Nhà thơ hoàng vũ thuật: "Tao nhân" bình lặng

Thứ Năm, 04/04/2019, 10:36
Hoàng Vũ Thuật là nhà thơ, dù đã có vị trí riêng trong "ngôi đền thi ca" Việt, thế nhưng, với "thế giới ký tự" của riêng mình, ông chưa bao giờ ngừng tìm tòi, đổi mới thi pháp và trở trăn về thân kiếp nhân sinh...


Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật sinh ra ở miền gió cát Quảng Bình. Đến nay Hoàng Vũ Thuật đã cho ra mắt bạn đọc hơn 10 tập thơ. Ông đoạt hai giải thưởng thơ của Báo Văn nghệ năm 1981 và 1985; giải thưởng thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2000; hai lần đoạt giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật Lưu Trọng Lư (1991-1995) và (1996-2000), Giải thưởng thơ của Tổ chức Cứu trợ Thụy Điển và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cùng nhiều giải thưởng khác.

Tôi không phải là nhà lý luận phê bình văn học, chỉ là nhà báo làm thơ. Tiếp xúc với ông qua lăng kính nhà báo hơn là góc nhìn nhà thơ. Hành trình thơ Hoàng Vũ Thuật trải dài suốt từ những ngày tôi còn là đứa bé, nay đã già. Có nghĩa là hành trình thơ của ông đã gần 50 năm với những thăng trầm, vinh quang và hệ lụy.

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật (bên phải) và tác giả bài viết.

Hoàng Vũ Thuật là nhà thơ, dù đã có vị trí riêng trong "ngôi đền thi ca" Việt, thế nhưng, với "thế giới ký tự" của riêng mình, ông chưa bao giờ ngừng tìm tòi, đổi mới thi pháp và trở trăn về thân kiếp nhân sinh.

Tôi gặp Hoàng Vũ Thuật ngỡ như gặp bố mình, anh mình, chính mình. Nhà thơ như một "tao nhân". Ông tạo sự bình lặng trùm vây người đối diện. Thơ ông cũng vậy. Đó là thứ thơ có duyên ngầm - duyên lặn vào trong. Thơ như là những bức tâm cảnh gợi cảm rung lên nhè nhẹ khi sóng lòng xô dạt đến. Thơ như là sự thanh lọc của cổ tích. Thơ chảy giữa xúc cảm bâng khuâng hồn nhiên, tươi trẻ. Thơ là máu thịt sự sống: "như suối nguồn thơm thảo/miên man/ hết tháng năm/ hạt thánh/ nảy nở muôn loài" (Sự thánh thiện).

Đúng như những tự bạch của ông: "Với tôi, hầu như tất cả những sản phẩm sáng tạo đều xuất phát từ một chuyện buồn, một niềm cô đơn, vật vã. Câu thơ vui cũng hình thành từ nước mắt. Cô đơn là một đặc tính của con người. Trong ý niệm tương đối, cô đơn thuộc phạm trù cái đẹp. Tôi coi trọng cái riêng con người, chất cá thể con người, nên có lúc bài thơ bật ra trong trạng thái vô thức. Thơ chính là mảnh tâm trạng, cõi riêng thân phận, một cảnh huống đơn độc của con người" (Trần Tuấn, Ma thuật ngón, tập thơ, NXB Hội Nhà Văn, 2008. Giải thưởng Thơ Bách Việt lần thứ Nhất)

Hoàng Vũ Thuật là người say mê với thơ, lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc. Anh luôn có khát vọng làm mới thơ. Không phải bây giờ, mà từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước, ở bài "Làng không nhà", với cách nói mới, từng được nhà thơ Chế Lan Viên cổ vũ. Nhiều người khi đọc thơ Hoàng Vũ Thuật sau này, nhất là khi nhà thơ công bố "Ngôi nhà cỏ" và "Màu" đều băn khoăn: Có phải nhà thơ đang đi trên một con đường nhiều chông chênh, ít hứa hẹn?

Một tác phẩm thơ của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật.

Hồn thơ Hoàng Vũ Thuật có một cái gì đó rất mơ hồ, phải lắng nghe bằng cả tâm thức mới mong lĩnh hội hết được. Có lần trong một cuộc trò chuyện với tôi, Hoàng Vũ Thuật tâm sự, thơ hôm nay phải có tư duy mới, thi liệu mới. Ông nói: "Bây giờ đọc bài thơ mà hiểu ngay được nghĩa của nó thì không thích nữa. Tôi thấy hạnh phúc là đọc bài thơ phải dừng lại nhiều lần. Những chỗ không hiểu được mình kính trọng tác giả, hiểu được rồi càng kính trọng hơn".

Thơ Hoàng Vũ Thuật ngày càng xoáy sâu vào cái lõi của thế giới nhân sinh. Đã là nhân sinh, thì nước mắt, nụ cười cùng song hành. Trong bài thơ "Người Digan" ông viết "người digan không buồn/ chỉ biết hát/ nhiệt cuồng và mê loạn/ chiếc lưỡi đỏ bốc khói bầm môi" bởi sự thật là "người Digan bị đánh cắp mọi thứ/ chỉ còn trái đất thênh thênh/ ngôi nhà không mái/ trái đất Digan". Khi nỗi đau không thể giải toả, nhà thơ phóng chiếu hồn mình vào thế giới tượng trưng.

"Tháp nghiêng", "Đám mây lơ lửng", "Màu", "Ngôi nhà cỏ" ráo riết theo đuổi xu hướng ấy. Hoàng Vũ Thuật đã rơi vào mê lộ của thế giới lập thể, phân thân, bày ra nhiều trò chơi. Cách chơi và kết quả chơi nằm ở nhãn quan của bạn đọc. Đến "Cây xanh ngoài lời", thơ ông giản dị, gần gũi với đời sống hơn. Quá trình "lại giống" này làm cho thơ Hoàng Vũ Thuật nặng ký hơn về triết lý đời sống và thân phận.

Nhiều người tự hỏi: Thơ là gì vậy để mỗi khi những Tử Kỳ lắng nghe tự tạo ra từ trường mới với sức hút mạnh ghê? Cái ma lực ấy sẽ ở lại trong hồn người, ám ảnh đeo đẳng mãi, đôi khi làm luôn nhiệm vụ hướng đạo? Nó là sản phẩm của nhà thơ hay là sản phẩm cuộc thế?... Hệ thống câu hỏi ấy ngỏ hầu được thi nhân trả lời bằng chính những dòng thơ máu huyết, những con chữ chảy ra từ tâm trạng day dứt đầy những khát vọng tin yêu: "Ta lần lữa như người ra chợ/ Khi quay về chợ vãn, xế trưa" (Với thời gian).

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật vắt kiệt đời mình với thơ. Lúc nào, ông cũng cảm thấy mình là người chậm trễ đến sau, hồn cứ thắc thỏm như vừa đánh rơi một vật gì quý lắm. Vì thế, thơ ông quen mà lạ, tươi ròng mà lắng sâu.

Ngô Đức Hành
.
.