Nhà thơ Vũ Bình Lục: Có đi, ắt đến

Thứ Ba, 19/04/2016, 07:53
Vũ Bình Lục tuổi Mậu Tý (1948), quê gốc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Học hết cấp II ở quê, ông sang Kiến An học tiếp cấp III và lên đường nhập ngũ năm 1967, khi chưa hoàn thành chương trình phổ thông năm cuối cấp. Sau mấy năm chiến đấu ở chiến trường khu V, Vũ Bình Lục được ra Bắc điều dưỡng, rồi giải ngũ về quê...


Ông thuộc lớp nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, đã xuất bản hàng chục tập thơ riêng, từng đoạt giải Nhì (không có Nhất) cuộc thi thơ 2003-2004 của Tạp chí Văn Nghệ Quân đội. Từng là trợ lý tham mưu tiểu đoàn đặc công 409 Quân khu V, thương binh 4/4, rồi "dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú" khi còn ở tuổi đôi mươi đầy nhiệt huyết, ba mươi năm dạy học và đọc sách bồi bổ kiến văn, khi về hưu, ông dồn toàn bộ tâm lực vào công việc sáng tạo văn chương. Chỉ với khoảng 6 năm, nhà văn Vũ Bình Lục đã công bố một số công trình dịch và bình giải thơ hàng nghìn năm của thơ ca Việt Nam thời kỳ Trung đại.

Vũ Bình Lục tuổi Mậu Tý (1948), quê gốc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Học hết cấp II ở quê, ông sang Kiến An học tiếp cấp III và lên đường nhập ngũ năm 1967, khi chưa hoàn thành chương trình phổ thông năm cuối cấp. Sau mấy năm chiến đấu ở chiến trường khu V, Vũ Bình Lục được ra Bắc điều dưỡng, rồi giải ngũ về quê.

Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội I khóa 1973-1977, ông xin về Thái Bình dạy Văn ở một trường cấp III (nay là THPT) gần nhà. Được mươi năm thì ông lại bồng bế gia đình chuyển vào Tây Nguyên tiếp tục dạy học và còn kiêm thêm cả nghề "canh điền", trồng cà phê nữa. Ông xin nghỉ hưu trước 30 tháng, lại hồi hương về Bắc và chọn Hà Nội làm nơi định cư cuối cùng, rồi đắm đuối với văn chương...

Trong số các nhà văn ở nước ta hiện nay, tôi nghĩ có một số người hơi bị "điên", nhưng mà họ lại "điên" một cách rất đáng yêu. Nguyễn Nhật Ánh viết như điên, bằng cả tấm lòng của ông với lứa tuổi mới lớn. Nguyễn Duy một thời tuyên bố không làm thơ nữa, nhưng ông lại đem thơ "đính" vào những cái rổ rá, thúng mẹt dần sàng, treo khắp đó đây.

Mai Văn Phấn viết như điên, thơ chồng chất lên như gò đống. Nguyễn Vũ Tiềm làm thơ, làm báo, làm sách, viết cả lý luận về thơ, rồi hăng hái cổ súy cho thơ đổi mới. Hiện tại thì ông lại đang lao vào viết văn xuôi, lao tâm khổ tứ như điên và còn nhiều, nhiều người nữa. Tôi cho rằng Vũ Bình Lục cũng là một người "điên" kiểu như mấy ông nhà văn tôi vừa kể trên, nhưng ông lại "điên" theo cách của riêng ông, chả lẫn với ai...

Nhà thơ Vũ Bình Lục (phải).

Gần gũi Vũ Bình Lục dăm bảy năm nay, gần đây tôi mới hỏi ông rằng ông còn làm thơ nữa không, hay chỉ ngồi viết sách? Ông cười hiền bảo, tôi vẫn làm thơ hàng ngày đấy chứ, nhưng là những bài thơ ngắn, có thể chỉ là vài ba bốn câu, ứng tác ngay trên "Phây" của mình cho bạn đọc trong và ngoài nước thưởng thức cho vui. Nếu thu gom đem chỉnh sửa để in, thì cũng được vài ba tập. Nhưng điều tôi muốn nói về ông trong bài viết này, chủ yếu nhằm vào công trình mới nhất là bộ sách 2 tập "HỒNG HẠC CÕI TRỜI NAM" ông viết về Nguyễn Trãi.

