Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận: Biết mình, biết người

Thứ Ba, 30/04/2013, 08:00

Trương Nhuận say mê cái dáng bay bổng của con ngựa, với vẻ thượng phong, vượt qua bao chướng ngại, phong ba và hiểm nguy hướng tới phía trước, với những ước vọng mới lạ ở phía chân trời. Mỗi lần gặp trở ngại hay suy tư về công việc, Trương Nhuận lại ngắm bức ngựa hồng để lấy lại sự tĩnh trí trong ứng xử với mọi tình huống xảy ra. Đường nét, màu sắc hay ánh sáng trên sân khấu đều là niềm vui và thể hiện thẩm mỹ của một người đa cảm và say mê nghệ thuật.

Tôi thân với Trương Nhuận đã mấy cái "đận" mười năm. Mà cũng lạ, cái mệnh của Nhuận là cứ 10 năm lại có sự dịch chuyển, hay thay đổi. Mười năm đầu anh là giảng viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh (1980 - 1990). Mười năm sau Nhuận về Nhà hát Tuổi trẻ làm việc tổ chức biểu diễn và giao lưu với báo chí (từ 1990 đến 2000). Thế rồi mười năm sau anh được đặt vào cái ghế Phó Giám đốc (2001-2011); và được lên chức Giám đốc Nhà hát vào tháng 10/2012. Tôi biết anh được đề bạt không phải vì "sống lâu lên lão làng" mà vì trình độ thật sự. Với tôi, Trương Nhuận là một tính cách nghệ sĩ tài hoa thứ thiệt.

Tôi nói thế vì biết Trương Nhuận từ khi còn trẻ. Anh viết văn khá sớm và đã từng in riêng hai tập truyện ngắn cho thiếu nhi. Tập truyện ngắn "Tứ tử trình làng" của anh thể hiện một văn phong trong sáng, sinh động. Vậy nên, khi anh rời giảng đường Đại học Sân khấu Điện ảnh để về Nhà hát Tuổi trẻ, ai cũng cho là thích hợp. Nhận trẻ trong tư duy khi giảng dạy và trẻ trong phong cách đối với bạn bè ngoài đời. Trong một thời gian dài, cánh nhà báo thường gọi anh với cái tên "Tứ mục", bút danh của anh khi viết bài (ngoài cái tên Trương Nhuận). Có thời, Nhuận đảm nhiệm chuyên mục "Quanh sàn diễn" của báo Hà Nội mới cuối tuần. Nghĩa là mọi chuyện bếp núc riêng tư, những hỉ nộ, ái ố trong làng nghệ sĩ đều được anh chia sẻ trên nhiều số báo, với một nghệ thuật ngôn từ sinh động, gợi chất humour, rất sân khấu. Từ ngày về Nhà hát Tuổi trẻ, tố chất hài hước của Trương Nhuận vẫn được duy trì, dù nó có phần thể hiện kín đáo hơn.

Chất nghệ sĩ của Trương Nhuận còn được thể hiện ở cách chơi và cách học của anh. Trương Nhuận chơi tranh và học tiếng Anh từ lâu. Còn nhớ, hôm nghe tin anh xem ngày dọn phòng khi lên Giám đốc, tôi đến ngó quanh thì thấy anh treo la liệt tranh 12 con Giáp. Anh đang đứng giữa hai bức tranh con rồng và con rắn, vẻ mặt như còn vân vi, lưu luyến tình cảm của sự bàn giao đất trời. Anh cười rồi kể, từ xưa những họa sĩ hay vẽ tranh tết đều không thích vẽ con rắn. Thứ nhất hình rắn khó vẽ đẹp, thứ nữa nói đến con rắn là tâm lý người đời e ngại nên không mấy ai đặt hàng vẽ, nên thôi. Ngay cả trong những bộ tranh dân gian, như Đông Hồ hay tranh Hàng Trống hoặc Hoàng Kim, cũng chưa thấy có hình tượng con rắn bao giờ. Thế là Trương Nhuận đến đặt hàng họa sĩ Lê Trí Dũng vẽ tranh con rắn cho mình, để bổ sung cho đủ bộ sưu tập tranh 12 con Giáp. Vả lại, hàng chục năm nay, Trương Nhuận "nghiện" tranh Lê Trí Dũng nên anh muốn trọn bộ 12 bức đều là tranh của nhà họa sĩ này.

Lại còn chuyện, có lần Trương Nhuận làm ông bạn họa sĩ kinh ngạc vì dám bỏ ra tới 2.000 USD để mua bức tranh ngựa màu đỏ của mình. Ai cũng biết, Lê Trí Dũng nổi tiếng về tranh ngựa từ lâu nay. Cách đây một năm, họ Trương đến chơi thấy ông bạn có bày tới 30 bức tranh ngựa để bán. Có một bức khổ lớn vẽ một chú ngựa màu đỏ đang tung vó về phía trước, đề giá 2.500 USD. Trương Nhuận ngắm mãi không biết chán và muốn "thỉnh" về, thì thấy có khách trả giá 2.000 USD. Lê Trí Dũng ngần ngừ, chưa quyết, thì ngay sau khi người khách ấy ra về, Trương Nhuận cứ thế cuộn tranh lại và đặt 2.000 USD lên bàn, rồi nói với Lê Trí Dũng rằng, cuộc mua bán coi như xong. Lê Trí Dũng chỉ biết tặc lưỡi, thôi thì gọi là "lọt sàng xuống nia", bạn bè mà.

