Nàng “Quế Hoa” của phường Hát Xoan

Thứ Năm, 07/04/2016, 14:42
Suốt bao năm qua, người dân phường xoan An Thái, xã Phượng Lâu, TP. Việt Trì (Phú Thọ) vẫn quen gọi bà Lịch với cái tên "Quế Hoa". Cái tên xuất phát từ chất giọng ngọt ngào, trong trẻo của cô đào nhan sắc tuổi 13 cho đến "trùm phường xoan" hay nghệ nhân dân gian hôm nay. Suốt cả cuộc đời tâm huyết, đắm đuối với làn điệu truyền thống hát xoan, nghệ nhân ấy đã khôi phục và đưa làn điệu dân ca vùng đất Tổ quê nhà trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.


Nổi chìm phận đào xoan 

"Tay bưng chén muối... ối a đĩa gừng/ Gừng cay muối mặn... ối a xin đừng... xin đừng quên nhau"… Những làn điệu đằm thắm, ân tình của khúc hát môn đình như giục giã tôi trở về An Thái vào một ngày mưa xuân. Đặt chân đến phường xoan, từ người già đến trẻ ai ai cũng thuộc làu những làn điệu hát xoan. Dường như "chất xoan" đã thấm vào từng mảnh đất, con người nơi đây. Giữa ngôi đình cổ kính rêu phong, nghệ nhân Lịch cùng gánh hát của phường trải lòng về nghiệp hát xoan.

Đào Lịch sinh ra và lớn lên trên quê hương đất Tổ, trong một gia đình có 5 đời hát Xoan. Ông nội và cha đều là những nghệ nhân, trùm Xoan nổi tiếng, còn mẹ cũng là một cô đào nức tiếng trong vùng, vì thế chất xoan đã "ngấm" vào người nghệ nhân ấy tự bao giờ.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, 64 tuổi, cả cuộc đời yêu nghề hát xoan.

Bến đò Ðức Bác bên dòng sông Lô là nơi lưu giữ kỷ niệm ấu thơ của đào Lịch. Từ nhỏ, bà theo gánh hát của ông nội đi khắp nơi biểu diễn, thức cùng những canh hát thâu đêm suốt sáng, xế bóng trăng tà, để rồi đến năm mười ba tuổi, gần như bà đã thuộc hết 14 quả cách (làn điệu) và trở thành đào nương trẻ tuổi của làng. Bước chân vào nghề xoan chưa được bao lâu thì những điệu xoan bỗng nhiên "đứt đoạn". Đó là khi chiến tranh, giặc giã và nạn đói triền miên ập xuống, ngôi làng mất đi những trùm xoan, những gánh hát giải thể, phiêu bạt khắp nơi. Tuy phường xoan không còn nhưng chưa bao giờ trong ngôi nhà của bà im tiếng hát Xoan.

Với tình yêu xoan, người nghệ nhân già Nguyễn Tất Thắng đã quyết tâm phục dựng lại phường xoan. Ban đầu ông tìm lại tư liệu, rồi tập hợp những người biết hát xoan trong vùng, chẳng mấy chốc phường xoan đã nhanh chóng được khôi phục. Giấc mơ về một phường xoan mới của cha con bà Lịch đã trở thành hiện thực.

Khi cha qua đời, bà Lịch đã tiếp quản mọi công việc của phường xoan từ năm 1997 đến nay. Bằng tình yêu xoan, bà đã giành cả cuộc đời, tâm huyết để duy trì, bảo tồn và phát triển bộ môn nghệ thuật hát xoan. Và chính những làn điệu ấy đã đưa bà vượt qua những "con sóng ngầm". Cuộc đời của cô đào Lịch cũng nổi chìm theo gánh hát. Người xưa có câu "hồng nhan bạc mệnh" và câu nói này vận đúng vào số phận của cô đào Lịch.

Theo lời bà kể, trong một dịp hội làng, khi đào Lịch vừa tròn đôi mươi, kép Lễ đã ngỏ lời thương với bà. Cuối năm 1970 cặp đào - kép tài sắc ấy nên vợ nên chồng. Hạnh phúc của đôi vợ chồng son chửa tày gang, người chồng đã phải lên đường nhập ngũ. Ba năm sau, gia đình nhận được tin báo tử của anh ở mặt trận miền Nam.

Trong suốt mười năm thờ chồng nuôi con vò võ, nhiều đêm bà gạt nước mắt một mình. Những lời đúm giao duyên vẫn hiện về đêm đêm với giọng đào lời kép: "Đúm này ta dặn thì nghe/ Đúm bay cho tới áo the đúm vào/ Đúm vào người hỏi làm sao/ Em là quả đúm, em vào kết duyên"; "Tam thanh một cảnh huê cau/ Đôi ta thấp bé lấy nhau cũng vừa/ Tam thanh một cảnh huê hò/ Lòng anh muốn lấy trọ nhà họ xoan".

Mười năm sau, bà kết duyên cùng một anh bộ đội quê xứ Đoài. Là một người phụ nữ mực thước, chu toàn, vì thế trước mỗi chuyến đi xa biểu diễn, bà luôn thu vén gọn  công việc gia đình rồi mới yên tâm. Những tưởng hạnh phúc sẽ bù đắp lại cho những mất mát, hẩm hiu của phận cô đào, nào ngờ một lần nữa ông trời lại cướp đi người thân yêu nhất của bà.

Năm 2011, do bạo bệnh mà người chồng đã sớm qua đời. Nói đến đây, bà không giấu nổi nước mắt mà nói rằng: "Đời tôi một mình cuối cùng vẫn cứ một mình". Trong những năm tháng ấy, đào Lịch tưởng chừng không thể vượt qua nổi nhưng chính câu xoan nhịp phách đã nâng đỡ mẹ con bà vượt qua khó khăn sóng gió cuộc đời.

