Sau hát Xoan là hát Ghẹo

Thứ Ba, 13/10/2015, 08:00
Tôi gặp nhạc sỹ Cao Khắc Thùy vào khoảng năm 1977, khi ấy tôi mới tập tọe làm thơ, mang bài đến Hội Văn nghệ Vĩnh Phú gửi Tạp chí "Sáng tác mới". Cơ quan Hội bấy giờ do ông Trần Quốc Phi, Phó Chủ tịch tỉnh, kiêm chức Chủ tịch. Thường trực ở Hội có các nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, Vũ Đình Minh, họa sỹ - nhà thơ Hoàng Hữu, nhạc sỹ Cao Khắc Thùy…

Tôi nhớ trụ sở của Hội ngày ấy vẫn ở vị trí hiện nay, nhưng toàn là nhà tranh tre nứa lá, dựng trên một sườn đồi cỏ tranh, có nhiều cây cọ mọc và thưa vắng nhà. Ở Hội bấy giờ chia theo từng mảng phụ trách: văn; thơ; nhạc; họa… Cao Khắc Thùy vừa là người lãnh đạo cơ quan Hội, vừa phụ trách phần âm nhạc. Bây giờ ngẫm lại, để hậu thế hôm nay nhận biết được diện mạo văn hóa từng tồn tại hàng nghìn năm trên đất Tổ Hùng Vương, phải kể đến công lao của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian quê Phú Thọ, hoặc có gắn bó với tỉnh Phú Thọ.

Có thể kể ra những cái tên quen thuộc, như Đặng Văn Đăng (Bút Tre), Nguyễn Kính, Nguyễn Khắc Xương, Dương Huy Thiện, Nguyễn Hữu Nhàn, Cao Khắc Thùy, Tú Ngọc, Nguyễn Đăng Hòe, Phạm Khương và nhiều văn nghệ sỹ, nhà nghiên cứu khác, họ đã tâm huyết dành cả thời trai trẻ của mình vào việc sưu tầm, nghiên cứu vốn văn hóa của cha ông. Để hôm nay nhân loại có thêm hai Di sản văn hóa phi vật thể là "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" và "Hát Xoan", không chỉ là niềm tự hào của miền đất Tổ Phú Thọ, mà còn là niềm tự hào chung của cả nước.

Hát ghẹo là một hình thức hát giao duyên đối đáp giữa nam và nữ.

Nhạc sỹ Cao Khắc Thùy sinh năm 1939, ở xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì. Do có kiến thức âm nhạc nên từ năm 1957 ông đã được giao phụ trách mảng này ở Ty Văn hóa Phú Thọ. Nhớ lại sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, tỉnh Phú Thọ bấy giờ có ông lãnh đạo Ty Văn hóa là ông Đặng Văn Đăng (Bút Tre) có tầm nhìn xa, trông rộng, vốn là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Năm 1966, ông Đăng đã đề xuất với tỉnh cho thành lập Chi hội Văn nghệ dân gian (là Chi hội đầu tiên ở miền Bắc) nhằm mục đích nghiên cứu, sưu tầm văn hóa thời đại Hùng Vương. Bởi quanh khu vực Đền Hùng còn lưu dấu đậm đặc những lễ hội truyền thống từ xa xưa, những vết tích, những huyền thoại, những truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian từ đời này qua đời khác. Tất cả dù là lễ hội hay chuyện kể, đều tâm thành tri ân những vị anh hùng có công lao trong buổi đầu dựng nước. Việc ra đời Chi hội Văn nghệ dân gian, đặt ra cho Sở Văn hóa Phú Thọ bấy giờ có thêm nhiệm vụ, là triển khai nghiên cứu một cách toàn diện vốn văn hóa của cha ông để lại.

Từ việc tổ chức khai quật các di chỉ khảo cổ như Phùng Nguyên, Đồng Đậu chứng minh Nhà nước Văn Lang là nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam, đến việc sưu tầm các huyền thọai, truyền thuyết từ  thời Hùng Vương, các làn điệu dân ca Xoan, Ghẹo cùng cách thức trình diễn, các nghi thức lễ hội quanh khu vực Đền Hùng… Để làm được điều này, phải có một kế hoạch cụ thể và cần có những con người hiểu biết và tâm huyết.

