Nét cô đọng của Ý

Thứ Sáu, 29/12/2017, 08:21
Nhiều người gọi anh là “Ý điên” như một thói quen và kể những giai thoại xung quanh biệt danh đó. Như Ý nổi tiếng từ lâu, không chỉ bởi các bức tượng anh đẽo mà còn bởi chính đời sống của anh. Thỉnh thoảng, bạn bè, đồng nghiệp lên thăm Ý ở Sóc Sơn, họ dành cho anh những lời thương mến, sự quý trọng, hay niềm ngưỡng mộ; nhưng không ai chọn cách sống như anh.

Hơn 20 năm kể từ ngày ra trường cùng đoạn đường dang dở với hai người phụ nữ, nhà điêu khắc Nguyễn Như Ý - sau một tai nạn, chỉ còn một chân, trở về với việc tát cá, mò cua, đục tượng, vẽ tranh. Trong gian phòng nhỏ anh ở, liền kề với ngôi nhà của gia đình anh trai, treo lên một vài bức tranh, không đủ chỗ cho các bức tượng trú ngụ. Những bức tượng chứa linh hồn, không ngẫu nhiên đã trở thành niềm an ủi cho người tạo ra chúng.

Nhiều người gọi anh là “Ý điên” như một thói quen và kể những giai thoại xung quanh biệt danh đó. Như Ý nổi tiếng từ lâu, không chỉ bởi các bức tượng anh đẽo mà còn bởi chính đời sống của anh. Thỉnh thoảng, bạn bè, đồng nghiệp lên thăm Ý ở Sóc Sơn, họ dành cho anh những lời thương mến, sự quý trọng, hay niềm ngưỡng mộ; nhưng không ai chọn cách sống như anh.

Nhà điêu khắc Nguyễn Như Ý và một tác phẩm điêu khắc của anh.

Anh không vợ con, không có nguồn thu nhập ổn định, không có tương lai dự định rõ ràng. Có những đồng nghiệp ao ước sống hồn nhiên như anh, không bị cuốn đi bởi gánh nặng cơm áo, nhưng họ không hiểu và cũng không đủ dũng cảm làm điều đó.

Như Ý có thể làm ra tiền nhưng lại dễ dàng tiêu đến đồng cuối cùng. Thời sinh viên, tượng để đổi lấy rượu, lấy mì tôm, lấy giây phút vui vẻ bên bạn bè. Bây giờ ở cùng anh trai, ngày hai bữa cơm không phải lo, cuộc sống tưởng rằng đã yên ổn, nhưng những nỗi niềm trong anh hình như chẳng giảm.

47 tuổi, người ta không chỉ sống bằng hai bữa cơm mỗi ngày, nhất lại là một người đàn ông, lại là một nghệ sĩ. 47 tuổi, dù yêu nghề đến mấy, không thể cứ “giúi” vào tay đống gỗ rồi suốt ngày đục đẽo như một người thợ thủ công. Anh trai muốn Ý chú tâm vào đám tượng, cho rằng anh đi học mỹ thuật ra không phải để đi tát cá. Anh cũng không bằng lòng cho Ý cầm tiền.

Sau tai nạn, Như Ý không dám trái lời anh mình, anh biết là nếu không có anh trai, anh không còn sống được đến hôm nay. Nhưng không tát cá thì chẳng có tiền mua rượu, mua thêm gỗ, thêm vải, chẳng lẽ lúc nào cũng xin anh? Như Ý đã có những lần uống say. Người chị dâu đã có lần thiếu củi chẻ tượng của anh ra nhóm lửa. Nhưng những bức tượng vẫn dựa vào nhau dưới hiên nhà.

Những bức tượng chứa cả sức lực, nỗi đau, sự mất mát, cô đơn và cả niềm khao khát của anh trong đó. Những bức tranh vẽ từ những hộp sơn Việt Nam rẻ tiền (10.000 - 20.000 đồng) trên vải tiếp tục hiện ra. Anh có hối hận khi theo học trường Mỹ thuật không? Như Ý nói rằng anh “chẳng hối hận, mọi việc tại mình”. Bởi vì “mình yêu nghề, thi đỗ, học hết hơi mới được, cơm áo gạo tiền đóng hẳn hoi chứ chuyện đùa đâu”. 

