Người "đổi ba lấy một"

Thứ Bảy, 10/11/2018, 08:54
Người ấy là Trương Nhuận. Anh quê ở thị xã Bắc Ninh, nhà ngay phố cũ. Khu phố Tiền An dạo ấy thi thoảng mới thấy có vài ngôi nhà hai tầng, số còn lại đều một tầng mái ngói phong rêu. Phố vắng ngỡ như nghe thấy tiếng oàm oạp vọng từ phía sông Cầu lên. Phố nhỏ lặng thầm nằm lọt giữa miền quan họ với những câu hát da diết đến "day dứt lòng".


Ở trường cấp 3 Hàn Thuyên hồi đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước, thầy cô và bạn bè còn nhắc đến trò Trương Nhuận bởi khi đó, cậu đã có những vần thơ rất "chững chạc" và những bài văn rất "súc tích".

Còn nhớ, Báo Thiếu niên tiền phong tổ chức cuộc thi kéo dài suốt từ năm 1971 đến 1973 mang tên "Viết và vẽ" dành cho lứa tuổi học trò. Học sinh Trương Nhuận hăng hái dự thi ở tất cả các "lĩnh vực". Nghe đâu về Thơ thì "thần đồng" Trần Đăng Khoa được giải A, còn Trương Nhuận "khiêm tốn" hơn nhận giải C, nhưng bù lại cậu nhận giải B (không có giải A) về Văn xuôi và cậu "bê" luôn giải C về Vẽ.

Còn nhớ Trương Nhuận được biết đến "tên tuổi" bởi anh cùng với "lớp" học sinh giỏi văn toàn quốc với Trần Đăng Khoa, Nguyễn Chu Nhạc, Trịnh Bá Ninh. Những cái tên tôi vừa nhắc đến sau này đều thành nhà văn, nhà báo danh tiếng cả.

Tôi lại đùa anh: "Nền văn học nước nhà nhẽ ra đã có một nhà văn Trương Nhuận". Trương Nhuận cười, lắc lắc đầu. Thực ra chuyện viết lách của anh cũng "chun chút" tủ sách nhà tôi vẫn lưu giữ cuốn "Tứ tử trình làng" của anh in năm 1993 hay đáo để, bên cạnh 2 cuốn sách cũng viết cho thiếu nhi in mấy năm trước đó như "Những vòng sóng" (năm 1978) và "Người mới đến" (năm 1980).

Ông Trương Nhuận (trái) và tác giả bài viết.

Năm 1979, Trương Nhuận sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thì được "phân công công tác" về làm giảng viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Những tưởng anh yên lòng với chức vị làm thầy, ai dè con người cứ ngỡ hiền lành ấy đâu có bằng lòng với những gì đã có. Tôi hỏi "Vì sao?" thì anh cười: "Tôi muốn thay đổi bởi vì cảm thấy đó chưa phải là nơi dành cho mình".

Sau tết năm 1990, nhà viết kịch Phùng Dũng khi ấy đang là biên tập viên Báo Hà Nội mới gặp tình cờ Trương Nhuận và được biết anh sắp chuyển về sở Văn hóa Thông tin Hà Nội nên để gọi là "chỗ bên này bờ Hồ Gươm bên kia bờ Hồ Hoàn Kiếm", bèn đặt Trương Nhuận viết một bài báo về một "nhân vật nữ điển hình trong nghệ thuật". Và thế là đúng ngày mùng 8 tháng 3, báo ra. Trương Nhuận cầm tờ báo còn nóng hổi đạp xe đến thẳng phố Ngô Thì Nhậm để "tặng cho nhân vật mà mình đã viết".

NSƯT Phạm Thị Thành (sau này là NSND) khi đó là Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, nhận tờ báo có bài viết về mình, vui vẻ hỏi han tình hình công việc của tác giả. Trương Nhuận thật thà nói rằng anh sắp chuyển công tác. Nghe Trương Nhuận nói vậy, bà Thành vội xua tay: "Em về đây đi".