Riêng về mảng âm nhạc, cụ thể là dân ca Xoan, Ghẹo, từ năm 1957 - 1958, Bộ Văn hóa đã cử nhạc sỹ Tú Ngọc về Phú Thọ cùng với nhóm Cao Khắc Thùy, Nguyễn Khắc Xương nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu, lời ca cổ trong cộng đồng dân cư, các nghi thức trình diễn hát Xoan - Ghẹo ở các dịp lễ hội đầu xuân, đã được sưu tầm ghi lại và lưu giữ, để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, phổ biến và nâng cao nghệ thuật trình diễn Xoan, Ghẹo sau này.

Nhạc sỹ Cao Khắc Thùy là người gần như cả đời gắn bó với Hát Xoan, Hát Ghẹo ở Phú Thọ. Giáo sư, NSND Trọng Bằng nhận xét: "Có thể nói Hát Xoan và Hát Ghẹo là nghiệp của anh (Cao Khắc Thùy - PV), gắn bó với anh từ năm 1955 đến nay, trong đó có 20 năm tiếp cận với nó" (trích trong cuốn "Hát Xoan - Hát Ghẹo - Dấu ấn một chặng đường", NXB Âm nhạc - 2011). Cũng vì mê nghiên cứu Xoan - Ghẹo mà Cao Khắc Thùy không muốn rời xa mảnh đất Phú Thọ; dù từ năm 1965 -1968, ông học đại học Khoa sáng tác và tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam, rồi từ năm 1978 - 1980 ông thực tập sinh ở Viện Hàn lâm Âm nhạc Liszt (Hunggari), sau đó lại trở về Phú Thọ tiếp tục nghiên cứu Xoan - Ghẹo.

Hát Ghẹo ngày xưa được các nghệ nhân ở Phú Thọ gọi là Hát Đúm. Nhưng các nhà nghiên cứu thấy lối hát này không thể gọi là hát Đúm, mà gọi là hát Ghẹo.

Đó là lối hát giao duyên nam nữ trong ngày hội của các làng Nam Cường thuộc xã Thanh Uyên; làng Bảo Vê,  xã Hương Nộn, huyện Tam Nông; xã Hùng Nhĩ, huyện Thanh Sơn… là tục hát nước nghĩa (kết nghĩa) của các làng. Năm nay làng này mời, năm sau làng kia mời, theo chu kỳ hai năm đến lượt một lần. Nơi sở tại chọn đội nữ hát, nơi được mời chọn đội nam cử sang hát. Hát Ghẹo cũng hát trong ngày hội làng, nhưng không hát ở đình làng như Hát Xoan, mà khi tế lễ xong thì các đội kéo về hát ở gia đình. Mỗi cuộc Hát Ghẹo từ chập tối đến sáng hôm sau mới chấm dứt.

Theo kết quả nghiên cứu thì mỗi cuộc Hát Ghẹo tổ chức theo trình tự sau: Khi hai đội nam nữ của hai làng gặp nhau, sẽ mở đầu bằng bài "Ví đãi trầu" do bên nữ chủ nhà hát:

-  Miếng trầu để đĩa bưng ra
Xin anh nhận lấy để mà thở than
-  Miếng trầu để đĩa bưng ra
Có cau có rễ, lòng đà có vôi
Hay là trầu héo, cau ôi
Mà anh lại để trầu mời không ăn.

Cứ thế các cô gái làng lần lượt mời trầu, nhưng các anh không nhận ngay, mà đối đáp lại bằng câu hát: "Miếng trầu ăn nặng bằng chì/  Ăn thì ăn vậy lấy gì trả ơn"… Mời mãi rồi các anh cũng phải nhận trầu và bắt đầu vào màn đối đáp. Vì vậy cả hai đội phải thuộc rất nhiều câu ca để hát đối với nhau. Theo các nghệ nhân, thì phần sang giọng đối đáp này có 36 điệu, và hát hết 36 điệu là vừa đến trời sáng.         

