NSND Quang Chí:Giọng cải lương kỷ lục thành Nam

Thứ Năm, 30/03/2017, 08:57
Nghệ sĩ cải lương Quang Chí sinh ra trong một gia đình nội tộc ở Nam Định có tới gần hai chục nghệ sĩ cải lương và kịch nói. Ba anh em ruột của anh đều là Giám đốc Đoàn, hoặc Nhà hát cải lương. Ông nội là nhà soạn kịch nổi tiếng Nguyễn Đình Nghị, còn bố mẹ đều là nghệ sĩ cải lương ở Đoàn An Lạc, tiền thân của Đoàn Cải lương Nam Định ngày nay...


Ký ức từ những lời ru bên cánh gà sân khấu

Đúng là Quang Chí được sinh ra bên cánh gà sân khấu cải lương An Lạc, vào những năm tháng sôi nổi nhất. Bố mẹ anh là nghệ sĩ của đoàn nên thường mang theo anh đi biểu diễn khắp nơi. Những làn điệu âm nhạc ngân nga như tiếng ru cậu bé nằm nôi u ơ bên cánh gà. Cứ thế, cậu bé ngủ trong cơn mơ của tích tuồng diễn trên sân khấu.

Nhiều tối cậu ngồi dậy xem bố diễn trong cơn say rượu. Thế là cậu âm i khóc theo một giai điệu cải lương mà không hề biết. Đến khi cậu chập chững bước đi đầu tiên chính là khi bước ra sân khấu đón mẹ về phòng tẩy trang. Rồi nhiều lúc còn nghe mẹ ca những lời u buồn của vai người góa phụ chờ chồng.

Cứ vậy, Quang Chí nhập tâm những đường đi nước bước cùng những điệu cải lương thấm dần như máu thịt cuộc đời không thể khác. Một tư chất nghệ sĩ cải lương đã hình thành trong anh từ thuở ấu thơ…

Khi người anh ruột là nghệ sĩ Mạnh Tưởng nổi như cồn, với giọng hát cải lương thiên phú chinh phục khán giả khắp nơi thì năm 1967, cậu em Quang Chí ở tuổi 14 mới được tuyển vào đoàn cải lương An Lạc. Dù ở tuổi thiếu niên, giọng hát còn đang phát triển, nhưng được cái duyên sân khấu nên Quang Chí sớm được đi diễn cùng các cô, các bác.

Từ đó, Quang Chí nghe lời dạy của bố mẹ, chăm chỉ luyện hát để được bằng anh bằng em, phấn đấu để được đóng vai trong vở diễn. Quang Chí bắt đầu những cuộc viễn du đầu tiên là diễn vai, ca hát trong địa đạo tại mặt trận Bình Trị Thiên, hồi 1968. Từng tốp ba nghệ sĩ được đoàn chia ra để đi sâu vào mặt trận. Có những cuộc pháo kích của Mỹ ngụy công phá, găm đầy những mảnh đạn bên chiến hào, nhưng Quang Chí vẫn say sưa hát phục vụ các chiến sĩ. Nụ cười và tiếng hát đã vượt qua cái chết. Những câu ca cải lương ngọt ngào, đậm chất quê hương của Quang Chí đã khích lệ tinh thần hăng say của các chiến sĩ mỗi khi bước vào trận đánh. Những ký ức "Tiếng hát át tiếng bom" ngày ấy không bao giờ phai mờ trong tâm trí người nghệ sĩ trẻ.

Vài năm sau, giọng ca Quang Chí đã có màu sắc riêng, với độ ngân vang ngọt ngào, trong trẻo. Nhất là sau lần được đi tập huấn ca cải lương, năm 1970 trở về, giọng hát của Quang Chí càng thu hút khán giả. Nhưng trong đoàn có những nghệ sĩ đã nổi tiếng, sung sức trên sân khấu, nên chờ đến khi trở thành kép chính, với Quang Chí không dễ dàng chút nào.

Nhưng Quang Chí không hề nản lòng, anh kiên trì tập luyện, chăm chú học hỏi nghệ thuật diễn xuất của từng người. Cho đến khi đoàn được chuyển đổi thành đoàn nhà nước, mang tên Cải lương Nam Định cũng vậy.

Quang Chí luôn luôn là người thuộc tất cả các vai diễn, không những đường nét trên sân khấu mà cả lời ca, trong mọi cung bậc buồn vui. Quả đúng là thời cơ đã đến đối với những ai kiên nhẫn chờ đợi. Một lần, nghệ sĩ nổi tiếng Thanh An đóng vai Hoàng Bá Hiền trong vở "Vì nghĩa quên mình" bị ốm giữa chừng khi đang diễn trên sân khấu.

Để phục vụ người xem, không thể bỏ dở giữa chừng, đoàn xin phép khán giả cho người khác đóng thay vai chính. Quang Chí đã được chỉ định đóng thế nhân vật Hoàng Bá Hiền. Đó quả là một chuyện hy hữu, "thời cơ vàng" cho một nghệ sĩ trẻ như Quang Chí được thể hiện tài năng. Anh ra vai ngọt như không, người nghe bị cuốn hút và đâu còn nghĩ đó là một nghệ sĩ đóng thế.

Mạch lạc từng chi tiết và giọng ca mùi mẫn, ngọt ngào, thể hiện sâu sắc nội tâm vai diễn Quang Chí bắt đầu được định danh từ đó, khi anh vừa tròn 23 tuổi. 