"Quế Hoa" thời nay

Kể từ khi Xoan cổ chỉ là ký ức đẹp của những người dân miền trung du đất Tổ cho đến khi trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì đào Lịch vẫn nặng lòng với xoan. Từ khi còn là cô đào, cho đến "trùm xoan", ở bất kỳ vai, cảnh hay quả cách nào bà vẫn giữ cho mình phong cách biểu diễn ấn tượng với chất giọng trong trẻo, điệu múa điêu luyện say đắm lòng người.

Có lẽ, cũng vì cái tài "hát hay, múa dẻo" hơn người mà suốt bao đời nay, cánh đào kép trong làng vẫn gọi bà bằng cái tên Quế Hoa giáng trần. Nở nụ cười đôn hậu bà Lịch kể lại: trong một lần đi ngang qua vùng đất này, một người thiếp của Vua Hùng trở dạ và phải dừng chân nghỉ lại. Nhờ có tiếng ca của nàng Quế Hoa xinh đẹp, hát hay, múa giỏi, hoàng hậu đã hạ sinh được ba chàng hoàng tử khôi ngô, tuấn tú.

Vua Hùng mừng rỡ, truyền Quế Hoa vào cung biểu diễn và cho phép các cung tần, mỹ nữ trong cung theo học múa, hát. Vùng đất ấy được Vua ban thưởng và đặt tên là An Thai - nơi bắt nguồn của hát Xuân, mà sau này được đọc khác thành hát Xoan. Về sau, ngôi làng được đổi tên thành làng An Thái và hát Xoan được phổ biến rộng rãi trên đất Tổ. Cái tên Quế Hoa cũng ra đời từ đó.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch cùng gánh hát xoan.

Nếu như Quế Hoa thời xưa xinh đẹp, múa dẻo, hát hay thì Quế Hoa thời nay cũng chẳng kém. Nhắc đến phường hát xoan, là nhắc đến "trùm xoan" Lịch. Trong quá khứ, khi những điệu hát xoan rơi vào quên lãng, chính cô đào nương đã góp phần đánh thức những điệu xoan sống lại. Ngày qua ngày, cô đào ấy nuôi dưỡng thành những gánh hát, phường hát. Và cũng chính người nghệ nhân ấy đã "lao tâm khổ tứ" tìm lại những tài liệu cổ về Xoan, vận động thành lập những gánh hát, phường xoan cho đến khi hát xoan được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Trong phường Xoan, mỗi người đảm nhiệm một vai, một cảnh, còn riêng nàng "Quế Hoa" có thể diễn nhiều vai: từ kép, cô đào, gõ trống, gõ phách cho đến đưa cách. Dù ở vai nào, người nghệ nhân ấy cũng diễn xướng điêu luyện, hài hòa.

Trong những dịp đầu xuân, công việc đồng áng, đồi nương xong xuôi, bà Lịch cùng gánh hát trong phường thường đi lưu diễn khắp nơi trong và ngoài tỉnh, chủ yếu là biểu diễn ở các lễ hội làng. Hội chính của làng An Thái vào ngày 9 tháng 9 âm lịch. Theo lời đào Lịch: "Hội làng đông vui lắm, đào thì xúng xính quần lĩnh áo thâm, kép thanh nhã cùng áo the khăn xếp, hát đối đáp, hát trống quân, hát xoan (hay còn gọi là khúc môn đình) bên hồ Thiếc, trước sân đình, ra tận bến đò Đức Bác".

Với quyết tâm gìn giữ và lưu truyền những làn điệu hát xoan cổ xưa của quê cha đất Tổ, người nghệ nhân ấy dồn hết thời gian, tâm huyết để xây dựng và đưa phường xoan phát triển. Số hội viên tham gia ngày một đông, từ chỗ chưa đến hai mươi người, đến nay đã thu hút trên 85 đào, kép, đủ các lứa tuổi từ thiếu niên, thanh niên, hội người cao tuổi và các nghệ nhân cao tuổi. Với những mong "tre già măng mọc", nghệ nhân Lịch đã mang làn điệu hát xoan truyền dạy cho người dân trong và ngoài tỉnh. Hằng năm bà đào tạo cho cả chục, trăm đào, kép.

Ban ngày những người dân An Thái cần mẫn bên con trâu, thửa ruộng, ban đêm họ trở thành những nghệ nhân tài ba biểu diễn hát xoan giữa đình làng. Cuối tuần trùm xoan cùng gánh hát lại quây quần bên manh chiếu hoa cùng nhau luyện tập và sẻ chia những kinh nghiệm hát xoan, đặc biệt là chuẩn bị cho ngày giỗ Tổ Hùng Vương sắp tới. Và cứ như thế, những điệu hát xoan một thời thất truyền giờ đây lại được ngân vang trong từng ngõ xóm, từng thế hệ.

Rời khỏi mảnh đất An Thái, những làn điệu xoan "Tay bưng chén muối... ối a đĩa gừng/ Gừng cay muối mặn... ối a xin đừng... xin đừng quên nhau" của người nghệ nhân ấy vẫn văng vẳng bên tai như níu chân chúng tôi. Dù có đa đoan phận má hồng, nhưng nàng Quế Hoa thời nay của phường An Thái vẫn không nguôi dành tình yêu cho Xoan. Và cho đến tuổi lục tuần, cô đào Lịch vẫn tự hào rằng: "Với tôi tình yêu xoan lấp đầy tất cả".

Nguyễn Huệ
.
.