Tất nhiên, cũng chẳng phải chuyện đùa khi nói về nghệ thuật của Ý. Người ta luôn gắn hai chữ “bản năng” như thường gọi anh là “Ý điên” chẳng cần nghĩ ngợi. Như Ý có bản năng làm nghệ thuật nhưng không làm nghệ thuật hoàn toàn bản năng. Anh yêu những gì mộc mạc, giản dị, không cầu kỳ, không hung ác của nghệ thuật Việt. Những bức tượng của anh chứa đầy phẩm chất đó, nói như họa sĩ - bác sĩ Trịnh Thắng: “Các nét vẽ hoặc điêu khắc của Ý rất thô nhưng tinh thần thì trong vắt”. Ý luôn mong được đi hết Việt Nam để hiểu cuộc sống, con người mỗi nơi của đất nước. Anh muốn tác phẩm mình làm ra “lạ hơn nhưng vẫn gần gũi, có cổ có kim, có thực và có ước lệ trong đó”.

Anh sẽ làm gì với mong ước của mình, sống thực tế hơn hay bản năng hơn? Không cách nào cho anh một giải pháp thực sự. Ý không làm được việc trở thành một thợ tượng theo ý muốn của người khác, cũng như không làm được việc đếm tiền bán tượng hay ra giá tác phẩm của mình. Nếu làm thế, có lẽ anh sẽ không còn sáng tác như từ trước đến nay được nữa. Còn nếu bản năng hơn, chẳng thể nào anh có thể làm ra được những bức tượng “lạ hơn” như anh muốn.

Cho đến giờ, Như Ý chính thức ra mắt hai triển lãm (một triển lãm vào tháng 5-2012, một triển lãm vào tháng 6-2016), đều do bạn bè tập hợp. Sau mỗi triển lãm, anh có thêm một chút tiền từ việc bán tượng, bán tranh. Thỉnh thoảng cũng có người đến mua tượng của anh ở nhà, với “giá rẻ”; có khi lấy tượng không có tiền.  Thỉnh thoảng anh đi làm ở một vài công trình nhà gỗ. Nhưng như vậy là chưa đủ để nuôi dưỡng và phát triển thể chất lẫn tinh thần một người luôn mong được sống thực, được sáng tạo thực sự như Như Ý. Anh thiếu một người bảo trợ nghệ thuật hiểu mình và hiểu công việc anh đang làm.

Cách đây không lâu, một người bạn họa sĩ học cùng lớp mỹ thuật với anh đã kết nối chủ một doanh nghiệp có đầm cá ở Quảng Ninh. Họ đã chờ đón Như Ý xuống, cung cấp gỗ cho anh đục tượng, hứa sẽ sắm cho anh một chiếc xe gắn máy ba bánh để anh có thể tự do đi lại trong khu đầm, tác phẩm anh được quyền giữ. Nhưng vì một lý do nào đó, người anh trai đã không đồng ý để anh xuống Quảng Ninh. Giấc mộng đục tượng, chạy xe, câu cá quanh đầm khép lại nhưng không có cách nào khác.

Người ta nói, mỗi nghệ sĩ luôn có sự cô đơn để đối diện và cho ra những tác phẩm nghệ thuật. Ở Như Ý, nỗi cô đơn hình như lớn hơn. Anh cười nói, chuyện trò, vui vẻ, lạc quan - tưởng vậy mà không phải vậy. Chẳng trốn tránh cuộc đời “Chẳng lẽ tránh xa thế gian để làm cái gì, ra đảo ở thì vẫn đến thế”; “Miễn sao mình phải sống được đã”; “Các ông nhà văn thì viết bằng chữ, còn anh em họa sĩ thì viết bằng nét, thay cho câu nói, thay cho bài hát”…

Như Ý đã nói về nét hoàn toàn không “mất nét” dù cuộc sống của anh chẳng dễ dàng gì. Đã có những trang dài viết về sự “điên” của Ý, đã có những trang viết về tài năng và bản năng của Ý, đã có những trang viết ngợi ca Ý, nhưng hình như người ta thiếu một trang viết cô đọng nỗi cô đơn và niềm khao khát của người đàn ông gần tới ngưỡng bên kia cuộc đời. Điều đó đã đọng lại trong từng nét tượng, nét tranh như một niềm an ủi cuối cùng. Không ai trả lời được, một người như Ý, có đáng thế không?

Hải An
.
.