Khởi thảo từ hàng chục năm trước, nhưng mãi đến năm 2015, Vũ Bình Lục mới bắt tay vào việc hoàn tất bộ sách này. Bộ "HỒNG HẠC CÕI TRỜI NAM" đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn công bố vào quý II năm 2015, khoảng gần 1600 trang khổ 14,5 X 20,5 cm. Sách ông tự bỏ tiền ra in và tự phát hành. Ngoài mấy tập "GIAI PHẨM VỚI LỜI BÌNH" trước đây giới thiệu xen lẫn văn học dân gian, với một số tác phẩm thơ trung đại và hiện đại, đến nay, Vũ Bình Lục đã liên tiếp làm những cuốn sách chuyên đề về thơ Lý-Trần (Tinh tuyển - 704 trang), "Thánh thơ Cao Bá Quát" (Tinh tuyển - 704 trang) và toàn bộ thơ chữ Hán, thơ Nôm Nguyễn Trãi. Nếu xét riêng về việc dịch thơ, nếu tôi không nhầm thì Vũ Bình Lục chính là người dịch thơ nhiều nhất ở nước ta tính đến thời điểm này, gần 500 bài cả thảy, trong đó, không ít bản dịch đã đạt đến mức Tín, Đạt, Nhã... Chỉ xin dẫn ra đây một số ví dụ rút trong tập thứ nhất:

Mộ xuân tức sự 

Phiên âm:

Nhàn trung tận nhật bế thư trai,
Môn ngoại toàn vô tục khách lai.
Đỗ vũ thanh trung xuân hướng lão,
Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai. 

Dịch nghĩa:

Cuối xuân tức cảnh 

Thong thả trọn ngày đóng cửa phòng sách / Ngoài cửa không hề có khách tục đến / Trong tiếng đỗ quyên kêu nghe xuân đã về già / Đầy xuân hoa xoan nở dưới mưa phùn. 

Dịch thơ:

Ngày nhàn khép cửa phòng văn,
Tịnh không khách tục đến thăm cửa ngoài.
Quyên kêu xuân đã muộn rồi,
Đầy xuân xoan nở dưới trời mưa bay. 

Cũng có những bản dịch đầy sáng tạo mà không gây tổn hại đến nguyên tác, câu thơ thứ hai lên làm câu đầu: 

Trại đầu xuân độ

Phiên âm:

Độ đầu xuân thảo lục như yên,
Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên.
Dã kính hoang lương hành khách thiểu,
Cô châu trấn nhật các sa miên. 

Dịch nghĩa:

Cỏ xuân đầu bến xanh như khói / Lại thêm có mưa xuân nước vỗ vào nền trời / Đường ngoài nội vắng teo ít người đi lại / Chiếc thuyền đơn côi suốt ngày gối đầu lên bãi cát say ngủ. 

Dịch thơ:

Mưa xuân nước vỗ lưng trời,
Cỏ xuân như khói xanh phơi bến đò.
Vắng teo đường nội quanh co,
Bãi sông gác mũi con đò ngủ say.
 

Bằng thể thơ lục bát truyền thống, Vũ Bình Lục đã đem đến cho bạn đọc những bản dịch thơ khá uyển chuyển, sát nội dung nguyên tác, chắc chắn người đọc sẽ dễ dàng tiếp nhận.

Trò chuyện với Vũ Bình Lục, tôi hỏi rằng ông có giỏi chữ Hán - Nôm không mà dám làm những công trình rất khó này, ông bảo: "Tôi chả giỏi chữ Hán-Nôm đâu, nhưng cũng có được đào tạo chút đỉnh hồi còn là sinh viên khoa Ngữ Văn Đại học Sư phạm Hà Nội I. Khoa chọn ra 8 người trong số sinh viên của khoa để mở một lớp Hán-Nôm nâng cao, do Giáo sư Đặng Đức Siêu trực tiếp giảng dạy, tôi là một trong 8 người may mắn được chọn, khi kết thúc thì cấp chứng chỉ hẳn hoi".

Kiến thức học được ở giảng đường cũng mới chỉ là sơ sơ thế thôi, nhưng nó cũng rất bổ ích cho công việc của ông trong hiện tại. Ông còn bảo rằng phần Văn bản học và khảo cứu đã được nhiều thế hệ các bậc tiền bối làm rồi, ông sử dụng "Phương pháp con ong" của Bê-cơn, nghĩa là tiếp thu và kế thừa tinh hoa của những người đi trước, sử dụng thành quả Văn bản học của những người giỏi về Hán Nôm, rồi làm tiếp việc dịch thơ và bình giải tác phẩm.

Ông bình giải bài thơ bắt đầu từ đơn vị nhỏ nhất là chữ, cố gắng tìm ra ý tưởng chủ đạo trong cái hay cái đẹp của bài thơ, đồng thời căn cứ vào nội dung để ước đoán hoàn cảnh sáng tác của từng bài thơ, do đó, ít nhiều đã đóng góp những ý kiến phản biện có lý, có tình. Là bởi vì bản gốc thơ Nguyễn Trãi đã bị triều đình thiêu hủy, việc sưu tầm khảo cứu vẫn có sự "tam sao thất bản", cho nên thảo luận thêm cho sáng tỏ vấn đề cũng là việc rất nên làm.