Trương Nhuận bất ngờ nên ậm ừ, vả lại mọi thủ tục cho việc chuyển từ trường về sở cũng đã tươm tất rồi. Nghệ sĩ Phạm Thị Thành bèn kéo tay Trương Nhuận đến phòng Giám đốc Nhà hát - NSƯT Phạm Thùy Chi. Vừa thoáng thấy mặt Trương Nhuận, bà Chi nói luôn: "Tưởng ai chứ thầy Trương Nhuận thì tốt quá rồi". Thì ra NSƯT Phạm Thùy  Chi có một dạo đi "tu nghiệp" ở Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh và từng học "thầy Nhuận". Vậy là chỉ đúng 15 phút sau là công văn xin người của Nhà hát được hoàn thành.

Về Nhà hát Tuổi trẻ sau mười năm "đứng lớp" kể ra cũng tiếc. Nhất là về đây lại làm một công việc hoàn toàn mới mẻ. Anh Phó Trưởng khoa Lý luận cơ bản bỗng chốc thành ông phụ trách Ban quản lý Rạp Tuổi trẻ rồi sau đó là Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn của Nhà hát, kể ra nghe cũng là lạ. Từ đây "sự nghiệp văn nghệ" của anh bước từ trang "sáng tác" sang trang "quản lý". Lạ, khó và mới.

Lạ người mới việc thì đương nhiên rồi. Cái khó lớn nhất và đầy lo lắng nhất là đúng vào thời kỳ đầu những năm chín mươi này, tuy không khí "mở cửa" có "cởi trói" cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhưng cũng như các đoàn nghệ thuật, các nhà hát trong cả nước đều đang đối diện với "sự thiếu vắng khán giả". Công việc của một Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn rất "đơn giản" đó là làm thế nào để Rạp đỏ đèn mỗi tối.

Thế là việc đầu tiên mà ông Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn làm là quảng bá. Thì ra vốn là dân báo nên anh biết rằng khâu quảng bá hình ảnh đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với một đơn vị biểu diễn nghệ thuật thời kinh tế thị trường.

Ông Trương Nhuận và các bạn cùng lớp ở trường hoc cấp 3 Hàn Thuyên, Bắc Ninh.

Trương Nhuận gặp bạn bè văn chương, báo chí và mời họ đến thăm Nhà hát, đến dự những buổi tập vở và cả cho họ nắm được những gì Nhà hát sắp làm để đặt họ viết bài. Qua kênh báo chí, việc kết nối giữa tác phẩm, nghệ sĩ với công chúng được thuận lợi và lan rộng. Lượng khán giả đến rạp tăng lên. Những năm chín mươi đó, Nhà hát Tuổi trẻ như một hiện tượng của ngành biểu diễn cả nước.

Năm 2001, sau khi được Bộ Văn hóa - Thông tin cử đi tu nghiệp vể quản lý văn hóa và marketing nghệ thuật biểu diễn ở Nhà hát kịch Hoàng gia Anh quốc về thì Trương Nhuận được đề bạt lên làm Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, phụ trách biểu diễn. Việc cũ y nguyên nhưng lần này anh lại có thêm công việc mới là phụ trách khâu đối ngoại.

Và thật không uổng những ngày tháng anh cặm cụi học thêm ngoại ngữ. Vốn tiếng Anh của Trương Nhuận đã vượt qua tầm "giao tiếp" để tiến thẳng lên tầm "đàm phán". Thế là Trương Nhuận được sự ủng hộ của NSND Lê Hùng, Giám đốc Nhà hát và của tập thể cán bộ nghệ sĩ, anh liền bắt tay vào "mở ra hướng đối ngoại" - một việc xưa nay chưa có một đoàn nghệ thuật biểu diễn nào tự mình làm cả.

