Người đàn bà “thế chấp” bằng thơ

Thứ Bảy, 06/04/2019, 17:00
Sống và mưu sinh giữa đời sống phố thị, cho dù họa hoằn mới được trở về bản nhỏ cố hương của mình, nhưng Nông Thị Hưng vẫn luôn nhận mình là người của núi rừng. Trong một câu thơ, chị viết: “Áo váy mặc vẫn mang hồn núi/ Từ thuở ông bà chữ nghĩa đơm hoa”...


Những vạt đồi lô nhô bát úp. Con đường sỏi lượn quanh quanh. Những thửa ruộng chân đồi lúa chín vàng mùa gặt. Xa xa, núi dựng thành lũy. Miền đất Yên Thế vừa mộng mơ, vừa chứa chất tinh thần thượng võ. 

Với các cô gái của bản Trai Hạ, Đồng Vương, thì miền quê yên ả, no đủ dễ làm con người viên mãn với cuộc sống thường nhật. Cái niềm vui giản dị sau vụ cấy cày, mùa thu hoạch thêm cót thóc trong buồng, đàn gà táo tác ngoài sân. Rồi sinh con đẻ cái. Rồi dựng cái nhà mới. Rồi xúng xính trong bộ đồ lễ hội ngày xuân. Rồi điệu hát soong hao của bản làng người Tày vấn vít đồi này, bản kia.

Ở con người Nông Thị Hưng, cái niềm vui bình dị ấy như cũng khó khăn. Lấy chồng, sinh con, làm nhà. Con nhỏ hai tuổi, nén lòng để con ở nhà, ba ngày tàu xe vào tận Bình Dương làm thợ cạo mủ cao su. Không phải đời sống quá túng bấn. Không phải ở quê không có việc làm. Mà Hưng đi làm xa, như trốn chạy cái cảnh ngộ “gia đình bé mọn” của mình không êm ấm, xuôi chèo mát mái cho được bằng chị bằng em. 

Làm thợ cạo mủ cao su hơn một tháng, được tin con ốm nặng. Lại băm bổ ngược tàu xe về quê chăm con. Con khỏe, Nông Thị Hưng lại đành gửi ông bà về Hà Nội làm ôsin. Những ngày lam lũ ấy, Nông Thị Hưng chưa hề có ý định làm thơ. Chỉ cần cuộc sống thoát khỏi sự tù túng.

Đa phần những người làm thơ thường mê thơ và viết thơ ngay từ tuổi học trò. Mấy năm học ở trường bản, rồi về Trường Thanh niên dân tộc Mỏ Trạng nội trú, Nông Thị Hưng sống lặng lẽ, khép mình, chưa viết một câu thơ nào. Tới năm ba mươi tuổi, tình cờ một hôm ra nhà văn hóa xã, vớ được Tạp chí Sông Thương (Tạp chí của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Giang), Hưng đọc một loạt bài thơ trong đó. Rồi Hưng nổi hứng viết thơ.

Tác giả Nông Thị Hưng.

Theo số điện thoại liên hệ trong tạp chí, Nông Thị Hưng hỏi cách thức gửi bài vở. Như một sự tình cờ, người nghe điện thoại bữa ấy lại là nhà văn Đỗ Nhật Minh, một người biên tập kỳ cựu của tạp chí. Ông động viên Nông Thị Hưng gửi bài vở cộng tác. Rồi ông thành người theo dõi bước đi trên con đường chữ nghĩa của Nông Thị Hưng. Bài thơ đầu tiên Nông Thị Hưng được in trên Tạp chí Sông Thương là bài “Người miền núi”:

Người miền núi
Chân quen đi đất
Thắt phẻn dao
Ăn sương uống nắng.

Người miền núi
Lời nói chắc như gỗ lim
Thẳng như cung đã bắn.

Những câu chữ thật thà. Rồi Hưng viết thơ về bản làng thân yêu của mình.

Một con dao quăng
Hai con dao quăng
Xa Lý đây mà ta đã xa
Không nghe thấy con gà gáy sáng
Không nghe thấy câu sli bập bùng vách liếp...

Cả đoạn thơ trên vẫn tả. Nhưng đến hai câu cuối:

Con dao quăng của em cùn quăn, cũ kĩ
m quăng suốt đời, không bén rừng anh.

