NSƯT Tạ Duy Hùng: Người dành cả cuộc đời cho xiếc

Thứ Năm, 30/07/2020, 15:07
Góc quán nhỏ, nhìn ra hồ Hoàng Cầu, hằng ngày, NSƯT Tạ Duy Hùng vẫn hỗ trợ vợ bán caphe, trò chuyện với khách hàng. Cuộc sống bình yên của một nghệ sĩ ở tuổi 80, khỏe mạnh, bình an. Nhưng khi nói về xiếc, những ký ức về những ngày làm nghề sôi nổi và nhiệt huyết lại tràn về trong ông. Ở đó, thời gian như dừng lại.


1.Nhiều năm trước, NSƯT Tạ Duy Hùng vẫn ngược xuôi Bắc Nam dàn dựng tiết mục cho các đoàn nghệ thuật, nhất là các trung tâm vui chơi giải trí cần huấn luyện xiếc thú. Cái lãi lớn nhất của đời xiếc là cho ông sức khỏe, ơn trời, ông vẫn minh mẫn và phong độ. 

Tuổi 80, NSƯT Tạ Duy Hùng vẫn khỏe mạnh, tóc buộc túm, lịch lãm. Ông say sưa kể cho tôi nghe những câu chuyện ngày xưa, thời hoàng kim của xiếc, mà ông cũng góp phần viết nên những trang đáng tự hào nhất trong làng xiếc Việt Nam. Thời đó, gánh xiếc Việt của NSND Tạ Duy Hiển phát triển, huy động lực lượng chính là con cháu trong gia đình. Tạ Duy Hùng, bố mất sớm, 13 tuổi đã đầu quân vào gánh xiếc.

Đoàn xiếc Việt Nam (trong đó có NSƯT Tạ Duy Hùng) được vinh hạnh chụp ảnh với Bác Hồ.

NSƯT Tạ Duy Hùng chia sẻ, điều may mắn lớn nhất trong cuộc đời ông là được làm học trò của NSND Tạ Duy Hiển. Thời trẻ, ông làm xiếc nhào lộn trên không, sau này chuyển sang huấn luyện xiếc thú. Ông là người được NSND Tạ Duy Hiển truyền nghề huấn luyện xiếc thú rất kỹ càng. Đó là sự tận tâm, yêu động vật, hiểu tiếng nói của từng loại động vật. Muốn làm nghề xiếc thú đầu tiên phải làm một công nhân, biết chăm sóc, yêu thương loài vật. 

Những bí quyết và tình yêu mà NSND Tạ Duy Hiển truyền lại cho nghệ sĩ Tạ Duy Hùng đã ngấm vào ông. Cho đến sau nay, khi đã nghỉ hưu, ông còn bận rộn hơn vì những lời mời đi huấn luyện xiếc thú trong Nam ngoài Bắc.

NSƯT Tạ Duy Hùng là một trong những nghệ sĩ xiếc đầu tiên vượt Trường Sơn vào chiến trường biểu diễn phục vụ xiếc cho bộ đội. Ông nhớ lại, đó là năm 1968, ông cùng đoàn xiếc hành quân vượt Trường Sơn, sang Sầm Nưa, mỗi người đươc phát hai bộ quần áo và một đôi giày bộ đội, cùng một số tư trang cần thiết. 

Đường hành quân gian nan, vất vả, thời gian hành quân chủ yếu về đêm. Mất rất nhiều thời gian mới đến được các đơn vị bộ đội biểu diễn phục vụ các chiến sĩ. Nhiều lần cả đoàn thoát chết trong gang tấc khi bị giặc phát hiện, thả pháo sáng và ném bom. Ông chứng kiến, có những nơi, ông vừa biểu diễn, mấy ngày sau quay lại, cả đơn vị đã bị tiêu diệt. 

“Tôi nhớ mãi năm Mậu Tuất, nhận được lệnh hành quân vào Vĩnh Linh, đêm 30 Tết năm đó, tôi nằm ở hầm Vĩnh Linh, không có pháo nổ, không có bánh chưng nhưng ấm áp vì được biểu diễn cho bộ đội xem, xoa dịu nỗi nhớ nhà cho họ và cho cả chính mình”.

Giờ nhớ lại những ngày tháng gian khổ ấy, NSƯT Tạ Duy Hùng vẫn rất tự hào, vì ông đã cùng các nghệ sĩ vượt Trường Sơn vào chiến trường. Ông không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng đã góp một phần bé nhỏ động viên tinh thần các chiến sĩ. Sau những đợt đi biểu diễn ở chiến trường, ông trở về. 

Thời đó, những năm 60-70 của thế kỷ trước, nghệ thuật xiếc rất được quan tâm. Gánh xiếc Việt của NSND Tạ Duy Hiển đã nhiều lần được mời lên gặp Bác Hồ. Chính NSƯT Tạ Duy Hùng cũng được đến Phủ Chủ tịch tiếp đón các phái đoàn ngoại giao đến thăm Việt Nam và biểu diễn xiếc cho họ xem. Cùng với NSND Tạ Duy Hiển, ông đi biểu diễn trong Nam ngoài Bắc, ra nước ngoài giao lưu.

2. Nhưng cuộc đời làm xiếc của ông cũng có những nốt trầm buồn. Ông, cả cuộc đời vất vả, cống hiến, thậm chí nhiều lần đối diện với cái chết. Trên người ông vẫn còn nhiều vết sẹo do tai nạn nghề nghiệp. 

