.

*

Tô Ngọc Thành nhiễm bệnh từ trong bào thai. Năm 1939, bà Nguyễn Thị Hoàn, vợ họa sỹ Tô Ngọc Vân mang thai người con thứ ba. Hồi ấy đang có dịch sốt thương hàn, cả hai ông bà và người con trai cả đều mang bệnh. Giáo sư, bác sỹ Đỗ Xuân Hợp thời kỳ đó dạy về giải phẫu học ở Trường Mỹ thuật Đông Dương (nơi họa sỹ Tô Ngọc Vân giảng dạy về hội họa) khuyên vợ chồng ông nên cho thai ra để cứu lấy người mẹ. Nhưng mẹ ông uống thuốc mà thai vẫn không ra.

Chờ đủ 9 tháng 10 ngày, vào ngày 21-7-1940 (năm Canh Thìn), người con trai Tô Ngọc Thành cất tiếng khóc chào đời và cân nặng có 2,7kg. Sau này Tô Ngọc Thành tự diễu mình là rồng không gặp nước. Năm 2008, ông bị ung thư đại tràng phải mổ và cắt đi mấy mét ruột. Năm 2013, ông bị ngã gãy xương bả vai. Năm 2016, bị hỏng mắt phải. Chỉ có ý chí, lòng đam mê hội họa của ông là luôn mạnh mẽ.

“Năm cô gái Dao đỏ” - tranh của họa sỹ Tô Ngọc Thành.

Tô Ngọc Thành rất thích câu nói của Van Gogh, danh họa người Hà Lan: “Mặt trời ở trong đầu và ngọn lửa ở trong tim”. Chớm ngưỡng bát tuần nhưng người họa sĩ già Tô Ngọc Thành cứ lỉnh kỉnh với cuộn toan, những hộp sơn dầu, hàng chục bộ khung gỗ... túi quần áo, tư trang và.... lên đường! Ông trải lòng: “Nếu chết, tôi sẽ chết bên giá vẽ!”. Phải chăng, đó là “tuyên ngôn” của Tô Ngọc Thành.

Năm 1942, danh họa Tô Ngọc Vân dự triển lãm tranh của họa sỹ ba nước Đông Dương ở Sài Gòn, khi về đem theo nhiều đồ chơi. Trong khi hai người anh thích thú với món quà của bố thì riêng Tô Ngọc Thành chỉ ôm cổ bố và hôn. Danh họa Tô Ngọc Vân nói, Thành quý bố hơn đồ chơi đẹp. Ông được cha yêu và kỳ vọng nên mới lên 4 tuổi đã được cha dạy vẽ. Vậy là ông biết vẽ trước khi biết chữ. Hai bố con ngồi làm mẫu vẽ cho nhau.

Năm lên chín tuổi, bức vẽ người mẫu là bố được danh họa Tô Ngọc Vân khoe với bạn bè đồng nghiệp. Họa sỹ Trần Văn Cẩn thốt lên: "Thành vẽ chân dung như bố vẽ". Họa sỹ danh tiếng kiêm nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, năm 1986 tốt nghiệp ở Tiệp Khắc về nước, xem tranh của Tô Ngọc Thành vẽ năm 11, 12 tuổi (1951, 1952), ngạc nhiên thốt lên: "Ngang với năm thứ 2 đại học".

Năm 11 tuổi, Tô Ngọc Thành đã có tranh tố cáo tội ác của giặc Pháp đối với thiếu nhi Việt Nam được Giải thưởng tranh thiếu nhi tại thủ đô Viena nước Áo. Cũng năm này, dù chưa qua trường lớp về hội họa, Tô Ngọc Thành đã có tranh “Đi đóng thóc thuế nông nghiệp” được chọn triển lãm Mỹ thuật toàn quốc tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang. 15 tuổi được giải Họa trong cuộc thi “Mỗi ngày thêm tiến thêm vui” của Báo Tiền phong. 19 tuổi (1959) được đặc cách vào học Trường Mỹ thuật Việt Nam.

Tốt nghiệp, ra công tác ở Bưu điện, vẽ tem mẫu, rồi vẽ hoạt hình ở xưởng phim. Năm 1967, Tô Ngọc Thành được du học tại Đại học Mỹ thuật Tiệp Khắc. Ông là sinh viên ngoại quốc duy nhất trúng tuyển khóa đó với số điểm cao nhất. Đến nay, số lần triển lãm cá nhân của họa sỹ Tô Ngọc Thành đã là con số hàng chục ở trong nước và thế giới. Hồi còn đang học bên nước bạn Tiệp Khắc, ông còn được in cuốn sách (trong đó có hơn 10 bức tranh màu với lời giới thiệu: “Bút pháp hiện đại, màu sắc và hình tượng rất Việt Nam”) có tên là “Thần thoại từ những cánh đồng lúa gạo”…

Là con trai của danh họa Tô Ngọc Vân, ông chịu nhiều áp lực và đòi hỏi khắt khe của dư luận. Nhưng Tô Ngọc Thành tự tin và luôn nhớ lời cha dặn “Người nghệ sỹ có cứng thì mới đứng và phải đứng đầu gió thì mới là người nghệ sỹ”.

Ngay từ tháng 8-1982, xem triển lãm của Tô Ngọc Thành, họa sỹ Mai Văn Hiến, Ủy viên thường vụ Hội Mỹ thuật Việt Nam đã ghi: “Tài năng rực rỡ, lòng yêu lao động của người họa sỹ đặc sắc này đã giúp cho Tô Ngọc Thành chiếm được lòng tôn trọng xứng đáng của những người yêu hội họa, những nhà phê bình và những nhà nghiên cứu nghệ thuật ở Việt Nam và nước ngoài. Tô Ngọc Thành cùng Mai Long, Ngô Mạnh Lân là ba họa sỹ vẽ tranh truyện nhiều nhất ở Việt Nam. Tô Ngọc Thành thuộc hàng những họa sỹ Việt Nam có số tranh vẽ nhiều nhất và xuất bản nhiều sách tranh nhất".

Nguyễn Ngọc Phan
.
.