Lại nhớ chuyện sau khi miền Nam được giải phóng, đoàn được mời vào diễn tại tỉnh Minh Hải. Đoàn mang đi vở diễn "Tôn Ngộ Không đánh bạch cốt tinh". Nghệ sĩ nổi tiếng Ba Bái "độc quyền" vai Tôn Ngộ Không trong nhiều năm. Ông giỏi võ quyền, múa rất dẻo và nhào lộn hơn người khi ra vai họ Tôn. Nhưng để chiều lòng khán giả miền Nam, xứ sở của cải lương hàng trăm năm qua, đạo diễn và tác giả bàn viết thêm một màn, cho Tôn Ngộ Không ca vọng cổ.

Diễn viên Quang Chí trong vai Trần Hưng Đạo.

Nhưng vì nghệ sĩ Ba Bái hát cải lương lại không hay, nên phải nhường vai diễn ở màn ba cho Quang Chí đóng thế, với mục đích ca cải lương cho khán giả nghe. Vậy là thêm một lần giọng ca của Quang Chí được khẳng định trong tình huống trời cho như vậy. Cũng từ đó, Quang Chí được trở thành kép chính của đoàn trong các vở diễn. 

Những vai diễn để đời

Nghệ sĩ Quang Chí là một trong những người vừa làm quản lý, vừa làm diễn viên, ngay từ khi được bầu làm Phó trưởng đoàn, năm 1989. Anh liên tục hát, diễn các loại vai, đoạt nhiều huy chương. Nhưng có lẽ đỉnh điểm, khẳng định một giọng ca cải lương Quang Chí đặc sắc nhất của Nam Định vào năm 1994.

Đó là dịp vào Hội diễn Miền Duyên Hải, tổ chức tại Thái Bình, nghệ sĩ Quang Chí đóng vai Giám đốc Nghĩa trong vở "Xin đừng lầm lỡ". Anh đoạt liền hai giải cao nhất. Huy chương Vàng cho vai diễn chính và Giải Nam nghệ sĩ xuất sắc nhất.

Vài tháng sau, tên Quang Chí lại được hai lần xướng lên, trong cuộc thi "Giọng hát hay cải lương phía Bắc", tổ chức tại Hà Nội. Một là Huy chương Vàng đơn ca và Giải Nam xuất sắc nhất. Vậy là nghệ sĩ Quang Chí xác lập một kỷ lục về giải thưởng với 4 giải cao nhất trong một năm mà sau này chưa ai có được.

Năm 1997, Quang Chí làm Trưởng đoàn Cải lương Nam Định và được trao danh hiệu NSƯT. Tuy vậy, anh vẫn say mê hát, diễn vở như thuở ban đầu và liên tục nhận Huy chương Vàng các vai diễn: Giáo sư Lân (vở "Cánh cửa hy vọng"); Giáo sư Hoàng (vở "Hoa đời chớm nở"); hoặc nhân vật Trần Hưng Đạo (vở "Đức Thánh Trần", Huy chương Vàng năm 2009); và đặc biệt, vai Trần Thủ Độ (vở "Tình sử vương triều"; Huy chương Vàng, năm 2010)…

Đến năm 2012, anh được phong danh hiệu NSND. Anh là người đầu tiên của tỉnh Nam Định được phong danh hiệu cao quý này. Sau khi về hưu năm 2013, NSND Quang Chí vẫn say mê diễn và tham gia đào tạo các nghệ sĩ trẻ. Tính đến nay, anh đã nhận tới 20 bộ huy chương qua 40 năm biểu diễn, với nhiều màu sắc vai diễn khác nhau, từ chính diện đến phản diện. Tâm sự về cuộc đời người nghệ sĩ, anh nhớ nhất là vai Trần Thủ Độ.

Đây là một nhân vật lớn trong lịch sử triều Trần. Anh đã phải bỏ hàng năm trời nghiên cứu lịch sử và cuộc đời Trần Thủ Độ để tạo dựng hình tượng nhân vật. Nhất là có những câu hát, anh đã bỏ công sức luyện trong nhiều đêm để thể hiện hồn cốt nhân vật, thủ lĩnh của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất, với câu nói nổi tiếng: "Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo".

Vấn vương nỗi nhớ

Nếu tính đến NSND Tuấn Hải (Đoàn Kịch Công an), gọi Quang Chí là cậu, thì hiện gia đình anh có tới 3 người được nhận danh hiệu NSND. Nhưng có lẽ chuyện bất ngờ nhất, trong Hội diễn sân khấu cải lương năm 2009 tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, cả ba anh em ruột của gia đình anh đều tham dự. Họ đều đã từng là Giám đốc của các đoàn Cải lương và đoạt danh hiệu NSND. Hình ảnh đó được báo chí TP Hồ Chí Minh nêu như một hiện tượng thú vị nhất. 

Câu chuyện giữa tôi và NSND Quang Chí ở ngay bên cánh gà sân khấu của Đoàn Cải lương Nam Định, trên con đường Trần Hưng Đạo.

Hơn 40 năm trôi qua, NSND Quang Chí bồi hồi cầm vạt cánh gà sân khấu trên tay, như đang nhớ lại những lời mẹ từng ru anh: "Rồi mai này con thương nghề bước theo cha mẹ/ Lắt lay kiếp đời nhưng mà được hát cải lương/ Rồi yêu, rồi thương, cho dù khó khăn con chịu/ Con sẽ yêu hoài, thương hoài, yêu kiếp cầm ca…". Và đúng thế, NSND Quang Chí đã trọn đời dâng hiến cho kiếp cầm ca ấy, với niềm say mê, sáng tạo không mệt mỏi. Anh quả xứng danh ông hoàng cải lương đầu tiên của thành Nam.

Vương Tâm
.
.