Những dự án hợp tác về dàn dựng và biểu diễn với các Trung tâm văn hóa nước ngoài ở Hà Nội và các Đại sứ quán lần lượt được xúc tiến. Như Dự án hợp tác với Quỹ giao lưu văn hóa Nhật Bản chẳng hạn. Thành quả là giàn âm thanh và ánh sáng kỹ thuật số của rạp có trị giá khoảng 2 tỷ đồng đấy. Còn 500.000 USD nữa cũng do bạn hỗ trợ để đào tạo nguồn nhân lực cho đạo diễn và diễn viên nữa. Đúng là chưa thấy đoàn nghệ thuật nào trong những năm qua đã có trên 50 lượt người được sang Nhật tu nghiệp mỗi đợt 3 tháng.

Từ mười năm nay, Nhà hát Tuổi trẻ hoạt động theo cơ chế "tự chủ từng phần" nên chuyện "vừa sáng đèn vừa tìm nguồn vốn ngoài nước" đúng là giỏi. Nghe đồn ông Andu, Giám đốc Trung tâm giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Hà Nội có nói: "Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng và an tâm khi được cộng tác với bất cứ một chương trình nghệ thuật nào của Nhà hát Tuổi trẻ".

Thế đấy. Đạt được "chữ tín" với bạn lại cũng là một điều đáng ghi nhận. Được biết phía Nhật luôn coi ông Giám đốc Trương Nhuận là một người bạn thân thiết.

Tôi hỏi thật thà: "Thế nào mà ông làm Giám đốc cứ ngon ơ ấy nhỉ. Xưa nay chức vụ này đều dành cho người là nghệ sĩ đích thực kia". Trương Nhuận cười không hề tự ái và cho biết thêm: "Vẫn là hợp tác với giao lưu đối ngoại thôi". Vậy đấy.

Tiến thêm bước nữa, Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác với Viện Goethe Hà Nội và đưa lên sân khấu những vở kịch lừng danh của Schiller, của Bertolt Brecht. Sân khấu rạp Tuổi trẻ có "Những tên cướp" những "Ông lão đánh cá và con cá vàng" và những "Vòng phấn Kavkaz" làm say lòng khán giả. Lại tiến thêm bước nữa là sự hợp tác với Đại sứ quán Mỹ để dàn dựng những vở kịch nổi tiếng như "Tất cả đều là các con tôi" của nhà viết kịch Mỹ Arthur Miller.

Rồi tiếp đó là hợp tác với Quỹ SIDA của Thụy Điển về Dự án Sân khấu dành cho Thiếu nhi đúng với "tôn chỉ mục đích" của Nhà hát. Thế là Nhà hát lại có thêm kinh phí để tổ chức đi biểu diễn ở vùng sâu vùng xa cho hơn nửa triệu em nhỏ thưởng thức với 300 suất diễn. Đặc biệt nhất là chương trình "Ngôi nhà của bé" với cả một serri kịch lấy từ những câu chuyện cổ tích Việt Nam.

Trương Nhuận cho biết: "Những chương trình hợp tác ấy đều do đạo diễn Đức và Mỹ sang trực tiếp dàn dựng". Có vở như vở "Vịt trời trúng độc" thuộc dự án sân khấu hợp tác quốc tế Nhật bản - Việt Nam giữa Nhà hát múa rối cổ truyền Youkiza và Nhà hát Tuổi trẻ đã thành công mỹ mãn. Vở kịch không chỉ được đạo diễn Nhật dàn dựng mà còn được cả diễn viên Việt Nam và diễn viên Nhật Bản cùng diễn xuất.

Năm 2017, sau khi làm Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ được một nhiệm kỳ thì Trương Nhuận nghỉ hưu. Gặp anh ở nhà riêng tít trong ngõ 84 phố Ngọc Khánh, mới thấy thời gian đi nhanh quá. Tôi đùa: "Đúng là đổi "ba nhà" chữ nghĩa với viết lách để lấy được "một nhà" quản lý nghệ thuật và tổ chức biểu diễn có năng lực".

Nguyễn Trọng Văn
.
.