Nhạc sỹ Cao Khắc Thùy.

Nhạc sỹ Cao Khắc Thùy nhớ lại: Từ đầu năm 1957 đến cuối năm 1958, ông và nhạc sỹ Nguyễn Đăng Hòe đã nhiều lần về các làng có Hát Ghẹo để sưu tầm tư liệu, riêng ông, ngoài việc sưu tầm, thì còn học các điệu hát để phổ biến, sử dụng. Bằng cách tổ chức các cụ nghệ nhân tập luyện cho lớp trẻ các tiết mục để đi hội diễn, hay phục vụ các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về vốn dân ca này.

Để nâng cao Hát Xoan, Hát Ghẹo trong hơn nửa thế kỷ qua, nhạc sỹ Cao Khắc Thùy và một số nhạc sỹ khác, trên cơ sở kết quả sưu tầm nghiên cứu, đã chỉnh lý phục dựng, làm sống dậy hàng trăm làn điệu Xoan, Ghẹo cổ; ngoài ra có nhiều làn điệu được phát triển đặt lời mới, phổ biến rộng rãi, phục vụ cho công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị. Riêng về Hát Ghẹo, nhạc sỹ Cao Khắc Thùy là một trong những người có công nghiên cứu và phát triển các làn điệu này, khi ông có hàng chục tác phẩm đã được phổ biến rộng rãi trong công chúng mấy chục năm qua. Đó là các tác phẩm "Ví mời trầu" và "Nhận trầu" (theo âm điệu Hát Ghẹo); "Giữ xóm làng ta" (theo Cách Xoan); "Trồng nhiều chuối ngọt, chè thơm" (theo điệu trồng chuối); "Đồng xanh hẹn những niềm vui" (điệu lúa chín); ca cảnh "Trước lúc chia tay" (theo điệu trống quân Hưng Hóa); Ca cảnh "Trên đồi chè" (theo điệu duyên phận phải chiều - Hát Ghẹo); "Xẻ ván" (điệu xẻ ván); "Tiếng hát trên sông" (chỉnh lý từ điệu Con sáo sang sông - Hát Ghẹo). Đặc biệt ca cảnh "Dưới bóng cây Thiên Tuế" có sự kết hợp cả Hát Xoan, Hát Ghẹo và hát ru Việt Trì, gồm nhiều màn hát, múa đã giành nhiều giải thưởng trong các kỳ hội diễn ở cả địa phương và Trung ương.

Đã ngoài tuổi 75, nhạc sỹ Cao Khắc Thùy hình như vẫn chưa hết duyên nợ với vốn văn hóa cổ miền trung du đất Tổ. Những năm gần đây, do việc đi lại khó khăn hơn, vì sức khỏe không cho phép, ông đã ngồi tổng kết lại hành trình đi tìm Hát Xoan - Hát Ghẹo, cùng những buồn, vui của ông và các đồng nghiệp suốt hơn nửa thế kỷ qua. Cuốn sách "Hát Xoan -  Hát Ghẹo - Dấu ấn một chặng đường" của ông ra đời, được giới nghiên cứu và bạn đọc đón nhận, như một phần thưởng xứng đáng cho những gì ông và đồng nghiệp đóng góp vào việc nghiên cứu nền văn hóa thời đại Hùng Vương.

Cách đây mấy tuần, tôi đến thăm ông, được ông tặng sách. Qua câu chuyện về Hát Xoan - Hát Ghẹo Phú Thọ, tôi có cảm nhận ông mới chỉ vui một nửa. Ông bảo: "Đối với Hát Xoan, nhờ công tác nghiên cứu, phổ biến, giờ đã thành Di sản phi vật thể của nhân loại rồi. Nhưng Phú Thọ không chỉ có Hát Xoan, mà còn có Hát Ghẹo rất đặc sắc, bởi giai điệu rất trữ tình…". Và ông mong muốn các thế hệ sau này tiếp tục nghiên cứu, phổ biến, để không mai một đi một di sản quý của cha ông.

Hà Văn Thể
.
.