Hồi còn ở gánh xiếc nhỏ của NSND Tạ Duy Hiển ở 310 Khâm Thiên, NSƯT Tạ Duy Hùng biểu diễn xiếc nhào lộn trên không, một lần do sự cố kỹ thuật, ông bị rơi xuống từ độ cao 4m, ngất lịm. Lần đó ông bị gãy xương chậu phải bó thuốc cả tháng. Nhưng ông bảo, thế vẫn còn may mắn, vì đời xiếc chênh vênh. Thực tế, đã có nhiều nghệ sĩ bị những tai nạn khốc liệt phải bỏ nghề. Còn ông, vẫn may mắn được làm nghề đến tận bây giờ.

NSƯT Tạ Duy Hùng.

Ông nổi tiếng nhất ở lĩnh vực xiếc thú. Nhưng cũng vì huấn luyện xiếc thú mà ông dăm ba lần cận kề cái chết. Đó là năm 1959, dân Vĩnh Linh bắt được một con báo đen tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thủ tướng tặng lại đoàn xiếc nên mang về huấn luyện. Cụ Hiển giao cho NSƯT Tạ Duy Hùng chuẩn bị tập huấn luyện. 

Những con báo rừng hoang dã, nguy hiểm, coi con người là kẻ thù, vì thế phải làm thế nào để xóa bỏ ranh giới hận thù trong nó. Ông vẫn còn nhớ lời NSND Tạ Duy Hiển dạy như thế. 

Bền bỉ 3 tháng trời, ông gần gụi, chăm sóc, cho báo ăn, làm quen với nó, kiên trì và nhẫn nại. Sau 3 tháng, NSƯT Tạ Duy Hùng mới vào được một mình với con báo và bắt đầu những tiết mục biểu diễn đầu tiên. Sau một cú nhào lộn, ông thường cho báo ăn thịt gà, nhưng lần đó, nó bỏ gà nhảy bổ vào mặt Tạ Duy Hùng, đến giờ vẫn còn 4 vết sẹo. 

Sau cú tai nạn kinh hoàng đó, cụ Hiển hỏi ông có muốn huấn luyện xiếc thú nữa không, ông vẫn điềm đạm trả lời: “có”. NSND Tạ Duy Hiển mỉm cười hài lòng: “Có như thế mới theo nghề được”. 

Lần tai nạn thứ 2 cũng kinh hoàng không kém khi ông cùng đoàn xiếc đi biểu diễn ở Nam Định. Hai con báo cắn nhau, một con nhảy ra ngoài, ông vội vàng cầm lấy đuôi con báo kéo lại và bị nó cắn một vết dài mấy gang tay, giờ vẫn còn sẹo. “Nghề xiếc thú sinh nghề tử nghiệp. Nếu không đủ tình yêu và lòng dũng cảm thì tôi đã bỏ cuộc”. 

Ông tâm sự. Năm 1962, cụ Trần Duy Hưng - lúc đó là Chủ tịch thành phố Hà Nội tặng đoàn một con gấu nặng 1 tạ rưỡi. Chỉ một tuần sau, ông đã huấn luyện và đưa nó ra biểu diễn. Bởi ông không ngừng học hỏi, khi sang Nga (Liên Xô ngày đó) biểu diễn, ông tự hỏi, sao các nghệ sĩ có thể làm được nhiều tiết mục hay như thế với gấu. Ông lọ mọ dậy sớm xem họ tập để học hỏi và lần đầu tiên, ở Việt Nam năm 1974, ông đã huấn luyện được 5 chú gấu ngồi trên bục và chào khán giả đều tăm tắp. 

“Làm nghề này phải đam mê và trách nhiệm mới làm được, vì nghề vất vả, độc hại, người suốt ngày hôi hám, hai cánh tay lúc nào cũng có sẹo và rớm máu. Đi biểu diễn, các nghệ sĩ có thể tranh thủ tham quan, thưởng lãm, còn tôi, lúc nào cũng canh cánh lo cho đàn thú của mình”.

Ông đã sống một cuộc đời say mê và cống hiến. Dù nghỉ hưu, ông chỉ là Trưởng đoàn xiếc thú với thu nhập khiêm tốn, chưa ráo mồ hôi đã hết tiền. Ông có chút ngậm ngùi. Thế hệ ông, cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật, vào chiến trường nhưng sự ghi nhận cũng chưa tương xứng. Những đóng góp lặng lẽ ấy, hy sinh ấy làm sao có huy chương mang về. 

Thế mà, sau này, các danh hiệu lại chủ yếu căn cứ vào huy chương. Đó là một thiệt thòi cho các nghệ sĩ thế hệ đi trước. Đây cũng là một vướng mắc mà nhiều năm qua, đợt xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND nào cũng khiến các nghệ sĩ chạnh lòng buồn. Ông cũng vậy, khi tôi hỏi ông về việc làm hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND, ông bảo, ông đã dành cả cuộc đời làm việc, ông không thể tự mình đi xin danh hiệu.

Sau này, con trai ông, NSND Tạ Duy Ánh cũng theo nghiệp bố làm xiếc. Nhưng ông luôn khuyên con tỉnh táo đi bằng hai chân, vừa làm nghệ thuật vừa làm kinh tế để nuôi sống gia đình và phát triển nghề. Giờ con trai ông là Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam. 

Ông tự hào vì hiếm có gia đình nào ở Việt Nam có 3 đời làm xiếc như dòng họ Tạ nhà ông. Xiếc có những ngắt quãng và thời thế cũng đã nhiều thay đổi. Chỉ có những tình yêu như thế hệ ông có lẽ không bao giờ thay đổi.

Bảo Linh
.
.