Mấy hôm sau, Lê Trí Dũng đến phòng làm việc của Trương Nhuận thì được biết  bức tranh ngựa đã được Trương Nhuận cho ke bo, đóng khung rất đẹp. Hình tượng con ngựa đỏ đang tung vó về phía trước nổi bật lên với vẻ ngạo nghễ, ngang tàng và rạo rực sức sống. Lê Trí Dũng bèn chụp ảnh về giữ làm kỷ niệm. Ấy thế rồi chỉ vài ngày sau, Lê Trí Dũng lại hối hả đến điều đình với Trương Nhuận rằng, người khách trả giá hôm trước xem ảnh thích quá, xin mua lại với giá 3.000 USD. Nếu đồng ý thì để Lê Trí Dũng mang về bán lại. Số lãi sẽ "cưa đôi". Trương Nhuận trợn tròn mắt và "tuyên": "Giá cao thế chứ cao nữa cũng không bán", bởi vì anh rất thích bức tranh ngựa này.

Ông Trương Nhuận trao quà cho đại diện Làng trẻ em SOS Đà Nẵng. Ảnh: Hữu Toàn.

Trương Nhuận cho biết, ngoài bức của Lê Trí Dũng, anh còn có tới 4 tranh ngựa nữa đang treo ở nhà…Nghe bạn kể, tôi ngắm bức tranh ngựa đỏ treo ở giữa phòng Giám đốc của anh tôi mà cũng thấy "ưng cái bụng". Bởi lẽ từ hình tượng ngựa đó, ngoài cái dáng đẹp, mạnh mẽ thì sắc đỏ lại hợp với mệnh Hỏa của Nhuận. Đó là một trong 5 màu "Cát Tường" của Nhuận. Vì thế, gần như bộ tranh 12 con Giáp của anh đa phần có gam đỏ. Con gà đỏ, con chó hồng, con rồng vàng chanh pha đỏ trầm…Đến ngay tranh chuột treo ở hàng đầu tiên cũng có màu xanh lục xen kẽ màu đỏ hòa sắc tím.

Trương Nhuận say mê cái dáng bay bổng của con ngựa, với vẻ thượng phong, vượt qua bao chướng ngại, phong ba và hiểm nguy hướng tới phía trước, với những ước vọng mới lạ ở phía chân trời. Mỗi lần gặp trở ngại hay suy tư về công việc, Trương Nhuận lại ngắm bức ngựa hồng để lấy lại sự tĩnh trí trong ứng xử với mọi tình huống xảy ra. Đường nét, màu sắc hay ánh sáng trên sân khấu đều là niềm vui và thể hiện thẩm mỹ của một người đa cảm và say mê nghệ thuật.

Ngay từ khi còn là Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn, Tương Nhuận đã nói thông thạo tiếng Anh với các chuyên gia đến làm việc. Từ đó, anh trở thành một đầu mối giao lưu văn hóa với các tổ chức hoạt động sân khấu nước ngoài và là nút thắt quan trọng trong các mối làm ăn cho Nhà hát, mỗi khi có chuyến đi biểu diễn ở nước ngoài. Tính đến nay, Trương Nhuận đã vững vàng sau 23 năm làm công tác đối ngoại và tổ chức biểu diễn cho 4 đoàn của Nhà hát Tuổi trẻ.

Nhiều đồng nghiệp còn nhớ, cách đây12 năm, Trương Nhuận đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cử đi học một lớp về điều hành biểu diễn Nghệ thuật tại Anh, một trung tâm hàng đầu về sân khấu quốc tế. Khi tốt nghiệp trở về, anh được phát huy hết năng lực sở trường trong công việc điều hành biểu diễn. Mọi ngón nghề trong quá trình học tập, cũng như những gì mà anh đã trải nghiệm trong thực tế tổ chức biểu diễn đã giúp anh cùng các đồng nghiệp trong Nhà hát cùng nhau vượt qua giai đoạn khủng hoảng của thị trường sân khấu.

Cũng phải nói thực là khi Trương Nhuận được đề bạt lên chức Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, không phải không có người bày tỏ sự băn khoăn, bởi dẫu sao anh cũng không phải là một nghệ sĩ biểu diễn. Trương Nhuận đã tỏ ra lịch lãm khi luôn nhận mình chỉ là một "Giám đốc điều hành", thế thôi. Thực tế thì công việc của Giám đốc một Nhà hát không gì khác là điều hành biểu diễn. Chính vì tư chất chuyên nghiệp đó, với 23 năm trải nghiệm từ công tác tổ chức biểu diễn và qua hơn 30 chuyến đi nước ngoài giao lưu, học tập, tôi tin anh sẽ phát huy tốt công việc của mình.

Mặc dù thời gian đảm nhiệm cương vị mới chưa lâu, song Trương Nhuận đã thể hiện rõ khả năng gắn kết các nghệ sĩ cùng chung lưng gánh vác sự nghiệp của Nhà hát. Vì luôn coi trọng vai trò của các nghệ sĩ nên trong một thời gian ngắn sau khi nhậm chức, Trương Nhuận đã đề xuất xin bổ nhiệm liền ba phó Giám đốc Nhà hát đều là những nghệ sĩ tài danh, có uy tín đối với anh em trong nghề, và được phân công rõ ràng, phù hợp với khả năng lãnh đạo của từng người. Đến gặp anh, sau khi đã sắp xếp xong "bộ khung" cán bộ, anh nói giờ thì yên tâm trong công việc, cứ thế triển khai. Những dự án sân khấu đã bắt đầu, và anh là Giám đốc điều hành, đúng với nghĩa là một CEO (Chief Executive Officer) quốc tế, đã được đào tạo. Bản lĩnh ấy, biết mình biết người và có niềm tin ở một tương lai đầy triển vọng của Nhà hát, anh quả là một nghệ sĩ đích thực khi biết gắn kết các nghệ sĩ và xác định cho họ con đường đến với khán giả một cách có hiệu quả nhất, cả về kinh tế và nghệ thuật

Vương Tâm
.
.