Đọc bộ sách "Hồng Hạc cõi trời Nam" của Vũ Bình Lục, Giáo sư Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học nói vui rằng, Vũ Bình Lục đã là một thành viên tích cực của Viện Văn học rồi đấy! Hỏi ông tại sao cứ đam mê làm cái công việc chả đem đến lợi ích cụ thể nào cho cá nhân mình, Vũ Bình Lục bảo lương hưu dăm sáu triệu tạm đủ sống rồi, thì thời gian còn lại dành cho đam mê của mình. Thực ra, Vũ Bình Lục muốn góp phần mang đến cho bạn đọc thấy được giá trị sáng tạo vô cùng to lớn của cha ông xưa! Đấy cũng là một cách truyền lửa cho thế hệ sau biết tổ tiên mình như thế nào, biết mình là ai vậy!

Đọc phần tổng quan có nhan đề "Nguyễn Trãi 600 năm nhìn lại", thấy tác giả có những nhận xét rất xác đáng. Ông viết rằng Nguyễn Trãi vĩ đại hơn những người vĩ đại chính là ở chỗ cụ đã tiếp thu tinh hoa văn hóa của Trung Hoa, để nâng cấp nó lên thành tinh hoa văn hóa Đại Việt, thành minh triết nhân văn Đại Việt, nhằm đánh bại kẻ thù có sức mạnh quân sự và hàm lượng văn hóa sâu rộng hơn mình. Vũ Bình Lục còn cho rằng Nguyễn Trãi chẳng những góp phần cứu dân tộc ta thoát khỏi cái họa nô dịch của ngoại bang, mà còn cứu cả nền văn hóa của dân tộc ta, thông qua những tuyệt phẩm thơ Nôm của ông.

Vũ Bình Lục vốn khiêm nhường, nhưng tìm hiểu thì biết ông đã có những phản biện rất táo bạo, giúp ngành Giáo dục chỉnh lý một số tác phẩm văn chương trong nhà trường, từ hơn chục năm trước. Đơn cử như ý kiến của ông về bài thơ "Bánh trôi nước", "Tự tình"...của Hồ Xuân Hương, một số bài thơ chữ Nôm và chữ Hán của Nguyễn Trãi, một số bài thơ Cao Bá Quát, bài thơ "Bạch Đế Thành" của Lý Bạch v.v... Năng lực và công lao của ông chưa được nhiều người biết đến một cách đúng đắn và đầy đủ.

Hiện ông đang chuẩn bị dịch thơ và bình giải thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Thì Nhậm và chọn giới thiệu một số tác giả thơ thế kỷ XV ngoài Nguyễn Trãi, như Lê Thánh Tông, Lý Tử Tấn, Thái Thuận, Nguyễn Bảo...

Hỏi ông sao có thể làm sách nhanh đến thế, ông bảo đấy là do ông có trí nhớ rất tốt. Kiến thức có sẵn trong đầu, chỉ cần ngồi gõ máy viết thôi. Công nghệ thông tin giúp ông làm việc rất có hiệu quả. Ông viết nghiên cứu, phê bình, dịch thơ, làm thơ trực tiếp trên máy vi tính, sửa ngay trên máy. Ông bình thơ cổ và cả thơ của nhiều tác giả hiện đại bằng cảm hứng sáng tác say mê.

Ngoài ra, ông còn sẵn sàng nhận lời viết tham luận cho các hội thảo văn chương và lịch sử, viết lời giới thiệu sách. Vũ Bình Lục còn là người viết lời bình thơ thường xuyên trên báo Nhi Đồng. Ông cũng được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam mời trao đổi về thơ ca cổ, về thơ của các nhà thơ Việt Nam đương đại. Những bài bút ký văn học, tản văn hoặc tùy bút của Vũ Bình Lục có nhiều chất thơ. Được biết, ông đã hoàn thành bản thảo cuốn sách "Đi qua chiến tranh" và một tập văn xuôi. Như ở phần đầu bài đã nói, Vũ Bình Lục là thương binh chống Mỹ, một người lính đặc công từng xông pha vào chỗ sống chết mấy năm ròng, mảnh đạn còn găm trên đầu, mỗi khi trái gió trở trời vẫn làm ông đau đớn…

Đáng mến và đáng nể trọng đối với bạn đọc, bạn nghề, đó chính là Vũ Bình Lục!

Hà Nội, tháng 2-2016

Phạm Đình Ân
.
.