(Nhớ con dao quăng)

Thì lại phơi ra cái cô đơn, lẻ loi của phận người. Phẩm chất thi sĩ hé lộ ở đây. Người đời vẫn vậy, sống hết mình mà chắc gì có cơ duyên đến với nhau được. Chị có những khổ thơ hay khi viết về bản làng:

Bản làng nhỏ bé của tôi ơi
Cheo leo những đèo những dốc

Hai câu chỉ tả. Nhưng đến câu thứ ba, gây ấn tượng:

Bỗng nghe đá lăn lộc cộc
Âm âm núi thẳm sương mờ

(Ngôi làng nhỏ của tôi)

Bài thơ "Nghe quê” phơi ra cái bản làng nghèo khó “Quê nghèo cái nắng cũng đau”. Nắng cũng đau là một phát hiện. Một cách nói mới. Bên cạnh đó, lại lấp lánh một tâm hồn trong trẻo “Bước chân vụng dại qua miền trắng phau”. Người đàn bà hai con, đã qua tuổi ba mươi mà vẫn lóng lánh ký ức đẹp và buồn. Lại giữa thời điểm tình cảm “gia đình bé mọn” không suôn sẻ gì thì rõ là bi kịch rồi. Nhiều giai thoại về người đàn bà Tày làm thơ này. Người chồng bất đồng, không muốn cho chị dính vào sách vở, chữ nghĩa. Nhất là thơ phú. Đã mấy lần toan đốt sách vở của người vợ. Cho là lãng mạn.

Ấy vậy, tâm hồn người vợ vẫn còn tơ tưởng “Em quăng suốt đời, không bén rừng anh”. Vì thế, mấy lần, chị phải giấu chồng đi gửi hàng xóm sách báo mà mình tích cóp. Mấy cuốn sổ tay thơ chị từng viết hý hoáy bên bếp lửa bập bùng, bên ngọn đèn lom đom.

Giấu chồng, đã mấy lần chị phải gói sách thơ vào túi nilon, chôn xuống vạt đất góc vườn. Chôn sách được mấy bữa, nhớ quá, lại âm thầm vụng trộm đào lên để đọc lại. Giai thoại chôn sách thơ của chị làm người ta dễ liên tưởng đến thời nữ sĩ Anh Thơ, người cùng quê Bắc Giang, vì người cha cấm đoán không muốn cho con gái dính đến thơ phú, bà phải viết giấu người cha tập thơ “Bức tranh quê”. Tập thơ sau đó được giải thưởng của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, đem lại vinh quang lớn cho bà và gia đình.

*

Thơ ca, với người này người kia, đôi khi tỉnh táo và quyết đoán hơn một vị tướng điều hành đội quân tinh nhuệ. Với người khác, có khi lại như bùa mê thuốc lú. Chả biết với Nông Thị Hưng là tỉnh táo hay u mê?

Gần hai mươi năm mê thơ, viết thơ đã kéo chị đi xa cái bản Trại Hạ của chị. Trong tâm tưởng, bản nhỏ của miền rừng núi Yên Thế vẫn day dứt khôn nguôi. “Nhớ quá rồi ngọn lửa liu riu/ Mẹ ngồi nấu cời than khói bếp/ Nhớ quá rồi bàn chân lấm láp/ Mùa đi nương kĩu kịt vai gầy...” (Nhớ). Dĩ vãng vẫn là những kỷ niệm đẹp.

Ngày em theo anh về
Mùa nhớ đi qua đồi cỏ gianh
Màu đêm ở lại trong hốc cây cùng tiếng tắc kè
Em ở lại với tình yêu nương rẫy
Với trái tim ủ lửa anh ngun ngút cháy dâng ngày.

(Ngày em theo anh về)

Bao năm bươn trải đời sống phố thị, nhưng hình ảnh người “Đàn bà xóm núi” vẫn đậm đà trong tâm khảm:

Mở mắt ra mắt lại va vào núi
Con đường vòng, đôi chân bước ngả nghiêng
Không cần hóa trang
Không cần tô điểm
Những khuôn mặt
Ngày ngày lầm lũi.

Sống và mưu sinh giữa đời sống phố thị, cho dù họa hoằn mới được trở về bản nhỏ cố hương của mình, nhưng Nông Thị Hưng vẫn luôn nhận mình là người của núi rừng. Trong một câu thơ, chị viết: “Áo váy mặc vẫn mang hồn núi/ Từ thuở ông bà chữ nghĩa đơm hoa”.

Chấp nhận gian khó, ngày thường nhật đi làm công việc quét dọn giúp nhà dân, làm tạp vụ cho một vài cơ quan, đủ tiền trang trải sách bút cho con ăn học, đủ  tiền nhà trọ. Thi thoảng, nhớ con đường sỏi quanh quanh, nhớ những vạt đồi bát úp miền quê Yên Thế, chị lại nhảy tàu xe về thăm quê đôi ba bữa. Rồi lại trở lại với đời thường mưu sinh lầm lũi của mình.

Đêm đêm, chị lại thả tâm hồn mình cho những câu thơ chới với. Chị đã dám đánh cược đời mình với thơ ca. Chị nói, nếu không có thơ ca, chị không biết bám víu vào đâu để sống, để tồn tại. Đương nhiên, thành công của thi ca lại còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác. Nhưng trân trọng thái độ của chị.                     

Người đi vay vốn – thế chấp tài sản
Tôi thế chấp
                 bằng thơ
Những câu thơ lấm lem bùn đất
Những câu thơ tạc số phận con người.

        (Thế chấp 1)

Người ta thế chấp nhà cửa, xe cộ. Còn chị đem thế chấp thơ thì chênh vênh thật rồi. Nhưng thơ là cuộc đời của chị. Niềm đam mê thơ ca đã không phụ chị. Chị đã xuất bản hai tập thơ. Tập “Mười bài”, 2014. Tập “Men rừng”, 2018, được giải thưởng của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Chị đã được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Giang. Ba năm, 2005, 2009, 2018, chị được tặng thưởng của Tạp chí Sông Thương. Thơ chị thường xuyên xuất hiện trên báo chí Trung ương và địa phương.

Là người mê thơ ca, tự học, tự tiến thân cùng thơ ca. Thơ đã giúp chị vượt qua bao nỗi gập ghềnh. Nhờ có thơ, chị đã quen biết, kết thân và học hỏi được rất nhiều với những nhà văn, nhà thơ danh tiếng. Chị nói rằng, tuy công việc lao động phổ thông lại giúp ích chị rất nhiều.

Không chỉ là được nhận những đồng công lao động, mà qua đó, chị còn hiểu thêm rất nhiều cảnh ngộ, cảnh đời. Ngay công việc đơn sơ cũng có khi cho chị niềm vui bất ngờ. Nhờ chị dọn dẹp nhà cửa, thấy chị ham đọc sách, có gia đình đã cho chị nhiều cuốn sách quý. Tài sản của chị tại nhà trọ là số lượng sách báo khá đa dạng. Đời sống không thuận tiện, gia đình không xuôi chèo mát mái, nhưng những vần thơ chị viết ra vẫn da diết tình yêu cuộc sống.

Trong thơ chị, không thấy cái hằn học, tị hiềm. Cũng không thể đòi hỏi sự quá quặn thắt, chua cay trong thơ chị. Không triết lý cao siêu. Vì thơ là trạng trái cá thể của mỗi người. Không một lời kêu ca, oán thán. Có lẽ, thiên nhiên rừng núi tuổi thơ quê hương đã giúp chị, bồi đắp chị cái tình cảm da diết, thơ thới.

Nhưng đọc trong thơ chị, vẫn không giấu nổi nỗi niềm yếu đuối của người đàn bà làm thơ.

Núi tưởng vững,vẫn gục đầu trên sóng.

 (Núi và biển)

Núi, tượng hình cho sự vững chãi, bất biến. Nhưng núi vẫn phải gục đầu trên sóng, tựa vào sóng. Sóng, cái chênh vênh, thay đổi bất chợt. Sự vô lý này lại phơi ra cái có lý của người làm thơ. Nhất là người đàn bà làm thơ. Giây phút yếu đuối là tất nhiên, không tránh khỏi.

Tháng 3-2019
Vũ Từ Trang
.
.